Quy hoạch Xây dựng và Kiến trúc Thành Phố Hồ Chí Minh 40 năm một chặng đường đáng nhớ

Mới đó đã sắp tới dịp kỷ niệm 40 năm ngày vui đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2015). Qua bao thăng trầm từ ngày đầu giải phóng thành phố, cho tới nay tôi vẫn tâm huyết với việc làm nghề Quy hoạch xây dựng và kiến trúc TP HCM.

1a
Các tòa nhà trọc trời ở TP HCM

Xin nêu lên đây nhiều điều đọng lại trong tôi sau thời gian dài phấn đấu cho sự đi lên của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu
Điều đầu tiên cần nói là quyết tâm chính trị rất cao của Lãnh đạo Đảng và Chính quyền Thành phố đối với sự nghiệp tái thiết đô thị sau chiến tranh lâu dài vừa qua. Từ tính bức xúc của công việc, dù bận trăm công ngàn việc của thời gian đầu sau giải phóng Thành phố, nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương và địa phương đã dành sự quan tâm thích đáng, chỉ đạo thường xuyên cho công việc quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị, tạo điều kiện để tập hợp và đào tạo đội ngũ làm nghề từ nhiều nguồn cho cơ quan nghiên cứu quy hoạch và kiến trúc thành phố có lực lượng làm việc cùng với cơ sở vật chất phù hợp.

Chính phủ và Bộ ngành Trung ương đã hết lòng giúp đỡ và hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển Thành phố qua trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp cán bộ chuyên môn, tạo điều kiện nhanh chóng cho thủ tục tài chính và pháp lý hóa các quy chế thực thi xây dựng đô thị.

Xác định mục tiêu xây dựng lâu dài của TP HCM: Văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, một thành phố sẽ được quy hoạch phi tập trung, đa trung tâm, gắn kết với các đô thị vùng phụ cận để định ra các bước đi phù hợp. Theo đó, TP nắm chắc thực trạng đô thị để từng thời kỳ định ra các chương trình mục tiêu nhằm thực thi xây dựng hiệu quả nhất.

Ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, trước tình hình ngổn ngang của một đô thị lớn phát triển ồ ạt và tự phát trong chiến tranh, Thành phố đã gấp rút cho phép:
Tiến hành lập quy hoạch cải tạo các khu vực công nghiệp, sắp xếp lại tiểu thủ công nghiệp xen cài trong nội thành tạo công ăn việc làm, vừa giảm bớt ô nhiễm nhiều mặt tại các khu dân cư.

Cải thiện trước mắt phúc lợi công cộng và hạ tầng giao thông tại vùng bị hư hại trong chiến tranh bằng giải pháp xây dựng mới và cải thiện các công trình hiện có.

Kế đó là thí điểm xây mới vài khu nhà ở cho công nhân (đặc biệt là công nhân vệ sinh), vừa phát động nhân dân tại một số quận nội thành tự sắp xếp bố cục nhà ở quá chật hẹp theo cách nhà nước và nhân dân cùng làm,…

Với cách làm chủ động sáng tạo, Thành phố đã cho triển khai nghiên cứu đề xuất ý tưởng ban đầu về quy hoạch TP HCM nhằm bố cục lại không gian lãnh thổ của TP gắn nối với các tỉnh lân cận (trong đó gần gũi nhất là việc kết hợp chặt chẽ với Biên Hòa Đồng Nai, Thủ Dầu Một, Sông Bé và vùng Bến Lức Đức, Hòa Đức, Huệ, Long An).

Nghiên cứu quy hoạch xây dựng không bị giới hạn trong ranh giới hành chính là việc làm đúng đắn, phù hợp đã được thực hiện ngay trên các sơ đồ bố cục không gian lãnh thổ. Khoảng mười năm đầu sau giải phóng, được Trung ương chấp thuận, Thành phố đã chủ động liên kết với Viện Quy hoạch xây dựng Leningrat (Liên Xô cũ) tiến hành lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cho yêu cầu phát triển đô thị, chuẩn bị cơ sở cho quy hoạch tổng mặt bằng sau đó. Sự mạnh dạn của thành phố thời ấy là việc cho phép gắn kết đồng thời giữa nghiên cứu quy hoạch xây dựng với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội (thường gọi là phân bố lực lượng sản xuất) tạo hiệu quả sớm một bước cho đô thị phát triển Quy hoạch TP HCM đột phá tiến ra biển Đông (Nam thành phố) là một sáng kiến táo bạo. Từ đó tạo cơ sở nối kết mạng lưới giao thông chiến lược cận duyên Đông Tây, liên kết phát triển các cụm cảng biển, cảng hàng không quy mô lớn, các phức hợp công nghiệp dầu khí – hóa chất, chế biến thủy hải sản, du lịch,… từ Nhơn Trạch, Long Thành, Đồng Nai qua Cần Giờ, Nhà Bè – TP HCM (phía Đông) sang Tiền Giang, Long An (phía Tây), góp phần nâng tầm vị trí chủ công của TP HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của cả nước.

Đô thị mới kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (2400 hecta) là một mô hình đáng tự hào, tạo điều kiện khép kín vành đai ngoài, gắn nối Đông Tây của TP HCM (qua đường Nguyễn Văn Linh). Sắp tới sẽ còn phát triển đô thị mới cảng Hiệp Phước với quy mô không dưới 5000 hecta- một đô thị mới tầm cỡ của Thành phố gắn nối trực tiếp với biển Đông.

Tạo lập không gian kiến trúc cao tầng tại trung tâm hiện hữu, trung tâm Thành phố mở rộng tại Thủ Thiêm và khu A của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã và sẽ là những quần thể kiến trúc tầm cỡ đáng ghi nhận. Xuất phát từ nhu cầu đầu tư và dựa vào kinh nghiệm trong ngoài nước, thành phố mạnh dạn phát triển xây dựng một quỹ nhà cao tầng (nhiều chức năng) khá nhanh, bài bản góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt kiến trúc đô thị, hài hòa về không gian, và đa dạng phong phú về chủng loại để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân thành phố và khách thập phương.

Nhiều dự án đô thị và công trình tiêu biểu đã hình thành để lại nhiều kỷ niệm khó phai như: Khai thông vệt đô thị dọc kênh Thị Nghè-Nhiêu Lộc, biến con kênh ô nhiễm, nhà ổ chuột chen chúc ven hai bờ thành dòng kênh xanh thẩm mỹ; tạo lập trục giao thông An Lạc – Thủ Đức (qua đường hầm Thủ Thiêm) xuyên tâm nối liền Đông Tây với đường Võ Văn Kiệt; Khu chế xuất Tân Thuận là một hình mẫu tiêu biểu của Đông Nam Á… Ngoài ra còn có không ít công trình lịch sử ghi nhớ công đức ông cha của thời dựng nước và đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu có Đền tưởng niệm các vua Hùng (trong dự án Khu lịch sử văn hóa dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 400 hecta), Đền Bến Dược Củ Chi, Khu di tích ngã ba Giồng Hóc Môn,…

Song hành với việc tạo lập các công trình mới hiện đại, Thành phố còn quan tâm đặc biệt đến yêu cầu bảo tồn và nâng cấp nhiều di sản kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên có giá trị trên địa bàn TP HCM.

Quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị đạt được nhiều kết quả. Đây đó còn tồn tại không ít bất cập, song các cấp Bộ Đảng và Chính quyền từ Thành phố đến quận huyện đã vận dụng sáng tạo các quy chế Nhà nước trong thực thi xây dựng đô thị. Ghi nhận trước hết từ công tác vận động cộng đồng nâng cao nếp sống văn minh đô thị (giữ cho thành phố sạch đẹp, trật tự kỷ cương trong xây dựng), củng cố bộ máy và tăng cường trang thiết bị kỹ thuật quản lý hiệu quả, hợp lòng dân.

Bốn mươi năm – Một chặng đường xây dựng và phát triển TP HCM đã đi qua. Nhiều bài học sẽ được nhân rộng. Không ít khó khăn hạn chế và thách thức phía trước đang và sẽ được khắc phục để vươn tới một tương lai rạng ngời, hiện thực về một Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, giàu bản sắc, xứng đáng được vinh danh mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.p\

TS.KTS Lê Văn Năm
Nguyên KTS Trưởng, Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh