Sẽ là quá thừa nếu nhắc lại tính độc nhất vô nhị của Hồ Gươm như một trung tâm, điểm mốc của Thủ đô – Một tâm điểm linh thiêng và “bất khả xâm phạm”. Cũng sẽ là thừa nếu phải nhắc lại sự cần thiết và tầm quan trọng của tổng thể không gian công cộng gắn kết với Hồ Hoàn Kiếm: Công viên, đường dạo vòng quanh hồ, như thể một quỹ đạo bắt buộc không thể tách rời khỏi cái tên Hà Nội.
Hồ Gươm nhìn từ trên cao (ảnh: HanoFly)
Tuy nhiên, vẫn có thể chưa phải là quá thừa khi đề cập chi tiết hơn về câu hỏi “Làm thế nào để không gian Hồ Gươm trở nên Hà Nội hơn nữa, đậm đà dấu ấn hơn nữa, và lưu luyến mãi trong tâm trí của mọi người đã từng đến đó?”
Nếu bất kì ai từng đến, từng thăm Venice hay Amsterdam thì đều nhận ngay ra đặc điểm và dấu ấn của các thành phố “trên mặt nước” này, và dấu ấn ấy vẫn mãi in đậm về sau, từ các con đường bình dị nhất cho đến các vị trí trung tâm quan trọng nhất, bởi mặt nước như thể cội nguồn của sự hình thành của các thành phố này cùng với cuộc sống sinh động của nó.
Hà Nội – bản thân cái tên đơn giản ấy thôi cũng đã gợi ra một hình ảnh thật lôi cuốn, bởi nếu người ta thường dễ hình dung “bên cạnh dòng sông” hay “trên dòng sông”, nhưng “bên trong dòng sông” thì có lẽ cũng hiếm.
Và chính đặc điểm địa lý cùng điều kiện địa hình, thủy văn của vùng đất này từ ngàn đời đã kiến tạo nên cái “độc nhất vô nhị” của Hà Nội: Những ao hồ, mặt nước rải rác khắp nơi, dấu tích của quá trình chuyển vận của sinh thái, của sự cân bằng mong manh giữa ĐẤT và NƯỚC.
Tại TP Amsterdam (Hà Lan), diện tích mặt nước không chỉ là bộ khung của của toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng…
Sự cân bằng nguyên thủy mong manh ấy đã hiếm dần trong quá trình phát triển nhanh chóng của một đại đô thị. Các tài liệu sách vở vẫn nhắc đến sự mất mát đến 90 % diện tích mặt nước nguyên thủy của vùng Hà Nội, nhưng hình như 10 % còn lại vẫn chưa tạo được tiếng chuông cảnh báo đáng có về thực trạng chất lượng môi trường và không gian công cộng mà Thủ đô Hà Nội lẽ ra được tận hưởng nhiều hơn.
Nếu ở Venice và Amsterdam, diện tích mặt nước chính là bộ khung của không gian công cộng, của toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, từ nguyên thủy cho đến hiện tại, và chắc chắn vẫn trường tồn trong tương lai, bởi vẫn luôn là huyết mạch (mang tính động) của hệ thống giao thông đô thị thường nhật; thì ở Hà Nội, tuy mặt nước là cái khung sườn khởi thủy kiến tạo các không gian công cộng sơ khai (ao đầm nông nghiệp ) cho đến truyền thống (ao làng, hồ cá …) và cả hiện đại (ao hồ quy hoạch cảnh quan) cùng toàn bộ mạng lưới hạ tầng bao quanh, nhưng dường như sự cân bằng giữa không gian mặt nước nguyên thủy và phần còn lại của không gian công cộng ngày trở nên bấp bênh – Bởi mặt nước ở Hà Nội không mang tính huyết mạch (theo nghĩa lưu thông, luồng tuyến), mà chủ yếu mang tính “tĩnh lặng”, đóng vai trò như một “lá phổi” đô thị, cùng với các mảng xanh quý báu (không biết có phải vì ngẫu nhiên mà người ta vẫn có thể sống, dù thoi thóp, với các lá phổi đôi khi bị cắt mất cả 70-80%, nhưng chẳng có bộ phận cơ thể nào sống được khi bị cắt đứt huyết mạch).
Quay trở lại Hồ Gươm, tất cả các phương án đề xuất quy hoạch khu vực Hồ Gươm, thời gian gần đây nhất, đều thống nhất một điểm là: Tạo ra một quần thể không gian công cộng rộng lớn bao quanh khu vực hồ, thậm chí kéo dài ở một số điểm ra đến Nhà Hát Lớn, mở rộng vườn hoa Lý Thái Tổ, kết nối với Trụ sở Ngân hàng Nhà nước; một số ý kiến còn ủng hộ việc tái tạo không gian mở từ Nhà Thờ Lớn băng qua trụ sở báo Nhân Dân, bao lấy cây đa cổ thụ, vươn ra đến tận mặt hồ … Hiểu nôm na là các ý tưởng đều tìm cách mở rộng diện tích các lá phổi, tạo các không gian công cộng thoáng đãng, dễ chịu hơn.
Nếu chú trọng đến sự cân bằng của một cơ thể sống như không gian đô thị , cùng các hoạt động tấp nập, muôn hình và đa sắc của nó, thì điều quan trọng nhất với các lá phổi này là sự hoạt động hiệu quả, tối ưu trong cơ thể của nó, tùy thuộc vào kích cỡ, vào thể trạng, vào khả năng và tính hiệu quả của quá trình thanh lọc, làm mới các tế bào (mỗi cá thể).
Tuy nhiên, nếu quy trình tự nhiên không cho phép mở rộng mãi diện tích các lá phổi (khi đã đến tuổi trưởng thành), thậm chí còn phải thu hẹp lại, thì đôi khi giải pháp cần cân nhắc, tính đến là việc cải tạo hệ thống phân phối, các tuyến huyết quản, và giao diện thanh lọc… hay hiểu một cách khác, với các không gian công cộng, cảnh quan (là chủ đề chính của chúng ta) thì đó là cách xử lý các luồng giao thông khác nhau: cơ giới, bộ hành, kỹ thuật, dịch vụ… và các giao diện tương tác, tiếp xúc và trao đổi giữa các yếu tố tự nhiên và con người, tạo ra các thứ tự ưu tiên hợp lý.
Một ví dụ gần đây ở Paris: Quảng trường Cộng hòa (Place de la Répubique), biểu tượng cho nền Cộng hòa và Dân chủ, từ khi được hình thành từ năm 1850, toàn bộ diện tích của quảng trường được sử dụng chung cho người đi bộ (đa số), và các phương tiện (tàu điện, xe ngựa kéo, xe đạp), tất cả trên cùng một bề mặt: chất liệu đá hộp vô cùng bền vững, nhưng cũng thật gồ ghề cho các phương tiện xe cộ. Cuối thế kỉ 19, đầu 20, với sự phát triển nhanh chóng của giao thông cơ giới cá nhân thì phần lớn diện tích quảng trường trở thành mặt đường giao thông, một trong những nút giao thông quan trọng nhất của Paris, kéo dài gần như trọn một thế kỉ.
Nếu thế kỉ 20 tại Paris là thế kỉ của tàu điện ngầm và hệ thống giao thông công cộng thì thế kỉ 21 có lẽ quay lại là thế kỉ của các không gian công cộng dành cho người đi bộ, tất cả xe cộ và các phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng bị đẩy lùi khỏi khu vực trung tâm, để nhường chỗ cho giao thông công cộng, tàu điện, xe buýt chạy điện, xe đạp và ô tô công cộng… các loại hình giao thông ít hoặc không gây ô nhiễm. Kéo theo đó là tất cả các hoạt động mang tính hưởng thụ, dịch vụ … đặc trưng của các khu vực trung tâm.
Việc tái quy hoạch Quảng trường Cộng hòa tại Paris phản ánh rõ nét xu hướng đó: Toàn bộ bề mặt quảng trường được làm mới khang trang, và phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của người đi bộ, tất cả các tuyến giao thông cơ giới, lòng đường, được tập trung, giới hạn một cách hợp lý về cùng một phía, chiếm diện tích tối thiểu nhưng với hiệu quả tối đa để không ảnh hưởng tới cả mạng lưới các tuyến giao thông huyết mạch bao quanh.
Điều này cho phép dành đến hơn 70% diện tích cho người đi bộ, và ngay cả bề mặt tuyến xe buýt và taxi chạy xuyên suốt quảng trường cũng mang dáng dấp tuyến đường đi bộ, khác xa với bề mặt xanh xám lạnh lùng của lòng đường cơ giới.
Riêng diện mạo của không gian công cộng này cũng đủ để thể hiện sự ưu ái dành cho khách bộ hành và các đối tượng sử dụng ưu tiên của không gian công cộng trong tương lai.
Trở lại với Hồ Gươm – Hà Nội, để tìm kiếm sự cân bằng giữa mặt nước yên bình phẳng lặng và guồng quay tấp nập của trung tâm Thủ đô thì một hình ảnh dễ nhận ra là tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, chạy dọc suốt mặt tiền dài nhất và có lẽ cũng là quan trọng nhất của hồ Hoàn Kiếm (nơi tọa lạc Ủy ban nhân dân thành phố, Bưu điện trung tâm cùng nhiều trụ sở công cộng khác, cùng trục cảnh quan chủ đạo của vườn hoa Lý Thái Tổ, chưa kể lối vào cầu Thê Húc, đền bà Kiệu, Đài tưởng niệm Cảm tử quân … ) với bề rộng lớn nhất trong các tuyến đường ven hồ, lại trở thành một hào ngăn với dải công viên vỉa hè hẹp nhất của Bờ Hồ, bởi gần như 90% lưu lượng xe cộ nườm nượp chạy qua đoạn đường này chẳng bao giờ dừng lại tại các địa chỉ trên. Thực tế này dễ hiểu bởi với toàn bộ không gian công cộng hiện có vòng quanh bờ hồ thì diện tích ưu tiên cho người đi bộ chỉ là một phần nhỏ, trong khi toàn bộ lòng đường rộng lớn hoàn toàn dành riêng cho xe cộ cơ giới, và thậm chí cũng không có chỗ để dừng, để chờ.
Nếu tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, kéo dài lên tận phía Bắc, đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng với cả các tuyến xe buýt công cộng, đài phun nước… được chăm chút, quan tâm hơn cho người đi bộ, là những người tận hưởng thực sự không gian chung của bờ hồ, dành nhiều thời gian hơn với cảnh quan của hồ cũng như mọi sinh hoạt, dịch vụ gắn liền với hồ – tức chính bản thân cuộc sống đô thị – văn hóa và kinh tế của Hồ Gươm – Hà Nội thì có lẽ cái chất quý báu của toàn bộ không gian Hồ Gươm sẽ được cảm nhận một cách rõ ràng hơn nữa.
Theo một cách nhìn khác, việc bảo đảm sự lưu thông thoáng đãng cho cả các tuyến đường và các luồng giao thông khác nhau (cả khu vực cơ giới lẫn bộ hành) sẽ tạo điều kiện tối ưu để đưa các luồng khí tươi mát, các “dòng máu tươi” vào từng ngóc ngách của “lá phổi”, song điều còn quan trọng hơn là tối ưu hóa quá trình trao đổi, chuyển máu và oxy hóa luồng dưỡng khí dồi dào cho từng tế bào hồng cầu – như cho chính các cá thể đang chuyển động tự do không ngừng trong các không gian công cộng hài hòa và rộng mở.
Song song với Hà Nội và nhiều địa phương khác, TP Hồ Chí Minh cũng đang chuyển mình với các dự án quy hoạch đầy tham vọng. Ngay giữa lòng đô thị, đối diện với trung tâm hiện hữu sẽ là Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm và Công viên Bờ sông. Dự án này được kỳ vọng là không gian quảng trường công cộng có mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay trong cả nước, cùng các giao diện phức hợp với các khối công trình xung quanh
Không gian Hồ Gươm không phải là quảng trường rộng lớn nhất Việt Nam, có lẽ cũng không phải là không gian công cộng được đầu tư tốn kém nhất, nhưng với bản chất và vị trí sẵn có thì hẳn là Hồ Gươm sẽ là Không gian văn hóa công cộng quý báu nhất ở Việt Nam.
Tương lai có thể sẽ còn đem lại hình hài đậm đà nét thời gian nhưng vẫn luôn tươi đẹp của Hồ Gươm hơn nghìn năm tuổi , để bất kì ai đến đây cũng không thể nào quên được những ấn tượng sâu đậm và riêng biệt mà không gian này để lại trong tâm thức.
KTS Nguyễn Khánh Duy
Chuyên đề: Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô