Tản mạn chuyện vỉa hè Hà Nội

Vỉa hè như một thuật ngữ chuyên môn – đồng hành với những người làm nghề kiến trúc quy hoạch. Vạch ra một tuyến  phố, tuyến đường, trên mặt cắt,… vỉa hè là một cấu phần mà chiều rộng của nó cũng thể hiện tầm quan trọng của tuyến phố, tuyến đường đó. Cũng từ vỉa hè – điểm nhìn của người đi bộ, sẽ là khởi nguồn cho những cân nhắc về hình khối, khoảng trống để thở – cho những công trình kiến trúc mặt tiền của đường phố.

Chuyện vỉa hè trong ngôn ngữ dân gian lại là những chuyện vặt vãnh của dân hàng phố. Đủ cả chuyện, từ vĩ mô đại sự “Nhất Hà Nội, Nhì Đông Dương”, cho đến những chuyện vi mô thường nhật dạng điểm báo. Được mang danh là thông tin vỉa hè vì nó chẳng đo được mức độ chính xác như các loại kích thước chiều rộng vỉa hè trên bản vẽ và đối lập với những thông tin chính thống của văn hóa đài phường.

Vỉa hè và chuyện vỉa hè – bất kể quan trọng hay không quan trọng, nhưng lại có một sức sống kỳ lạ với người dân phố và người làm nghề kiến trúc. Câu chuyện vỉa hè vốn là nỗi day dứt của nhiều KTS gạo cội khi nhận định về quy hoạch kiến trúc Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Và nỗi day dứt trở thành “của chung” khi câu chuyện về cái vỉa hè không còn chỉ là chuyện của thiết kế quy hoạch, mà thậm chí trở thành vấn đề của bản sắc đô thị văn hóa.

Một chút hoài niệm :
Vỉa hè là cả một thế giới đối với đám trẻ cấp I, cấp II chúng tôi thời trước chiến tranh phá hoại. Vỉa hè là nơi ngày ngày đi học, ngày ấy cả khu phố chúng tôi vốn đều học chung một trường cấp I Thăng Long ở Ngõ Trạm và cấp II ở Trường Tô Hiệu (Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba bây giờ), đám trẻ cùng phố gọi nhau đi học, cứ qua mấy số nhà là lại đông dần lên ở hai bên đường. Và những trò chơi nho nhỏ bắt đầu, chia làm 2 tốp ở 2 bên hè đường số lẻ và số chẵn, luật chơi là không được chạy, với đích tới là đầu phố, nơi được phép qua đường, ai đến trước và đầy đủ quân số là thắng cuộc. Nhóm nào thua thì tan học hôm đó phải xách cặp cho nhóm kia. Mà cũng lạ, chúng tôi chả có đứa nào lại nghĩ đi xuống lòng đường cho nó nhanh hơn cả.

Vỉa hè thực sự là nơi lý thú vào buổi tối – khi làm hết mọi thứ “nghĩa vụ” ở nhà xong xuôi, đám trẻ lại tụ tập theo nhóm ở trên hè phố. Thôi thì đủ trò, đuổi bắt, nhảy ngựa, trốn tìm, thú vị hơn cả là những cuộc chạy thi có đẳng cấp hẳn hoi được đo bằng những vòng lớn nhỏ như chạy quanh Phố Cấm Chỉ, Phố Tôn Thất Thiệp và chạy quanh Đường Điện Biên hay Phùng Hưng… Điểm xuất phát và đích đều là cột đèn đầu phố nhà tôi (Kỳ Đồng – nay là Tống Duy Tân) nơi giáp với phố Điện Biên Phủ.

 

Phố Cổ Hà Nội năm 1974

 

Tất cả các cuộc chạy đều trên vỉa hè, xuống đường là phạm luật, vì vậy mà chúng tôi thuộc lòng “địa hình” rộng, hẹp, đông hay vắng người đi bộ của vỉa hè các con phố Kỳ Đồng, Cấm Chỉ, Hàng Bông, Điện Biên, Tôn Thất Thiệp, Trần Phú, Phùng Hưng …

Vỉa hè của mọi con phố đều được lát bằng các viên gạch bê tông 40 x 40 đều tăm tắp, là nơi lý tưởng cho các trò chơi bi và xèng đập tường sau giờ học. Đặc biệt, độ dốc của vỉa hè đều được kiểm nghiệm bằng các hòn bi, sau khi đập từ cột hàng rào bi lăn từ từ, giỏi tới vạch thủ – được xác định bằng ranh giới giữa các viên gạch lát hè với các phiến của vỉa đường … mạnh quá tay là xuống cống, thua ngay…

Thú vị nữa là vào những ngày mưa rào, chúng tôi gấp thuyền thả thi ở các lòng cống rồi chạy thục mạng tới cống cái ở cuối phố để kịp vớt thuyền cán đích đầu tiên.

Rồi những trò chơi nghịch đất, bắt ve quanh các gốc cây ở những phố có hè lớn như Điện Biên Phủ, Trần Phú, Lý Nam Đế…

Và cũng bắt đầu từ những ngày thơ ấu ấy, khái niệm rộng, hẹp của vỉa hè theo nghĩa “phố nhỏ, hè nhỏ”, “phố lớn, hè lớn”, lớn bao nhiêu thì lại có thêm những hàng cây,… cứ ăn sâu dần trong đám trẻ chúng tôi như những quy luật tất yếu. Nhưng ngược lại, cũng có những điều khó lý giải cho đến tận bây giờ với những câu hỏi khá là “vỉa hè” – như tại sao hè cũng như đường thời đó hầu như không phải sửa gì (ngoại trừ lâu lâu, dịp lễ được quét vôi trắng phần vỉa đường)? Hay tại sao độ dốc nào được tuân thủ tới mức mưa lớn mà đường không ngập bao giờ, thậm chí không tràn nổi lên mặt hè?…

Phố Hàng Hòm ngày nay

Vỉa hè để làm gì và làm gì với vỉa hè?
Vỉa hè dành cho người đi bộ: chức năng thiên bẩm khi con phố được hoạch định: phần lòng đường dành cho xe cộ, phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Bởi vậy khẩu hiệu an toàn giao thông đầu tiên “đi bộ trên vỉa hè” nằm trong danh mục những bài học vỡ lòng. Vỉa hè cũng làm nên sự khác biệt giữa những phố đi bộ – không có phần vỉa hè, với những con phố có xe cộ lưu thông – có vỉa hè.

Cột điện, biển báo, đèn đường, bốt gác cảnh sát… nối tiếp nhau ngự trị trên vỉa hè như một cấu phần tất yếu.
Hàng cây xanh trên phố, đa phần loại cây cao tán rộng làm mát những con đường, phục vụ trước hết cho khách bộ hành và phần nào giúp hạn chế sức nóng phản chiếu từ mặt đường.

Bến xe bus, quầy báo, thùng thư, thùng rác… như những dấu hiệu không thể thiếu của văn minh thị thành, được đặt tại những vị trí đàng hoàng và tiện lợi trên vỉa hè.

Phố Hàng Hòm xưa

 

Quán xá, cafê vỉa hè… với các thương hiệu gắn với tên từng con phố, làm nên sự ấm cúng đa dạng cho sinh hoạt phố phường.

Khái quát những nhiệm vụ cơ bản chất chồng lên vỉa hè – đủ làm nên sự cân nhắc về chiều rộng của vỉa hè. Dĩ nhiên, chức năng dành cho người đi bộ vẫn phải đưa lên hàng đầu, có nghĩa là đảm bảo cho được sự lưu thông, dù đây là lưu thông chậm. Nhiều nhà chuyên môn về đô thị học, xã hội học và kiến trúc đều có chung nhận định: vỉa hè là nơi giao tiếp cộng đồng đô thị, nơi con người bước ra từ ngôi nhà công trình – giao tiếp cá thể, nhóm và cũng là nơi con người bước xuống từ hoạt động dịch chuyển đơn thuần. Và cũng vì vậy, vỉa hè còn là nơi con người tiếp cận với công trình kiến trúc, đánh giá, cảm thụ từ bên ngoài – cả hình thức lẫn nội dung một cách chậm rãi và khách quan.

Nhiều người nói, sự gia tăng về dân số cùng với nền kinh tế thị trường “góp phần” làm Hà Nội mất dần đi cái vẻ thanh lịch của “người Tràng An”, người ta hối hả, chen chúc nhau nhiều hơn và chen nhau mọi nơi – hôm qua bằng xe đạp xe máy, hôm nay thêm ô tô, ba thứ cộng lại, chen lên cả vỉa hè những giờ cao điểm và không cao điểm – hết chỗ cho người đi bộ có cơ hội chen nhau.

Vậy là vỉa hè lại oằn mình gánh thêm chức năng chỗ để xe, bao gồm cả chỗ để xe tập trung và chỗ lưu thông xe trên hè và phi từ đường vào trong nhà (thói quen đặc trưng của văn minh xe máy đi từ đường vào tận giường ngủ). Chức năng này lại phân ra có tổ chức – trông giữ xe công khai, chăng dây thu vé và không tổ chức, tiện đâu để đó.

Phố Hoàng Diệu

Vỉa hè của ai – Hay câu chuyện từ thiết kế đến quản lý đô thị…
Đóng vai trò quan trọng trong đời sống đô thị, chức năng lại vô cùng đa dạng, vỉa hè hiển nhiên là đối tượng được quan tâm từ nhiều phía.
Thứ nhất, từ góc độ thiết kế chỉnh trang: Trong những tuyến phố cũ, vỉa hè bị thu hẹp để lòng đường được rộng hơn, đồng thời người ta liên tục cầy sới “thay áo” cho mặt hè. Đây là một trong những điều khó lý giải nhất, tốn kém thì khỏi nói, nhưng không đồng bộ và thiếu thẩm mỹ, lại góp phần để vỉa hè mau hỏng. Công năng mới được bổ sung theo hướng cần đến đâu làm tới đó. Đối với những Khu Đô thị mới (Ví dụ như Trung Hòa – Nhân Chính, Trung Yên …) – Vỉa hè đúng nghĩa được quy hoạch thiết kế xây dựng đúng bài bản – chủ yếu ở các trục phố chính. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của đời sống đô thị ở đây lại cũng vượt qua những trù tính ban đầu và đặc biệt trên những tuyến nhánh, chỗ đi bộ trên vỉa hè dần mất đi, thành sở hữu riêng của chủ các căn lô phố, biến thành vườn cây cảnh hay mặt tiền bày bán của các cửa hàng.

Bia vỉa hè năm 1991

Thứ hai, từ góc độ quản lý: Cũng là điều khó hiểu không kém. Tình trạng rất phổ biến là mạnh ai nấy làm, trồng cột điện mới – xin mời, thêm cây xanh – xin mời (trồng gì cũng được, chỉ khi to quá muốn đốn thì phải xin phép). Hoặc như có một ví dụ rất khôi hài ở hè đường Hoàng Hoa Thám (khúc gần dốc Văn Cao) chắc được một dự án nào đó tài trợ lát gạch đặc biệt dành cho người khiếm thị – Trên thực tế, hàng gạch này được sử dụng như một thứ trang trí (!!!), vì để đi được từ cột điện này thẳng tới cột điện kia là việc đánh đố ngay cả với người sáng mắt.

Thứ ba, việc sở hữu vỉa hè lại càng khó hiểu hơn. Phổ biến là hè trước cửa nhà nào là thuộc nhà ấy, phường hay quận chỉ quản lý phần hè trước các công sở … để cho thuê. Khúc nào cho thuê chính tắc không được thì cho thuê chui. Với một diện tích “trời cho” ở cái thành phố đất đắt hơn vàng này thì đương nhiên việc dành được quyền sở hữu vỉa hè hẳn là cam go và sôi động như chính đời sống đô thị vậy.

Cũng bởi có quá nhiều quan tâm như vậy mà khẩu hiệu “đường thông hè thoáng” đi liền  với nghĩa “phong trào có thời hạn”.
“Trả lại tên cho em” hay “chỉ là giấc mơ” ?

Bao giờ hay chẳng bao giờ vỉa hè Hà Nội được trở lại thực hiện cho đúng chức năng, hay phục vụ cho đúng đối tượng và theo cho kịp được nhịp khoan nhặt của đời sống phố phường Hà Nội?

 

Phố Khúc Hạo

Nói như vậy, nhưng Hà Nội mình vẫn còn đó những con phố đẹp với hè đường đâu ra đấy như Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu … Hay cũng không kém phần sống động “đa năng” như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo… vẫn đủ cả cafe quán xá, đủ cả chỗ để xe hay bến xe bus …

Hà Nội mình cũng vẫn còn có những bài học kinh nghiệm tương đồng từ  trong và ngoài nước để xử lý vỉa hè trên những tuyến phố khác nhau.

Và, người Hà Nội mình cũng còn không ít người thích đi bộ, thích tập đi bộ đấy thôi. Hãy thử chầm chậm quan sát phố phường mỗi sáng sớm hoặc tối muộn khi Hà Nội không còn hối hả và chen chúc…
Vậy, thì tại sao ta lại không tin, thậm chí không mơ về những giấc mơ vỉa hè Hà Nội thật hiện đại mà cũng thật … ngày xưa – Hà Nội như trong hoài niệm của những người thuộc thế hệ chúng tôi.?!
Viết “Ngày tận thế” 21/12/2012

TS.KTS Trần Thanh Bình