Nguồn gốc kiến trúc Nhật Bản và sự giao lưu với kiến trúc Việt Nam

Kỷ niệm 40 năm hữu nghị Việt Nhật là một niềm vui lớn, có thể nói chúng ta đã có một mối quan hệ song phương rất tốt đẹp. Con người Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng, như sự khiêm tốn trong tính cách, sự khéo léo của đôi bàn tay,…   
 
Thợ mộc Nhật Bản thời Edo
 
Trước khi nói đến kiến trúc hiện đại tại Nhật Bản hiện nay, phải kể đến sự đóng góp công sức rất lớn của đội ngũ các bậc lão thành trong nghề, còn gọi là “Daiku”(hay “Thợ cả”) từ hàng trăm năm trước. Họ đã có công mang đến sự phát triển của nền kỹ thuật kiến trúc Nhật Bản thông qua đức tính cần mẫn, sáng tạo và tài năng trong công việc. Chính các đức tính ấy đã trở thành một gen truyền thống và được truyền lại cho nền công nghệ, các thế hệ kỹ sư, kiến trúc sư của Nhật Bản hiện đại. 
 
 Ảnh bên: Hiroaki OTANI  – Thành viên Hội đồng Quản trị, Chủ trì Ban thiết kế kiến trúc, Nikken Sekkei Ltd
Kiến trúc hiện đại Nhật Bản, so sánh với kiến trúc của các nước khác, rất tinh tế, sắc sảo, chăm chút tới từng góc cạnh của công trình. Nói một cách khác, nền kiến trúc đã đạt đến một mức độ hoàn thiện mà có thể được cho rằng “quá kỹ” hoặc “tốt đến mức không cần thiết”. Tuy nhiên, sự hoàn thiện tinh tế này lại tương phản với bề ngoài khiêm tốn hay có thể gọi là không mấy đặc sắc của công trình. Đường chân trời của Tokyo được đánh dấu bởi những tòa nhà hình hộp, ít sặc sỡ và có thể đối với chúng ta không có mấy ấn tượng. Tuy nhiên, khi có dịp lại gần hoặc tham quan bên trong công trình, chúng ta sẽ nhận thấy được các nét tinh tế, kỹ thuật hoàn thiện hoàn hảo và trình độ kỹ thuật thi công tuyệt vời như thế nào.
 
 
Các ví dụ điển hình như sau:
– Sự ngăn nắp, gọn gàng của những công trường xây dựng lớn, tính kỷ luật, trật tự và nghiêm túc của đội ngũ công nhân xây dựng.
– Mức độ chính xác của phần thân công trình.
– Kỹ thuật giảm chấn, kháng chấn, miễn chấn đạt trình độ chống động đất cao nhất thế giới.
– Mức độ hoàn hảo, các chi tiết kỹ thuật tinh tế của hệ tường kính, khung bao cửa sổ,
– Kỹ thuật thân thiện môi trường, các công nghệ kỹ thuật tiên tiến này đều bắt nguồn từ sự nỗ lực khắc phục điều kiện ít tài nguyên, đất đai chật hẹp,
– Thang máy hoạt động rất êm và nhẹ cùng công nghệ điều khiển rất tốt,
– Không gian kỹ thuật bên trong trần nhà đạt mức tiết kiệm không gian tối ưu,
Các công nghệ cũng như sự nỗ lực này đã vượt quá mức độ mà người không phải trong nghề có thể nhận thấy được. Đây là thành quả của quá trình tự nỗ lực hoàn thiện của nền công nghiệp xây dựng. Nói cách khác, Nhật Bản đã đạt đến trình độ xây dựng cao đặc biệt so với thế giới. Những nỗ lực này là kết quả đạt được từ tính chất xây dựng “từng sản phẩm” của ngành kiến trúc xây dựng.
 
 Trong số các công nghệ kỹ thuật này, nội dung có thể áp dụng được cho các nước khác chính là kỹ thuật môi trường, tiết kiệm năng lượng tiên tiến của Nhật Bản. Hy vọng rằng, các công nghệ này có thể mang lại cho thế giới các công trình tốt hơn, thân thiện với môi trường hơn.
 
Trở lại với Việt Nam, ngành kiến trúc và xây dựng đang trên đà phát triển. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với quá trình đô thị hóa, các công trình lớn đang được triển khai xây dựng. Sự phát triển nhanh chóng này trực tiếp mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân là một điều rất đáng mừng. Hình ảnh các công trình lớn liên tục mọc lên ở đây chính là hình ảnh đã không còn thấy tại một xã hội đã phát triển và đang phải đương đầu với quá trình lão hóa như Nhật Bản. Các công trình lớn san sát mang nhiều đặc trưng và sắc thái khác nhau, mang lại dáng vẻ phồn vinh cho đô thị. Những tòa nhà chọc trời cao hơn 100m cũng liên tục được xây dựng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một điều gì đó trong các quần thể kiến trúc mới này.
 
Thiết kế phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng
Cũng giống một số địa phương của Nhật Bản, Việt Nam có khí hậu ẩm nhiệt đới mưa nhiều. Tính năng chống thấm của mái cũng như thiết kế dòng chảy của nước là điều không thể thiếu. Những thiết kế chỉ dựa vào tính năng chống thấm nước của gioăng kỹ thuật theo cách của Âu Mỹ có thể được xem là không phù hợp. Thay vào đó, các kiến trúc có mái đua sâu, các tường ngoại thất dày lại phù hợp.
 
Thiết kế những công trình kiến trúc trường tồn
Tại Việt Nam, những thiết kế từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại xuyên thời gian và được người dân yêu mến. Tuy nhiên, nền kiến trúc hiện đại vẫn chưa có được nhiều công trình mang dấu ấn và trường tồn với thời gian. Đây là điểm mà chúng ta cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa.
 
Thiết kế tiết kiệm năng lượng
So với Nhật Bản, các công trình Việt Nam có mức tiêu thụ năng lượng cho sưởi ấm ít hơn, tuy nhiên sự tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa năng lượng vận hành là điều rất cần thiết. Đây là yếu tố quyết định tuổi thọ công trình.
 
Thiết kế bảo dưỡng công trình
 Tại các đô thị lớn của Việt Nam, tình trạng bụi bám làm bẩn mặt tiền công trình rất phổ biến. Đây là hệ quả của những thiết kế không quan tâm đến quá trình bảo dưỡng và vệ sinh mặt tiền. Chính vì vậy, để công trình luôn được sạch đẹp và được nhiều người yêu mến, thiết kế bảo dưỡng rất cần được chú trọng.
 
Thiết kế cảnh quan phù hợp với Việt Nam
 Phong thủy trong thiết kế tại Việt Nam rất được coi trọng. Ngoài ra, thiên nhiên phong phú với các loại hoa, cây xanh rất đẹp luôn tô điểm màu sắc cho đô thị. Chính vì vậy, đây là một lợi thế rất tiềm năng cho kiến trúc hiện đại Việt Nam mà các nước khác, như Nhật Bản không có được.
 
Tuy còn nhiều điểm cần khắc phục nhưng với tài năng và nỗ lực của đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam, nền kiến trúc hiện đại Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển và đạt được những thành tựu như mong muốn. Nền kiến trúc này so sánh với những nước đã phát triển như Nhật Bản thì sức sống mãnh liệt hơn nhiều. 
Tôi mong muốn từ nay sẽ đẩy mạnh giao lưu giữa hai nền kiến trúc Nhật – Việt nhằm giúp nhau Hợp tác cùng Phát triển.p