Để đáp ứng được nhu cầu nhà cho dân cư tại đô thị lớn thì việc xây dựng và phát triển các kiến trúc cao tầng là tất yếu. Kèm theo đó không thể thiếu phương tiện di chuyển theo chiều đứng. Phát minh ra thang máy khiến các đô thị ngày càng có các kiến trúc cao tầng, tòa nhà chọc trời hơn. Vì vậy sẽ không quá khi nói: “Nếu không có thang máy thì sẽ không có các toà nhà cao tầng”.
Hiện nay, tại các tòa nhà chung cư cao tầng (CCCT) thang máy đã trở thành phương tiện di chuyển hữu ích. Chính vì vậy việc lựa chọn tính toán và lắp đặt thang máy tải người trong các CCCT thường được các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, người thiết kế, người mua nhà… xem xét rất kỹ lưỡng các tiêu chí trước khi đưa ra sự lựa chọn.
Thực trạng hệ thống thang máy trong các chung cư cao tầng tại Hà Nội
1. Kết quả điều tra khảo sát sơ bộ về thang máy
Khác với thang máy tải khách dùng trong các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, thang máy trong các CCCT có nhiều đối tượng sử dụng khác nhau như: Người già, trẻ em, kể cả người khuyết tật… nên đòi hỏi độ bền cao, an toàn và dễ sử dụng. Thời gian đầu khi mua nhà, người dân chỉ chú ý đến diện tích căn hộ mà ít quan tâm đến các trang thiết bị của tòa nhà, sau một thời gian sử dụng các bất cập từ hệ thống thang máy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt. Dân cư trong các CCCT tại Hà Nội cũng có nhiều ý kiến về nhu cầu sử dụng thang máy.
Qua khảo sát sơ bộ 20 CCCT khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội, kết quả như sau:
– Qua các tỷ lệ căn hộ/thang máy hay hạng của CCCT có thể thấy các chủ đầu tư đều đưa ra các cách tính để tăng số lượng căn hộ sử dụng/ đầu thang máy, đặc biệt là các nhà ở xã hội. Điều này đã để lại một số vấn đề như:
- Thời gian đợi thang quá lâu.
- Số lượng người sử dụng bị dồn ứ vào các giờ cao điểm.
- Tần suất hoạt động của thang cao nên dễ phải bảo trì, bảo dưỡng.
- Giảm tiện nghi và giảm giá trị chung của CCCT.
2. Các ý kiến qua điều tra XHH về thang máy trong chung cư cao tầng
Đối tượng, thời gian và tần suất sử dụng thang máy trong ngày cho thấy đa số người dân sống trong các CCCT là các đối tượng có công việc tương đối tự do, không như các đối tượng làm trong các công ty, văn phòng có thời gian làm cố định. Việc sử dụng thang máy nhiều lần nhưng lại rải rác vào các thời điểm khác nhau lại góp phần đỡ quá tải vào giờ cố định, tuy nhiên theo số liệu trong bảng 2b thì có đến 46% người được hỏi thời gian đợi thang máy thường trên 5 phút. Khoảng thời gian như vậy là tương đối dài và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và tiện nghi sử dụng của người dùng.
3. Một số phương pháp tính toán thiết kế thang máy trong các CCCT
Hiện nay có một số phương pháp tính toán thang máy thông dụng trong nhà và CCCT như sau.
- Tính toán số lượng thang máy theo CIBSE;
- Tính toán số lượng thang máy bằng biểu đồ;
- Tính số lượng thang máy dựa theo Quy chuẩn quốc gia và phân hạng của CCCT;
- Tính toán số lượng thang máy bằng các dữ liệu thực tế kết hợp với phần mềm tính toán của các hãng sản xuất thang;
- Tính toán số lượng thang máy bằng thời gian đi về một hành trình thang máy;
Nhưng thực tế vẫn tồn tại các vấn đề chưa thống nhất trong tính toán thiết kế thang máy cho CCCT. Số lượng thang máy trong các CCCT rất khác nhau phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thiết kế, chủ đầu tư, giá thành bán căn hộ hoặc quy định của cơ quan chức năng…
Nâng cao chất lượng phục vụ của thang máy trong các chung cư cao tầng
1. Một số phát minh, công nghệ mới ứng dụng sản xuất và lắp đặt thang máy cho nhà cao tầng
- Phát minh thang siêu tốc nhằm rút ngắn thời gian di chuyển theo chiều đứng của các nhà siêu cao tầng hay các CCCT chọc trời;
- Thang máy có tích hợp các ứng dụng thông minh, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại giúp việc sử dụng thang máy không đơn thuần là di chuyển đi lại mà còn có thể kiểm soát người sử dụng thang máy. Điều này có khả năng nâng cao hiệu quả giao thông hơn 30% so với hệ điều khiển thông thường;
- Di chuyển linh hoạt trong các công trình cao tầng với công nghệ thang máy đệm từ, hay còn gọi là Maglev có thể giúp những chiếc cabin dịch chuyển mà không cần tới hệ thống cáp treo truyền thống. Thay vào đó là sử dụng từ trường đưa thang máy nó chạy trên đường ray có thể xoay được. Tuy nhiên hiện tại đối với CCCT, thang dẫn động điện kéo cáp vẫn là giải pháp ưu điểm.
2. Các yếu tố tác động đến chất lượng phục vụ của thang máy
Qua phân tích các cơ sở khoa học, kết quả điều tra khảo sát, có thể xác định các yếu tố tác động đến nhu cầu, số lượng thang máy trong CCCT như sau:
3. Nâng cao mức độ phục vụ thang máy trong chung cư cao tầng
Có thể thấy ít căn hộ/thang máy sẽ tăng tiện nghi cho người sử dụng, tuy nhiên lại tăng chi phí của chủ đầu tư. Do vậy, để nâng mức độ tiện nghi của hệ thống thang máy trong CCCT thì cần nâng cao mức độ phục vụ các chỉ tiêu trong phân tích giao thông thang máy gồm:
- Công suất vận chuyển (Handing capacity): Thường được dùng ở đơn vị tương đối (%) là phần trăm của lượng cư dân mà thang máy có thể phục vụ trong 5 phút ở giờ giao thông bận rộn nhất.
- Khoảng cách khởi hành trung bình (Average Interval): Là thời gian trung bình giữa các lần khởi hành của thang máy từ tầng chính, là tỷ số giữa thời gian di chuyển 1 vòng và số lượng thang máy.
- Thời gian di chuyển theo tốc độ danh định (Nominal Travel Time): Thông số này xác định thời gian tối thiểu đi từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất bằng tốc độ danh định (chưa bao gồm khởi động, dừng tầng, thời gian đón và trả khách).
4. Bố trí thang máy chữa cháy trong CCCT để phù hợp với xu hướng và nhu cầu phát triển của xã hội
Hiện nay xu hướng tổ chức thoát người trong công trình tại một số nước tiên tiến hay công trình quan trọng trên thế giới đã sử dụng giải pháp thang máy cứu hoả. Đây là thang chuyên dụng được dùng cho nhân viên khi có hoả hoạn xảy ra. Khác với một thang máy thông thường, thang máy cứu hỏa được thiết kế để vận hành với điều kiện là khi có đám cháy trong một hoặc nhiều bộ phận của tòa nhà. Khi không có hoả hoạn, thang cứu hoả vẫn được sử dụng như thang tải khách.
Mặc dù là xu thế tất yếu nhưng quá trình đưa thang máy cứu hoả vào công trình thì vẫn gặp nhiều trở ngại. Việt Nam hiện nay vẫn chưa trang bị đầy đủ những điều kiện, tiêu chí cụ thể và cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho các toà nhà cao tầng, chưa có đầy đủ những quy chuẩn trong xây dựng nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho con người, hạn chế những tổn thất về người và của. Chỉ khi có yêu cầu bố trí thang máy cho lực lượng PCCC thì thang máy cứu hoả mới được đưa vào công trình. Để tăng hiệu quả PCCC và đưa thang máy cứu hoả vào trong CCCT thì không chỉ cần sự nỗ lực của doanh nghiệp mà cần sự quan tâm của các ngành, cấp, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết trong thời gian tới.
5. Bố trí các không gian xung quanh thang máy phù hợp nhu cầu giao lưu văn hóa – xã hội mới của cộng đồng dân cư trong các CCCT
Tại các nước phát triển, các căn hộ trong tòa nhà thường biệt lập, đề cao an ninh và sự riêng tư một cách tối đa. Người sinh sống ở tầng này không thể bấm thang máy để đi lên các tầng khác, nếu như không được các gia đình sống tại đó “xác nhận” qua hệ thống kỹ thuật. Tại Việt Nam, một số khu chung cư cao cấp cũng đã xây dựng và thiết kế như vậy. Nhưng nếu nhìn ở văn hóa lối sống ở Việt Nam, không hẳn mô hình đó là tích cực. Tại Hà Nội, dù CCCT xuất hiện chưa lâu, nhưng cũng hình thành các nhóm xã hội mà ở Việt Nam gọi là xóm giềng gần, có tình cảm mật thiết, thường tương trợ lẫn nhau. Sự chuyển tiếp về thói quen, về không gian sống trong các CCCT vẫn đang có sự điều chỉnh. Đã có nhiều nghiên cứu, tìm giải pháp bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng láng giềng cho CCCT tại các vị trí được chiếu sáng, thông thoáng tự nhiên, có tầm nhìn ra môi trường bên ngoài và đặt ở gần nút giao thông, điểm chuyển tiếp giao thông nội bộ (nhằm tăng khả năng giao tiếp). Giải pháp tổ chức CCCT có thể khai thác một cách hợp lý các không gian bán công cộng và bán riêng tư như hành lang, sảnh tầng, sảnh chờ thang máy… để giải quyết nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân cư.
Kết luận
Việc xây dựng và phát triển các CCCT với số lượng lớn tại Hà Nội giai đoạn vừa qua đã góp phần đáp ứng nhu cầu ở của người dân, tuy nhiên, việc tính toán, thiết kế bố trí thang máy cần chú ý đến xu hướng phát triển của công nghệ và nhu cầu sử dụng của xã hội. Với nguồn cung ứng dồi dào các CCCT, hiện nay người dân khi mua nhà đã rất chú ý đến chất lượng công trình cũng như các trang thiết bị công trình trong đó có hệ thống thang máy. Các nhà đầu tư và người thiết kế cần nâng cao nhận thức, có sự quan tâm đúng mức dành cho hệ thống giao thông tiện lợi duy nhất theo chiều đứng trong các CCCT để nâng cao tiện nghi, đảm bảo an toàn thoát người, tránh để lạc hậu so với thế giới. Cần tính toán để tránh trong tương lai khi xã hội phát triển, nhu cầu đòi hỏi cao lên sẽ không có cơ hội bổ sung thang máy trong CCCT.
TS.KTS Vương Hải Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2018)
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Việt Anh (2004), Trang thiết bị công trình phục vụ cho sinh viên ngành kiến trúc và xây dựng, Giáo trình trường Đại học kiến trúc Hà Nội.
- Vũ Hữu Trác, Thang máy và Thoát hiểm công trình cao tầng Nhà xuất bản Xây dựng, tháng 12-2009
- Trương Ngọc Lân, Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng xóm giềng cho các khu ở đô thị tại Hà Nội, Luận án năm 2018.
- Một số Quy chuẩn, TCVN và trang Web.