Nghề kiến trúc chuẩn bị gì cho hội nhập tích cực vào ASEAN và thế giới?

Dịp gặp gỡ cuối năm, những chuyên gia quay về nước làm việc như chúng tôi thường bàn luận về các vấn đề nóng bỏng mà các thành phố ngày nay phải đối mặt. Gây tranh luận gần đây nhất là vấn đề: Ta đã chuẩn bị được gì cho các cam kết hội nhập kinh tế tích cực vào khối ASEAN vào năm 2015?

khach san jw marriot
Khách sạn JW Marriott – Hà Nội

Đối với anh em chúng tôi, đa phần làm nghề dịch vụ thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật thì việc hội nhập ASEAN với những cam kết mậu dịch tự do AFTA, thương mại thế giới WTO, rồi hướng tới đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP… đang đặt ra thật nhiều vấn đề nan giải. Cái lo lắng nhất là nhìn thấy anh em cùng ngành nghề trong nước cứ “bình chân như vại”, không thấy mấy ai quan tâm! Vậy mà vào mốc thời gian 2015, theo như cam kết thì Việt Nam chúng ta phải để chuyên gia đồng nghiệp các nước vào hoạt động tự do ở nước ta.

Đơn cử trong nghề kiến trúc, nước ta hiện đang có cả vạn KTS nhưng hoạt động nghề nghiệp còn rất manh mún, thiếu tổ chức, mạnh ai nấy lo. Chúng ta chưa tận dụng được lực lượng chung có tổ chức.

Trong hành nghề ta vẫn còn mò mẫm, tự tìm cho mình lối đi riêng, phải rất vất vả cạnh tranh với tập thể KTS nước ngoài có tổ chức, được hỗ trợ khá mạnh về tài chính. Hậu quả là KTS không có khả năng tham gia thiết kế những công trình quy mô lớn ngay tại đất nước mình, cuối cùng phải đi làm thuê cho các công ty nước ngoài hoặc phải chuyển ngành.

Ngày nay, ta phải sớm nhận thức nghề kiến trúc đang trở thành một dịch vụ kỹ thuật, sẽ phải tham gia vào một môi trường hành nghề cạnh tranh quyết liệt. Hội KTS sẽ làm gì để củng cố lực lượng KTS, giúp giới nghề được hoạt động nghề nghiệp trong môi trường tốt nhất. Phải chăng, việc cấp thiết trước mắt là phải tạo được một đội ngũ KTS lành nghề và thực sự có nội lực, bằng cách:
– Thường xuyên nâng cao tay nghề (qua đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới), tích cực tạo việc chuyển giao công nghệ (từ nguồn KTS Việt kiều, bạn bè quốc tế, quan hệ vùng Đông Nam Á, Đông Á).
– Đoàn kết, tập họp lại, đa dạng hoá ngành nghề để tạo nội lực (quy tụ trong các công ty kiến trúc – xây dựng quy mô lớn nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh quốc tế).

Như vậy, công việc trước mắt chúng ta so với đồng nghiệp thế giới sẽ khó gấp đôi, vừa cùng lúc phải tổ chức lại việc hành nghiệp, vừa phải tạo nội lực cạnh tranh với đồng nghiệp bên ngoài. Vấn đề là chúng ta không nên thụ động ngồi chờ mà phải biết chủ động thích ứng với thay đổi, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn.

KTS Nguyễn Hữu Thái (Việt Nam-Canada)
TCKT số 05-2015