Về Luật hành nghề KTS

Sự ra đời của Luật hành nghề KTS (Luật HNKTS) là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh xây dựng hiện nay ở Việt Nam.
Nếu ta coi mỗi đô thị là một bức tranh lớn thì giá trị thẩm mỹ của nó được tạo nên bởi sự đóng góp của rất nhiều “họa sĩ” – KTS, mỗi công trình, mỗi tuyến phố là một mảnh ghép cho bức tranh đó. Bộ mặt đô thị có thể trở nên xấu xí và thiếu thiện cảm nếu chỉ một số công trình không đạt được mức độ thẩm mỹ nhất định (trên bình diện chung). Nói cách khác, diện mạo đô thị có thể bị ảnh hưởng nặng nề vì trình độ và năng lực của một bộ phận KTS không đạt chuẩn. Vậy, vấn đề ở đây là làm thế nào để hạn chế tình trạng này? – Luật hành nghề KTS sẽ là một công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
Hiện nay,755 đô thị các loại trên cả nước, tăng rất nhanh cả về số lượng lẫn quy mô. Để đáp ứng việc quản lý và kiểm soát quá trình đô thị hóa, các hệ thống Luật đã được ban hành; có thể kể ra đây như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở … Tuy nhiên, các đô thị của chúng ta rất nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Các bộ Luật trên chỉ đưa ra các khung quy định về mặt “kỹ thuật” đô thị mà chưa thể can thiệp đến yêu cầu “mỹ thuật” đối với lực lượng KTS hành nghề. Các công trình vẫn được thiết kế và xây lên một cách “đúng” luật, nhưng thẩm mỹ của công trình đó ra sao thì Luật khó mà can thiệp. Căn nguyên của việc này xuất phát từ chất lượng hành nghề của KTS – một vấn đề từ lâu đã được bàn thảo rất nhiều, từ chất lượng đào tạo, đến việc KTS có thể hành nghề ngay sau khi rời ghế nhà trường mà không cần có kinh nghiệm thực tế, việc các KTS cạnh tranh bằng những phương thức thiếu lành mạnh thậm chí là tiêu cực… Và, hậu quả để lại là bộ mặt các đô thị của Việt Nam chúng ta: thiếu nhất quán, thiếu thẩm mỹ, lộn xộn, trưởng giả…
Để thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn lại việc hành nghề của các KTS, các công ty Kiến trúc thì Luật hành nghề KTS đã trở thành yêu cầu bức thiết của các hội viên Hội KTSVN – đại diện cho những người hành nghề chân chính và cả toàn xã hội.
Khi Luật HNKTS được ban hành, các KTS sẽ phải tuân theo những quy tắc chặt chẽ hơn, cụ thể như sau:
1.    Luật quy định rõ về năng lực hành nghề, trình độ của KTS cũng như chất lượng sáng tạo, đồng thời theo dõi tư cách, hiệu quả hành nghề của KTS, việc cấp chứng chỉ để đảm bảo năng lực KTS.
2.    Phải học nghề một cách bài bản tại các cơ sở thiết kế có kinh nghiệm và uy tín trong một thời gian nhất định để được rèn luyện cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.
3.    Phải được giám sát bởi một cơ quan chuyên ngành về chất lượng và đạo đức thiết kế thông qua việc giấy phép hành nghề.
4.    Phải chịu sự giám sát của xã hội thông qua các kênh thông tin đại chúng – một yếu tố quan trong trong việc cấp giấy phép hành nghề.
Với hệ thống quy định tại Luật này, các KTS sẽ phải làm việc với trình độ chuyên môn cao hơn, trách nhiệm cao hơn đối với xã hội, và nếu ai không đáp ứng sẽ bị đào thải ngay.
Luật cũng nên đề cập rõ trách nhiệm của chủ đầu tư để các chủ đầu tư cũng sẽ  được xã hội giám sát về chất lượng phê duyệt thiết kế kiến trúc, họ sẽ không thể tự quyết định diện mạo công trình xây dựng với lý do là tiền của họ thì họ muốn làm gì thì làm. Cộng đồng xã hội có được quyền can thiệp để bảo vệ bộ mặt đô thị – một tài sản chung.
Một vấn đề nữa cũng cần phải nhắc đến – đó là lợi ích của việc có Luật HNKTS, sẽ làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh thiết kế kiến trúc nói riêng và góp phần hạn chế những tiêu cực trong xã hội nói chung, thông qua việc loại bỏ những phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh của một bộ phận KTS thoái hóa đạo đức nghề nghiệp, hoặc những đơn vị tư vấn thiết kế chỉ vì lợi nhuận thuần túy, bắt chấp các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Để các công trình xây dựng ngày hôm nay sẽ không bị sớm dỡ bỏ, vì một diện mạo đô thị Việt Nam bền vững và tiên tiến, vì hiệu quả đầu tư toàn xã hội được nâng cao, giới KTS đang mong mỏi từng ngày Luật HNKTS được QH đưa vào kế hoạch xây dựng và sớm được thông qua./.

KTS Nguyễn Huy Khanh