Hướng đến một cấu trúc phát triển bền vững tại Tây Nguyên

Trong quá trình phát triển, một đô thị bền vững phải đạt được sự thống nhất bền vững cả ba mặt; kinh tế, xã hội và môi trường – nhằm nâng cao chất lượng sống của đô thị hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới các nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai. Không gian đô thị đó phải thể hiện sự thống nhất giữa qui hoạch, kế hoạch, quản lý phát triển và thực hiện với sự đồng thuận của mọi thành phần xã hội: Nhà nước, tư nhân, cộng đồng; mọi cấp độ: địa phương, thành phố và quốc gia…
 
 Những thách thức về không gian xã hội, sự mất cân bằng giữa xã hội và không gian đô thị, phát triển thiếu quy hoạch ở đô thị, vấn đề đô thị hóa vùng ven, sự mở rộng về quy mô không gian của các thành phố và thể chế quản trị đô thị… đang là các thách thức lớn trong việc phát triển bền vững ở các đô thị Việt Nam nói chung và các đô thị vùng Tây Nguyên nói riêng. 
 
(Nhà dài Ê đê) 
 
Trong bài viết này, tác giả – là người làm nghề thiết kế kiến trúc và  quy hoạch đô thị, nhưng lại bàn luận về không gian phi vật thể, đây là một vấn đề khó khăn, vì “gốc rễ” của vấn đề là kiến thức về kinh tế, văn hóa và xã hội. KTS muốn tạo ra những không gian có bản sắc thì cần hiểu biết về các đặc trưng của văn hóa địa phương, cũng như không gian văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, nhằm đảm bảo tạo được một không gian đô thị mang đặc trưng văn hóa riêng, hiện đại, song hòa nhập với thiên nhiên và xu hướng chung của thế giới. Quy hoạch phát triển đô thị bền vững về văn hóa và xã hội ở Vùng Tây
 Nguyên bao gồm các vấn đề cơ bản cần xem xét như sau:
– Phương pháp dự báo trong các đồ án quy hoạch phát triển đô thị;
– Đặc trưng không gian xã hội của đô thị Tây Nguyên;
– Cấu trúc đô thị buôn làng truyền thống ở Tây Nguyên;
– Thể chế quản trị đô thị và vai trò của chính quyền địa phương.
Nghiên cứu những vấn đề này nhằm dự báo và đưa ra các kịch bản phát triển đô thị khả thi về quy mô, vị trí xây dựng đô thị, các cấu trúc về không gian kinh tế, xã hội, hạ tầng và môi trường – giai đoạn xác định các tiền đề phát triển đô thị (GĐ1). Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong quy hoạch đô thị. Đặc trưng công việc ở giai đoạn này là của các nhà quy hoạch (Urban Planner), bao gồm nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực như chúng ta đã thống kê ở trên. 
 
Trong giai đoạn tiếp theo (GĐ2) mới là việc của các KTS, công việc là quy hoạch về không gian, nghiên cứu các mối quan hệ không gian bên ngoài và bên trong đô thị, hình thành ý tưởng về cấu trúc đô thị, các khu dân cư và các khu chức năng khác, đề xuất về kết cấu hạ tầng và giải pháp khung bảo vệ môi trường chiến lược… Giai đoạn này chúng ta đã làm quen và phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Hiện tại, ở Việt Nam, hai giai đoạn này được sáp nhập làm một, người làm tổng chủ nhiệm đồ án thường là KTS, sản phẩm đồ án chủ yếu là các bản vẽ về không gian kiến trúc và thiết kế hạ tầng kỹ thuật. Bản vẽ đồ án thể hiện phương án tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc (vật thể) đô thị. Việc nghiên cứu xác định các tiền đề phát triển (giai đoạn đầu) sơ sài và ít được quan tâm. 
 Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu nội dung của giai đoạn đầu trong việc xác định các tiền đề phát triển các đô thị tại vùng Tây Nguyên Việt Nam.
(Nhà sàn ở Buôn Cô Thôn) 
 
Phương pháp dự báo trong các đồ án quy hoạch phát triển đô thị:
Việc xác định quy mô đô thị, bao gồm cả kinh tế, dân số và đất đai,… không chỉ phụ thuộc vào sự tăng trưởng nội tại mà còn phụ thuộc rất nhiều tác động từ bên ngoài. Vì vậy, chúng ta cần có phương pháp dự báo tiếp cận đa tầng:
Dự báo quy mô đô thị từ trên xuống (top down).
– Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam;
– Quy hoạch phát triển khu vực biên giới liên quan đến Lào và Capuchia;
– Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên;
– Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, của thành phố;
– Quy  hoạch các ngành: đất đai, giao thông, nông lâm nghiệp, đặc biệt là du lịch, dịch vụ, y tế và đào tạo cho một đô thị trung tâm cấp vùng. ,…
Phương pháp so sánh với một số đô thị đã phát triển, có đặc trưng tương tự như đô thị  đang nghiên cứu:
– Mô hình các đô thị phát triển tốt trong nước với quy mô và tính chất tương đồng.
– Mô hình các đô thị phát triển tốt của các nước trong khu vực và Quốc tế với quy mô và tính chất tương đồng.
– Các bài học về dự báo: lưu ý phải dự báo cho cả giai đoạn đô thị phát triển cực điểm đến thoái trào.
Dự báo quy mô đô thị từ dưới lên;(down-top)
– Dự báo dân số tăng tự nhiên: Theo phương pháp tính dự báo tăng trưởng, theo thống kê thực tế và định hướng chỉ tiêu phát triển theo các chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên, với đô thị vùng Tây Nguyên cần lưu ý đặc trưng về tăng trưởng dân số của đồng bào các dân tộc.
– Dự báo dân số tăng cơ học: Trong việc dự báo này, cần lưu ý đến phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác. Cần phải làm rõ sự chi phối của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong đó xác định rõ nhu cầu phát triển công nghiệp và du lịch dịch vụ sẽ mang lại các lợi ích và quy mô sẽ chiếm bao nhiêu quy mô của đô thị trong các giai đoạn quy hoạch.
 
Tổng hợp Dự báo quy mô đô thị:
Trên cơ sở tổng hợp các dự báo phát triển, chúng ta sẽ lựa chọn được một quy mô kinh tế, dân số và đất đai… đảm bảo cho việc tính toán quy mô đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển ngắn hạn, dài hạn và tầm nhìn xa hơn.
Đặc trưng không gian xã hội của đô thị Tây Nguyên:
Các thành phố trên Tây Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh, đồng thời là trung tâm giao lưu kinh tế – văn hoá xã hội quan trọng của vùng. Mặt trái của Đô thị hoá và Công nghiệp hoá là những khó khăn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương; Các buôn làng và không gian văn hóa cồng chiêng chủ yếu lại trong lòng các đô thị, như vậy không gian văn hóa trong thành phố sẽ ra sao, văn hoá cồng chiêng, nét kiến trúc nhà của các dân tộc ở vùng Tây Nguyên có còn hay sẽ mất dần đi theo năm tháng ?.
 
Sự tồn tại của buôn làng trong cấu trúc đô thị xác định sự phát triển bền vững của các đô thị Tây Nguyên. Sự bền vững về văn hoá mang lại một không gian đô thị tương lai giàu đẹp nhưng vẫn mang hơi thở của văn hóa, của núi rừng Tây Nguyên.
 
Việc giữ gìn và phát huy giá trị của không gian văn hóa Cồng chiêng không chỉ là giữ lại các nét hoa văn biểu trưng về hình thức kiến trúc của ngôi nhà dài của người Êđê hay người Bana,… mà còn bao gồm cả không gian của núi rừng, sông suối, nương rẫy… Phải làm sao để tiếng cồng chiêng và các bản trường ca Tây Nguyên mãi vang vọng trong một không gian đô thị mới?! 
 
 Như vậy, việc tổ chức không gian đô thị mới phải nghiên cứu kỹ việc tồn tại của các buôn làng hiện hữu, bảo đảm sự gắn kết đồng bộ không gian buôn làng với việc quy hoạch các khu phố mới, hạn chế việc di dời nhà cửa của đồng bào đi nơi khác.
 
Việc nghiên cứu đề xuất các mô hình không gian buôn làng điển hình là hết sức quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển liên tục, đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan và kết cấu hạ tầng.
 
Khi đô thị hóa Làng bản, đồng bào sẽ là những người dân đô thị. Trước mắt, cần tính đến đặc trưng sinh hoạt riêng từng dân tộc để lựa chọn quy mô và hình thức tổ chức không gian các công trình công cộng ở cấp buôn làng (tương đương cấp nhóm nhà ở hoặc đơn vị ở láng giềng trong các đồ án quy hoạch). Lên đến cấp Đơn vị ở đô thị (tương đương cấp phường) và lớn hơn thì các không gian này sẽ dần hội nhập hơn, có tính chung hơn. Với mô hình này, có thể vận dụng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch đô thị, song luôn phải tính đến hệ số đặc thù để có thể áp dụng tiêu chuẩn một cách hợp lý.
Khi lập quy hoạch một đô thị, với không gian đặc trưng là buôn làng, cần phải đề xuất tiêu chuẩn riêng cho khu vực này (thường là cao hơn quy chuẩn và tiêu chuẩn quy định trung bình 2-3 lần, đất phát triển đô thị cho khu vực này có thể lên đến 300-500m2/ người theo tiêu chuẩn chung là 120-140m2/người). Chính vậy, thành phố Tây nguyên cần xây dựng một tiêu chuẩn riêng (đặc biệt) cho việc lập quy hoạch xây dựng đô thị.
Cấu trúc đô thị buôn làng truyền thống:
Thực tế phát triển của Tây Nguyên trong thời gian qua đã cho thấy một bức tranh vừa đa dạng, vừa đặc sắc của kiến trúc đô thị nơi đây. Đó là sự pha trộn hài hòa giữa hình thái không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống địa phương với cảnh quan hiện đại mới. Kiến trúc cảnh quan đô thị ngày nay phải phản ánh được tinh thần của thời đại, những nhân tố kiến trúc và nghệ thuật truyền thống nên được duy trì với một hàm lượng nhất định, ở những phạm vi và quy mô thích hợp.
 
Về chủ trương, nên chọn cho mỗi đô thị Tây Nguyên một vài hình thức kiến trúc công trình – ví dụ; nhà dài ở Buôn ma thuột, nhà rông, nhà của người Giarai, người Bana ở Pleiku và Kontum… Tuy nhiên, kiến trúc được hình thành trước hết là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người, khi nhu cầu sử dụng thay đổi thì kiến trúc cũng thay đổi theo. Việc sử dụng hình thức kiến trúc truyền thống áp đặt lên kiến trúc hiện đại, cao tầng (bê tông cốt thép) để gây dựng yếu tố hình ảnh, biểu trưng văn hóa sẽ gây không ít bất cập cho việc sử dụng và trở ngại cho giải pháp kỹ thuật, ít hiệu quả kinh tế, sa vào bệnh hình thức. 
 
Địa hình, sông suối, cây xanh, mặt nước là các yếu tố làm cho đô thị đẹp hơn, tạo nên không gian đô thị thân thiện, tạo nên môi trường đô thị sinh thái. Quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị hòa hợp, thân thiện với đặc thù địa phương, với thiên nhiên, môi trường sẽ tạo được vẻ đẹp riêng biệt của các đô thị trên cao nguyên.
 
Các đô thị có một hệ thống suối, hồ, rừng, vườn như Buôn Mê Thuột và Pleiku, có dòng sông Dakbla xinh đẹp như Kontum. Sông suối trong lòng thành phố chắc chắn sẽ là yếu tố quan trọng làm cho đô thị trở nên độc đáo, mang bản sắc riêng. Để biến sông suối thành mặt tiền đô thị thay vì ẩn hình như hiện nay, quy hoạch phải tạo ra các cách tiếp cận nó. 
 
Cấu trúc đô thị đan xen các khu phố mới, các công trình công cộng với những buôn làng trong lòng đô thị đã tạo nên dấu ấn bản sắc riêng cho đô thị Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quy hoạch, định hướng phát triển, chính quyền các địa phương cần chú trọng đến yếu tố hài hòa trong sự kết hợp giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Chính vì t hế, cần phải có một đánh giá riêng về hiện trạng, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, về quy hoạch và kiến trúc buôn làng hiện hữu. Trong đó phải phân loại và đề xuất được các buôn làng, các công trình công cộng và nhà ở được giữ lại để bảo tồn cùng với việc cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc. 
 
Với mục tiêu như trên, các đô thị sẽ có cấu trúc tập trung – liên kết với hạt nhân là đầu mối tập trung các chức năng cần thiết của thành phố, chúng được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông tiện lợi. Hệ thống các đơn vị nhà ở đô thị được tổ chức đan xen giữa các buôn làng. Đô thị được hình thành trên nền địa hình tự nhiên không san ủi nhiều. Hệ thống cây xanh, mặt nước được tổ chức liên kết giữa mảng với nhau bằng các tuyến xanh là các sông suối và tuyến đường giao thông.
Thể chế quản trị đô thị và vai trò của chính quyền:
Để các đô thị phát triển đúng hướng, nên thực hiện đồng bộ về cơ chế chính sách, quản lý phát triển và huy động sự tham gia của cộng đồng. Về cơ chế chính sách, cần có những chính sách cụ thể, đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần đóng vai trò của người điều phối, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho thành phần tư nhân. 
 
Điều quan trọng hơn, cần xác định công tác quy hoạch đô thị là một quá trình, được triển khai liên tục và thường xuyên thay vì quan niệm quy hoạch đô thị là một sản phẩm như trước đây. Về quản lý phát triển, quy hoạch đô thị cần được nghiên cứu cẩn thận, thiết lập nhanh chóng và hoàn chỉnh, dứt điểm từng dự án, không dàn trải. 
 
Với yêu cầu đô thị có nét đặc trưng riêng, mang đậm bản sắc địa phương thì trước hết phải hạn chế mật độ và chiều cao xây dựng, công trình cao tầng chỉ nên tập trung ở một số điểm nhất định, không dàn trải để tạo điểm nhấn. Lập danh mục các buôn làng cần được bảo tồn, tôn tạo, cố gắng giữ gìn nét riêng của mỗi buôn làng, hạn chế pha tạp, xen cấy, ít nhất là trên mặt phố. Có thể áp dụng nguyên tắc xây dựng mới theo hình thức cũ và bổ sung các chức năng mới theo hướng hiện đại.
 
 Riêng các mặt nước hồ, sông suối được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh lấn chiếm san lấp. Khi xây dựng công trình ở các khu vực này nên xây thấp dần về phía bờ hồ, suối để bảo đảm tầm nhìn, mỹ quan. Điều quan trọng cuối cùng, chính quyền đô thị phải có cách thức huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, công viên, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật với những ưu đãi nhất định.
Kết luận:
Việc nghiên cứu cơ sở lập quy hoạch phát triển đô thị của ta hiện nay thường dựa vào ý chí chủ quan, trong đó, các dự báo về kinh tế xã hội còn sơ lược, thiếu cơ sở, các phân tích nhằm chuyển đổi từ không gian phi vật thể sang mô hình không gian vật thể đô thị chưa được quan tâm, vì vậy các đồ án quy hoạch đô thị luôn luôn thiếu tính khả thi, khó và đôi khi không thể thực hiện được. Đó là nguyên nhân khiến chúng bị gọi là “quy hoạch treo”.
 
Để tăng tính khả thi cho một đồ án quy hoạch đô thị nói chung và đô thị cho vùng Tây Nguyên nói riêng, chúng ta cần xét đến trình tự nội dung lập quy hoạch đô thị. Cần thiết tách ra hai phần việc nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu các tiền đề phát triển đô thị và phần lập quy hoạch không gian đô thị. 
 
Nội dung của phần nghiên cứu các tiền đề về văn hóa xã hội cho phát triển đô thị có các nội dung cơ bản như sau: 
– Xác định quy mô đô thị: phụ thuộc vào sự tăng trưởng nội tại và nhiều tác động từ bên ngoài. Vì vậy chúng ta cần có phương pháp dự báo tiếp cận đa tầng.
– Cần phải có một đánh giá riêng về hiện trạng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, về quy hoạch và kiến trúc buôn làng, trong đó phải phân loại và đề xuất được các hạng mục để bảo tồn, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng. 
– Tổ chức không gian đô thị mới bảo đảm sự gắn kết đồng bộ không gian buôn làng với việc quy hoạch các khu phố mới trong đô thị, hạn chế việc di dời nhà cửa của đồng bào đi nơi khác.
– Sự kết nối hài hòa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, được bao bọc cũng như cách ly, hay gắn kết bởi các khoảng không gian xanh (không gian chuyển tiếp) rất quan trọng trong việc phân khu chức năng của đô thị.
– Để các đô thị phát triển bền vững, nên thực hiện đồng bộ về cơ chế chính sách, quản lý phát triển và huy động sự tham gia của cộng đồng. Chính quyền đô thị nên lập Chương trình phát triển đô thị (CDS) có các kế hoạch đáp ứng nhu cầu ngắn hạn nhưng phù hợp với một chương trình phát triển có tầm nhìn dài hạn.
 
TS. KTS Nguyễn Xuân Hinh 
Trưởng khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội