Khai thác cảnh quan hệ thống sông nội thành Hà Nội

Không gian mặt nước – Nét đặc trưng của Hà Nội
Hà Nội – thành phố trong sông, từng được người Pháp ví là Venice phương Đông, trong suốt lịch sử phát triển của mình không thể tách rời các dòng sông. Thủ đô Hà Nội nổi tiếng với hệ thống sông bao bọc: sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Đuống, sông Tô Lịch… trong nội đô còn có các sông nhỏ như sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… Hệ thống dòng chảy cùng những hồ điều hòa đã tạo nên một bản sắc đô thị rất riêng của Hà Nội.

Cảnh quan bờ sông Sông Tô Lịch

Sông Tô Lịch là một sông cổ của Thăng Long. Ngày trước, sông sâu nước trong, hai bên bờ buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền. Phố phường đầu tiên tập trung ở đầu sông Tô nơi thông ra sông Hồng. Theo dòng sông Tô có thể đi thuyền qua các phố phường Thăng Long. Và cũng có thể theo sông Hồng qua cửa Hà Khẩu vào sông Tô, từ phía Nam ra cũng có thể qua sông Đáy, sông Nhuệ, vào kinh thành bằng sông Tô.
Sông Kim Ngưu xưa là một phân lưu của sông Tô Lịch và là một tuyến giao thông đường thủy. Sông Lừ và sông Sét cổ là phân lưu của sông Kim Ngưu.
Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX, đoạn sông Tô Lịch chảy qua phường Đồng Xuân để hợp lưu với sông Nhĩ Hà đã bị bồi lấp nhiều, dòng chảy thu hẹp lại. Năm 1889, người Pháp lấp sông Tô Lịch ở quãng đường Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch. Đoạn sông Tô Lịch từ phố Chợ Gạo đến công viên Bách Thảo nay đã bị lấp không còn dấu tích gì nữa. Và do đó, sông Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa.

 

Đoạn sông Tô Lịch bị lấp 

Quá trình phát triển đô thị đã khiến những dòng sông này bị ô nhiễm nặng. Hiện nay sông không còn dẫn nước, nguồn nước chảy vào chỉ là nguồn nước thải từ nội thành, hầu như không qua xử lý. Sự ô nhiễm của các dòng sông không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn làm biến đổi không gian và cảnh quan xung quanh. Hệ thống sông này hiện nay chỉ còn là những kênh mương tiêu thoát nước mưa và nước thải của thành phố hơn là các sông thuần tuý.
Khôi phục hệ thống sông của Hà Nội xưa
Trong phạm vi Hà Nội cổ, bốn dòng sông nhỏ là Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu cùng với sông Hồng kết thành một mạng lưới hình chiếc găng tay khổng lồ xòe 5 ngón về Đông Nam, tạo thành những hành lang tự nhiên cho thành phố đón gió từ biển tới. Hình ảnh 5 ngón này được ví như những sợi râu rồng gắn vào hàm rồng nơi hồ Tây, bổ sung thêm một nét quý vào “thế đất địa linh”  của Thăng Long – Hà Nội.

Trước đây, sông Kim Ngưu là một nhánh của sông Tô Lịch. Sông Lừ, sông Sét lại là những nhánh nhỏ của sông Kim Ngưu. Như vậy, các con sông hiện đang giữ vai trò thoát nước thành phố vốn có mối liên hệ với nhau, là một hệ thống thống nhất, điều hoà nguồn nước của Hà Nội. Các dòng sông này khi xưa đều là những trục giao thông đường thủy quan trọng nhưng nay do tác động của con người đã khiến những ngã ba sông trong thành phố biến mất, nhiều đoạn bị lấp, bị cống hóa hoặc bịlấn bờ làm cho bề rộng của sông thu hẹp đáng kể.

Sắc hoa làm sống lại cảnh quan bên bờ sông

Bốn con sông này giờ đây không còn dòng nước trong xanh, mà đã biến thành những con mương nước đen kịt bốc mùi, không còn là sông nữa mà đã trở thành những chiếc cống lộ thiên giữa thành phố.
Cần phải thật sự coi trọng các sông hiện có ở nội thành Hà Nội, chuyển đổi thành hệ thống cảnh quan theo dải, tuyến bằng cách tách thoát nước bẩn ra khỏi các sông này, kết hợp tạo dải cây xanh và đường dạo…Một trong những giải pháp được đề xuất là: Khôi phục lại một số đoạn sông đã biến mất, kết nối với sông Hồng, tạo một dòng chảy từ đầu đến cuối nguồn sông Tô Lịch cải tạo chất lượng nước của các con sông trở nên trong lành, có lợi về cảnh quan và môi trường.

Kè sông Tô Lịch bằng bờ cỏ

Những giải pháp cải thiện kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên bờ sông
Cải tạo cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông dựa trên nguyên tắc xây dựng đô thị sinh thái, gắn liền với định hướng phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Điều đó có nghĩa là gìn giữ tính nhân văn và sự gắn bó của dòng sông đối với sự phát triển của đô thị để biến thành thắng cảnh – nơi sinh hoạt cộng đồng và điểm nhấn của đô thị. Một số giải pháp cải tạo cảnh quan dọc sông:
– Biến dòng sông và khu vực xung quanh trở thành một vành đai xanh của thành phố, trả lại vai trò bao bọc của dòng sông đối với môi trường và không gian sống của người dân đô thị. Trước tiên, cần bảo tồn hệ thống cây xanh lâu năm, có giá trị cảnh quan cao. Trồng xen kẽ nhiều loại cây có màu sắc hoa và cao độ tán khác nhau, ưu tiên các loại cây đặc trưng địa phương và các cây xanh xung quanh công trình tôn giáo, đảm bảo tính đa dạng sinh học, từng bước xây dựng lại một hệ sinh thái bền vững quanh sông

Trồng xen kẽ nhiều loại cây hai bên bờ để làm đẹp dòng sông

– Thiết lập một hệ thống công viên nằm trên những không gian trống. trả lại những không gian xanh và không gian công cộng cho người dân. Ngoài ra, công viên cũng cần kết hợp với không gian đi bộ nhiều tầng bậc và tuyến du lịch văn hóa trên các đoạn sông có nhiều di tích nằm hai bên bờ.
-Tận dụng bờ kè sông, xây dựng đường đi bộ với không gian nhiều tầng bậc là một phương án khả thi và phù hợp với dòng sông. Với hệ thống không gian công cộng ven bờ, dòng sông sẽ mang hơi thở cuộc sống, phục vụ nhu cầu và những hoạt động thiết thực của người dân và gắn kết con người với tự nhiên.
-Tạo thêm những yếu tố liên kết và khai thác tuyến du lịch văn hóa ven sông. Trong đó có ba yếu tố cần được bổ sung là cầu, đường đi bộ và bãi đỗ xe.  Đề xuất tạo thêm nhiều cầu đi bộ và cầu cho các phương tiện xe đạp, xe máy qua sông. Từng bước xây dựng tuyến thuyền cho khách du lịch. Những không gian trống bên bờ sông sẽ được tận dụng làm công viên văn hoá và bến đỗ thuyền, phần kè sông được thiết lập những tuyến đường cho xe đạp và người đi bộ. Mục tiêu là giảm tải giao thông cho các cây cầu đang xuống cấp, nhấn mạnh vai trò của dòng sông trong chiến lược phát triển tổng thể của đô thị.

 

Minh họa thiết kế cầu đi bộ trên sông

– Định hướng quy hoạch các công trình kiến trúc dọc hai bên bờ sông về chức năng, mặt đứng, điều chỉnh quy hoạch để tạo các khoảng lùi, không gian mở và các công trình điểm nhấn dọc tuyến sông như tượng đài, phù điêu, tường gốm, tái tạo lại một đoạn thành cổ…
– Thiết kế hạ tầng kỹ thuật cũng cần được quan tâm như đa dạng về chất liệu, hình thức kè bờ…Tất cả các yếu tố tạo cảnh cần được tiến hành nghiên cứu đồng bộ, triệt để và tăng tính thẩm mỹ.

Bờ sông rực rỡ sắc hoa

Trong cấu trúc cảnh quan đô thị, yếu tố mặt nước có tầm quan trọng hàng đầu, từ lâu đã được khai thác để tạo nên phong cách kiến trúc và bản sắc phong phú của các đô thị trên thế giới. Trong giai đoạn hiện đại hóa ngày nay, bên cạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc phát triển đô thị rất cần khai thác các giá trị tích cực của hệ thống mặt nước, đặc biệt là những con sông chảy trong đô thị, gìn giữ và phát huy hiệu quả môi trường cũng như ý nghĩa văn hóa của các yếu tố tự nhiên.

KTS. Nguyễn Tuấn Anh