Với chiến thắng vĩ đại Mùa Xuân 1975, đất nước Việt Nam thống nhất. Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã vinh dự tự hào được mang tên Bác Hồ vĩ đại – TP Hồ Chí Minh. Cùng với việc tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, Thành phố phải bắt tay vào thực hiện các chiến lược cách mạng XHCN nhịp nhàng với bước tiến của cả nước.
Tuy nhiên chính quyền thành phố lúc này đang phải đối mặt với những vấn đề đô thị trầm trọng như: Nhà ổ chuột ở nhiều quận (15.000 căn), ở ven và trên nhiều kênh rạch (28.000 căn), hạ tầng cơ sở yếu kém và không đồng bộ…
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Giải tỏa nhà lụp xụp rách nát ở ven và trên kênh rạch sình lầy ô nhiễm là vấn đề rất bức xúc
Từ năm 1984, ngay trong thời kỳ “khôi phục kinh tế” (1975 – 1985), mặc dù đứng trước vô vàn khó khăn, song với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kinh phí của chính quyền địa phương chiếm khoảng 60% dân đóng góp khoảng 40%. Thành phố đã bắt tay ngay vào việc giải tỏa các nhà ổ chuột, nhất là nhà lụp xụp rách nát ở ven và trên kênh rạch sình lầy ô nhiễm.
Cho đến năm 1997, thành phố vẫn còn tới 25.000 căn nhà lụp xụp rách nát ở ven và trên 4 kênh: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Ông Buông – Lò Gốm và kênh Tẻ – kênh Đôi, thuộc 8 quận (Q1, Q4, Q5, Q6, Q8, Q11, Tân Bình, Quận Bình Tân). Có tới 290/ 450 xí nghiệp không có xử lý, thải trực tiếp ra kênh và có khoảng 25000 hộ sống ven và trên kênh rạch cũng trực tiếp xả thải ra kênh rạch làm ô nhiễm trầm trọng.
Thành phố kiên trì tiếp tục “Chương trình kênh rạch”. Các dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé… đã di dời được khoảng 10.000 căn hộ lụp xụp rách nát trên và ven kênh rạch, thành phố cũng đã có 16 nhà máy xử lý nước thải tại các lưu vực và đang biến dòng kênh đen thành dòng kênh xanh, làm thay đổi hẳn bộ mặt của thành phố.
Đến nay, nhà lụp xụp và rách nát ở ven và trên kênh rạch đã thực hiện di dời tiếp được 8.457/ 15.000 căn và chỉ còn lại 6,543 căn.
Cũng trong giai đoạn khôi phục kinh tế, thành phố đã khởi xướng phong trào xây dựng “nhà tình nghĩa” cho người có công với đất nước, và “nhà tình thương” cho người nghèo, thành phố đã đi đầu trong cả nước và trở thành thành phố nghĩa tình .
Một khu ổ chuột ở TP Hồ Chí MInh
Các khu chế xuất và khu công nghiệp là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh
Bước vào thời kỳ “Đổi mới” (năm 1986), chuyển từ “nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp” sang “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, TP đã xây dựng các khu chế xuất tập trung như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất đầu tiên tại nước ta (nay đã trở thành khu chế xuất hàng đầu châu Á); Khu chế xuất Linh Trung – Thủ Đức (nay đã mở rộng thêm khu chế xuất Linh Trung II)…
Từ năm 1995-2002, thành phố đang đi những bước đầu tiên trên con đường “công nghiệp hóa – hiện đại hóa”. Nhiều khu công nghiệp tiếp tục được triển khai như: Lê Minh Xuân, Tân Tạo Bình Chánh, Tân Thới Hiệp Hóc Môn, Bình Chiểu, Tam Bình Thủ Đức, Tây Bắc Củ Chi, Công nghệ cao Q9, Hiệp Phước Nhà Bè, Cát Lái Q2.
Giai đoạn 2002-2012, nhiều khu công nghiệp mới đã được triển khai xây dựng như: Tân Bình, Bình Hòa Bình Thạnh, Phú Mỹ Nhà Bè, Tân Quy – Củ Chi, Vĩnh Lộc, An Hạ – Bình Chánh.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp không những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố mà còn là cơ sở để tạo thị, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Thành phố sống tốt là thành phố có đủ nhà ở cho thị dân
Sau chính sách Đổi mới (1986), hàng chục ngàn căn hộ của các chung cư được tiếp tục xây dựng ở khắp các quận, huyện đã góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân. Nhiều nhà ở cao cấp, biệt thự, cao ốc văn phòng và siêu thị cũng được xây dựng. Nhà dân tự xây ngày càng nở rộ.
Tuy nhiên, do không có sự phát triển đồng bộ giữa nhà ở cho công nhân và khu công nghiệp nên đã phát sinh việc xây dựng tự phát, đáng kể nhất là ở huyện Bình Chánh dẫn tới phải thành lập quận mới Bình Tân.
Hiện nay, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của cuộc sống.
Để cải thiện nhà ở cho người nghèo, năm 2001, thành phố triển khai Dự án Nâng cấp Đô thị Việt Nam cho các hẻm nghèo ở nhiều quận (vay vốn của Ngân hàng Thế giới -WB) với quan điểm chủ đạo là “Chuyển từ chiến lược bao cấp sang tạo điều kiện cho mọi người có sự công bằng về không gian và môi trường”. Rõ ràng là đi đôi với công bằng về xã hội còn phải có cả công bằng về không gian (nâng cấp nhà ở, hạ tầng đô thị) và môi trường (không có những khu vực ô nhiễm môi trường như kinh rạch sình lầy, rác thải tùy tiện… làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng).
Hình thành cụm đô thị trung tâm thành phố
Từ năm 1991 – 1995, thành phố cùng cả nước bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội.
Năm 1993, TP đã xây dựng Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH). PMH đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu (tương tự như khu đô thị mới Linh Đàm Hà Nội) và là động lực phát triển cho khu đô thị mới Nam Sài Gòn.
Trong xu thế toàn cầu hóa, để có thể trở thành trung tâm kinh tế – tài chính – thương mại của cả nước và khu vực Đông Nam Á trong tương lai, năm 2004 thành phố đã quyết định mở rộng khu đô thị trung tâm sang Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn với một đường hầm, 5 cầu và một tuyến metro nối 3 ga của Thủ Thiêm với ga trung tâm Bến Thành. Khu trung tâm mới Thủ Thiêm sẽ kết nối với Sài Gòn – Chợ Lớn trong cụm đô thị trung tâm để trở thành Trung tâm thương mại – dịch vụ (CBD).
Có thể nói Cụm đô thị trung tâm TP HCM bao gồm: Thủ Thiêm (hiện đại, có chiều cao không hạn chế ) – Sài Gòn (đã từng là Hòn Ngọc Viễn đông và đang trở thành Hòn ngọc Viễn đông mới) – Chợ Lớn (khu phố người Hoa) và 1 phần quận Bình Thạnh, Q4, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (khu đô thị kiểu mẫu), sẽ tạo nên thương hiệu của TP HCM là Hòn ngọc tỏa sáng. Sự tăng trưởng của cụm đô thị trung tâm sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình hội nhập quốc tế của TP HCM.
Sài Gòn – TP HCM bảo tồn và phát triển
Trong quá trình cải tạo đô thị hiện hữu, nhất là khu trung tâm thành phố, để giữ lấy nét đẹp của Sài Gòn xưa, TP cần bảo tồn các di sản của đô thị đã được hình thành từ trước đây hơn 300 năm (có tới 168 di tích văn hóa, lịch sử).
Bảo vệ diện mạo thành phố là một nhiệm vụ quan trọng trong cải tạo khu vực nội thành cũ bao gồm Sài Gòn – Chợ Lớn, nó quan hệ tới phong cách riêng của thành phố và là sự biểu hiện tươi sáng của văn minh đô thị. Bảo vệ diện mạo thành phố cần theo nguyên tắc xây dựng thành phố hiện đại kết hợp phát triển với bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử, thúc đẩy lẫn nhau phát triển theo hướng hiện đại và bản sắc, để TP HCM trở thành thành phố hấp dẫn.
Nhiều chuyên gia đô thị trên thế giới đã nhận định Sài Gòn – TPHCM là một trong 20 thành phố hấp dẫn nhất thế giới.
Chống ách tắc giao thông theo mô hình phát triển phân tán đa trung tâm
Năm 2007, Dự án “Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP HCM đến năm 2025” với dân số trên 10 triệu người đã được Chính phủ phê duyệt theo mô hình thành phố đa trung tâm.
Ngoài cụm trung tâm chính Sài Gòn – Chợ Lớn – Thủ Thiêm – Phú Mỹ Hưng còn có các trung tâm khu vực như là đô thị vệ tinh Tây Bắc – Củ Chi phía Bắc, đô thị cảng biển Hiệp Phước – Nhà Bè phía Nam, đô thị phía Đông dọc xa lộ Hà Nội.
Để chống ùn tắc giao thông có khoảng 10 đường hướng tâm đối ngoại kết nối TPHCM với các địa phương; có 4 đường vành đai đường vành đai 1 đã có trong nội thành, hiện đang tập trung xây dựng đường vành đai 2, bắt đầu từ ngã tư Gò Dưa – ngã tư Bình Phước – ngã tư An Sương vòng qua đường Nguyễn Văn Linh cầu Phú Mỹ và xa lộ Hà Nội; các đường nội đô như đại lộ Đông Tây, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài; 4 tuyến đường trên cao; các tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (19,7km) và số 2 Bến Thành – bến xe An Sương (19km) đang triển khai (trong quy hoạch 6 tuyến metro)…
Tuy nhiên, TP HCM cần chú trọng kết nối đô thị trung tâm hiện hữu với các trung tâm khu vực như đô thị vệ tinh Tây Bắc – Củ Chi, đô thị cảng Hiệp Phước – Nhà Bè và đô thị phía Đông – xa lộ Hà Nội Q9 – Thủ Đức nhằm phát triển theo mô hình đô thị phân tán, đa trung tâm để giảm tải cho cụm đô thị trung tâm, giảm ách tắc giao thông, để trở thành thành phố đi lại dễ dàng.
Những vấn đề tồn tại trong đô thị
Tuy nhiên, tình trạng ách tắc giao thông tại TP HCM vẫn còn nghiêm trọng, tình trạng ngập nước vẫn đang báo động khi mưa xuống lúc triều lên, lũ về. Môi trường nước, không khí, đất đều ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến khủng hoảng sinh thái, diện tích cây xanh nội thành không đảm bảo để người dân sống tốt, thành phố chưa tích cực di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong nội thành gây hiệu ứng nhà kính (hiện nay thành phố mới tham gia vào nhóm các thành phố các – bon thấp), chưa đẩy mạnh việc thực hiện các dự án hợp tác chống ô nhiễm đầu nguồn của lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, chưa mở rộng dự án phân loại rác thải tại nguồn để có thể quản lý chất thải rắn bền vững tổng hợp theo 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái sinh).
Cách tiếp cận xã hội học về thành phố, quan hệ giữa không gian và xã hội đô thị cũng chưa được quan tâm. Văn hóa truyền thống trong phát triển đô thị cũng chưa được chú ý, chưa khai thác sức mạnh của chức năng văn hóa, chưa coi nó là hệ điều chỉnh và động lực của phát triển.
Trong những năm qua, TP đã chỉ đạo, triển khai các hoạt động theo chủ đề “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, trong đó, năm 2010, TP thực hiện “Nếp sống văn minh – mỹ quan đô thị”, xây dựng thương hiệu thành phố văn minh, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.
Trong xu thế toàn cầu hóa, TP cần phát triển các vùng đô thị để trở thành điểm nút trong mạng lưới kinh tế toàn cầu. Năm 2006, quy hoạch Vùng TP HCM đã được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên chưa có cơ chế vận hành để liên kết vùng nên vẫn mạnh ai nấy làm, không phát huy được tác dụng.
Hướng tới thành phố văn minh hiện đại
Hướng tới “Xây dựng TP HCM văn minh hiện đại…” có tầm vóc khu vực, thành phố đang tiếp tục tập trung vào 6 chương trình đột phá:
1. Chương trình giảm ùn tắc giao thông
2. Chương trình giảm ngập nước
3. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường
4. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
5. Chương trình cải cách hành chính
6. Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Thành phố đang xin T/Ư thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị để quản lý đô thị và phát triển bền vững.
Thành phố chỉ phát triển bền vững khi hội đủ 4 tiêu chí của Ngân hàng thế giới (WB):
1. Năng lực cạnh tranh
2. Sống tốt
3. Quản lý nhà nước tốt
4. Ngân hàng – tài chính lành mạnh.
– Để phát triển thành phố HCM một cách bền vững, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu thì sự lựa chọn chiến lược là hướng đến thành phố sinh thái, thành phố xanh.
– Thành phố HCM là thành phố lớn (sẽ trở thành siêu thành phố vào năm 2025 với dân số trên 10 triệu) hiện đang phải đấu tranh với 3 xu hướng cực lớn: toàn cầu hóa, đô thị hóa và phân cấp / phân quyền hóa.
Hà Nội thì đã có luật Thủ Đô, nhưng TP HCM chưa có được cơ chế phân cấp cho một đô thị đặc biệt.
– Chiến lược phát triển TP HCM là phát triển thành phố hướng ra biển Đông (theo hướng sông Soài Rạp) để trong tương lai TP HCM sẽ hội nhập vào “chuỗi các thành phố ven biển” trong khu vực, có cơ hội phát triển nhanh.
Thành phố sẽ là đầu mối (HUB) cho mọi phương tiện di chuyển và phân phối người, hàng hóa và viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, để trở thành thành phố thương mại, thành phố quốc tế.
“Nếu thành phố là ngôi nhà của chúng ta, chúng phải được phát triển công bằng về xã hội, bền vững về sinh thái, có sự tham gia của cộng đồng, hiệu quả về kinh tế, đầy mầu sắc văn hóa” (UMPAP, 1994) .
“Sau nửa thế kỷ chiến tranh và nghèo đói, TP HCM đang gấp gáp bước về phía trước với những kế hoạch khổng lồ về mở rộng và phát triển đô thị. Quyết tâm đoạt lấy vị trí xứng đáng là một trong những đô thị hàng đầu của thế giới” tờ New YorkTimes đã bình luận như vậy (dẫn theo VN Express ngày 20/11/2006).
Nguyễn Đăng Sơn
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng