Tạp chí Kiến Trúc những số đầu tiên đã ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ KTS – nay đã ngấp nghé thất thập cổ lai hy. Bìa một màu, in trên giấy giang đen nhưng trong mỗi bài viết chất chứa bao tri thức, khắc khoải trách nhiệm và không giấu được niềm tự hào của các KTS. Những bức vẽ, hình ảnh tuy còn mờ nhạt nhưng cũng đủ thắp lên trong mỗi con tim KTS khát vọng sáng tạo, đóng góp: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…” theo lời dạy của Bác hồ kính yêu.
Những năm sau ngày thống nhất đất nước, sách vở nhiều hơn: những Tạp chí “Kiến trúc Xô viết” bày bán trong các quầy sách ngoại văn, những cuốn Tạp chí “Xây dựng mới” của các KTS miền Nam Việt Nam hiếm hoi cũng được công phu đem từ Sài Gòn ra … Nhưng cuốn Tạp chí Kiến Trúc vẫn là niềm mong đợi của các KTS, sinh viên kiến trúc ham học hỏi của thập kỷ 1980-1990. Thế hệ chúng tôi cho đến giờ vẫn nhớ các bài viết của KTS Tôn Đại “Kiến trúc hiện đại đã chết…” ; các bài viết của KTS Nguyễn Quốc Thông về lịch sử đô thị Hà Nội với những tư liệu quý giá; KTS Đặng Thái Hoàng và những bài thuyết trình về các vấn đề đương đại: “Nhà ở như một đơn vị cân bằng sinh thái”, hay những bàn luận ẩn chứa tinh thần triết học phương Đông lạ lùng và cuốn hút : “Sự cân bằng âm dương bởi ngôi những làng trong phố Hà Nội”… .
Cho đến nay, phương tiện truyền tải thông tin đã thay đổi nhiều, chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia các bài viết trên Tạp chí Kiến trúc với mong muốn duy trì ngọn lửa nhiệt huyết của các KTS đàn anh, với mong muốn các bạn KTS trẻ biết thêm những đóng góp của các KTS với đất nước, gửi gắm những nét đẹp của làng xóm quê hương và trách nhiệm xã hội của giới KTS… Lời lẽ dẫu có vụng về nhưng cũng cố gắng vượt qua e ngại, thẹn thùng mà giãi bày với đồng nghiệp, bạn bè.
Nhân dịp Kỷ niệm 30 năm Tạp chí Kiến trúc ra số đầu tiên, đôi lời tâm sự với bạn đọc Tạp chí Kiến trúc – như sự chia sẻ với những người làm Tạp chí hôm nay – Chúc Tạp chí luôn vững bước đồng hành cùng với giới nghề, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước, của nền kiến trúc Việt Nam.
KTS Trần Huy Ánh