“Kiến trúc – Quy hoạch Hà nội cần thay đổi từ nhận thức và sự chung tay của cả cộng đồng…”

Năm 1992, GS.TS.KTS Nguyễn Lân được bổ nhiệm làm KTS Trưởng TP Hà Nội. Văn phòng KTS Trưởng lúc bấy giờ được coi là mô hình thí điểm quan trọng, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên nghe báo cáo trực tiếp. Là một nhà giáo, một KTS tâm huyết với Thủ đô, GS. Nguyễn Lân luôn tâm niệm: “Kiến trúc phải phục vụ cho cuộc sống. Muốn Hà Nội đẹp thì phải giữ cho được nét  hồn cốt của thành phố ngàn năm tuổi, gỡ từng nút một để tạo nên diện mạo kiến trúc Hà Nội, đặc trưng mà thanh lịch”. Chính vì vậy, ông đã luôn trăn trở về tầm nhìn của người làm quy hoạch, về quan điểm thiết kế đô thị, và quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức chung của cả xã hội – phải có sự tham gia của cộng đồng trong tiến trình quy hoạch và phát triển thành phố….
KTS Trưởng – “Chiếc ghế nóng” của một thời
Quảng trường Đông kinh nghĩa thục
Những năm đầu thập kỷ 90, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số nước và sau đó quyết định áp dụng mô hình thí điểm KTS Trưởng cho TP Hà Nội. Văn phòng KTS Trưởng được thành lập đầu tiên ở Thủ đô, TS.KTS Nguyễn Lân, lúc bấy giờ đang là Vụ trưởng Vụ quản lý đô thị – Bộ Xây dựng, được đích thân Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức danh KTS Trưởng TP.
Mô hình KTS Trưởng áp dụng nguyên tắc tập trung quyền lực trong quản lý xây dựng diện mạo đô thị, VP KTS Trưởng có quyền đề xuất cả quy hoạch và cấp phép xây dựng. Sau một năm thí điểm, Thủ tướng đã triệu tập UBND TP hỏi ý kiến về mô hình này và đồng ý tiếp tục áp dụng cho  TP.HCM với kỳ vọng đem đến sự thay đổi lớn trong cơ chế quản lý, tư vấn cho các cấp lãnh đạo những giải pháp hiệu quả trong quản lý đô thị, thậm chí áp dụng cả với một số quận, huyện. Nhiều lần Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc ban hành quy chế áp dụng chính thức mô hình này nhưng do nhiều ràng buộc về cơ chế lập pháp nên tạm thời vẫn tiếp tục thí điểm. Đến năm 2000, GS.TS.KTS Nguyễn Lân nghỉ hưu, VP KTS Trưởng tiếp tục hoạt động thêm một thời gian nữa dưới sự quản lý của TP. Năm 2011, với yêu cầu của thực tế về phân cấp quản lý, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội được đề nghị thành lập, hoạt động dưới quyền của UBND TP Hà Nội, khép lại câu chuyện về mô hình thí điểm KTS trưởng TP.
Các trục đường vành đai được mở rộng
Gần 10 năm ở vị trí KTS Trưởng TP, GS.TS.KTS Nguyễn Lân đã thực sự ngồi trên “chiếc ghế nóng” vào thời điểm cũng rất đặc biệt – khi đất nước bắt đầu đổi mới, Việt Nam bắt đầu thời kỳ “mở cửa”, sự đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đang rất mạnh, hứa hẹn sự phát triển cũng rất “nóng” cho các đô thị. Ông cho biết: “Tôi nhận nhiệm vụ với rất nhiều nỗi băn khoăn, tự hào cũng có, trăn trở cũng nhiều. Thủ đô Hà Nội rất đẹp, là niềm tự hào của cả nước, phải làm sao cho Hà Nội phát triển nhưng không làm mất đi vẻ đẹp trầm mặc và giản dị vốn có… Trong khi đó, VP KTS Trưởng mới thành lập, rất nhiều vấn đề vướng mắc: cơ chế quản lý, tên gọi… Cái khó là chưa có tiền lệ nên làm việc gì cũng phải giải trình, đề xuất hướng tháo gỡ. Cũng may là Thủ tướng hết sức quan tâm đến mô hình quản lý này nên thường xuyên nghe báo cáo trực tiếp, chỉ đạo sát từng bước một, tạo điều kiện cho VP hoạt động. Bởi sự tập trung quản lý kiến trúc, quy  hoạch TP tại VP nên vị trí KTS Trưởng bị “soi” rất ghê, thậm chí thường xuyên bị điều tra nữa, nhưng có thể nói tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với vai trò của người làm nghề – tham mưu cho các cấp lãnh đạo trước những quyết định quan trọng, ảnh hưởng lớn đến diện mạo, đến sự phát triển Thủ đô…”
GS.TS.KTS Nguyễn Lân kể về rất nhiều những kỷ niệm “nhớ đời” khi ông làm KTS Trưởng TP. Đó là những câu hỏi chất vấn về Hàm Cá Mập, Nhà “máy chém”… ở Hà Nội. Đó là khi ông từ chối để nhà đầu tư nước ngoài xây khách sạn lớn trong khu phố cổ. Đó là khi Khách sạn Daewoo được xây dựng bên cạnh công viên Thủ Lệ… Đối với ông, kiến trúc, quy hoạch là để phục vụ cho mọi người, cho cuộc sống – có xấu, có đẹp. Kiến trúc phải nhiều năm sau mới khẳng định được giá trị của nó. Đó cũng chính là quá trình thay đổi nhận thức của những người làm quản lý, thiết kế và cả chính những người dân đô thị.
VP KTS Trưởng TP Hà Nội đã có vai trò rất tích cực trong việc tháo gỡ từng nút thắt trong sự phát triển TP: bảo tồn khu phố cổ, quy hoạch hệ thống hồ ở Hà Nội, xây đường kè xung quanh hồ Tây, mạnh dạn đề xuất phát triển các khu đô thị mới…
GS.TS. KTS Nguyễn Lân cũng thẳng thắn nói rằng: trong quá trình thay đổi của Thủ đô, có cái làm được, có cái chưa được, còn nhiều bất cập…  “Điều quan trọng nhất chính là tầm nhìn của những người làm quy hoạch – có nhiều cách để phát triển nhưng lịch sử thì không ai làm lại được. Chính vì thế, hơn ai hết, những người dân Thủ đô cũng phải chung tay – quyết giữ lại lịch sử cho TP của mình. Đó cũng chính là phần hồn, cốt của Thủ đô ngàn năm tuổi!”
“Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đang đi đúng hướng…”
Sự thành lập Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội do yêu cầu thực tế về phân cấp quản lý đô thị. Theo GS.TS.KTS Nguyễn Lân, cho đến nay, sau 10 năm hoạt động, Sở đang đi đúng hướng, giúp đỡ, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo TP trước những quyết định quan trọng về kiến trúc – quy hoạch trên địa bàn thành phố – “Hà Nội có lịch sử lâu dài với nét văn hóa đặc trưng. Vì thế, quản lý và phát triển Hà Nội phải có những cách làm, cách ứng xử đặc biệt, tháo gỡ từng khó khăn, giải quyết từng mâu thuẫn, sao cho thật hài hòa, thật hợp lý bài toán giữa bảo tồn và phát triển – với vai trò trung tâm thuộc về cuộc sống của người dân đô thị…”
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đang trong quá trình kiện toàn tổ chức, hoạt động theo nề nếp với rất nhiều ban, ngành chuyên môn, hỗ trợ rất tốt trong công tác quản lý đô thị. GS.TS. KTS Nguyễn Lân cho rằng, để làm tốt công tác chuyên môn, hoạt động hiệu quả hơn nữa, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cần chú ý những nội dung sau:
– Về mặt quy hoạch: chú trọng tầm nhìn của người làm quy hoạch, phải phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng, tạo điều kiện cho người dân sống tốt, từ đó mới có điều kiện quản lý tốt các đô thị. Bên cạnh đó cũng chú ý xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch theo hệ thống: từ công tác đào tạo đến thiết kế đô thị, quản lý theo quy hoạch. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ có điều kiện bồi dưỡng kiến thức, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam…
– Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cần và đủ cho công tác quy  hoạch, xây dựng, quản lý quy hoạch
– Nâng cao dân trí, tạo điều kiện để người dân tham gia vào công tác quy hoạch và phát triển kiến trúc
– Hướng đến phát triển bền vững, đô thị sinh thái, bảo vệ môi trường sống tốt cho cư dân đô thị
Nhiều năm giữ trọng trách quản lý Nhà nước, nay đã nghỉ hưu, GS.TS.KTS Nguyễn Lân chưa bao giờ nguôi nỗi trăn trở với thực trạng phát triển của đô thị Việt Nam. Đối với ông, vai trò của KTS luôn là “người biến đổi đô thị”, người dùng trí tuệ và công sức của mình đóng góp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và ông vẫn đang từng ngày góp sức mình với vai trò Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam – từng bước thay đổi nhận thức về phát triển đô thị hiện đại, chung tay xây dựng những TP sống tốt cho nhiều thế hệ mai sau…
GS.TS.KTS Nguyễn Lân
Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP Hà Nội