Kiến trúc Quy hoạch và Quản lý đô thị di sản Venice

Venice – Thành phố cổ kính, độc đáo và duy nhất trên thế giới với nhiều biệt danh: “Nữ hoàng của biển Adriatic”, “Thành phố của nước”, “Thành phố nổi”, “Thành phố của tình yêu”, “Thành phố của những chiếc cầu”, “Thành phố của những con kênh”, “Thành phố của Lễ hội hóa trang” hay La Serenissima – có nghĩa là “nơi yên bình nhất”… là điểm đến mơ ước của những cặp tình nhân, du khách, những nghệ sĩ và cả các KTS. Trên các trang web bình chọn những thành phố đẹp nhất thế giới, cái tên Venice thường được nhắc đến đầu tiên. Ai đã từng đặt chân đến Venice đều bị mê hoặc bởi nét lãng mạn và độc đáo có một không hai…
 
 
Lịch sử hình thành Venice  
Venice trong tiếng Ý là Venezia – thành phố trên 1500 năm tuổi – là thủ phủ của vùng Veneto phía Đông Bắc Italia. Venice là tên của hòn đảo lớn nhất trong quần thể hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong một vịnh kín của biển Adriatic, thông với Địa Trung Hải. Nhìn từ máy bay, Venice có hình một con cá khổng lồ quẫy trên đầu sóng – hình tượng này giờ đã trở thành biểu trưng của thành phố. Venice nối với đất liền bằng con đường độc đạo thẳng tắp Ponte della Libertà (khánh thành năm 1933 dưới thời Mussolini). 
 
Ngày nay, các nhà sử học đều cho rằng những cư dân đầu tiên của Venice là người tị nạn đến từ các thành phố La Mã gần đó, dù trước đó Venice đã có các ngư dân bản địa. Lịch sử của Venice được đánh dấu bằng sự ra đời của nhà thờ Thiên chúa giáo San Giacomo trên đảo Rialto – được cho là đã gióng tiếng chuông đầu tiên vào giữa trưa ngày 25 tháng 3 năm 412.
 
Lịch sử phát triển của Venice là cả một chuỗi dài giao thoa văn hóa và giao dịch thương mại hàng hải với Châu Âu, đế chế Byzantine và thế giới Hồi giáo. Từ đầu thế kỷ thứ XIII đến cuối thế kỷ thứ XVII, Venice là một trung tâm thương mại hàng hải của Châu Âu và thế giới,  và nhờ đó trở thành một trong những thành phố giàu có bậc nhất.
 
Ngày nay, do những khó khăn trong cuộc sống hiện đại như việc đi lại, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, ít việc làm… dân số trên đảo trung tâm (Venice) giảm xuống nhanh chóng: từ khoảng 120.000 người vào năm 1980 xuống còn 60.000 vào năm 2009. Vào năm 2007, trung bình có khoảng 50.000 du khách đến Venice mỗi ngày trên tổng số khoảng 60.000 cư dân của thành phố. Venice cũng đang đối mặt với một vấn đề nan giải: đó là việc thành phố đang chìm dần, thậm chí dẫn đến lụt lội ở nhiều nơi. Người ta ước tính Venice chìm khoảng 2mm mỗi năm. Chỉ trong thế kỉ XX vừa qua, Venice đã bị “chìm” 23cm. Tuy vậy ngày nay, Venice vẫn là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch Italia.

Kiến trúc ở Venice – phong cách Venetian
Venice mang trong lòng một gia tài đồ sộ các công trình kiến trúc: khoảng 120 nhà thờ, hơn 60 tu viện (theo nhiều phong cách: Thiên chúa giáo Tiên kỳ, Byzantine, Roman, Gothic, Phục hưng với phong cách chiết trung, baroc hoặc roccoco…), hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện được xây dựng trải dài nhiều thế kỷ. Kiến trúc ở Venice là sự pha trộn phong cách của các dòng kiến trúc chính thống châu Âu và phong cách Byzantine, xen lẫn các ảnh hưởng mang hơi hướng Ả rập dưới tác động của khí hậu Địa Trung Hải…hình thành phong cách kiến trúc gọi là Venetian style với đặc trưng là các vòm hình lưỡi mác đậm chất Gothic, các chi tiết trang trí mang phong cách Byzantine và Ả rập. Kiến trúc Venetian đã gây bất ngờ cho nhiều KTS khi đặt chân đến đây.
Bộ sưu tập các công trình di sản nằm  dọc hai bên bờ Canal Grande (kênh lớn) hết sức đồ sộ, mỗi công trình mang một vẻ độc đáo riêng. Ánh nắng chói chang, nước biển lấp lánh cùng vô vàn công trình kiến trúc làm nên cảnh tượng hấp dẫn dọc từng con phố dòng kênh. Những chiếc cầu cũng là đặc sản của thành phố. Người ta thường nhắc đến những cây cầu nổi tiếng bắc ngang Canal Grande như cầu đá Rialto (được cho là cây cầu được chụp ảnh nhiều nhất thế giới), cầu gỗ Academia, nhưng ít ai biết Venice còn một chiếc cầu đặc biệt bằng kính và thép của KTS Santiago Calatrava nằm giữa quảng trường Roma và ga tàu điện Santa Lucia. 
 
Do Venice nằm trong một vịnh kín (đầm phá), nền đất khá yếu, từ ngàn năm nay, người ta xây công trình trên cọc gỗ (của cây tổng quán sùi hoặc thông rụng lá của Nga) đóng xuống bùn san sát nhau. Do ngâm trong môi trường nước biển, hầu hết cọc gỗ vẫn làm việc tốt sau hàng trăm năm. Công trình ở đây hầu hết xây bằng gạch đất nung hoặc bằng đá, lợp ngói ống. Quần thể Kiến trúc Venice đều có tuổi đời vài trăm năm.   
Quy hoạch đô thị Venice – độc đáo và cá biệt
Điểm độc đáo nhất của Venice chính là một đô thị thời hiện đại mà không ô tô, xe máy. Giao thông trong thành phố dựa hoàn toàn vào hệ thống đường thủy gồm các kênh đào, với xương sống là Kênh Lớn (Canal Grande) xuyên suốt thành phố: “đại lộ” độc đáo dài 3,5km này được phủ kín hai bên mình những nhà thờ, khách sạn, quảng trường, các điểm tham quan chính của Venice. “Đại lộ” nước này là nơi chứng kiến tất cả những hoạt động của Venice từ buôn bán, lễ hội đến đám cưới, đám tang. Khoảng 150 con kênh đào và khoảng 400 cây cầu biến không gian đô thị ở đây trở nên lãng mạn và độc đáo hiếm có. 
 
Phương tiện giao thông nội đô gồm có phà (water bus), ca nô (taxi), thuyền chèo cá nhân (gondola). Giao thông đối ngoại có tàu điện, hai sân bay quốc tế và đường bộ đến cửa ngõ thành phố. Tuy nhiên, hầu hết người dân và du khách ưa thích đi bộ trong các con hẻm nhỏ thay vì dùng các phương tiện giao thông công cộng.
 
Thành phố có hàng trăm quảng trường, do không có xe cộ qua lại, người dân có thể tự do thưởng ngoạn mà không cần bận tâm đến giao thông. Quảng trường thường gắn liền tượng đài và nhà thờ hoặc tu viện cùng tháp chuông, khiến không gian đô thị liên tục thay đổi, hấp dẫn ở mọi góc nhìn. Đẹp nhất và nổi tiếng nhất là quảng trường San Marco, một mặt quay ra biển, phần còn lại được bao bọc bởi các kiến trúc di sản và lúc nào cũng đầy ắp chim bồ câu. Nói về quảng trường San Marco, Napoléon cho rằng đó là “căn phòng khách thanh lịch nhất Châu Âu” (nguyên văn: “le plus élégant salon d’Europe”).
Có thể nói hệ thống kênh đào, những chiếc cầu, những quảng trường, nhà thờ và tu viện, tháp chuông chính là các thành tố cấu trúc nên không gian đô thị độc đáo của Venice.
Quản lý đô thị  Venice
Venice được nguyên vẹn như ngày nay là nhờ những nỗ lực tột bậc của Chính phủ Italia, người dân ở đây và cả cộng đồng quốc tế, điều này có thể ghi nhận qua chính sách quản lý xây dựng rất hiệu quả. Mỗi ngôi nhà là một di sản và dường như chứa đựng cả một pho truyện cổ tích về lịch sử và gốc gác của nó. Nhà giáp với kênh đào luôn có một cửa chính mở trực tiếp ra mặt nước. Những ngôi nhà nhìn bề ngoài sứt sẹo, mốc meo và hầu như không thay đổi qua thời gian, nhưng nội thất thì lại tiện nghi sang trọng, đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại. Không có nhà nhiều tầng và cao tầng, biển quảng cáo cũng không hề xuất hiện và cũng không có kiến trúc mới xây chen. Một điểm rất thú vị là dường như chính quyền thành phố cho phép người dân tự do sinh hoạt đời thường như việc phơi phóng quần áo trước nhà, tự chọn màu sơn cho ngôi nhà của mình… khiến du khách rất thích thú và muốn khám phá cuộc sống nơi đây.
 
 
 
Venice – Thành phố của lễ hội và văn hóa
Venice là nơi được chọn làm bối cảnh cho vô vàn câu chuyện tiểu thuyết, kịch, phim, thơ ca nổi tiếng. Venice cũng nổi tiếng về nghề làm mặt nạ và nghề thủy tinh (Murano). Hằng năm vào tháng 2, nơi đây diễn ra Lễ hội0020 hóa trang sôi động. Liên hoan phim Venice có tuổi đời cao nhất (80 năm) và cũng rất danh giá. Không khó để tìm thấy những buổi trình diễn nghệ thuật như hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật, hay đơn giản là những màn trình diễn của các nghệ sĩ đường phố. 
 
Nếu cần có một điều gì đó để than phiền ở Venice thì đó chỉ có thể là giá cả dịch vụ du lịch. Du khách thường trả khoảng 120 đô la Mỹ cho 30 phút du ngoạn trên chiếc thuyền nan gondola 1 người chèo. Một bữa ăn xoàng xĩnh cũng tiêu tốn 25 đô la. Nhưng ở đây, hầu như chẳng mấy ai than phiền về điều đó.
 
Có nhiều thành phố trên thế giới được so sánh với Venice: Amsterdam (Hà Lan), Brugers (Bỉ), Tô Châu (Trung Quốc), St Petersburg (Nga)… nhưng khó có nơi nào có được vẻ lãng mạn cũng như quần thể hoàn chỉnh về kiến trúc quy hoạch như thành phố này. Thật khó để nói về Venice trong vài trang giấy, nhưng ai cũng có quyền mơ ước được một lần ghé thăm “Nữ hoàng của biển Adriatic” 
 
KTS Nguyễn Anh Tuấn
NCS Đại học Liège, Bỉ