Xu hướng phát triển trung tâm hành chính tập trung cấp tỉnh tại Việt Nam

Cơ quan hành chính Nhà nước là tên gọi chung của các cơ quan hành pháp ở Việt Nam, được tổ chức theo các ngành và các cấp từ trung ương đến địa phương. Cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn (các Sở, ngành). Ngoài UBND, hệ thống chính trị cấp tỉnh còn bao gồm các cơ quan thuộc khối Đảng và khối Hội đồng nhân dân với khoảng 50-60 đơn vị.

Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương
Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương

Một số giai đoạn phát triển của các trung tâm hành chính cấp tỉnh trước đây.
Do đặc điểm lịch sử, chính trị, hệ thống cơ quan hành chính của nước ta đã trải qua nhiều thời kỳ. Thời kỳ trước năm 1954, đơn vị cấp tỉnh cơ cấu hành chính có khoảng 10 cơ quan và mỗi cơ quan chuyên môn quản lý nhiều lĩnh vực. Tại Hà Nội, một số công trình quan trọng bố trí tại khu vực trung tâm đô thị như khu vực hồ Hoàn Kiếm, ngoài ra còn nằm rải rác tại các khu phố Pháp. Đặc điểm chung của các công trình hành chính thời kỳ này là chức năng độc lập, hình thức công trình theo phong cách kiến trúc thực dân với quy mô vừa phải, nhà cao khoảng 2-5 tầng có sân và tường rào. Mỗi công trình có không gian để đảm bảo các chức năng làm việc, họp, tiếp dân, khu phụ trợ…

Giai đoạn sau năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, chính quyền mới tiếp quản hệ thống cơ quan hành chính của Pháp, tiếp tục cải tiến để phù hợp với thực tế phát triển của đất nước. Các sở chuyên ngành được phân chia thành các lĩnh vực chuyên sâu hơn để quản lý và số lượng cán bộ quản lý cũng tăng lên.
Tại Hà Nội, trụ sở các cơ quan quản lý của thành phố những năm đầu giải phóng tận dụng từ trụ sở các cơ quan cũ thời Pháp và xây thêm trụ sở cho một số cơ quan mới. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp lúc đó, các công trình này không được xây dựng một cách đồng bộ và phải phân tán trong thành phố. Cho đến nay chất lượng, quy mô cũng như công năng sử dụng không đáp ứng được yêu cầu mới. Chính quyền thành phố Hà Nội đã sớm nhận thức được việc cần tổ chức khu vực hành chính tập trung (HCTT) để thuận tiện cho công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Các dự án xây dựng khu Liên cơ Hoa Lư đã được đề xuất từ những năm 60 thế kỷ 20, tuy nhiên dự định này đã không thực hiện được. Năm 2004, thành phố lại có chủ trương xây dựng 02 khu liên cơ tại Hoa Lư và Lò Đúc nhưng cũng phải dừng lại vì lý do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Gần đây, thành phố Hà Nội đã quyết định xây dựng một khu HCTT tại khu vực phát triển mới của thành phố phía Đông – Nam đường Trần Duy Hưng.

Giai đoạn từ 1985-2000, tại nhiều tỉnh thành đã hình thành xu hướng phát triển các trục, các khu vực trung tâm hành chính, chính trị mới. Các công trình hành chính, chính trị này được quy hoạch bố trí tại trung tâm mới, quy mô khoảng 20-30 ha, bằng các giải pháp thiết kế và quy định về tổ chức không gian cảnh quan thống nhất, các trung tâm này đã tạo được những khu vực có bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang. Tuy nhiên, trên thực tế, giải pháp tổ chức này mới chỉ là gom các cơ quan lại gần nhau về mặt khoảng cách địa lý, mà thực chất mỗi cơ quan vẫn là một thực thể tách biệt. Đất đai vẫn chưa được sử dụng đạt hiệu quả tối ưu, chưa tạo được quy trình xử lý công việc đồng bộ thuận lợi. Khả năng tiếp cận cho người dân chưa được cải thiện nhiều so với cách tổ chức trước đây. Ngoài ra, các khu vực hành chính – chính trị này khi hết các hoạt động hành chính trong ngày hoặc trong các ngày nghỉ lễ thường có một hình ảnh buồn tẻ, thiếu sôi động, thiếu sức sống.

Công trình tại Trung tâm hành chính mới Sejong, Hàn Quốc. (Nguồn: Internet)
Công trình tại Trung tâm hành chính mới Sejong, Hàn Quốc. (Nguồn: Internet)

Bài học về phát triển, quản lý khai thác của các cơ quan hành chính đô thị trên thế giới
Mô hình cơ quan hành chính đô thị cơ bản của nhiều nước trên thế giới là Tòa thị chính (City hall) – Công trình này tập trung tất cả các đơn vị có chức năng quản lý hành chính một đô thị. Tòa thị chính là một công trình, một địa điểm thân thiện với người dân. Tòa thị chính thành phố San Francisco là một công trình kiến trúc cổ tráng lệ theo trường phái Baroque, nằm tại quận lịch sử Civic Center. Tòa nhà rộng 46.000 m², kích thước 119 m x 83,25 m. Công trình này chính là một di sản và là một địa điểm du lịch của thành phố. Bên trong tòa nhà, ngoài các không gian làm việc mà mỗi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận thì những khu vực đại sảnh, những tuyến hành lang và các gian phòng lễ với mái vòm cao đều dành cho công cộng. Công dân có thể tổ chức lễ cưới của mình ở trong không gian của tòa thị chính thành phố. Quảng trường công cộng trước tòa thị chính thường được tổ chức các sự kiện lớn của thành phố.

Khu vực xây dựng tòa thị chính thành phố Paris “Hôtel de Ville” nằm tại trung tâm của thành phố, gần Châtelet và nhà thờ Đức Bà và ngay cạnh sông Seine thơ mộng. Tòa nhà có diện tích 30.000 m², chiều dài 110 m và chiều rộng 85 m, bên trong có hai sân vuông rộng. Quảng trường Hôtel de Ville phía trước tòa thị chính trở thành một không gian dành riêng cho người đi bộ, là nơi tập trung của nhiều trò giải trí. Vào mùa đông, một sân trượt băng được dựng ở đây phục vụ người dân.

Tại Hàn Quốc, Seojong là thành phố hành chính mới, cách Seoul 120km về phía Đông Nam. Đây không chỉ là nơi đặt trụ sở 1 số cơ quan công quyền chủ chốt mà còn là biểu tượng về công nghệ. Đây là nơi có không gian sống rộng mở, kiến trúc gây ấn tượng mạnh. Thiết kế đô thị tân tiến của thành phố này gồm có các khu vườn nằm trên nóc nhà dài 3.6 km, kết nối 18 cơ quan chính phủ trong tòa nhà chính quyền. Nhìn từ trên cao, công trình tái hiện hình ảnh của 2 con rồng đang bơi. Người dân không chỉ đến đây làm việc mà còn được chiêm ngưỡng các tiêu chuẩn về vẻ đẹp kiến trúc. Có 346 trong số 460 cơ quan chính phủ sẽ di dời về Sejong.

Tại đây có 1 công viên hồ nước vươn dài và một dãy núi thấp hoang sơ. Công trình thư viện trông giống 1 chiếc đàn harmonica khổng lồ bao phủ bằng kính. Thiết kế của tòa nhà biểu trưng cho thành phố này dựa trên hình ảnh 1 quyển sách mở. Nằm tại phần nhô ra trên mặt hồ là 1 bán cầu bằng kính khổng lồ, đây là phòng hòa nhạc 680 chỗ. Gần kề công viên là vùng đồi núi được lưu giữ như lá phổi xanh.Tỷ lệ xanh ở đây là 52% so với các thành phố mới khác là 20-30%.

Như vậy, qua một số ví dụ về xây dựng, quản lý các trung tâm hành chính của một số nước phát triển, ta có thể thấy xu hướng hình thành một trung tâm HCTT các cơ quan hành pháp của một đơn vị hành chính. Ngoài vai trò là một trụ sở cơ quan, các công trình hoặc tổ hợp này còn là biểu tượng của thẩm mỹ hoặc biểu tượng của sức mạnh công nghệ, của nghệ thuật thiết kế. Đặc biệt, trung tâm hành chính phải là một không gian công cộng-không gian mở để mọi công dân đều tiếp cận dễ dàng, đời sống và các hoạt động thường ngày đô thị đan xen vào bên trong công trình. Và một ranh giới rõ ràng giữa công năng trụ sở hành chính với các công năng khác (triển lãm, bảo tàng, điểm vọng cảnh, nơi nghỉ ngơi, tụ tập giao lưu, dịch vụ…) gần như không còn nữa. Tiến gần nhất tới các công dân dường như là một điều kiện của thiết kế các trung tâm hành chính này.

Xu hướng mới phát triển các trung tâm hành chính cấp tỉnh tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận phương thức tổ chức không gian các cơ quan quản lý hành chính của các nước trên thế giới để hạn chế những nhược điểm, tồn tại trong cách tổ chức không gian cũ. Chúng ta có thể điểm qua một số địa phương đi đầu trong việc phát triển các trung tâm hành chính tập trung.

Tỉnh Bình Dương: Vị trí khu hành chính chính trị tỉnh Bình Dương tại trung tâm thành phố mới Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Một số thông số của trung tâm như sau:
– Diện tích: 10.000 m2, gồm 60 sở, ngành với 1.400 người làm việc;
– Có hệ thống giao thông công cộng kết nối thuận lợi với các huyện và tỉnh lân cận;
– Công trình là một khối nhà có hai tòa tháp, toàn bộ khu tầng trệt ở 2 tòa nhà này 4.000m2 dành cho các bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả theo cơ chế một cửa, liên thông hiện đại nhằm giúp nhân dân và tổ chức thuận lợi khi đến giải quyết công việc;
– Công trình là điểm nhấn quan trọng nhất, góp phần mang đến một diện mạo, kiến trúc hiện đại của thành phố mới.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Tỉnh đã phát triển một trung tâm hành chính mới đặt tại Bà Rịa thay thế cho trung tâm cũ trong thành phố Vũng Tàu. Đây là khu vực có vị trí địa lý trung tâm của tỉnh hơn, do vậy thuận tiện kết nối với các huyện lân cận. Một số thông số của trung tâm như sau:
– Quy mô: Rộng khoảng 20 ha;
– Là nơi làm việc của toàn bộ các sở, ban, ngành của Tỉnh;
– Là tổ hợp của nhiều khối công trình được kết nối với nhau bằng hệ thống hành lang cầu, quy tụ xung quanh một không gian mặt nước lớn;
– Tổ hợp tạo ra sự thuận tiện cho người dân đến liên hệ công việc, hiện đại hóa công tác hành chính
Thành phố Đà Nẵng: Địa điểm xây dựng trung tâm hành chính tại phường Trần Phú, khu vực trung tâm TP Đà Nẵng. Các thông số chính như sau:
– Tổng diện tích: 23.000 m2;
– Tầng cao: 37 tầng – 167 m;
– Diện tích sử dụng 65.234 m2;
– Cán bộ làm việc:1.600 người

Tòa nhà lấy ý tưởng từ ngọn hải đăng, phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm tạo điểm nhấn cho cả khu trung tâm thành phố, được xem như biểu tượng mới của Đà Nẵng và thể hiện khát vọng vươn xa. Không gian xung quanh không xây tường rào hay cổng, tạo sự thân thiện với người dân, giúp công chức kiểm soát lẫn nhau trong công việc cũng như thái độ, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với người dân. 34 tầng nổi của tòa nhà là nơi làm việc của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành. Tầng hầm được bố trí làm chỗ để xe, đặt thiết bị kỹ thuật và các phòng chức năng phụ trợ khác. Tầng thượng là nhà hàng xoay và sân ngắm cảnh phục vụ công chức trong tòa nhà, nhân dân và du khách.

Tiếp nối sự thành công của các địa phương trên, nhiều tỉnh thành đang dự kiến xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung bằng việc lập đề án hoặc tổ chức thi phương án quy hoạch, kiến trúc. Ví dụ như:
Tỉnh Hải Dương: Phương án dự thi Khu trung tâm hành chính tỉnh Hải Dương của VIUP đã đề xuất một hình ảnh Khu hành chính CỦA DÂN – DO DÂN -VÌ DÂN. Phương án có nhiều không gian dành cho cộng đồng, tạo điều kiện tối đa cho người dân đến làm việc và sử dụng các dịch vụ, tiện ích xã hội và các không gian văn hóa chung. Kiến trúc hiện đại, năng động, thân thiện theo xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng.

Thành phố Hồ Chí Minh: UBND thành phố dự kiến xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung tại trung tâm Quận 1. Một số nhiệm vụ được đặt ra như sau:
– Quy mô: khu đất rộng 18.088m2
– Bố trí nơi làm việc cho toàn bộ sở, ban ngành của thành phố;
– Thiết kế phải gắn kết với quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc khu trung tâm
– Kết nối các khối nhà bằng đường giao thông nội bộ;
– Công trình phải có phân khu chức năng rõ ràng, phù hợp, đảm bảo an ninh.
– Nghiên cứu xây dựng sân bay trực thăng, đường hầm…

Tiêu chí cần quan tâm khi phát triển các trung tâm hành chính cấp tỉnh tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng xu hướng gần đây của Việt Nam đã dần tiếp cận với mô hình tổ chức không gian khu hành chính của thế giới với các nguyên tắc tập trung, người dân dễ dàng tiếp cận, tiết kiệm đất đai, thời gian, năng lượng… Qua các bài học thành công về xây dựng và khai thác khu hành chính tập trung trong nước và quốc tế, có thể đưa ra bảy tiêu chí nổi trội cần chú ý khi quy hoạch, thiết kế và phát triển một khu hành chính tập trung. Cụ thể như sau:
1. Lịch sử và vị trí: có vị trí nằm trong khu lịch sử của thành phố, gần các khu vực trung tâm năng động và gần dân, hoặc có vị trí trung tâm của Tỉnh;
2. Kết nối và tiếp cận: Có hệ thống giao thông công cộng và cá nhân có thể tiếp cận thuận tiện;
3. Hình ảnh và thân thiện: Tạo lập một hình ảnh, cảnh quan hấp dẫn thị giác, không gian thân thiện, gần gũi, cởi mở đối với mọi công dân;
4. Thiên nhiên và bản sắc: Phát triển phù hợp với địa hình tự nhiên, mang bản sắc cảnh quan của khu vực và coi trọng phong thuỷ.
5. Kiến trúc và môi trường: Công trình sử dụng vật liệu thích hợp hướng đến phong cách hiện đại – địa phương. Công năng sử dụng hợp lý, các không gian đa chức năng. Công trình mang dấu ấn của thời đại, hướng tới kiến trúc xanh – tiết kiệm năng lượng
6. Tối ưu hóa giá trị đất: Hướng tập trung sẽ giảm đáng kể diện tích đất đai khi phân tán, sử dụng một số không gian sử dụng chung như Hội trường lớn, diện tích phụ, cây xanh, hồ nước và bãi đỗ xe.
7. Hiệu quả đầu tư, khai thác: Tính toán việc chuyển đổi các trung tâm hành chính cũ có hiệu quả. Xã hội hoá để đa dạng nguồn vốn đầu tư phát triển các trung tâm hành chính mới. Khai thác hiệu quả không gian công trình trong quá trình sử dụng.

Kết luận
Mô hình xây dựng trung tâm HCTT là một xu hướng tất yếu mà các tỉnh/ thành phố Việt Nam sẽ hướng tới. Mô hình này không những là cơ hội để thể hiện và nâng cao tính khoa học trong tổ chức quản lý hành chính nhà nước mà còn thể hiện tính nhân văn bằng việc nâng cao cơ hội kết nối giữa cộng đồng người dân và chính quyền.

Ở trong mọi thể chế xã hội, cơ quan hành chính đều được hình thành bởi cộng đồng và hoạt động để phục vụ cho cộng đồng. Chính vì vậy, công trình hành chính cũng cần phải là ngôi nhà chung, thân thiết với cộng đồng và mang bản sắc đặc trưng của cộng đồng đó.

KTS Ngô Trung Hải
Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng