Những người bạn Nhật Bản

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những người Nhật tại Việt Nam vào năm 1971 ở làng Đại Từ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì ngoại thành Hà Nội (bây giờ là quận Hoàng Mai). Họ đến chụp ảnh chúng tôi đi học trong hoàn cảnh chiến tranh:  Lớp học có giao thông hào chạy vào lớp, học sinh đầu đội mũ rơm, vai khoác túi cứu thương… Những bức ảnh này sau 42 năm tôi mới thấy họ trưng bày trong nhà triển lãm trên phố Tràng Tiền.
 
 
 Ảnh do phóng viên Nhật Bản chụp năm 1971 tại làng Đại Từ
 
Từ nhỏ, chúng tôi nghe nhiều về Nhật Bản – đất nước thần kỳ, không có nhiều tài nguyên, hay bị động đất, trải qua chiến tranh tàn khốc, rất đông dân, nhưng người dân rất kiên cường, tài hoa và chăm chỉ. Lớn lên, chúng tôi ao ước sở hữu một chiếc xe máy  Honda – cũ kỹ nhưng bền chắc và tiết kiệm xăng – Cho đến giờ tôi vẫn đi lại bằng chiếc xe máy Honda đời 82 mầu cửu long, dấu ấn thành đạt của một thời và cũng là một biểu hiện chung thủy với một quan niệm cũ kỹ, có lẽ vì trong lòng vốn có tình cảm với những người  hàng xóm xa xôi…
 
Tháng 3/2011, tôi vượt biển Đông đi từ Việt Nam sang Philippin đúng vào cái đêm những cơn sóng thần khủng khiếp nhấn chìm một dải bờ biển phía Đông Nhật Bản. Những ngày sau đấy tin dữ dồn dập trên các báo, nhưng điều làm tôi thực sự kính phục và cảm mến những người dân Nhật Bản – Họ bình tĩnh trước thảm họa, tỉnh táo với công việc và tình cảm thương mến, che chở cho nhau giữa lúc nguy nan. 
 
Bà Reiko và các vị khách quý đến từ Nhật Bản, Nepan, Đài Loan, Pakistan…
 
Tôi vào Hội An và gặp bà Reiko – Một người Nhật Bản đến Hội An xây ngôi nhà bên sông Hoài, một ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ mở ra sông đón gió, đón ánh nắng từ sớm ban mai đến khi chiều tà. Ngôi nhà tiết kiệm từng giọt nước mưa và nước thải để nuôi cá cảnh trong những cái bể lớn đặt ở tầng 2 và tầng 3. Điều kỳ thú là ngôi nhà không thải ra ngoài một giọt nước bẩn nào ngay khi sông Hoài dâng cao mùa lũ, quanh ngôi nhà nước ngập mênh mông. Tôi thường xuyên ngồi trước hiên nhà bà Reiko, nơi có thể nhìn ra bãi giữa sông, chứng kiến hàng ngày hàng giờ ai đó tàn phá thiên nhiên quý giá để xây nên nhiều thứ tầm thường hơn. Cồn đất giữa sông Hoài khi mùa lũ là con chêm phân dòng nước dữ, lúc mùa cạn là bãi ngô ruộng mía. Các đồng nghiệp của tôi vẽ ra khu giải trí thương mại rẻ tiền để làm lấy được mà chẳng ai mua. Không chỉ ở Hội An, Đà Nẵng… họ làm như vậy suốt dọc bờ biển miền Trung và rất nhiều nơi từ Bắc chí Nam một cách bình thản. Tôi tự hỏi có bao giờ họ nhìn sang bờ bên này, nơi ngôi nhà nhỏ của  bà Reiko đứng đó thay cho lời nhắn gửi rất có trách nhiệm  tới  tương lai?
 
 
Tháng 8/2011, tại Đà Nẵng có rất nhiều KTS Nhật Bản đến dự ARCASIA, họ mang tới lời tâm sự với các đồng nghiệp châu Á về vai trò của KTS trước những nguy cơ thảm họa thiên tai ập đến các thành phố và vùng quê. Chúng tôi ngỏ lời mời các bạn vào Hội An chơi. 
 
Buổi tối trong nhà bà Reiko, KTS Yoshida Akira – tác giả thiết kế ngôi nhà đã có dịp say sưa kể về những kỷ niệm xây nhà ở Hội An với các bạn đến từ Nhật Bản. Bà Reiko chuẩn bị cho bữa tiệc từ sáng sớm, cả buối tối bà lặng lẽ trong bếp chuẩn bị cho bữa tiệc ồn ào nhất kể từ khi gia đình bà chuyển đến Hội An…
 
3. Tháng 10/ 2011, tôi đến Nhật Bản tham gia “car free days” với sự sắp xếp của TS. KTS Shinichi Mochizuki, ông là điều phối viên quốc gia Chương trình Ngày không khói xe (car free days) tại Nhật Bản, thành viên Ban chỉ đạo Tuần lễ Vận động Ngày không khói xe tại Châu Âu của Ủy ban châu Âu. Ông cũng là bạn bè thân thiết với Hội KTS Việt Nam.
 
Ông dẫn chúng tôi tới Yokohama, thành phố cảng cách Tokyo khoảng 30 km. Chúng tôi đi xuyên qua thành phố: Từ ga tàu đến những khu dân cư ngoại ô để ngắm thành phố từ trên cao (trên những cây cầu đi bộ). Ông làm việc như một tình nguyện viên tại Chương trình Ngày không khói xe – Car free day Japan: Giảng bài về giao thông công cộng, quy hoạch đô thị sinh thái; tổ chức hội thảo quốc tế “Diễn đàn châu Á – Ngày không khói xe”… 
 
Chúng tôi có dịp trải nghiệm về lịch sử một thành phố bắt đầu là một làng chài, từ thế kỷ XIX trở thành một bến cảng sầm uất, rồi trở thành một thành phố công nghiệp đóng tầu biển – phát triển vào nửa cuối thế kỷ XX, còn giờ đây là thành phố thương mại, dịch vụ. Có thể thấy phương tiện giao thông TP cũng thay đổi tương ứng từ thành phố đi bộ / ô tô và hôm nay là ô tô / tầu điện / đi bộ. 
 
Shinichi Mochizuki vẫn duy trì những liên hệ với chúng tôi qua các thảo luận cùng sinh viên Việt Nam trường ĐH Giao thông, Kiến trúc, Xây dựng về cách tổ chức những con đường an toàn đến trường học Hà Nội, tour du lịch xe đạp ở Hội An…Chúng tôi vẫn bên nhau trong các dự án có nguồn lực nhỏ bé nhưng ôm ấp một viễn cảnh lớn lao về tương lai xanh cho các làng quê, thành phố, con đường, ngôi nhà ở Nhật Bản và Việt Nam.
 
Những người bạn Nhật Bản ghi dấu ấn đậm nét trong tôi với tinh thần làm việc bền bỉ, kỷ luật cao, cống hiến hết mình cho công việc nhưng đồng thời lại đầy tình cảm thương mến. Họ đã đến Việt Nam, yêu mến đất nước này và làm rất nhiều việc khát khao xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Vượt lên trên tất cả, tinh thần Nhật Bản đã dạy cho tôi – và cả chúng ta những bài học về tình yêu thương…
 
 
 
 
 
Ga tầu điện Yokohama qua các năm 1904/1929/1951/1970 và 2009
 
KTS Trần Anh Vũ