Tìm hiểu về nhóm ở trong khu phố người Hoa, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Theo nhiều kết quả nghiên cứu đã xác định, Khu vực phường 10, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh sở hữu  một quỹ di sản kiến trúc đô thị, có giá trị, phản ánh văn hóa của người Hoa thuộc Chợ Lớn xưa, cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đô thị hiện đại. Những lý do tạo nên nét đặc trưng về kiến trúc đô thị của người Hoa trong khu vực này ngoài yếu tố lịch sử, phương thức kinh doanh còn có lối sống, thể hiện qua cách tổ chức không gian các nhóm ở đặc trưng, góp phần gìn giữ, bảo lưu văn hóa cư trú, đồng thời duy trì tính chất đặc trưng về kiến trúc đô thị của khu phố người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. 

Dãy phố trên đường Triệu Quang Phục, được xem là 1 trong những trục đường xưa nhất ở khu chợ Lớn- Quận 5 (2013)

Quá trình khảo sát, tìm hiểu về kiến trúc đô thị của người Hoa ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh người ta thường tập trung vào mạng lưới các đường phố, ô phố chính cùng kiến trúc của những ngôi nhà ống kiểu của người Hoa quen thuộc (tầng trên để ở, dưới là cửa hàng) dọc theo mặt phố; còn những ngõ cụt với nhóm nhà ở phía sâu bên trong thường dễ bị bỏ qua. Kết quả quan sát, khảo sát hiện trạng và phân tích quá trình biến đổi/chuyển hóa hình thái học kiến trúc đô thị của khu phố trong những năm gần đây (1) cho phép đặt câu hỏi và nêu lên một giả thuyết: Chính những ngõ cụt với các ngôi nhà ở phía sâu bên trong ô phố, có thể gọi là “nhóm ở” quy mô nhỏ này giữ vai trò quan trọng,  góp phần tạo nên một kết cấu tổng thể có nét đặc trưng riêng về kiến trúc đô thị của người Hoa ở Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh?

Khu vực phường 10 quận 5

Khu vực phường 10 quận 5

 

Trước hết, về cấu trúc mạng đường, cần tìm hiểu mối liên hệ của từng nhóm ở với ô phố, đường phố  trong khu vực khảo sát:
Khu vực được xác định nằm ở xung quanh trục đường Hải Thượng Lãn Ông – 1 tuyến đường cong khá đặc biệt. Trước kia, đây là một nhánh của kênh Tàu Hũ, đã bị san lấp vào thời Pháp. Tuyến đường được xem như là một trục xương sống và các đường nhánh khác đều hướng ra đường này, tạo thành một mạng đường phố trong khu vực gồm các trục ngang, dọc, cong kết hợp với nhau. Và, nếu ngược thời gian, có thể hình dung là, mọi con đường nhỏ ở khu vực đều hướng ra dòng kênh. Như vậy, mạng đường phố trong khu vực khá đa dạng, được phân cấp các loại đường cụ thể theo dạng phân nhánh rất rõ: đường to, nhỏ, đường qua nhà (phía trên có nhà) và ngõ cụt để vào các nhóm ở. Nếu xét theo cấu trúc thì đây là cách phân nhánh, cho phép thâm nhập sâu vào khu vực nhỏ nhất, từ nhánh dưới dạng ngõ cụt này nối ra các con đường nhỏ, từ đường nhỏ lại nối ra các con đường chính, là Hải Thượng Lãn Ông và Trần Hưng Đạo. Ở sâu bên trong của ngõ cụt là sân chung có đặc điểm hình cổ chai (hình chữ T) không kéo dài thành hẻm phố như là những con hẻm ở các khu vực khác thường kéo dài, nối xuyên với các đường, phố kế cận.

Như vậy, có thể xác định, về mặt hình thái học đô thị, mạng lưới đường và cách phân lô khu đất tại khu vực này đã được duy trì và và phát triển dựa trên những quy hoạch đầu tiên của khu vực từ khi mới thành lập những xóm người Hoa đầu tiên.

Tiếp theo, khảo sát tập trung vào đánh giá về môi trường ở, về tính chất đa chức năng và vai trò liên kết cộng đồng của sân trong trong nhóm ở:

Ngõ nhỏ và nhất là sân trong với kích thước đủ lớn để cho các nhà ở hai bên có thể lấy sáng qua các cửa sổ, cửa đi. Đồng thời, do đủ xa đường phố lớn, tránh được tiếng ồn từ các hoạt động đô thị đa dạng ở bên ngoài, ngõ  và sân trong trở thành nơi thuận tiện cho mọi người nghỉ ngơi,  tiếp xúc, giao lưu với hàng xóm láng giềng. 

Có thể nói, thông qua các không gian này, cuộc sống như chậm lại với sự lắng đọng cần thiết, giúp cho cộng đồng người Hoa duy trì được tình cảm xóm giềng, bảo lưu được những đặc điểm và giá trị văn hóa riêng có của cộng đồng, mà ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Hoa (tiếng Quảng, Tiều, tiếng phổ thông…) được duy trì là một ví dụ.

Kết quả khảo sát, đánh giá các đặc điểm và giá trị đặc trưng về không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị của khu phố người Hoa có thể cho phép rút ra những điểm như sau:

– Sự đa dạng về kiến trúc cổ, cũ và mới đan xen, nhất là kiến trúc mặt phố, trong đó chủ yếu là các nhà phố mới. 

– Tuyến cong Hải Thượng Lãn Ông có tiềm năng để trở thành một trục cảnh quan đặc biệt có vai trò kết nối các yếu tố khác nhau trong khu vực và thể hiện rõ nhất tính đa dạng của kiến trúc và chức năng hoạt động của khu vực.

– Các nhóm ở có thể được xem như là những đơn vị hạt nhân đặc trưng – một thành phần cấu tạo khu phố, đó là sản phẩm của cách phân chia lô đất của người Hoa ở Chợ Lớn xưa.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cuối cùng là làm sao để khu phố người Hoa ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp tục phát triển, thích ứng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại, vừa bảo lưu được những giá trị văn hóa đô thị đã trở thành đặc trưng của khu phố. Bảo tồn đô thị sống luôn là vấn đề không dễ. Trên thực tế, nhiều ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố gặp khó khăn khi triển khai. Đô thị hóa nhanh với những chức năng mới xuất hiện trong đô thị như là một tất yếu trong nền kinh tế thị trường đã và đang làm thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh bộ mặt kiến trúc và cảnh quan đô thị của khu phố, đặc biệt khi công tác quản lý và kiểm soát  không theo kịp sự phát triển.

Riêng đối với những nhóm ở như đã nêu ở trên, có nhóm đang dần làm mới, có nhóm như lạc lõng trong lòng đô thị sôi động bởi vẫn giữ nguyên vẻ cũ kỹ. Nếu không có những kế hoạch hành động bảo tồn di sản đô thị kịp thời theo hướng hài hòa lợi ích của thành phố, của cộng đồng và của cư dân thì những  giá trị văn hóa đô thị  đặc trưng của  khu phố này sẽ mất đi.

Trần Mai Hương