Đằm thắm… xanh Hà Nội

Các yếu tố đặc thù – Cơ hội phát triển /Các khu đô thị xanh ở Hà Nội
Các yếu tố đặc thù: Mỗi vùng địa lý, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những nét riêng mà ở vùng khác, dân tộc khác, hay quốc gia khác không có được. Các đô thị ở châu Âu khác với các đô thị ở châu Á, bởi chúng được xây dựng ở những vùng có điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, khoa học công nghệ khác nhau. Cũng như ở Việt Nam, các đô thị ở mỗi vùng, miền đều có tiếng nói riêng, hơi thở riêng. Những “đặc tính” hay những “cái duyên” rất riêng của từng đô thị ấy chính là giá trị thiên nhiên và nhân tạo hợp thành trong cấu trúc tổng thể không gian kiến trúc. Đó cũng chính là sự tổng hoà gần gũi, thân thiện giữa con người và thiên nhiên trong phát triển và tồn tại.

Hồ Tây – "viên kim cương" vô giá có một không hai của Thủ Đô

Các yếu tố thiên nhiên, bao gồm: Đất – Nước – Cây xanh – Khí hậu cùng với các yếu tố Văn hóa và Con người… đã tạo cho Hà Nội những “đặc tính” riêng, dễ nhận biết. Bên cạnh đó, Hà Nội – là Thủ đô, có vai trò, vị trí quan trọng trong nước, khu vực và quốc tế. Tất cả những yếu tố ấy đã tạo cho Hà Nội  trở thành một “Thành phố đặc thù”.
Trong chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ (Năm 2010) đã chỉ rõ: “Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc, Đông, Tây, lại hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh thống khổ ngập lụt. Muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi, xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương trời đất, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế Vương muôn đời”.

Hà Nội là một trong những Thủ đô có nhiều cây xanh nhất trên Thế giới

Đây chính là sự khẳng định giá trị vị trí của Hà Nội, cũng chính là sự khẳng định “thế đất” để xây dựng một Thăng Long – Đông Đô nghìn năm văn hiến.
Cũng như mặt nước, cây xanh – theo quan điểm triết học phương Đông là nằm trong “Đại Vũ trụ”- Thiên nhiên, là sự thống nhất Con nguời – Thiên nhiên – Kiến trúc, mà thiên nhiên ở đây chính là địa hình, cây xanh, mặt nước để phối kết công trình.
Cây xanh – một bộ phận của thiên nhiên, bao đời nay con người đã biết trồng cây để tạo vi khí hậu… trước sân, sau nhà, đầu hiên đều có cách trồng cây và loại cây thích hợp. Cây vườn ngoài việc phục vụ nền kinh tế tự cung tự cấp, phục vụ bữa ăn, thuốc uống còn tạo nên môi trường trong lành. Người dân cũng biết trồng từng tầng, từng lớp, dưới đất, trên giàn, trên cây, dưới ao đều rất hợp lý và hiệu quả.
Bản sắc văn hoá Hà Nội thật dung dị, đời thường, rất con người. Nó được thể hiện ngay trong: đời sống tự nhiên: sinh hoạt đời thường, lễ hội, biểu diễn và sinh hoạt văn hoá văn nghệ, giao lưu; hoạt động tín ngưỡng, huyền thoại, cổ tích; mối quan hệ thiên nhiên và xã hội: trong sự nhận biết: được bộc lộ, được ghi nhận theo thời gian, sự kiện lịch sử, huyền thoại và các biểu hiện đặc trưng rõ nét, định hình và có vị trí ổn định.
Với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình), Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên lên đến trên 3300 km2… gồm ba vùng văn hóa chính, đó là: Vùng văn hóa Thăng Long (trung tâm Hà Nội); Vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam của Hà Tây cũ) và Vùng văn hóa xứ Đoài (vùng phía Bắc Hà Tây cũ). Trong đó, Thăng Long và xứ Đoài là hai vùng có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Cảnh quan vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng trong cấu trúc đô thị Hà Nội

Không gian đô thị Hà Nội được mở rộng, cùng với những tài sản văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị… đang là cơ hội, là khát vọng để có được một Thủ đô “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Đồng thời, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với trách nhiệm của người dân Thủ đô: làm sao để Hà Nội phát triển bền vững, tr­ường tồn; hướng tới một đô thị thanh lịch, hiện đại, giàu bản sắc; có môi tr­ường sống trong sạch, an toàn; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế?! Hà Nội phải làm gì trước cơ hội và khát vọng ấy?… Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội chắc chắn phải dựa trên cội nguồn văn hóa đặc sắc và các giá trị thiên nhiên vốn có của Thủ đô…
Mô hình cấu trúc và tính khả thi phát triển/các khu đô thị xanh ở Hà Nội

Sơ đồ "Hệ thống cấu trúc xanh" Thủ đô Hà Nội

Qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011). Trong đó xác định: Thủ đô Hà Nội là đô thị “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, cơ bản được phát triển theo mô hình chùm đô thị (có cấu trúc gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh) với hệ thống giao thông vành đai, kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ giao thông vùng Thủ đô và Quốc gia.
Mô hình này đã dựa trên một tầm nhìn, một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện, có tính đột phá mang tính bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ hội phát triển đô thị xanh, trước hết điều quan trọng là phải bảo toàn được diện tích hành lang xanh, vành đai xanh và các nêm xanh theo cấu trúc tổng thể đô thị đã được phê duyệt – với tỉ lệ 70% đất dành cho hành lang xanh và 30% đất cho phát triển các chức năng đô thị trên phạm vi toàn thành phố…

Luôn có những khoảng xanh bên các công trình lớn nhỏ

Theo đó, Hà Nội cần có chiến lược duy trì, bảo toàn được hệ khung thiên nhiên cơ bản, có giá trị (mang tính đặc thù), là cơ sở để phát triển/các khu đô thị xanh cho nhiều thế hệ… Đó là đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, có đồi núi, đồng bằng; có hệ thống sông, hồ, cảnh quan thiên nhiên; có hệ sinh thái nông nghiệp gắn với gía trị đặc sắc từng vùng văn hóa (Thăng Long, Sơn Nam Thượng, xứ Đoài) của Thủ đô mở rộng. Hệ khung thiên nhiên này không những góp phần làm tăng chất lượng môi trường sống mà còn tạo nên bản sắc riêng cũng như sự hấp dẫn và tính cạnh tranh cao trong đô thị. Hệ khung thiên nhiên cơ bản này sẽ là nền tảng để duy trì, phát triển “Hệ thống cấu trúc xanh” trong cấu trúc tổng thể của Thủ đô hà Nội.

Sông Hồng – Nơi khởi nguồn của những mặt nước lớn nhỏ…mà Thủ đô hà Nội sở hữu

Mặt khác, sự cần thiết phải coi trọng việc hoạch định, bảo lưu một “Hệ thống cấu trúc xanh” trong tổng thể đô thị Hà Nội cũng chính là nội hàm chiến lược để phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. “Hệ thống cấu trúc xanh” này được hình thành trên cơ sở lấy “Hành lang các con sông lớn”/sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích…, gắn với hệ sinh thái nông nghiệp tạo nên các vành đai xanh chủ đạo và “Không gian xanh, mặt nước các hồ lớn” làm trọng tâm để dẫn dắt lan toả theo các hành lang của hệ thống sông Tô lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ… Hệ thống các hồ lớn như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thanh Nhàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Thanh Trì, đầm Vân Trì, hồ Đồng Mô, Ngải Sơn, Quan Sơn (nguồn nước mặt của hệ thống sông được kiểm soát, đảm bảo không bị ô nhiễm như hiện nay)… ;Hệ thống các công viên lớn trung tâm như công viên Lê Nin, Tuổi Trẻ, Thanh Trì, Mỹ Đình…; Và sự cần thiết có một số công viên tự nhiên (công viên rừng, công viên sinh thái) có qui mô đủ lớn, nhiều trăm hecta ở phía Bắc (Sóc Sơn, Mê Linh), phía Tây (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ…) và phía Nam (Mỹ Đức, Phú Xuyên). Coi trọng việc xây dựng phát triển vành đai xanh vùng sông Hồng, sông Nhuệ, Sông Đáy và sông Tích với các hệ sinh thái đặc trưng về nông, lâm nghiệp, làng nghề truyền thống…

Cây xanh và mặt nước xuất hiện nhiều ở các khu dân cư

“Hệ thống cấu trúc xanh” còn len lỏi vào hệ thống các tuyến đường giao thông, các khu chức năng đô thị của thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh, tạo nên các nêm xanh trong cấu trúc đô thị, góp phần che phủ, giảm nhiệt độ hấp thụ đối với những bề mặt diện tích bê tông đồ sộ của các công trình xây dựng, hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố kiểu mẫu về môi trường (xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững); đồng thời kết nối với hệ thống không gian xanh của vùng Thủ đô. Như vậy, thông qua “Hệ thống cấu trúc xanh” được hoạch định mà hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống trong đô thị Hà Nội là thiên nhiên và nhân tạo đã được nhìn nhận một cách tích cực trong phát triển Thủ đô, hướng tới xây dựng Hà Nội thành một đô thị kiểu mẫu về môi trường. Điều đó cũng sẽ tạo ra cơ hội để Hà Nội trở thành một “Thành phố xanh”/“Đô thị xanh”, phát triển bền vững và đảm bảo để Hà Nội phát triển có bản sắc, có những “đặc tính riêng” – một đô thị “đặc thù” gắn với các yếu tố Đất, Nước, Cây xanh, Văn hóa và Con người Hà Nội – thực hiện được khát vọng mang tính thời đại trước cơ hội về một tương lai đang mở rộng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
TS. KTS. Trương Văn Quảng,
Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng