Một hòn ngọc viễn đông mới

Nhiều năm qua có nhiều trí thức kể cả già và trẻ – tâm huyết với thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh thường hỏi và trao đổi với tôi về một chủ đề mà chính tôi cũng day dứt. Sài Gòn ngày trước được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông, còn bây giờ nó như thế nào?

Tôi suy nghĩ lung lắm. Sài Gòn trước đây quả thật đã xứng đáng với cái tên đó. Hòn ngọc Viễn Đông được tạo nên bởi trí tuệ người Pháp và những bàn tay khéo léo và tâm hồn của người Việt, họ đã đem được những cái tinh hoa đương thời của châu Âu kết hợp với những yếu tố thiên nhiên và tính cách của con người nơi này để tạo nên một thành phố với những con đường rợp bóng cây xanh, với những kiến trúc tráng lệ, những dãy phố khá lộng lẫy sang trọng, những ngôi chợ sầm uất, những vườn cây rộng mát che phủ và những bến cảng bến sông tấp nập tàu thuyền. Hòn ngọc được tạo nên không chỉ ở sự sung túc giàu có mà còn bởi ở vẻ đẹp hài hoà giữa thiên nhiên, kiến trúc và con người với những nét rất riêng của nó.

Ngày nay tất cả đều đông đúc nhộn nhịp hơn, nhà cửa cao to hơn, đường sá xe cộ ngược xuôi rộn rã hơn, bến cảng tàu bè tấp nập hơn… và Thành phố đã to gấp 5 – 6 lần. Nhìn tổng thể ta thấy sự xô bồ hỗn tạp, và đầy những vấn nạn của một đại đô thị… Hòn ngọc Viễn Đông phải chăng còn có gì !

Sài Gòn xưa 

Hãy nhìn những bức ảnh của 50 năm về trước và 50 năm sau, dường như Trung tâm Sài Gòn hoành tráng, lộng lẫy hơn và tất nhiên hiện đại hơn rất nhiều. Bên cạnh những cái mới mẻ ấy, ta vẫn thấy còn đấy những công trình của một thời: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn, Toà Thị chính, Kho bạc, Nhà Hải quan, Chợ Bến Thành… và những vườn cây xum xuê ở Tao Đàn, Thảo Cầm Viên hay trước Dinh Thống Nhất, (chỉ tiếc rằng cái Dinh Norodom tráng lệ nhất thì nay không còn nữa). Những cái mới dường như làm cho những cái cũ đẹp hơn, có giá trị hơn. Song điều quan trọng là cái phong cách Sài Gòn vẫn còn đấy với những dãy phố cởi mở, với những vỉa hè rất sinh động, với cách sống rất năng nổ, rất linh hoạt, rất dễ mến của người Sài Gòn mà tôi nghĩ rằng, thuở Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông cũng đã là như thế rồi.

Vậy thì  âmcủa Hòn ngọc Viễn Đông vẫn còn đấy, mà hình như nó không phải là dư âm, nó chính là sự phát triển lên một tầm cao mới hơn của Hòn ngọc Viễn Đông cũ. Và chính vì điều đó mà rất nhiều người có tâm huyết đặt ra câu hỏi: “ Liệu chúng ta có thể tạo nên một Hòn ngọc Viễn Đông mới!”

Càng ngày càng nhiều công trình kiến trúc hiện đại mọc lên ở thành phố Hồ Chí Minh 

Theo tôi hiểu, sở dĩ thời ấy Sài Gòn được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông vì chung quanh ta chủ yếu là ở khu vực Đông Nam Á còn chưa phát triển. Nay thì đã khác. Singapore, Bangkok, Kualalampua, Jakarta… còn phát triển to lớn và văn minh hiện đại hơn Sài Gòn mình nhiều. Song tôi đồng cảm với việc kiến tạo một Hòn ngọc Viễn Đông mới không phải là sự so sánh của hôm nay, mà đó là câu chuyện của tương lai. Hơn nửa thế kỷ qua, chiến tranh và bất ổn trên nhiều mặt đã làm cho chúng ta tụt hậu, tuy không còn là Hòn ngọc Viễn Đông nữa, nhưng suốt quá trình đó Sài Gòn vẫn phát triển không ngừng và nay đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất khu vực – Thành phố Hồ Chí Minh. Đã đến lúc chúng ta cần lấy lại cái vị thế của mình. Việt Nam ngày nay đã tạo được sự nhìn nhận mới của thế giới, bởi tiềm năng và bởi vị trí của nó trong tương lai trên bản đồ thế giới. Trong đó thành phố Hồ Chí Minh là điểm nổi bật nhất. Với những ưu thế hiếm có về địa lý, về sự ưu đãi của thiên nhiên, có truyền thống hào hùng về lịch sử, có sự giao thoa hoà quyện giữa các nền văn hoá và có tiềm lực rất lớn về con người, lại là một trong những thành phố có tính hấp dẫn nhất thế giới, trong tương lai Thành phố chắc chắn sẽ không chỉ là một đô thị rất lớn, mà còn rất văn minh hiện đại và giàu bản sắc riêng. Và theo tôi không biết có mộng tưởng quá không, Thành phố này rất có thể sẽ trở thành một Hòn ngọc Viễn Đông mới nếu ta biết cách kiến tạo.

Kẹt xe, mặt trái của sự phát triển 

Ước vọng là như thế nhưng có rất nhiều người nhắc nhở tôi rằng: Nhìn vào thực tại thành phố nhà cửa ngổn ngang, đường sá tắc nghẽn, kinh rạch ô nhiễm… làm sao để trở thành một Hòn ngọc mới? Vâng không thể biến cả một thành phố đồ sộ thành Hòn ngọc được nhưng có thể biến Trung tâm Sài Gòn trở thành một Hòn ngọc mới lắm chứ.

 Còn làm sao để biến Trung tâm Sài Gòn thành một Hòn ngọc Viễn Đông ư? Sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo tôi, thì tất cả những thành phố mới hay những thành phố cũ đang được cải tạo đều lấy theo tiêu chí văn minh hiện đại làm chính. Trung tâm Sài Gòn đã và sẽ mọc lên nhiều nhà cao tầng đồ sộ lộng lẫy, trên đường phố sẽ hào nhoáng hơn với những phương tiện giao thông hiện đại. Song Hòn ngọc của chúng ta không chỉ tạo nên bởi những cái đó. Hòn ngọc chứa đựng trong nó một nội dung thâm sâu hơn, đó là những nét riêng mà không phải nơi nào cũng có được. Nét riêng ấy được tạo nên bởi điều kiện thiên nhiên, bởi lịch sử hình thành, và bởi từ những con người của chính nơi này. Sài Gòn được tạo nên từ một dòng sông uốn lượn hiền hoà, từ những kinh rạch bao quanh, từ cái nơi quanh năm không có mùa đông, chỉ có chợt mưa chợt nắng…Sài Gòn được tạo ra từ những phố phường, từ những ngôi chợ nhộn nhịp sống động chuyên bán chuyên mua, từ những kiến trúc mang dấu ấn một thời, từ những hàng cây thẳng tắp bên đường, từ sự giao lưu cởi mở, không có gì quá uẩn khúc, không có gì quá do dự, tất cả phóng khoáng, hồn nhiên như đất trời vậy.Vì thế Sài Gòn có một sức quyến rũ đến lạ thường và cái sự khác biệt của Hòn ngọc này là ở chỗ đó. Hơn bất cứ đâu, Sài Gòn hội đủ những nét riêng ấy.

Mặc dầu nghĩ như vậy, nhưng chính tôi cũng phải tự đưa ra cho mình một nghi vấn: Dù cho có những nét riêng ấy thì nó chưa hẳn đã là Hòn ngọc mới. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Và thử tự giải đáp cho mình.

Thành phố bên sông Sài Gòn 

Ngày nay chúng ta đã hội nhập, các tập đoàn lớn trên thế giới và cả những người bình thường từ Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Trung Đông, Châu Phi… đều muốn đến Việt Nam để làm ăn, sinh sống, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Họ sẽ đem những gì đến đây, có thể là mọi thứ song cái chính là phải biết chọn lọc, và hài hoà để tạo ra cái tinh tuý nhất của thời đại mà vẫn mang đậm nét riêng biệt của chúng ta. Trung tâm Sài Gòn sẽ là nơi thể hiện được tất cả những điều đó.

Tôi đã từng nghe rất nhiều người nói: Có phát triển gì mới thì hãy làm ra chỗ khác. Đừng làm mất đi nét Sài Gòn xưa, cần giữ lấy cái hình ảnh Hòn ngọc Viễn Đông một thời. Nhưng tôi lại có suy nghĩ hơi khác một chút. Cái tên Sài Gòn đã có tiếng tăm, đã có lịch sử, đã là thương hiệu, vậy có ai không muốn chen chân trên mảnh đất này. Một tập đoàn có tên tuổi trên thế giới liệu họ có đồng ý đặt trụ sở của mình ở một nơi không phải là Trung tâm Sài Gòn? Trung tâm Sài Gòn chính là điểm cuốn hút nhất. Có những nhà hoạch định chiến lược muốn đẩy cái lõi Trung tâm về phía Bình Thạnh hay sang Thủ Thiêm. Họ có lý của họ và họ muốn tổ chức lại Trung tâm thiên về hướng bố cục kiến trúc cảnh quan nhiều hơn và ngại va chạm với những gì hiện có. Nhưng tôi nghĩ, họ quên mất những yếu tố về lịch sử, về văn hoá xã hội và cả về hiệu quả kinh tế. Phú Mỹ Hưng là một cụm đô thị mới rất đẹp, rất hoàn chỉnh, và rồi sẽ có thêm những cụm đô thị như thế nữa chung quanh Sài Gòn, nhưng các nhà đầu tư không đổ xô vào đấy, họ vẫn cứ muốn chen chân vào Trung tâm Sài Gòn. Thực ra Trung tâm Sài Gòn chưa phải là một thành phần đô thị thật hoàn chỉnh, nơi đây vẫn rất cần được cải tạo chỉnh trang, vẫn còn có “đất” để phát triển, để tạo ra những cái mới mẻ hơn, hoàn thiện hơn.

Trong nghệ thuật đương đại,có một thứ nghệ thuật mới -“ Nghệ thuật sắp đặt”. Tổ chức sắp xếp không gian đô thị sao cho nó thật hài hoà với nhau và gây ấn tượng mạnh mẽ đó chính là nghệ thuật sắp đặt trên một quy mô rất đồ sộ. Rất khó! Nhưng điều trước tiên phải thống nhất với nhau những quan điểm chung rồi từ đó chúng ta mới tìm ra được những giải pháp cụ thể.

Sông Sài Gòn về đêm 

Có lẽ chính vì thế cho nên rất cần có sự chỉnh trang cải tạo. Tôi luôn luôn đặt vấn đề chỉnh trang cải tạo phải đồng thời với việc phát triển làm giàu thêm cho đô thị và ngược lại. Một ví dụ nhỏ. Mới đây Bưu điện thành phố dự định làm 2 quán cà phê phía trước mặt tiền công trình. Khách du lịch đến đây rất đông, cần có điểm cho họ dừng chân, nhâm nhi ly café Việt Nam, ngồi ngắm cảnh quan ngoạn mục chung quanh quảng trường Nhà thờ Đức Bà. Rất cần có một không gian như vậy, nó vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách, vừa làm cho không gian ở đây phong phú hơn. Nếu biết làm tốt thì nó còn có thể làm tôn thêm vẻ đẹp, cái quý giá của toà nhà Bưu điện, và nó sẽ trở thành không gian văn hoá. Rất nhiều trường hợp có thể làm như thế mặc dầu không dễ làm. Tôi cho đó là một sự “sắp đặt”lại một cách khôn ngoan.

Vậy thì Trung tâm Sài Gòn nên “sắp đặt” lại như thế nào?

Tôi nghĩ sự sắp đặt lại khu Trung tâm nên tận dụng không gian nhiều hơn chứ không nên mở ra quá rộng. Như vậy có nghĩa là kiến trúc cao tầng sẽ là thành phần chính của bố cục không gian, ngoài ra cần khai thác nhiều hơn các công trình ngầm nhất là diện tích dành cho giao thông (kể cả tĩnh và động) và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác.

Đối với những kiến trúc cũ thuộc diện gìn giữ tất nhiên phải rất tôn trọng, không được xâm hại đến nó, nhưng không có nghĩa là không được phép đụng đến nó một cách tuyệt đối. Vấn đề là cách làm, làm như thế nào đấy để cho nó phong phú hơn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của thời đại mà vẫn tôn được chính nó lên.

 Phố phường là một nét đô thị rất riêng của Việt Nam, nó hơn các kiến trúc cao tầng, các kiến trúc sắp xếp bố cục một cách quá chặt chẽ, quá đồng điệu ở chỗ nó rất sống động, rất gần gủi với con người, nó tạo cho con người không chỉ sự thuận tiện trong sinh sống làm ăn mà trong sự giao lưu cởi mở đầy tính thân thiện, đầy tính nhân văn. Những dãy phố chuyên doanh cũng là nét đặc trưng rất Việt Nam. Phố phường, chợ truyền thống mang được cái hồn Việt hoà chung vào với những cái hiện đại. Mặc dầu hiện tại nó có vẻ lộn xộn, lởm chởm, nhưng tôi tin rằng chính người dân sẽ cải tạo chúng lại để hài hoà với một thành phố hiện đại. Thực tế hiện nay đang xảy ra quá trình đó. Trung tâm cần chọn một số tuyến phố đặc trưng, một số chợ truyền thống để chỉnh trang cải tạo lại cho phù hợp với cuộc sống hiện đại hôm nay.

Trung tâm Sài Gòn có một dòng sông ngoạn mục chảy qua, có kênh Bến Nghé, rạch Nhiêu Lộc Thị Nghè, đang được cải tạo, ven sông rạch là những công viên thoáng mở và những cây cầu cần phải là những tác phẩm nghệ thuật tô điểm thêm cho Thành phố.

Nhà hát lớn – TP. Hồ Chí Minh 

 Còn rất nhiều chuyện để nói, nhiều cái phải bàn nữa. Khôi phục và tạo cho Trung tâm Sài Gòn thành một Hòn ngọc Viễn Đông mới có lẽ là ước vọng của mọi người, ước vọng đó đối với điều kiện của Đất nước ta trong tương lai không phải là cái gì đó quá xa vời. Đã đến lúc cần nâng cao niềm kiêu hãnh của Sài Gòn trong sự phát triển xây dựng mới, cũng như chúng ta đã từng kiêu hãnh về lịch sử của Sài Gòn trong quá khứ.

KTS Lưu Trọng Hải

Ảnh trong bài lấy từ nguồn Internet