Cộng sinh Hà Nội

Hà Nội cuối thế kỷ hai mươi…
Ký ức còn sót lại của một cậu bé tiểu học lần đầu ra Thủ đô là những dãy nhà bình dị, tường gạch rêu phong, thâm nâu mái ngói, hàng phố san sát nhau, khiêm nhường và lặng lẽ, ẩn sau nó là cả một khoảng trời lồng lộng thấp thoáng xanh.
Hà Nội những năm ấy vẫn còn đầy những khoảng phố cổ kính, mộc mạc và đơn sơ. Tôi – những năm ấy – mê chụp ảnh và, mặc dù chưa biết thế nào là kiến trúc cả nhưng đã biết yêu Hà Nội qua những kỷ niệm về Hồ Gươm xanh.
       
Hà Nội năm 2010.
Tôi hai mốt tuổi, một sinh viên kiến trúc năm thứ ba trở lại Hà Nội với tâm thế hướng về thủ đô Thăng Long một nghìn năm tuổi. Mang theo nắng gió phương nam, tôi tạm rời xa náo nhiệt thị phố Sài Gòn để lại được đắm mình trong không gian phố cổ, được ngắm nhìn hồ Gươm xanh, nhìn người Hà Nội thanh lịch, nho nhã, muốn đặt chân đến từng “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, háo hức chờ đến những nơi chốn cổ xưa trong lòng Hà Nội. Tất cả những giờ phút có được, tôi dành cả cho sự tham lam của mình.
Hà Nội buổi sáng. Đi trên vỉa hề đầy bụi và mảng gạch bông tróc. Đứng giữa lòng đại lộ, đôi lúc tôi chờ đợi mà không qua được một ngã tư đường vì người xe chồng chéo. Và ngay cả trong giấc mơ đêm về, nỗi trăn trở cũng là những hình ảnh không rõ ràng về một Hà Nội xưa – nay cứ trôi tuột về phía tít tắp xa, tay tôi không thể nào chạm tới, chân tôi mải miết vẫn không sao lại gần.
Người ta ít khi tìm lời giải mã cho những giấc mơ. Nếu có chăng, là một giấc mơ trằn trọc, đau đáu những nỗi niềm riêng. giấc mơ tôi cũng thế, mơ cho Hà Nội lớn lên và chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng Hà Nội sẽ ra sao nếu không còn giữ được những giá trị đã làm nên một thủ đô mà bất cứ ai “dù đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ…”.
Tôi đi tìm một giải đáp cho Hà Nội hôm nay.
Tôi chậm rãi chạm tay vào từng viên gạch, phiến đá để gọi Hà Nội thức giấc trả lời tôi.
Tôi đã đi qua nhiều con đường, nhiều dãy phố, nhiều công trình cũ – mới.
Và tất nhiên, tôi không thể quên hồ Gươm, trung tâm của Hà Nội.
Hít thở thật chậm, tôi đã bước quanh bờ hồ để tận hưởng sự tĩnh lặng vốn có của thắng cảnh này. Mặt hồ xanh êm dịu là dấu gạch nối hoàn hảo giữa khu phố cổ và khu phố cũ. Đôi khi tôi chợt ganh tị với những gì mà Hà Nội có: những mặt hồ, những lá phổi xanh của đô thị cùng bao nhiêu di tích gắn bó với một lịch sử lâu đời mà mảnh đất Sài Gòn nơi tôi đang sống chẳng thể có được. Đúng là Hà Nội có rất nhiều điều tuyệt vời để trở thành một thành phố nghìn năm văn vật. Đảo mắt khắp một vòng hồ, khi lòng vẫn còn đang choáng ngợp bởi không gian trong lành của hồ Gươm, thì cảm xúc trong tôi chợt chững lại khi đứng trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục quen thuộc. Phố đẹp. Hồ vẫn đẹp. Và có lẽ đẹp hơn, giá đừng có sự xuất hiện của một vài công trình hiện đại, to cao. Nổi bật trong đó có anh chàng lực lưỡng: trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp. Tòa nhà chiếm một vị trí không thể đẹp hơn, nhưng dường như không đứng yên lặng bên “phố thâm nghiêm” và trở nên lạc lõng giữa quảng trường bởi khối tích đồ sộ và những phân vị ngang của nó. Tôi ngỡ ngàng, chính những công trình không hề tỏ vẻ nhún nhường hòa hợp với không gian chung quanh này đã vô tình chặt đứt mạch thâm trầm, chảy dọc suốt bờ hồ bình yên.
Bên kia đường, tháp Hòa Phong lặng lẽ nép dưới tán cây già, không phải để ngắm bưu điện thành phố, mà để tìm xem chùa Báo Ân đã đi đâu mất rồi?
Đằng sau trung tâm thương mại kia, có phố nhỏ lặng buồn, suy tư…

 

Tôi sẽ vào phố.
Phố cổ, đơn giản vì tuổi đời tôi đem ra so sánh với phố thì thật là vô nghĩa. Trong trí tưởng tượng vủa tôi, phố là những nhà xưa, thềm cũ, mái nâu tựa vào nhau xếp thành những ô bàn cờ rêu mốc, kiệm lời mê hoặc đến lạ…
Nghĩ thế và tôi khẽ hát. “Phố cổ người thưa thớt bóng người… ngõ nhỏ đường trơn ướt lối về…”. Bài hát của một nhạc sĩ trẻ người Hà Nội. Phố là đây, câu trả lời cho bộ mặt Hà thành, cũng là đây chăng?
Một lần nữa tôi lại thấy đượm buồn.

 

 

Chạy qua từng ngã tư, nhìn vào từng con phố, phảng phất đâu đây vẫn còn phong vị ngày cũ. Một hàng tre nứa, một tiệm chữa đồng hồ… những góc nhỏ đày sức hút nằm đâu đó trên các tuyến phố, trong ngõ, bên vệ đường, nhưng tất cả chúng cũng lại quá bé nhỏ. Hãy nhìn phố mà xem: nhà cũ, nhà mới lẫn lộn vào nhau. Tội nghiệp phố. Một trật tự mới được người ta áp lên bộ mặt của nó.

 

 

Ừ thì, âu cũng tại bởi… trăm ngàn lý do. Thôi thì mình mãi yêu phố, nhưng mình đành đi ngang, rồi đi qua…
Gió mùa táp vào nghe ráp mặt nhưng vẫn đủ để tôi mở mắt nhìn Hà Nội. Này là vô vàn những mái ngói “pháp giả” kiểu Mansard được “úp” vô từ bên những công trình mọc như nấm. Thủ đô nhìn từ mọi góc độ khó phân biệt được lịch sử nhiều tầng lớp của nó, bởi lẽ, có ai để ý đến điều đó khi khoác lên Hà Nội bộ mặt mới cũ đan xen tùy tiện thế kia! Và đây rồi, Phố Nhà Thờ với hai dãy nhà cao nhất cũng chỉ bốn tầng, vậy mà có một cái tên Church hotel sáu tầng chễm chệ ngoi lên, ngạo mạn nhìn Nhà Thờ Lớn, chế giễu chùa Bà Đá nép mình ở mặt ngoài. Và đây, thành phố Hà Nội, mà không khéo đời sau ai cũng nghĩ rằng chỉ vỏn vẹn giới hạn bởi đường Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Diện Biên Phủ, Phan Đình Phùng. Bởi lẽ phần “thành cổ” còn lại đã là đất trụ sở và nhà ở của quân đội từ lâu. Với con số năm tầng, sáu tầng thi nhau mọc lên như thế, tội quá phía bên kia, thành cổ hào hùng, nay chỉ còn là không gian tĩnh lặng, thấp tầng, thậm chí âm tầng đất. Người ta chôn quá khứ xuống những tầng âm đó. Và cũng chôn chặt luôn câu trả lời của Hà Nội xưa. Cuộc hành trình của tôi tưởng chừng như đã khép.
 “Phố Hà Nội buồn như trái tim một kẽ đi lạc, lúc dài lúc ngắn, như trí nhớ của một thằng say”  (Hà Nội – Bùi Sỹ Nguyên)

 

 

Trong tâm thế của một kẽ đi tìm kiếm dang dở, tôi rong ruổi trên chuyến xe hướng về phía những khu đô thị mới nhất của Hà Nội, tạm rời những phố xá trầm mặc, uy nghiêm và cả những ngổn ngang trăn trở của cuộc hành trình dở dang đó.
Hà Nội hiện đã làm nhà cao tầng chen chúc nhau, và đó đây biển báo “công trường đang thi công” nối tiếp nhau trên các nẻo đường. Tôi biết mình đang hướng về một nơi lòng đã muốn đến từ lâu: Trung tâm hội nghị Quốc gia – tòa nhà “Lượn sóng biển Đông”, nơi đã từng tổ chức nhiều sự kiện mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như hội nghị cấp cao Apec, một kiến trúc tiêu biểu cho bộ mặt hiện đại của Thủ đô, của cả nước.
Mái nhà “Lượn sóng biển Đông”, sừng sững giữa khoảng không gian xanh mát trải dài. Kiến trúc gợi cảm về hình ảnh vịnh Hạ Long khiến tôi say mê tưởng có lúc quên rằng mình đang tìm kiếm điều gì. Nhưng cũng chính trung tâm hiện đậi bậc nhất này đã mở ra cho tôi một cánh cửa lớn. Từ trong phòng họp các nguyên thủ quốc gia, nụ cười của chị hướng dẫn viên hướng mắt người qua mảng kính trong vắt ra phía xa nơi khuôn viên cảnh quan xung quanh công trình chính ở đó, thật bất ngờ, tôi phát giác một không gian xưa cũ ẩn khuất trong toàn bộ những mảng xanh và mặt nước: Đền thờ Hoàng Ba. Không gian ấy kết nối với trung tâm hội nghị Quốc gia bằng một con đường uốn cong mềm mại với cảnh quan thân thiện, hài hòa và gần gũi. Tương truyền người làng Mễ Trì xưa đã đã tôn sùng ông Hoàng Ba là vị thần nước và lập đền thờ cúng đến hôm nay. Trải qua hơn một nghìn năm, vẫn còn lưu lại di tích thách thức lịch sử nhiều lần đổi thay.
Câu trả lời mà tôi tìm kiếm, có thể nằm ở đây chăng?
Còn nhớ khi phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long, người ta đã quyết đinh dời vị trí xây dựng xây dựng trung tâm hội nghị về khu đất hiện nay. Và tại một địa thế mới rộng lớn, sự hiện hữu của ngôi đền thờ xa xưa đã khiến cho việc quy hoạch tổng thể trung tâm ít nhiều gặp thử thách. Nhưng một lần nữa, ứng xử trân trọng với quá khứ đã để lại một ấn tượng thú vị cho toàn bộ công trình. Đền thờ Ông Hoàng Ba nằm độc tôn trên đảo nhỏ như sự chở che của hồn thiêng núi sông cho vận mệnh của nước nhà. Chỗ tôi đang đứng cạnh đền thờ, bên tượng đá Rùa thiêng, nhìn thẳng về những nếp lượn biển Đông mạnh mẽ nhưng mềm mại bao dung. Một sự cộng sinh hoàn hảo. Tôi nghe văng vẳng bên tai có giọng ca trù huyền hoặc: “Thi gan cùng tuế nguyệt / Bao lâu, bao lâu rồi? / Mái đình xưa làng biển…”
(Mái đình làng biển – Nguyễn Cường)
Cộng sinh – cộng nay, nối cũ – sinh nguồn mai sau. Tôi ngờ rằng Hà Nội đã nghe thấy, đã đáp lời tôi bằng một minh chứng từ hai tạo vật đẹp đẽ của con người, một đương thời và một xa xưa. Người ta sống “an sinh” khi biết tôn trọng những giá trị văn hóa dân tộc. Sống có trước, có sau và dung hòa với lịch sử của chính mình thì mới tạo được sự yên ổn và phát triển, từ đó không gian sống mới mang một tâm hồn…
Vậy thì kiến trúc Thủ đô sẽ thích nghi như thế nào, người kiến trúc sư sẽ ứng xử ra sao để Hà Nội được an sinh không chỉ một nghìn năm mà còn nghìn năm sau nữa?
 

Tôi ngộ ra một chân lý: quá khứ và hiện tại phải là một mạch chảy liên tục kết nối dây thiêng liêng vào nhau để tạo được sự trường tồn cho một nền văn hóa. Vấn đề là chúng ta – những nhà kiến trúc tương lai – phải tạo nên sự kết nối ấy như thế nào?
Nhưng đó là một việc của một ngày gần đây, khi tôi trở về Sài Gòn ngập nắng. Giờ thì lòng tôi đã trở nên nhẹ nhàng hân hoan để xuống phố đón gió mùa. Tôi ngẩng đầu lên cao nhìn mái chùa rêu phong, những tường thành nghìn tuổi và cúi đầu trước Hà Nội xưa – nay đang cắt những đường viền “xi lu et” trên nền trời xanh thẳm. Ở đó, tôi tin, khi mỗi ngày mới bắt đầu, một mảnh của Thủ đô rất mới mang hồn Thăng Long lại hiện ra.

 

 

Thái Thiện Hảo, Phan Nhân Thọ, Huỳnh Trần Việt Uy
(Sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Giải Nhất thi viết Festival sinh viên Kiến trúc 2010)