Trên cơ sở khảo sát 15 trung tâm hành chính tập trung cấp tỉnh (đã đưa vào sử dụng, đã quyết định đầu tư xây dựng hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và tổ chức thi tuyển), nhằm đánh giá những hiệu quả và nhận dạng những vấn đề cần quan tâm và lưu ý khi lựa chọn các giải pháp quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung (HCTT) cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương, nhóm chuyên gia Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam đã tập trung khảo sát và đánh giá các khía cạnh chủ yếu sau: Xu hướng đầu tư xây dựng; quy hoạch; kiến trúc;công nghệ; nguồn lực đầu tư và mức đầu tư; hiệu quả.
Khu trung tâm hành chính tỉnh Sóc Trăng
1. Xu hướng đầu tư xây dựng
Trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng dưới 3 hình thức chủ yếu: Phân tán, tập trung trong khu vực hành chính, tập trung hóa cao trong một tòa nhà hoặc trong một tổ hợp có ban quản lý riêng.
Trước khi triển khai chủ trương tập trung hóa, các cơ sở quản lý nhà nước cấp tỉnh thường sử dụng các cơ sở vật chất cũ – nhà công sản từ thời bao cấp với các trang thiết bị và công nghệ lạc hậu, xuống cấp và phân bố rải rác trong trung tâm đô thị tỉnh lỵ, trung tâm thành phố trực thuộc trung ương; hoặc được cải tạo xây dựng nâng cấp trang thiết bị mới trên nền khuôn viên cũ. Các công trình như UBND thành phố/ UBND tỉnh, Tỉnh ủy thường được tọa lạc tại những vị trí trung tâm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, vị trí có tầm nhìn bao quát và gắn với quảng trường trung tâm đô thị.
Quá trình phát triển mở rộng đô thị, thành lập các khu đô thị mới (đặc biệt giai đoạn thực hiện chủ trương chia tách tỉnh, như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Điện Biên…) cũng đồng thời ra đời những khu vực trung tâm HCTT cấp tỉnh, bao gồm: Trụ sở UBND tỉnh, Tỉnh ủy, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các sở ban ngành. Các cơ sở này được xây dựng có khuôn viên quản lý riêng (độc lập và liên kết với nhau qua hệ thống trục giao thông chính của đô thị), đóng vai trò trọng tâm trong khu vực trung tâm đa chức năng của đô thị tỉnh lỵ (bao gồm khu vực trung tâm hành chính cấp tỉnh và các công trình khác như Nhà văn hóa, công trình sân vận động thể dục thể thao, trung tâm hội nghị, bảo tàng, thư viện, quảng trường chính đô thị, trung tâm thương mại….
Trong vài năm gần đây, thực hiện chủ trương sắp xếp, nâng cấp, cải tạo các cơ sở vật chất hiện có rải rác, phân tán; đồng thời tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa công sở của cơ quan hành chính ở địa phương theo hướng tập trung (Chỉ thị số 1073/CT-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), nhiều trung tâm HCTT cấp tỉnh được triển khai xây dựng, được phê duyệt dự án đầu tư và có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư(1). Trong đó, Lai Châu (2009); Bà Rịa – Vũng Tàu (2012); Bình Dương (2014); Đà Nẵng (2014); và chuẩn bị đưa vào sử dụng cuối năm 2014 tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Các tỉnh khác như Hải Dương, Cao Bằng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai….đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và tổ chức thi tuyển phương án thiết kế. Xu hướng tập trung hóa đang được triển khai khá mạnh ở các tỉnh phía Nam và được tổ chức phổ biến dưới dạng hợp khối một số cơ quan có cùng chức năng quản lý theo từng block trong một khuôn viên có ban quản lý riêng (điển hình là trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và cá biệt là hình thức tổ chức hợp nhất các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh vào một tòa nhà (như trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng). Với hình thức hợp khối hay hợp nhất các chức năng quản lý, tất cả các trung tâm này đều có quy mô lớn và chi phí đầu tư rất cao.
2. Quy hoạch
Phần lớn các trung tâm HCTT đều lựa chọn vị trí tại khu trung tâm đô thị có tính lịch sử, văn hóa hoặc trong khu đô thị mới – trung tâm của tỉnh; có khả năng kết nối với các khu chức năng chủ yếu của đô thị: các trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, nhà thi đấu, bảo tàng, quảng trường đô thị; tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan trọng tâm, hình ảnh kiến trúc hiện đại, điểm nhấn về kiến trúc của đô thị.
Quy mô đất xây dựng các trung tâm hành chính cấp tỉnh phổ biến từ 10ha đến 20ha, rộng nhất là Bình Dương 20,6 ha; tiết kiệm đất nhất là Đà Nẵng với 2,3 ha. Hầu hết đều sử dụng tiêu chuẩn tối đa hoặc vượt chỉ tiêu so với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo QĐ số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Và đặc biệt, quy mô diện tích sàn rất lớn: Đơn cử chỉ riêng khối các cơ quan đoàn thể của Long An dự báo 253 viên chức với diện tích bình quân 22,77m2/người, diện tích sàn 5.761m2; Đà Nẵng với tổng diện tích sàn toàn bộ tòa tháp là 65.234 m2, trong đó nơi làm việc của các sở ban ngành được bố trí từ tầng 5 đến tầng 34, có diện tích sàn hơn 35.250m2; diện tích xây dựng cho khối các sở ban ngành Hải Dương khoảng 48.544 m2.; tại Khánh Hòa, dự kiến tổng diện tích sàn khoảng 243.000 m2 với dự kiến số nhân viên công chức đến 2030 khoảng 5.970 người (trung bình trên 40m2/người).
3. Kiến trúc
Đa số các trung tâm HCTT đều thể hiện phong cách kiến trúc hiện đại và sử dụng vật liệu kính trên hầu hết bề mặt công trình, cố gắng khai thác các yếu tố về địa hình và điều kiện tự nhiên. Trong đó, nổi bật nhất về tính biểu tượng, tạo hình ảnh kiến trúc là Ngọn hải đăng cao 34 tầng (175,5 m) của tòa tháp tại Đà Nẵng.
Các trung tâm hành chính xây dựng mới tập trung đều được trang bị đồng bộ với thiết bị văn phòng phù hợp, thống nhất cung cấp các dịch vụ công sở và đáp ứng mục tiêu yêu cầu của chỉ thị 1073 về hiện đại hóa công sở; bảo đảm mục tiêu làm việc liên hoàn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại (phòng họp, hội nghị, hội thảo, bộ phận tiếp công dân, lưu trữ, thư viện, giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc…);
4. Nguồn lực đầu tư và mức đầu tư
Hầu hết các trung tâm HCTT chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước cùng với giải pháp hỗ trợ để bù đắp chi phí đầu tư thông qua: Bán đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất nhà công sản và công sở trên địa bàn cho các đơn vị sự nghiệp khác hoặc cho thuê các cơ sở cũ. Tuy nhiên, tính khả thi và hiệu quả của giải pháp này đến đâu thì cho đến nay chưa có tổng kết đánh giá. Nhưng qua các kênh thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa có tỉnh nào thu được nguồn kinh phí đầu tư từ nhóm giải pháp này.
Theo số liệu khảo sát, tất cả các dự án đầu tư đều có mức dự toán trên 1.000 tỷ đồng, cao nhất gần 5.000 tỷ (Khánh Hòa); phổ biến khoảng trên dưới 2.000 tỷ và thấp nhất khoảng 1.000 tỷ (Ninh Thuận). Thực tế, khi quyết toán, mức đầu tư đều vượt ngưỡng dự báo rất nhiều. Nếu rà soát theo Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, chúng ta sẽ thấy chi phí này có hợp lí không? Đặc biệt, trong bối cảnh nợ công gần 64%(2) và trong tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương chiếm tới 39,8% trong tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước(3).
5. Hiệu quả
Trên thực tế, phần lớn vị trí xây dựng trụ sở UBND, cũng như các cơ quan công quyền cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hiện nay, thường nằm ở những khu vực đắc địa, có giá trị kinh tế đất rất lớn, những vị trí “đất vàng” của đô thị. Vì vậy chủ trương sắp xếp, nâng cấp và tập trung các cơ sở này và chuyển đổi các vị trí “Đất vàng” sang hướng kinh doanh dịch vụ (du lịch, thương mại, văn hóa) sẽ tạo ra một nguồn lực phát triển đô thị và có hiệu quả về mặt khai thác giá trị kinh tế đất. Mặt khác, tập trung hóa cũng là cơ hội áp dụng các công nghệ hiện đại – công nghệ thông minh hỗ trợ cho các giao dịch hành chính, việc xử lý thông tin được cải thiện và có hiệu quả cao cho mục tiêu phục vụ người dân, cho công tác và nghiệp vụ quản lý nhà nước. Đó cũng là cơ hội để góp phần tạo lập hình ảnh kiến trúc, tạo động lực mới cho sự phát triển của các khu vực liền kề.
Các nhà quản lý thuộc các tỉnh, thành có dự án xây trung tâm HCTT đều cho rằng xây dựng trung tâm hành chính mới là cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho dân cũng như công tác quản lý:
– Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi liên hệ công tác giao dịch hành chính – tất cả các sở ngành đều có phòng tiếp công dân, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở đây.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhân viên cũng như giám sát thái độ phục vụ của cán bộ các sở ngành với người dân thông qua hệ thống “Quản lý tòa nhà thông minh”.
– Giảm được chi phí đáng kể khi các sở, ngành cùng sử dụng một đội xe công, hay sử dụng chung một hội trường, phòng họp…
– Thuận lợi trong quan hệ công việc giữa các đơn vị (từ khối đảng, chính quyền, sở ban ngành)
– Giảm được chi phí xăng xe, đi lại, chi phí bưu điện chuyển công văn (từ cơ quan này đến cơ quan khác đều đưa trực tiếp), chi phí bảo vệ, cây xanh…
Tuy nhiên, dư luận xã hội hết sức quan tâm và không khỏi quan ngại về các khía cạnh: Chất lượng phục vụ có tương thích với quy mô và mức đầu tư?; Tập trung đầu tư quá lớn vào một TTHC như vậy có phù hợp với điều kiện kinh tế ngân sách quốc gia?; Vấn đề an ninh, an toàn và khả năng vận hành quản lý bảo dưỡng đối với mô hình tòa tháp cao tầng?; Các yêu cầu về tính đại diện của một cơ quan công quyền – cơ quan quyền lực cấp tỉnh; Tính xã hội, nhân văn; Yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử, bản địa, thẩm mỹ? Sự thân thiện của các công trình công quyền? Khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật? …
Dưới lăng kính kiến trúc, việc lựa chọn các hình thức tổ chức (tập trung thành khu hành chính; hợp nhất các chức năng quản lý trong một tòa tháp hay hợp khối các cơ quan có cùng chức năng trong một khuôn viên có ban quản lý riêng); Lựa chọn hình thức kiến trúc và tổ chức các không gian giao dịch hành chính, không gian quảng trường trung tâm hành chính sao cho phù hợp với tính chất một công trình mang tính phục vụ là chủ yếu, tính quyền lực, tính đại diện, tính bản địa,các yêu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa …; Lựa chọn quy mô xây dựng công trình, quy mô đầu tư sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, sử dụng nguồn vốn ngân sách-nguồn thu từ thuế của người dân; ….Rất cần phải có những khảo sát, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận để tìm ra những cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu những hạn chế không nên có trong các dự án đầu tư trung tâm HCTT sắp triển khai.
Đề xuất các giải pháp kiến nghị
Chủ trương
Việc sắp xếp lại các cơ sở quản lý nhà nước đang phân tán, xuống cấp và lạc hậu về công nghệ theo hướng tập trung là cần thiết, hợp lý và sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong quản lý hành chính, xử lý tập hợp dữ liệu thông tin, phục vụ các giao dịch hành chính, tiết kiệm đất đai. Tuy nhiên, mức độ tập trung đến đâu, tập trung như thế nào còn phụ thuộc vào bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, của từng địa phương. Đồng thời, khi lựa chọn hình thức tổ chức TTHC cụ thể, cần lưu ý đến các tiêu chí về tính chất vị thế của công trình, tính bản địa, tính xã hội; kinh phí đầu tư, điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa và các yêu cầu về Quy hoạch, kiến trúc, quản lý vận hành, an ninh và an toàn….
Lựa chọn hình thức tổ chức
Xu hướng tập trung đã, đang thể hiện ở 3 hình thức: Khu vực tập trung hành chính; hợp nhất các chức năng quản lý nhà nước trong một tòa tháp; hợp khối các cơ quan có cùng chức năng và quản lý trong một khuôn viên.
– Tổ chức hợp nhất trong một tòa tháp như Đà Nẵng sẽ tiết kiệm đất nhất, thuận tiện và hiệu quả trong liên kết, liên hệ nội bộ, tiết kiệm trong khai thác và sử dụng các không gian chung; song đòi hỏi rất cao về trình độ/năng lực và nguồn kinh phí quản lý vận hành, đặc biệt vấn đề kiểm soát an ninh – an toàn và áp lực rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.
– Tổ chức thành khu vực hành chính tập trung như Bắc Ninh sẽ tạo môi trường làm việc độc lập cho từng cơ quan, thuận lợi cho các giao dịch hành chính, tổ chức xây dựng, quản lý và chi phí vận hành đơn giản, kinh phí đầu tư thấp hơn nhiều so với các tòa tháp cao tầng. Tuy nhiên, lãng phí về đất đai, khô cứng và tách biệt với các hoạt động đô thị, đặc biệt sau giờ làm việc.
– Tổ chức hợp khối các cơ quan có cùng chức năng và quản lý trong một khuôn viên, như Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tạo được môi trường làm việc có tính độc lập tương đối giữa bộ máy lãnh đạo và bộ phận giúp việc, môi trường và điều kiện làm việc và phục vụ người dân thuận tiện, thân thiện; tổ chức xây dựng, quản lý vận hành thuận lợi, gắn kết được với các hoạt động đô thị, tạo được hình ảnh mới hấp dẫn về cảnh quan.
Chức năng
Cơ quan chính quyền cấp tỉnh bao gồm bộ máy quyền lực (Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và bộ máy giúp việc, được chia thành các khối (Văn phòng UBND và các sở, ban, ngành). Ngoài ra còn có các tổ chức, đoàn thể xã hội. Như vậy, có thể khẳng định, vị thế, vai trò và chức năng hoạt động khác nhau giữa các cơ quan đòi hỏi hình thức tổ chức không gian quy hoạch và kiến trúc tương ứng khác nhau.
Quy mô
Lựa chọn quy mô đầu tư và xây dựng Trung tâm HCTT phải phù hợp với điều kiện và lộ trình phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, của quốc gia, theo đó cần cân nhắc thận trọng khi sử dụng nguồn vốn ngân sách – nguồn từ đóng thuế của người dân. Như vậy, cần kiểm soát các ngưỡng dự báo về chỉ tiêu sử dụng diện tích sàn, quy mô diện tích đất, quy mô các không gian dịch vụ hỗ trợ, các giải pháp kiến trúc, kết cấu, vật liệu xây dựng và công nghệ…để tiết giảm chi phí đầu tư cũng như quản lý vận hành.
Vị trí
Là một bộ phận của khu trung tâm đô thị, vị trí đầu tư xây dựng trung tâm HCTT hợp lý, nhất là trong khu vực trung tâm có tính lịch sử văn hóa truyền thống (nếu có điều kiện) để nâng cao vị thế các công trình hành chính, đồng thời dễ dàng tiếp cận với các không gian công cộng, với trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch và nhà ở để hòa cùng với cuộc sống nhộn nhịp đô thị.
Quy hoạch, kiến trúc
Giải pháp tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc hiện đại, phổ biến trên thế giới hiện nay, trước hết phải thỏa mãn tối đa tiêu chí phục vụ nhân dân, tạo ra sự thân thiện trên cơ sở phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân cư và hài hòa với điều kiện tự nhiên của địa phương – Một không gian trang trọng, chuẩn mực, một điểm đến với những giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa; sau đó mới đến yêu cầu về tính biểu tượng, điểm nhấn của kiến trúc các công trình hành chính. Theo đó, cần đảm bảo tỷ trọng thích đáng về quy mô diện tích sàn, tiện ích tiện nghi, các phương tiện tiếp cận thông tin (giới thiệu và cung cấp các thông tin về lịch sử, văn hóa, sự kiện, quy trình thủ tục, văn bản pháp luật…) với những không gian mà người dân cảm nhận được tôn trọng, thân thiện.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hợp khối các chức năng hành chính có quan hệ với nhau là phù hợp. Trong đó, không gian giao dịch hành chính nên gắn liền với không gian mở của quảng trường công cộng. Như vậy, tùy theo từng đô thị mà lựa chọn các hợp, chứ không nhất thiết Trung tâm HCTT phải có quy mô đồ sộ hoặc phải là điểm nhấn về tầng cao trong đô thị hay biểu tượng như một điểm đến về du lịch hoặc giao dịch thương mại.
Đó là những nguyên tắc quy hoạch và kiến trúc cơ bản, còn để Trung tâm HCTT trở nên hợp lý và có đặc trưng đại diện cho từng địa phương thì đó là công việc của kiến trúc sư trong quan hệ mật thiết, hữu cơ với chính quyền đô thị.
Các văn bản liên quan
– Quyết định số 229/2006/QĐ-TTg ngày 12/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở, cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
– Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ V/v ban hành Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập.
– Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
– Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ V/v sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
– Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
– Thông tư số 10/2007/TT-BXD ngày 22/11/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quy hoạch xây dựng công sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
– Chỉ thị số 1073/CT-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa công sở của cơ quan hành chính ở địa phương theo hướng tập trung.Cơ cấu tổ chức trung tâm hành chính cấp tỉnh
Trung tâm hành chính của một tỉnh thường đặt tại một thị xã hay một thành phố cấp tỉnh, gọi là tỉnh lỵ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có từ 9 đến 11 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, 1 ủy viên thư ký và các ủy viên khác. Thường trực Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, và ủy viên thư ký. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm Văn phòng UBND và các sở, ban, ngành, chia thành các khối:
– Khối tổng hợp: Văn phòng UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ (trước kia là Ban Tổ chức chính quyền).
– Khối nội chính: Sở Tư pháp, Thanh tra. Ngoài ra, các cơ quan sau đây chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc, mà không trực thuộc UBND: Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
– Khối lưu thông phân phối: Sở Công Thương, Sở Tài chính (trong đó có Kho bạc Nhà nước). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc, mà không trực thuộc UBND.
– Khối nông lâm nghiệp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường
– Khối công nghiệp: Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và công nghệ (trong đó có Cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng).
– Khối văn hóa xã hội: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Số Sở, ban thuộc UBND cấp tỉnh là 19, trong đó cơ cấu cứng là 18 Sở, ban, bao gồm các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng (Quy hoạch và Kiến trúc), Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động- Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND. 1 Sở được tổ chức theo đặc thù của từng địa phương là các Sở: Ngoại vụ. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng địa phương có thể có thêm các cơ quan chuyên môn ngang Sở khác như: Ban Quản lý các KCN, Ban Dân tộc, Ban Quản lý phát triển Côn Đảo (BRVT),…
Tính khả thi về tạo nguồn lực ra sao?
– Tỉnh Bình Dương:
Ông Nguyễn Thành Tài (Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương):… Trụ sở các sở tại phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một) sẽ được dùng là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp.Trụ sở một số sở ngành khác được tỉnh Bình Dương bán đấu giá hoặc hoán đổi công năng nhằm thu hồi vốn, bù đắp chi phí xây dựng trung tâm chính trị – hành chính mới. Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho biết những nội dung này đang được sở nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh chứ chưa có quyết định cụ thể.
– Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Nguồn vốn đầu tư xây dựng trung tâm – hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lấy từ ngân sách tỉnh. Một phần ngân sách sẽ thu lại khi tỉnh tiến hành bán đấu giá các khu đất trước đây dùng làm trụ sở các sở ngành tại TP Vũng Tàu.
– TP Đà Nẵng: Được xây dựng từ ngân sách nhà nước bằng cách chuyển quyền sử dụng đất nhà công sản và công sở trên địa bàn… Theo ông Nguyễn Công Lang – Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa bán đấu giá thành công một công sở nào để lấy tiền xây dựng trung tâm hành chính TP.
– Tỉnh Lâm Đồng:
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: Nguồn vốn đầu tư dự án được xác định bằng nguồn thu từ bán đấu giá và cho thuê các cơ sở nhà, đất của các cơ quan vào làm việc tại TTHC (đã lên kế hoạch bán và cho thuê 19 biệt thự, năm nhà ở tại Đà Lạt, hiện đang được trưng dụng để làm công sở). Nhưng do tình hình bất động sản đóng băng, nên việc đấu giá nhà, đất không thuận lợi, dẫn đến bị động trong phương án bố trí vốn cho dự án.
– Tỉnh Khánh Hòa:
Theo tính toán của Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, trong hơn 5.500 tỉ đồng đầu tư cho trung tâm hành chính mới thì tỉnh chỉ phải chi khoảng 2.000 tỉ đồng, hơn 3.500 tỉ đồng còn lại sẽ “lấy” từ nguồn thu quỹ đất của các cơ quan hiện hữu, nhưng cho đến nay vốn đầu tư xây dựng tòa nhà trung tâm hành chính đều lấy từ nguồn ngân sách chứ chưa bán được các công sở.
Chú Thích
1. Theo số liệu nhóm khảo sát tập hợp từ 15 tỉnh và TP trực thuộc trung ương
2. Theo VNexpress.net, ngày 14/10/2014:“….Chúng tôi quy định nợ công không vượt quá 65% GDP. Với tính toán mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này, mức đó đạt suýt soát 64%”, bà Nguyễn thị Kim Ngân, phó chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là vấn đề được Quốc hội hết sức lưu ý”
3. Theo báo Đất việtNguồn tài liệu tham khảo:
– Tỉnh Lai Châu : Viện KT Quốc gia
– Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
– Tỉnh Bình Dương: Hội KTS Bình Dương
– Tỉnh Đà Nẵng: Hội KTS Đà Nẵng
– Tỉnh Lâm Đồng: KTS Phan Tấn Lộc, Hội KTS Lâm Đồng
– Tỉnh Hải Dương: Hội KTS Hải Dương
– Tỉnh Cao Bằng
– Tỉnh Khánh Hòa: Hội KTS Khánh Hòa
– Tỉnh Long An:Hội KTS Long An
– Tỉnh Bình Thuận: Hội KTS Bình Thuận
– Tỉnh Ninh Thuận: Viện Kiến trúc – Hội KTS VN
– Tỉnh Sóc Trăng: Hội KTS Sóc Trăng
– Đề tài “Những biểu hiện hình thức trong chủ nghĩa công sở trong thời kỳ đổi mới”. 2007. Viện Kiến trúc – Hội KTS VN
– Báo Đời sống và Pháp luật
– Báo đất Việt
– Báo Vnexpress.net
– Báo Nông nghiệp Việt Nam…..
– Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS VN
– www.wikipedia.com
– Internet
Thực hiện: Viện Kiến trúc và các chuyên gia
PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông; PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
ThS.KTS Lã Kim Ngân; ThS.KTS Nguyễn Kim Anh; ThS.KTS Lê Thiêm