Linh thiêng… Xanh Hồ Gươm

Hồ gươm vào thu
Hồ gươm vào thu

Mỗi vùng địa lí, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những nét riêng mà ở vùng khác, dân tộc khác, hay quốc gia khác không có được. Các đô thị ở châu Âu khác với các đô thị ở Châu Á – Bởi chúng được xây dựng ở những vùng có điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, khoa học công nghệ khác nhau. Cũng như ở Việt Nam, các đô thị ở mỗi vùng, miền đều có tiếng nói riêng, hơi thở riêng. Có thể gọi đây là những “đặc tính” hay những “cái duyên” rất riêng của từng đô thị mà ở đó mỗi con người chúng ta luôn cảm nhận sự gắn bó tâm hồn mình với thành phố quê hương. Những “đặc tính” hay những “cái duyên” rất riêng của từng đô thị ấy chính là giá trị thiên nhiên và nhân tạo trong cấu trúc tổng thể không gian hợp thành. Đó cũng chính là sự tổng hoà gần gũi, thân thiện giữa con người và thiên nhiên trong phát triển và tồn tại.

Kết nối, bảo tồn hệ thống không gian xanh mặt nước…
Kết nối, bảo tồn hệ thống không gian xanh mặt nước…

Các yếu tố thiên nhiên, bao gồm: Đất – Nước – Cây xanh – Khí hậu cùng với các yếu tố Văn hóa và Con người… đã tạo cho Hà Nội những “đặc tính” riêng, dễ nhận biết. Bên cạnh đó, Hà Nội – một đô thị lớn, còn là Thủ đô của Việt Nam, có vai trò, vị trí quan trọng trong nước, khu vực và quốc tế. Tất cả những yếu tố ấy đã tạo cho Hà Nội không những là một đô thị đặc sắc mà còn trở thành “Thành phố đặc thù” của Việt Nam.

Trong Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ (Năm 1010) đã chỉ rõ: “Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh thống khổ ngập lụt. Muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi, xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương trời đất, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế Vương muôn đời”.

Đây chính là sự khẳng định giá trị vị trí của Hà Nội, cũng chính là sự khẳng định “thế đất” để xây dựng một Thăng Long – Đông Đô nghìn năm văn hiến.

Con đường dời đô từ Hoa Lư ra Đại La chính là bằng đường thuỷ, xuôi từ Châu Giang rồi ngược Nhị Hà, vào Tô lịch. Thời đó, vùng Đại La nhiều sông rạch nhỏ và hồ ao, thuyền có thể cập bến dễ dàng… Nước từ ngàn xưa đã gắn bó với Hà Nội như một đặc trưng không thể thiếu. Nước với không gian xanh… là thành tố quan trọng như một món đồ trang sức tạo cho không gian đô thị Hà Nội thêm đằm thắm. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh: “… Sông, hồ đã tạo nên vị thế và diện mạo của Hà Nội, một vị thế và diện mạo có một không hai ở nước ta. Tuy nhiên, Hà Nội, con người Hà Nội đã khoác lên các sông hồ nơi đây một diện mạo mới, diện mạo văn hóa. Có thể nói mỗi khúc sông, nhánh hồ của thành phố đều thấm đẫm các huyền tích, truyền thuyết, dấu ấn lịch sử, khiến nó trở nên lung linh, huyền ảo, ẩn chứa hồn núi sông…”. Với Hà Nội, yếu tố nước luôn có vai trò, vị trí quan trọng trong mọi không gian và thời gian.

Cũng như mặt nước, cây xanh theo quan điểm triết học phương Đông là nằm trong “Đại Vũ Trụ” – Thiên nhiên, là sự thống nhất Con nguời – Thiên nhiên – Kiến trúc, mà thiên nhiên ở đây chính là địa hình, cây xanh, mặt nước để phối kết công trình.

Cây xanh là một bộ phận của thiên nhiên, nhưng bao đời nay con người đã biết trồng cây để tạo vi khí hậu… Trước sân, sau nhà, đầu hiên đều có cách trồng cây và loại cây thích hợp. Cây vườn ngoài việc phục vụ nền kinh tế tự cung tự cấp, phục vụ bữa ăn, thuốc uống còn tạo nên môi trường trong lành. Người dân cũng biết trồng từng tầng, từng lớp, dưới đất, trên giàn, trên cây, dưới ao đều rất hợp lý và hiệu quả.

Cây xanh và mặt nước được coi là đặc trưng của Hà Nội vì chúng đã tạo ra nhiều dấu ấn vật chất cũng như tinh thần trong đời sống, trong lịch sử phát triển đô thị Hà Nội. Ngoài số lượng, số loài nhiều hơn các đô thị lớn khác trong nước, cây xanh cùng với mặt nước đã đi vào tâm tưởng người Hà Nội bởi nó không những đứng cùng kiến trúc, cùng các di tích, lịch sử một cách hài hoà, tô điểm cho kiến trúc thêm đẹp, thêm ấn tượng mà còn đi vào thơ ca, vào tâm khảm con người đầy cảm xúc.

Trong hệ thống giá trị đặc trưng ấy, cây xanh, mặt nước khu vực Hồ Gươm và phụ cận là một ví dụ điển hình… Về mặt tự nhiên, Hồ Gươm là một hồ nước ngọt của thành phố Hà Nội, có diện tích khoảng 12 ha. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt). Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lý Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Hồ Gươm nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa những khu phố cổ chật hẹp với những khu phố cũ (khu phố Pháp), đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Xung quanh hồ có nhiều danh thắng, di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng của Thủ đô và cả nước. Tuy không phải là hồ lớn nhất Thủ đô, song Hồ Gươm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của, nhiều thế hệ người Việt Nam. Và, khu vực Hồ Gươm và phụ cận từ lâu được coi như nơi hội tụ khí phách hào hoa linh thiêng ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, của dân tộc Việt Nam.

Qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011). Trong đó xác định, Thủ đô Hà Nội là đô thị “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, cơ bản được phát triển theo mô hình chùm đô thị (có cấu trúc gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh) với hệ giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ giao thông Vùng Thủ đô và Quốc gia.

Mô hình này dựa trên một tầm nhìn, một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện, có tính đột phá mang tính bền vững (nếu trong quá trình triển khai được quản lí tốt, hiệu quả). Tuy nhiên, để đảm bảo cơ hội phát triển đô thị xanh, văn hiến…trước hết điều quan trọng là phải bảo toàn được diện tích hành lang xanh, vành đai xanh và các nêm xanh theo cấu trúc tổng thể đô thị đã được phê duyệt, với tỉ lệ 70% đất dành cho hành lang xanh và 30% đất cho phát triển các chức năng đô thị trên phạm vi toàn thành phố…Trong cấu trúc Thủ đô Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc qui hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có một không hai của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến; trong đó nhấn mạnh: Khu vực Hồ Gươm và phụ cận hội tụ đủ các yếu tố để xứng đáng là một trung tâm lịch sử, văn hóa truyền thống trường tồn với thời gian trong cấu trúc Thủ đô Hà Nội hiện đại; Là tâm điểm giao lưu văn hóa, lễ hội, dịch vụ du lịch, thương mại – tài chính; Điểm hội tụ tinh hoa của thành phố vì hòa bình mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế; Biểu tượng tinh thần của người Hà Nội và dân tộc…
Khu vực Hồ Gươm và phụ cận được coi là một chỉnh thể cả về cấu trúc không gian lẫn hệ thống giá trị, cả giá trị vật thể lẫn giá trị phi vật thể… Bởi vậy, trong quá trình tồn tại và phát triển khu vực Hồ Gươm và phụ cận đã có rất nhiều ý tưởng qui hoạch cải tạo chỉnh trang được đề xuất…Về tổng thể, theo Đồ án Qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt, khu vực Hồ Gươm và phụ cận nằm trong vùng đô thị lõi lịch sử của Thủ đô. Đây là khu vực hạn chế phát triển. Trọng tâm qui hoạch cải tạo chỉnh trang khu vực Hồ Gươm và phụ cận là bảo tồn, khai thác phát huy giá trị không gian, kiến trúc, cảnh quan, các giá trị vật chất, tinh thần của người Hà Nội và của dân tộc. Tất cả nghiên cứu đều thể hiện tình yêu, lòng khát khao, nguyện cầu cho vùng đất linh thiêng bền vững, trường tồn…

Các ý tưởng quy hoạch, thiết kế chỉnh trang Hồ Gươm và khu vực phụ cận đều đồng thuận trong việc tăng cường khả năng kết nối, bảo tồn hệ thống không gian xanh mặt nước quanh hồ và phụ cận… Cần giữ nguyên hình dạng, diện tích mặt nước và hệ thống cây xanh vườn hoa ven hồ như hiện có. Bảo tồn không gian kiến trúc quanh hồ, đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan, kiến trúc không lấn át không gian hồ. Bảo tồn hệ thống các không gian mở gắn khu vực Hồ Gươm với vùng phụ cận như Vườn hoa Lý Thái Tổ, Vườn hoa Con Cóc, Vườn hoa quanh Nhà hát Lớn…; các không gian mở như Quảng trường Ngân hàng, Quảng trường Nhà hát Lớn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; các trục không gian Nhà thờ lớn hướng qua khuôn viên Toà soạn báo Nhân dân (gắn với khuôn viên tượng Vua Lê), trục không gian Tràng Tiền – Tràng Thi, Bà Triệu, Hàng Bài… Tăng cường thiết kế đô thị, nâng cao chất lượng các không gian xung quanh hồ. Thực hiện ý tưởng “Sao Tháng tám” (do VIUP đề xuất) gắn khu vực Nhà hát Lớn với khí phách hào hùng của Mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945…

Bảo tồn, tôn tạo hệ thống các công trình kiến trúc đặc trưng có giá trị như: Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ, Ngân hàng Trung ương, Trụ sở Bộ Lao động TB – XH, Trụ sở Bộ Thương mại; Bưu điện quốc tế, Nhà làm việc – Bộ Thương mại, Nhà Bưu điện cũ Hà Nội, một phần Toà Thị chính cũ, Ngân hàng Công thương, nhà số 8 Lê Lai, Nhà Thủy Tạ, Toà soạn báo Hà Nội mới, Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm…Và hệ thống các công trình tôn giáo tín ngưỡng như: đền Bà Kiệu, quần thể kiến trúc tôn giáo đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Chùa Bà Đá, Di tích thờ vua Lê, Chùa Vũ Thạch…

Lồng ghép các ý tưởng qui hoạch tổ chức không gian (tư tưởng của thiết kế đô thị) với các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động du lịch (Qui hoạch bảo tồn gắn với phát huy giá trị, hay bảo tồn để phát triển và ngược lại phát triển để bảo tồn); xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch đặc sắc (độc nhất vô nhị) cho khu vực này… dựa trên các yếu tố đặc trưng của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn (Giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể)… mà tự thân chúng đã hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất tạo nên cái “Hồn” linh thiêng của khu vực Hồ Gươm và phụ cận từ ngàn đời nay.
Trong tiết thu Hà Nội dường như quyện lẫn âm hưởng ca khúc Truyền thuyết Hồ Gươm của cố KTS Hoàng Phúc Thắng với giai điệu sâu lắng, linh thiêng: “Truyền rằng nơi đây Hồ Gươm nước biếc xanh, nơi hội tụ khí phách hào hoa linh thiêng ngàn năm văn hiến;… Truyền rằng mùa xuân mới, rực rỡ những cánh đào, cho tình yêu, niềm tự hào về tương lai hạnh phúc ngập tràn của người dân thành phố…”

Tài liệu tham khảo
– Đặng Văn Bài (2001), “Bảo tồn di sản văn hóa đô thị trong xu hướng phát triển bền vững và hội nhập”, Tham luận hội thảo, Hà Nội.
– Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Bộ Xây dựng (1998), Bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan Hà Nội, NXB Xây dựng.
– Quyết định số 488 BXD/KTQH, ngày 03/8/1996, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt đồ án Qui hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận.

TS. KTS Trương Văn Quảng
Viện quy hoạch đô thị và nông thôn (VIUP)