Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức biến đổi khí hậu

Hơn mười năm trước, tại Hội nghị quốc tế UIA’ 99 Bắc Kinh, giới kiến trúc chúng ta mới chỉ báo động cho nhau về nguy cơ phá hoại môi trường do một thế kỷ công nghiệp hóa quá mức có thể dẫn đến biến đổi khí hậu. Bước vào ngưỡng cửa thế kỷ XXI, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Khắp thế giới không còn nơi nào có thể tránh được thiên tai và cả tai họa do chính con người gây ra: sóng thần, động đất, bão lũ cộng với việc phá rừng, xây dựng tràn lan đập thủy điện, nhà máy điện hạt nhân, khu công nghiệp gây ô nhiễm…
Việt Nam xếp hàng thứ năm trong số các nước bị uy hiếp nặng nề nhất. Chúng ta phải đối mặt với hạn hán gay gắt, lũ lụt kéo dài, mưa bão lớn ngày càng nhiều với cường độ ác liệt hơn, nước biển dâng gây ngập úng và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, những vùng thấp dọc bờ biển làm tổn thất không ít người và của cải.

Thiên tai và nhân họa
Bước sang thế kỷ XXI, loài người đối mặt với nhiều hiểm họa, trong đó, đáng lo ngại nhất là sự nóng lên của trái đất sẽ gây ra nạn đại hồng thuỷ nhấn chìm nhiều khu vực trên hành tinh. Theo dự báo ít bi quan nhất vào năm 1990 của Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thì đến năm 2100, ít nhất mực nước biển tăng 15 cm, trung bình lớn hơn 50 cm và cao nhất là 95 cm. Tuy nhiên, con số đưa ra của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) và Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thì đến cuối thế kỷ này, mực nước biển tăng thấp nhất là 56 cm và cao nhất sẽ là 245 cm. Nếu chỉ căn cứ vào dự báo có phần lạc quan của IPCC, đến cuối thế kỷ sẽ có từ 2 đến 2,5 triệu hecta đất của ĐBSCL và từ 1 đến 1,5 triệu hecta đất của đồng bằng sông Hồng ngập chìm trong nước biển!
Hãy nhìn vào các bản đồ và các biểu bảng dữ liệu mới nhất về sông Mekong thì ta sẽ nhìn thấy ngay dòng nước cạn kiệt gây ra xâm nhập của nước biển và nạn ngập mặn, thiên tai tràn đến là do rừng nhiệt đới bị bức tử, xây dựng tràn lan hàng chục đập nước (thủy lợi và thủy điện) suốt dọc thượng nguồn Mekong. Đương nhiên Mekong sẽ cạn kiệt, biển hồ Tonlesap hết giữ vai trò điều tiết nước, lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ sẽ bất thường hơn và diện tích ngập mặn ngày càng lan rộng.
Ngoài ảnh hưởng chung, biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân những bất cập trực tiếp như sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập úng sâu kéo dài ở những vùng trũng, bão nhiệt đới xâm nhập đến những nơi mà trước đây được cho là an toàn, ít bị thiên tai.


Chiến lược và giải pháp quy hoạch kiến trúc
ĐBSCL không chỉ là một vùng sinh thái đặc biệt đa dạng mà còn là một vùng đất bảo đảm chiến lược về an ninh lương thực quốc gia. Do thiếu chiến lược và giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng gia tăng theo tỷ lệ thuận với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa.
Vấn đề lũ lụt, ngập mặn cần phải được đánh giá đúng trước khi đưa ra các chương trình chiến lược cho việc bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, phải chăng các giải pháp quy hoạch kiến trúc đề ra cho đến nay hiếm khi đạt tiêu chí : vừa tận dụng nguồn lợi ích từ lũ lụt (như phù sa làm đất thêm màu mỡ), vừa đảm bảo an toàn và chất lượng đời sống cho người dân (nguy cơ gây thiệt hại về người và cơ sở vật chất, gia tăng nạn ô nhiễm môi trường).
Tập quán dân gian “sống chung với lũ” từ bao đời của người dân Nam Bộ nhằm thích ứng với “mùa nước nổi” cùng lũ lụt hàng năm ngày càng được khẳng định, nhất là sau nhiều năm cố gắng làm đê đập chống lũ rất tốn kém mà ít hiệu quả. Nhưng phải “sống chung với lũ” như thế nào đây vào thời đại mới, trong bối cảnh tiến bộ công nghệ vượt bực và việc san sẻ nhanh chóng thông tin và kinh nghiệm đối phó biến đổi khí hậu toàn thế giới?


Qua kinh nghiệm quy hoạch tại một số vùng bị lũ lụt tương tự trên thế giới, các nguyên tắc chiến lược sau cần áp dụng trong việc định hướng quy hoạch bền vững “sống chung với lũ” cho vùng ĐBSCL:  
-Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý quy hoạch đa ngành
Phải nhìn nhận: trong quá khứ ngân sách dành cho nghiên cứu hiện trạng và dự báo rất hạn chế, dẫn đến việc các đề xuất quy hoạch và phát triển thiếu nền tảng cơ sở khoa học chính xác. Ngày nay, chi phí cho phần mềm và việc nhập các dữ liệu vào hệ thống thông tin không còn cao như trước. Hầu hết các thành phố tại các nước tiên tiến đều sử dụng công nghệ tiên tiến (như GIS, WaterRide, GeoWeb) trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản lý quy hoạch kiến trúc. Nhiều nơi còn cho phép truy cập tự do hệ thống thông tin này từ mạng Internet.
Công nghệ tiên tiến này cho phép các Sở, Ban, Ngành chia sẻ thông tin về hiện trạng lẫn các dự án trong tương lai, do đó các ban ngành có thể phối hợp với nhau một cách rất hiệu quả.
Ví dụ như thông tin về mức nước lũ lụt sẽ được cung cấp kịp thời để đáp ứng công tác quy hoạch bền vững. Nhờ có các thông tin này, các cơ quan quản lý có thể dự trù được tình huống xấu nhất nhằm đề ra các giải pháp đối phó.

-Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế theo hướng nông ngư nghiệp, du lịch và công nghiệp nhẹ ít gây ô nhiễm
Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đang khuyến khích việc công nghiệp hoá. Đây là một xu hướng cần sớm được cảnh báo để các nhà lãnh đạo thận trọng trong các quyết định của mình, vì không phải tất cả các vùng đất tại ĐBSCL đều có thể công nghiệp hoá.
Các vùng thường xuyên bị lũ lụt thì vẫn nên khuyến khích việc phát triển thế mạnh của mình về nông ngư nghiệp và các ngành kinh tế không gây ô nhiễm, bởi vì nguy cơ ô nhiễm lan rộng đến mức không kiểm soát nổi khi có lũ lụt là rất lớn, trong đó chi phí cải tạo về sau có thể cao hơn rất nhiều lần lợi ích mà công nghiệp hoá có thể đem lại cho vùng đất đó.
-Bảo đảm hệ thống giao thông huyết mạch đường bộ và thủy vận hành được trong mọi tình huống
Để chuẩn bị cho một chiến lược phát triển bền vững có kế hoạch, vùng ĐBSCL cần gấp rút phát triển một hệ thống giao thông huyết mạch có thể vận hành trong mọi tình huống, trong mùa lũ lẫn mùa khô.
Hệ thống giao thông huyết mạch này phải bao gồm:
-Tuyến Nam-Bắc nối liền trung tâm các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL với các tỉnh thành quan trọng ở phía Bắc, phục vụ cho nhu cầu kết nối giao thông quốc gia của toàn vùng.
-Tuyến Đông-Tây kết nối với tuyến đường Xuyên Á và nối ra biển, phục vụ cho nhu cầu kết nối giao thông quốc tế của toàn vùng.
-Tuyến giao thông nối liền trung tâm các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL với nhau, giúp cho việc sơ tán dân cư và tương trợ lẫn nhau giữa các tỉnh thành được mau chóng và hiệu quả nhất.


Năm 2008, Viện Thiết kế Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đã đề xuất mạng lưới giao thông huyết mạch, tuy nhiên nó chỉ mới dựa trên hiện trạng và tài nguyên đất dự trữ. Do đó vẫn cần nghiên cứu lại với sự cập nhật trên thông số khoa học về mức nước lũ tương lai, để đảm bảo hệ thống giao thông huyết mạch này có thể vận hành trong mọi tình huống. Điều này có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng – khi bị ngập lụt thì người dân được sơ tán nhanh, giảm thiểu thiệt hại về người, và các vùng không bị lụt gần đó có thể tương trợ nhanh chóng. Tại Hoa Kỳ, chính hệ thống đường giao thông chiến lược này giúp họ có thể ứng phó nhanh trong việc cứu trợ người dân thành phố New Orleans khi bị thiên tai và lụt lớn sau cơn bão Katrina vào năm 2004.
-Xây dựng các vùng và khu vực chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ lụt
Một vấn đề gây bức xúc hiện nay là tình trạng thiệt hại cao về người và tài sản, dù cho lũ lụt là việc thường xuyên xảy ra tại ĐBSCL và việc dự đoán chúng theo phương pháp khoa học là điều hoàn toàn khả thi. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục tìm tòi các giải pháp hiệu quả cho công trình chống lũ hoặc sống chung với lũ, các địa phương thường xuyên bị lũ cần định vị và thiết lập một mạng lưới các khu vực trung tâm mang chức năng ưu tiên không chịu ảnh hưởng lũ.
Các khu vực trung tâm này sẽ được tổ chức trên vùng đất cao và có thể bao gồm các chức năng: Trung tâm kinh tế, xã hội, hành chính; tuyến giao thông đường bộ huyết mạch; các hạt nhân phát triển tại vùng lũ, với một hoặc nhiều chức năng (như bệnh viện, trường học, dịch vụ và đời sống, trung tâm điều hành và phục vụ tạm cư trong mùa lũ, cơ quan chính quyền địa phương) để đảm bảo cho việc sinh hoạt thường ngày của người dân trong mùa lũ ít bị xáo trộn hơn.
-Nguồn ô nhiễm công nghiệp và dân dụng được cách ly, để bảo đảm trong tình huống xấu nhất, nguy cơ ô nhiễm không lan rộng ra toàn vùng do tác nhân lũ lụt.
-Khoảng cách giữa các khu vực trung tâm cần được tính toán làm sao cho việc sơ tán và trợ giúp người dân hiệu quả, nhanh chóng và kinh tế nhất.
-Trường hợp vùng nước lũ phủ kín 100%, không thể lập các khu vực kiểu này thì có thể áp dụng mô hình “cụm trung tâm sống chung với lũ” như trong hình vẽ dưới đây, trong đó các công trình được bố trí thành nhóm và xây theo kiểu nhà sàn có hành lang mái che bê tông cốt thép (BTCT) nối liền với nhau. Trong mùa khô, phần không gian tầng trệt được sử dụng cho các chức năng thương mại và kho bãi có mái che. Tầng trên là các công trình phúc lợi như trường học, bệnh xá, văn phòng, … Vào mùa lũ, phần trệt sẽ bị ngập, phần mái BTCT được sử dụng như sàn nổi có các mái kết cấu nhẹ che tạm, cung cấp mặt bằng cho việc sơ tán người tạm cư và cơ sở vật chất. Giao thông giữa các trạm sẽ là thuyền bè. Như vậy, sinh hoạt thường ngày của người dân được ổn định hơn trong mùa lũ.


Bước vào thời đại mới, nhờ các phương tiện thông tin nhanh chóng và phổ biến, chúng ta có thể dễ dàng áp dụng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm của thế giới nhằm làm tốt hơn việc đối phó với biến đổi khí hậu và tai họa do chính con người gây ra.
Ngày nay, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý đa ngành quy hoạch kiến trúc tại các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL là một việc rất cấp bách. Ngoài ra chúng ta còn có thể dễ dàng đón nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và chuyên gia tại các nước từng tích lũy nhiều kinh nghiệm đối phó với thiên tai, lũ lụt.
Ví như gần đây, Việt Nam đang tham gia vào Hiệp hội các châu thổ trên toàn thế giới (thành lập tháng 09/2010 tại Rotterdam). Và cụ thể hơn là vào năm 2010, hai chính phủ Việt Nam và Hà Lan đã ký bản thỏa thuận đối tác chiến lược hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước.
Chương trình hợp tác đã công bố kết quả những nghiên cứu bước đầu phục vụ cho quy hoạch xây dựng ĐBSCL, gồm những đề tài: biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, quy hoạch không gian, thể chế quản lý tài nguyên vào ngày 31/03/2011 trong cuộc hội thảo cấp cao Viêt Nam-Hà Lan về quy hoạch Châu thổ sông Cửu Long lần thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mong rằng các chuyên gia, trong đó các nhà quy hoạch kiến trúc, quốc tế và Việt Nam, biết kết hợp được kiến thức hiện đại thế giới với kinh nghiệm dân gian địa phương để các phương án “sống chung với lũ” theo kiểu mới sớm ra đời và đem lại lợi ích thiết thực cho cư dân ĐBSCL.

KTS Nguyễn Hữu Thái
“From mountains to the sea, wetlands at work for us. Từ núi ra biển, các vùng đất ngập phục vụ chúng ta”. (World Wetlands Day –  02/02/2004)