1. Dân Nam ta ăn tết năm sau bao giờ cũng to hơn năm trước.
Khi yên hàn đã vậy, mà lúc can qua cũng vậy!
Cái lý ăn tết to của người Việt bao giờ cũng cảm động. Vì họ đã hàng năm, hàng đời đổ mồ hôi nước mắt, bươn chải cơm áo, vun đắp cộng đồng. Lắm khi đổ cả máu xương giữ làng, giữ nước.

Chùa Hoa Yên cùng với toàn bộ hệ thống chùa Yên Tử nằm hài hòa giữ thiên nhiên hùng vĩ
Biết bao mâm cỗ tết là để khao quân, thưởng công đánh giặc. Tướng sĩ thân mình còn vương lửa đạn, chợt gác súng gươm, về nhà ăn tết. Xuân náo nức làm sao trong ngày giang sơn sạch bóng xâm lăng. Cơm rượu ấy cũng là để tưởng nhớ bao anh hùng liệt sĩ mà xác thân gửi chốn sa trường, chỉ có hồn về làm chư vị vui vầy với mọi nhà. Nói như vua Trần Nhân Tông giữa ngày xuân Ất Dậu (1285), thì quả là cái lý ăn tết to của người Việt thật hào sảng: “Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh / Tiên niên du hý tích niên du” – Ý là, bốn biển sáng trong, đất trời yên bình (vì sạch bóng xâm lăng), tết năm nay du xuân, vui chơi ca hát bằng nhiều tết trước dồn lại…

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan – Buôn Ma Thuột
2. Những năm xưa trước thời hiện đại, cứ tết đến là người người từ khắp ngả đường, xóm phố đổ về sân sướng, điện tòa Tam giáo mà họp hội Xuân. Vẫn rượu thịt, bánh chưng, cây nêu, tràng pháo ấy mà sao tết năm nào cũng như to hơn, vui hơn. Ai ai cũng được no say và bổ dưỡng tâm tính bên các bậc đức thánh nhân thần, mà thuở bình sinh từng ban phúc phận giang sơn, cơm áo cho người Việt. Nay thì, thêm vào số kiến trúc Tam giáo ngày trước là những đền miếu, khu tưởng niệm hiện đại. Người Việt càng mặc sức hành hương, lễ tết. Nhân ngày xuân, xin bày tỏ mấy cảm nghĩ về các kiến trúc ấy:
Sau 1975, nhiều đền miếu, khu tưởng niệm được trùng tu, xây mới. Ngay số công trình gọi là trùng tu thì cũng nhân thể làm lại to đẹp hơn trước và bổ sung thêm hạng mục mới lạ. Chẳng khác xây mới là bao. Hầu hết từ cấp quận huyện trở lên (cá biệt, cấp làng xã) đã thực hiện những dự án lớn. Trong đó, không ít dự án chứa đựng nội dung lịch sử, văn hóa – giáo dục to lớn được Chính phủ trực tiếp đầu tư, chỉ đạo thực hiện. Thêm vào đó, các ngành, các cấp chính quyền, hoạch định chính sách từ trung ương đến địa phương còn trù liệu những ảnh hưởng tích cực từ phía nghệ thuật kiến trúc đền miếu, khu tưởng niệm hiện đại đối với phát triển kinh tế xã hội. Nhiều trường hợp mời gọi đầu tư lớn, khuyến khích thiết kế thật hoành tráng, kể cả huy hoàng. Lại kèm theo hàng loạt hạng mục nghỉ ngơi, vui chơi giải trí gần đó, đặng tạo nên nơi chốn hành hương, tìm về cội nguồn lý tưởng…Các nhà thiết kế xây dựng đền miếu, khu tưởng niệm hiện đại luôn nhận được sự ưu ái của toàn xã hội. Họ hăng hái tổng kết sự nghiệp dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc bằng tác phẩm.

Chùa Phước Tường
Hào sảng phải là phẩm chất của những đền miếu, công trình tưởng niệm các nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng đời mình khai sinh ra nền Dân chủ Cộng hòa và chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ. Thế nhưng, ngoài một số ít đền đài tưởng niệm ở chừng mực nhất định đã tiếp cận được mong muốn khát khao ấy, còn lại đa phần là các nhà thiết kế kể lể sự kiện lịch sử, tô vẽ công trạng của người đã khuất bằng một thứ ngôn ngữ kiến trúc rườm rà, phỏng dựng tự phát. Khá phổ biến là cảnh tượng lấn sân sang ngành bảo tàng, tìm kiếm hình thức từ một vài hiện vật hay biểu trưng đã nhàm.
Thêm nữa, có nhà thiết kế không vượt qua được rào cản nghề nghiệp để có thể (chừng mực) địa phương hóa nghệ thuật dân tộc. Nhất là về điêu khắc và trang trí. Đó là điều nên làm ở kiến trúc tưởng niệm có liên quan trực tiếp đến lịch sử địa phương, sự hình thành lòng yêu nước và công trạng nổi bật của đức thánh nhân thần. Thành thử, vô số đền miếu, khu tưởng niệm hiện đại như thể cùng một khuôn đúc mà ra. Về kiến trúc, có thể chia các đền miếu, khu tưởng niệm hiện đại ra làm ba nhóm nghệ thuật.

Chùa Bái Đính đã thể hiện sự hoành tráng về quy mô nhưng tính truyền thống và thân thiện vẫn còn là 1 câu hỏi
Nhóm thứ Nhất
Tạm gọi là “Nhóm đình chùa hóa”. Đa phần số công trình khang trang đẹp đẽ và ít điều tiếng là thuộc nhóm này. Nhưng cần để tâm, điều đó chỉ ứng với những kiến trúc quy mô vừa và nhỏ. Còn thì hiếm thấy công trình, quần thể lớn hay cực lớn nào vừa thỏa mãn tham vọng của nhà thiết kế, vừa thỏa mãn được tình cảm của công chúng. Càng nhân gấp bội về quy mô, càng dày công sao chép từng ly từng tí cấu trúc và trang trí truyền thống, nhà thiết kế càng phơi bày kết quả tiêu cực.
Nhóm thứ Hai
Nhóm này đệ trình sự mô phỏng văn hóa kiến trúc của một số nhà thiết kế bạo tay ôm đồm kiểu dáng, thu lượm đề tài trang trí thuộc đủ thứ kiến trúc tôn giáo trong và ngoài nước. Họ say sưa với non nước, ao hồ, bảo tháp, lầu son, rồng phượng… Bất chấp chúng có thích hợp, có chân thực như lẽ đời của người Việt, có quyết liệt và đầy chinh phục hậu thế như sự nghiệp lúc sinh thời của các chư vị…hay không?
Người đời có cảm tưởng, khi thiết kế đền miếu hay khu tưởng niệm hiện đại nhiều kiến trúc sư ưa lạm dụng bộ mái dốc truyền thống danh tiếng của người Việt. Điều đó hoàn toàn khả dĩ, nếu như chính họ có thể bố cục lại bộ vì, khung toàn nhà và mái lợp cho êm thấm. Đương nhiên, đó có thể là những bộ vì gỗ, gỗ kết hợp bê tông cốt thép hay thuần bê tông cốt thép. Chất liệu lợp cũng có thể cải biên…Dường như bề ngoài ngạo mạn của công trình thuộc nhóm thứ Hai, ngay từ buổi khánh thành đã bị lu mờ trước thiện cảm của công chúng luôn sẵn dành cho các đền miếu, vốn được xây dựng từ trước thế kỷ XIX.
Nhóm thứ Ba
Nhóm này không nhiều tác phẩm bằng hai nhóm đầu. Trong đó, có một vài nhà thiết kế mong muốn bứt phá sang mảng miếng mô đéc. Họ dồn cảm hứng sang khuôn sáo biểu hiện của châu Âu cách đây nửa thế kỷ (có khi hơn). Hoặc, ăn theo ý tưởng nhà bảo tàng, nhà lưu niệm từng được xây dựng đâu đó trong ngoài nước. Đồ rằng một số nghệ sĩ, kiến trúc sư nhóm thứ Ba đã vay mượn cảm hứng người khác, rồi dùng nghệ thuật không phải của mình để thể hiện. Khiến cho, cái gọi là những “bứt phá” của họ trở nên xa lạ với sự nghiệp của chư vị – các đức thánh nhân thần được tôn vinh nơi đền miếu hay khu tưởng niệm. Về kiểu dáng kiến trúc, một số tác phẩm thuộc nhóm thứ Ba tỏ ra lạc lối ngay trong lòng nghệ thuật Việt Nam đương đại.
3. Người ngoài cuộc không biết một điều: với cơ man tiền của đổ vào xây dựng, thế mà các nhà thiết kế đã bỏ lỡ cơ hội dùng nghệ thuật của mình để thiết lập một cách chắc chắn và bền vững hệ thống đền miếu, khu tưởng niệm hiện đại. Từ đó có thể làm bừng lên nỗi khát khao ngàn đời của người Việt, biểu dương Quốc gia – dân tộc trong thời đại mới, phấn chấn bước vào kỷ nguyên xây đắp nước nhà phồn vinh?
Chỉ biết, vui xuân Quý Tỵ trang tặng anh chị em đồng nghiệp đôi câu đối:
Dựng nhà đã khó; Làm đền miếu còn khó hơn; Làm kiến trúc Tâm linh hào sảng là khó nhất.
Kiến trúc sư tài; Vẽ đền miếu phải tài hơn; Vẽ nên cho bà con ăn Tết to là tài nhất.
Cung chúc Tân niên!
KTS. Đoàn Khắc Tình
Số 1/2013