Khúc biến tấu của kiến trúc Hà Nội

Đổi mới đã 25 năm, cùng với thời gian, diện mạo kiến trúc Hà Nội không ngừng thay đổi. Ai đấy đã nói: “Hà Nội sắp trở thành BăngKốc ”. Tôi sinh ra ở miền quê đất bãi sông Hồng, nhưng lại lớn lên giữa lòng Hà Nội. Tuổi thơ tôi đầy ắp kỷ niệm với những chiều thu heo hút gió, cùng lũ bạn nghèo lang thang trên những đường phố nhỏ của khu 36 phố phường có những mái nhà lợp ngói lô xô, xám một màu rêu mốc bởi mưa nắng và thời gian. Sau này lớn lên, đi khắp mọi miền đất nước, kể cả những tháng năm bên xứ người mênh mông tuyết phủ…, nỗi nhớ về Hà Nội, về những cây bàng lá đỏ nghiêng nghiêng trên hè phố Mã Mây; về rặng cây bằng lăng hoa tím ở phố Thợ Nhuộm; về hàng cây cơm nguội trơ những cành khẳng khiu mỗi độ đông về trên đường Lý Thường Kiệt; về hàng cây sao đen thân cao hàng chục thước, chiều chiều xao xác tiếng cò ở phố Lò Đúc, cùng tiếng chuông tầu điện “ leng keng” lúc sớm mai đầu phố Huế, cứ cồn cào, da diết trong tôi. Có phải vì thế chăng, mà bây giờ, mỗi biến đổi của Hà Nội thân yêu cũng để lại cho tôi những day dứt, buồn vui lẫn lộn…

11. Đổi mới với nền kinh tế thị trường như một động lực, thúc đẩy đoàn tầu vốn trì trệ hàng chục năm bởi cơ chế quan liêu bao cấp, hăm hở đến vội vã băng về phía trước. Tấm bản đồ quy hoạch treo trong phòng làm việc của các nhà quản lý đô thị luôn được tô thêm những mảng màu mới của sự phát triển và đô thị hóa. Thành phố mở ra với những quận mới như Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên. Các khu phố mới, khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Thăng Long… Những tuyến đường được xây dựng mới, hoặc nâng cấp, mở rộng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như đường Liễu Giai, Đào Tấn, Nguyễn Chớ Thanh, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Kim Liên, Kim Mã, Lê Văn Lương… Nhiều công trình kiến trúc lớn, hiện đại do tư vấn nước ngoài thiết kế được xây dựng như Sân thể thao Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… Rồi sắp tới đây là Bảo tàng Hà Nội, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Toà nhà tháp 70 tầng Keangnam cùng rất nhiều, rất nhiều dự án lớn khác do nước ngoài trực tiếp đầu tư, hoặc liên danh với người Việt Nam sẽ mọc lên ở  khu vực trung tâm nội đô, ở Hà Đông và nhiều nơi khác của Hà Nội mới…

Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh lung linh, thể hiện một Hà Nội đang trên đà phát triển, công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, thì không khỏi day dứt trước bức tranh kiến trúc tổng thể đang bị xé nát nham nhở bởi nhiều công trình cao tầng, khối tích đồ sộ bằng bê tông – kính mang phong cách kiến trúc quốc tế xa lạ và kệch cỡm, vô hồn nhặt từ “đống rác kiến trúc” thải ra của nước ngoài, đang hàng ngày mọc lên trong khắp thành phố này. Là những ngôi nhà phố cao 4-5 tầng, thậm chí 6-7 tầng ngất ngưởng khoe cái mặt tiền rộng hơn 3 mét, được đắp điếm đủ loại môtíp kiến trúc nhái theo kiểu: Gô tích, Hy- La, Trung Hoa, Pháp, Hồi giáo…cùng những biển hiệu quảng cáo lộn xộn, cao thấp, to nhỏ khỏc nhau nhấp nháy đèn màu… mọc lên ngày một nhiều trên mọi đường phố, ngõ ngách cũ và mới của Thủ đô. Những khu nhà tập thể 5 tầng xây dựng từ những năm 60- 70 của thế kỷ trước như Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Quỳnh Mai… nơi trú ngụ của lớp công nhân viên chức ăn lương Nhà nước, mơ ước của một thời giờ tường vôi mốc thếch, nứt nẻ, hệ thống kỹ thuật hạ tầng hư hỏng, nước thải thì thừa, nước sạch lại thiếu bởi sự thiếu trách nhiệm của người quản lý và người sử dụng. Nhiều ngôi nhà như E7 Quỳnh Mai giờ lún đến 1,8m, cửa sổ biến thành cửa đi. Người ở tầng một sống cứ như bị nhốt trong hầm. Khu nhà ở C1 Thành Công cũng trong tình trạng na ná như vậy. Nhiều nhà khoa học đã phải kêu lên trong vài cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu gần đây: “Nếu như có một trận động đất cỡ 6 rích te thì Hà Nội sẽ là thảm họa”.

Sự phát triển đến chóng mặt của kiến trúc Hà Nội như một chú ngựa bất kham, chẳng chịu tuân theo điều khiển của nhà kỵ sỹ vốn đã yếu lại thiếu kinh nghiệm, nên cứ chạy lung tung. Những mảng xanh của mặt nước, cây xanh trên bản đồ quy hoạch cứ dần biến mất. Người ta đua nhau lấn chiếm đất công, kể cả công viên, hồ nước  để làm nhà, đua nhau chen ra mặt đường. Trẻ con bây giờ nghêu ngao hát: “Nhà mặt phố, bố làm to!”. Khu 36 phố phường mà ta quen gọi là khu phố cổ, dẫu đã được khoanh định ranh giới để bảo tồn, lại có cả Ban Quản lý được thành lập để giúp Thành phố quản lý khu phố đặc biệt này, kèm theo một danh sách cụ thể từng tuyến phố, từng số nhà được coi là “cổ” cần được bảo tồn tôn tạo, vậy mà, những ngôi nhà mới nhiều tầng trên chụp cái mái tôn đỏ chót vẫn cứ mọc lên, hiên ngang, như thách thức chính quyền rằng đây không phải là “cổ”, là “di sản”! Tôi cứ thấm thía nhận xét của nhà thơ Vũ Duy Thông trong một bài báo của ông cách đây khoảng mười năm, khi viết về Hà Nội: “Mặc các nhà kiến trúc cách tân hay bảo thủ, lao vào các cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ, và cũng chưa biết khi nào ngã ngũ, thì diện mạo kiến trúc Hà Nội vẫn biến đổi từng ngày.” Còn du khách nước ngoài nhận xét: “ Kiến trúc không phong cách là kiến trúc Hà Nội (Việt Nam)!”.

2.Tôi không phải là người theo chủ nghĩa cực đoan, nhưng tôi khó chấp nhận thứ kiến trúc hỗn tạp và cách quản lý đô thị đã và đang diễn ra hiện nay ở Hà Nội. Phải chăng, lối tư duy quản lý theo nhiệm kỳ và trách nhiệm tập thể (nhưng lại không ai chịu trách nhiệm) đã là môi trường tốt để thứ kiến trúc hàng chợ sinh sôi, chen lấn, phá vỡ không gian cảnh quan của một Hà Nội nghìn năm văn hiến. Nó phản ánh lối sống cơ hội, ích kỷ, bất chấp kỷ cương luật pháp của một lớp người. Kiến trúc là văn hóa. Kiến trúc sư là người sáng tạo ra cái sản phẩm mang tính văn hóa ấy để góp phần xây dựng xã hội. Tính nhân văn của kiến trúc chính là ở chỗ đó. Cristan Descam, một học giả Pháp, trong cuốn Vật chất và Triết học đã viết: “Một kiến trúc sư mà không tự hỏi một cách triết lý về không gian đặc thù nơi ông ta đang xây dựng, thì đó chỉ là người làm công việc sắp đặt buồn thảm”.

Bây giờ, Hà Nội đã vươn về phía Tây, rộng gấp hơn ba lần Hà Nội cũ, ôm trọn tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và bốn xã của huyện miền núi Lương Sơn – Hòa Bình để trở thành một đại đô thị, mang diện mạo mới, vóc dáng mới, vị thế mới xứng tầm Thủ đô của nước Việt Nam hùng cường, giầu mạnh trong thế kỷ 21 như mong muốn của Chính phủ, Quốc hội khóa XII. Đồ án “ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do liên danh tư vấn PPJ (Jina Architect, Perkins Feestman và Posco E&C) lập đã trình Thủ tướng đến lần thứ ba và cũng đã triển lãm rầm rộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, năm 2010 này (Lại đúng dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội?!) đồ án sẽ được Thủ tướng phê duyệt. Tôi cứ hồi hộp và cầu mong cho cái bản sắc của Thăng Long- Hà Nội với quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long vừa được tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới, cùng những hồ Gươm, hồ Tây, khu phố cổ, phố cũ… và cả của Hà Tây- xứ Đoài mây trắng với những làng nghề Vạn Phúc…, làng cổ Mông Phụ, Đường Lâm… sẽ chẳng bị mất đi qua cái đồ án mà người nước ngoài vẽ ra đó!

3. Đấy là chuyện sau này. Còn bây giờ, trong khi chính quyền thành phố đang bận rộn với những chính sách quản lý đại đô thị Hà Nội mới và thực hiện các kế hoạch cho Đại lễ nghìn năm đang đến gần, khi mà bản giao hưởng kiến trúc Hà Nội vẫn mải miết tấu lên với đủ loại thanh âm sai tông, lỗi nhịp, bởi thiếu vắng cây gậy chỉ huy của một nhạc trưởng tài hoa và dũng cảm, thì không gian đô thị đầy bản sắc thấm đẫm lịch sử ông cha của thành phố ngàn năm tuổi này vẫn đang bị cái gọi là “ Phát triển” ngày ngày phá vỡ. Để rồi, nếu chẳng có các biện pháp hữu hiệu nào hơn, thì không lâu nữa, tất cả những gì mà chúng ta đã có hàng trăm năm, như ngôi sao màn bạc nổi tiếng một thời của nước Pháp Catherine Deneuve đã nói: “Hà Nội là thành phố có sức hấp dẫn đến phát điên… Một thứ gì đó vừa xưa cũ, lại vừa trí tuệ trong lòng đất nước này.” sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm…!

KTS Phạm Thanh Tùng

(Mùa thu, năm thứ 1000 sau ngày định đô)