Luồng gió mới qua các Giải thưởng Quốc tế của KTS trẻ Việt Nam: Đã hình thành một xu thế Kiến trúc “Hiện đại bản địa” Việt?

Nói về nghệ thuật tức là nói đến xu thế, xu hướng sáng tạo, phong cách, trường phái. Cho đến nay, kiến trúc Việt dường như chưa có trường phái, phong cách thì mờ nhạt, và cũng chưa có cả một xu hướng sáng tác rõ nét nào. Có chăng mới chỉ là con đường đi tìm và bộc lộ cái tạng, cái gu thẩm mỹ của từng tác giả – Và cũng chỉ gần đây thôi, khi không ít công trình của KTS trẻ Việt đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành kiến trúc thế giới và giải thưởng quốc tế…

Công trình Nhà nguyện xuất sắc giành giải "Công trình của năm" trong Festival Kiến trúc thế giới 2014 - KTS Nguyễn Hòa Hiệp
Công trình Nhà nguyện xuất sắc giành giải “Công trình của năm” trong Festival Kiến trúc thế giới 2014 – KTS Nguyễn Hòa Hiệp

Còn lúng túng trong hướng sáng tác
Thời gian qua, phải chăng kiến trúc Việt Nam vẫn loay hoay trong các lối mòn cũ, tệ hại hơn là sa đà vào những cái đã lỗi thời.

Nhân danh hướng trở về nguồn, nhiều công trình mang tính cải biên, cách tân hình ảnh kiến trúc dân tộc và dân gian đã xuất hiện. Có nghĩa là trên cơ sở dây chuyền công năng và vật liệu hiện đại, cải biên những chi tiết kiến trúc cổ như mái, cột, con sơn, kết hợp các không gian thoáng mở với cây xanh, sân vườn. Xu thế này tuy không xấu, nhưng không đóng góp được gì mới cho kiến trúc đất nước trong giai đoạn đổi mới và hội nhập thế giới.

Tệ hại nhất là xu thế nhại kiến trúc Pháp từng có nguy cơ trở thành một vấn nạn. Trong khi miền Nam đã đoạn tuyệt với kiến trúc cổ điển Pháp từ rất lâu, thì kiến trúc Pháp thế kỷ 17-19 như một anh tây lai già lại “lảng vảng”, rồi “lù lù” xuất hiện ở Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam, kể cả trong thể loại nhà công quyền lớn ở Thủ đô và một số tỉnh.

Khả quan hơn là việc “nhập khẩu” phong cách quốc tế và các trào lưu khác nhau của kiến trúc hiện đại trên thế giới. Tuy vậy, trong đó có không ít những công trình kiến trúc “thiếu quê hương” (đặt ở nước nào cũng được). Thông qua kỹ thuật bê tông kính thép, với sự hỗ trợ của máy móc cơ khí và điện, các công trình theo hướng này dựa nhiều vào điều hoà không khí, thông gió và chiếu sáng nhân tạo, ít quan tâm đến các biện pháp xử lý khí hậu theo tự nhiên.

Đi xa hơn, do ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc sử dụng phần mềm tin học làm xuất hiện những phong cách tân kỳ kiểu phương Tây như: Giải toả kết cấu, high-tech, sử dụng vật liệu siêu nhẹ, siêu bền trong các bức tường-mành. Họ phát triển tối đa dấu ấn của tác giả hoặc thân chủ của họ lên bề mặt công trình. Xu hướng này tuy có góp phần đề cao những năng lực sáng tạo riêng lẻ, nhưng cũng đồng thời đối chọi lại những logic quen thuộc về thẩm mỹ kiến trúc.

123
Hình trái: “Nhà Nguyện” Ngôi nhà được cấu trúc thành hai phần theo chiều dọc, phòng khách và nhà bếp nằm ở tầng 1, hai phòng ngủ riêng trên tầng 2. Phòng khách tiếp xúc tối đa với thiên nhiên vì không cần cửa hoặc cửa sổ, sự ngăn cách giữa trong nhà và bên ngoài trở nên mờ đi.
Hình phải: “Nhà nén” Công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa TP HCM

Các giải thưởng kiến trúc quốc tế vừa qua đã nói lên điều gì?
Mới nhất là vào đầu tháng 10 vừa qua, tại Festival Kiến trúc Thế giới – WAFSingapore 2014, KTS Võ Trọng Nghĩa được nhiều giải cao với các công trình: Quán cà phê Đại Lải, Nhà hàng Sơn La trong hạng mục Khách sạn – nghỉ dưỡng, Nhà cây xanh tại hạng mục Nhà ở, Khu Đại học FPT ở Hoà Lạc trong hạng mục Giáo dục tương lai.

KTS Nguyễn Hòa Hiệp là một khuôn mặt trẻ mới nổi đã giành luôn 2 giải: “The Chapel” (Nhà nguyện) và “The Nest” (Tổ chim). Sau 3 ngày tranh tài với hàng trăm công ty kiến trúc danh tiếng đến từ hơn 50 nước trên thế giới, công trình “Nhà nguyện” của anh đã xuất sắc vượt qua các đối thủ nặng ký để giành giải “Công trình của năm”.

“Nhà nguyện” thực chất không phải công trình tôn giáo mà là một không gian cộng đồng ở ngoại ô TP HCM, nơi vui chơi giải trí phục vụ mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào các buổi tụ hội, triển lãm, tiệc cưới hoặc thưởng thức cà phê cùng bạn bè. Điểm đặc biệt của công trình này là những tấm rèm nhiều màu sắc, vật liệu xây dựng hoàn toàn từ tự nhiên, giá thành thấp, dễ xây dựng.

Trước đó, Tạp chí Archdaily (Mỹ) đã rất ấn tượng khi đăng tải những hình ảnh sinh động về ngôi nhà “Tổ chim” có phong cách kiến trúc riêng biệt ở Thuận An (Bình Dương). Công trình này cũng có giải ở Festival Kiến trúc Thế giới – Singapore vừa qua.

“Tổ chim” tận dụng vật liệu thép, kim loại để xây dựng với tiêu chí không gian xanh. Ngay tại mặt tiền, ngôi nhà nổi bật về cấu trúc khi sử dụng các loại thép và kim loại thay vì gạch, bê tông như thường thấy. Phần khung bao quanh có tác dụng che chắn song lại tránh được vẻ tù túng mà thông thường những bức tường mang lại.

Việc xây dựng ở Việt Nam thường bị hạn chế do phong cách kiến trúc kỹ thuật hiện đại phương Tây không mấy phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Đông Nam Á, để làm mát người ta lạm dụng điều hòa nhiệt độ. KTS Võ Trọng Nghĩa đã áp dụng các tiêu chí thiết kế xanh vào công trình để tận dụng được ánh nắng, gió và cây xanh để đem lại bầu không khí dễ chịu và trong lành.

Từ năm 2008, quán cà phê “Gió và Nước” của Nghĩa đã được nhận Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế (International Architecture Awards – IAA 2008). Có thể nói đây là một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng chủ yếu bằng cây tầm vông, một loại cây sẵn có ở Bình Dương làm vật liệu chủ yếu. Giải pháp kiến trúc phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nước ta, lấy nước và thông gió tự nhiên để làm mát công trình, đem lại cảm giác mới lạ và vô cùng độc đáo.

Võ Trọng Nghĩa sau đó đã thiết kế một công trình đẹp khác ở gần Hà Nội là Café Đại Lải, cũng áp dụng tiêu chí thiết kế công trình Gió & Nước.

Võ Trọng Nghĩa đã nhận được một giải kiến trúc quốc tế khác với ngôi trường ở Bình Dương thiết kế theo hướng kiến trúc xanh.

Nhà phố “Stacking House” (nhà nén) được tạp chí chuyên ngành kiến trúc uy tín ở Mỹ Architectural Records ca ngợi do chú ý tìm tòi giải pháp cây xanh và thông thoáng tự nhiên trong thiết kế nhà chia lô tại đô thị chật hẹp ở TP HCM.

vo-trong-nghia-architects-farming-kindergarten-vietnam-designboom-02
Farming Kindergarten – Ngôi trường xanh cho trẻ

Phải chăng một xu thế kiến trúc “hiện đại bản địa” đã hình thành?
Trong hầu hết các công trình nêu trên, các KTS trẻ Việt đã dành cho những vật liệu địa phương bình thường như gạch ngói, gỗ mộc, đá một tình cảm trân trọng, chăm chút cẩn trọng. Với vật liệu quen thuộc, giá không thấp, các KTS chỉ tạo nên đường truyền khiêm tốn để gợi cho người sử dụng một thái độ sống gần gũi, trân trọng thiên nhiên.

Họ đã đúc rút từ kiến trúc truyền thống những nguyên tắc cốt lõi về tỷ lệ, sử dụng vật liệu địa phương, về bố cục hình khối chặt chẽ theo công năng… để đưa vào công trình hiện đại. Xu hướng này được nhiều nhà sáng tác coi như một trong những hường tìm tòi đúng và có nhiều triển vọng.

Phải chăng các công trình thô mộc như I-resort, Lam cà phê ở Nha trang của KTS Nguyễn Hoà Hiệp hoặc các công trình “Gió & Nước” theo hướng sinh thái của KTS Võ Trọng Nghĩa đã tiếp tục đặt ra và trả lời được rất nhiều vấn đề lớn của kiến trúc Việt Nam đương đại?! Phải chăng kiến trúc của lớp KTS trẻ này mách bảo rằng: Nếu đi tới tận cùng cái hồn cốt của dân tộc thì Kiến trúc Việt hoàn toàn có nhiều cơ hội để hòa đồng, đối thoại với thế giới?!

Xu thế “kiến trúc hiện đại bản địa” này dù chưa hình thành rõ nét như một hệ thống, dù còn phải được tiếp tục vun đắp qua nhiều thử nghiệm hơn nữa, song xu hướng này sẽ ngày càng rõ nét hơn, tiệm cận tốt hơn với mục tiêu đi tìm bản sắc kiến trúc Việt trong giai đoạn tới. Nó có thể tìm đến sự giao hoà giữa con người với môi trường sinh thái và hình khối công trình, phù hợp với địa phương. Xu thế này nếu được chăm sóc, đầu tư chiều sâu thì sẽ trở thành một trong những xu thế sáng tạo chính thống thời gian tới ở nước ta.

KTS Nguyễn Hữu Thái