Thành phố Đà Nẵng 20 năm xây dựng là nền tảng, APEC là động lực phát triển nhanh và bền vững

Năm 2017, Đà Nẵng vinh dự được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Hội nghị Cấp cao APEC, đây là cơ hội “vàng” để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh, xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và mở ra nhiều chương trình hợp tác quốc tế mới cho thành phố, kết nối doanh nghiệp Đà Nẵng với các đối tác nước ngoài, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Đà Nẵng…, qua đó tạo động lực phát triển thành phố trong tương lai.

Nhìn lại thành phố trước năm 1997, Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, giao thông đi lại khó khăn, trường học bệnh viện thiếu thốn, trang bị sơ sài…Từ một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha. Đến nay, ranh giới đô thị đã lên tới khoảng gần 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ. Các khu dân cư mới được quy hoạch khang trang, hiện đại. Các khu phố cũ được cải tạo nâng cấp. Các cơ sở kinh tế lớn được định hình rõ rệt. Các cơ sở kinh tế gây ô nhiễm môi trường được đưa dần ra khỏi trung tâm. Khả năng cung cấp hạ tầng điện, nước và các dịch vụ đô thị ở mức đảm bảo. Bộ mặt kiến trúc đô thị có tổ chức. Điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt…

Đà Nẵng vốn có những lợi thế nhất định về cảnh quan tự nhiên như có dòng sông Hàn chảy trong lòng thành phố, có núi, có bờ biển dài đẹp. Vì vậy, chủ trương xuyên suốt của chính quyền Đà Nẵng là quy hoạch đô thị một cách bền vững, chú trọng đến việc phát huy cảnh quan thiên nhiên, đô thị được tổ chức hướng ra sông ra biển, theo hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”. Cụ thể những năm qua, Đà Nẵng đã bắt tay vào việc quy hoạch xây dựng tuyến đường ven biển nối từ quận Liên Chiểu (đường Nguyễn Tất Thành) qua chân núi Sơn Trà bằng cầu dây võng Thuận Phước rồi chạy về Hội An trên trục đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn; cảnh quan các tuyến đường ven biển… Không những thế, hình ảnh những cây cầu thơ mộng bắc qua sông Hàn cũng đã tạo cho Đà Nẵng một thương hiệu “ thành phố của những cây cầu” đã làm nên bản sắc riêng của Đà Nẵng.

Với chính sách đầu tư hạ tầng đồng bộ, các dự án đầu tư luôn phải đảm bảo cân đối được quỹ đất tái định cư và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Các thiết chế xã hội cũng luôn được lồng ghép thận trọng trong các đồ án quy hoạch nhờ sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời giữa các cấp, ngành, các địa phương. Các hộ dân tái định cư được sống trong môi trường mới có dịch vụ xã hội tốt hơn và nhanh chóng ổn định được cuộc sống.

Trải qua chặng đường dài quy hoạch, xây dựng mở rộng thành phố trên diện rộng, những năm gần đây, Thành phố đang tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống của người dân. Thẩm mỹ công trình được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng và giám sát khắc khe của cộng đồng dân cư. Nhiều công trình văn hóa, xã hội hình thành góp phần tích cực tôn tạo không gian cảnh quan chung của đô thị như Thư viện tổng hợp, Nhà Văn hóa thiếu nhi, Bảo tàng Mỹ thuật,… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang dần từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại. Hàng loạt các công trình giao thông thông chiến lượt được triển khai như Cầu vượt Ngã Ba Huế, hầm chui Điện Biên Phủ, Hầm chui Trần Phú,… Ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc tại các tuyến đường trung tâm.

Sức lan tỏa của đô thị Đà Nẵng đã vượt ra tầm quốc tế, được biết đến với các thương hiệu riêng như “thành phố sống tốt”, “thành phố môi trường”, “thành phố phong cảnh châu Á”, “thành phố lễ hội, sự kiện”… Đà Nẵng bây giờ thuận lợi cả về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch phát triển… lẫn những kinh nghiệm tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, xứng đáng để Việt Nam lựa chọn đăng cai sự kiện APEC 2017.
Để đáp ứng các yêu cầu cao cho sự kiện này, Đà Nẵng phải bảo đảm cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, giao thông thuận tiện, cơ sở lưu trú và dịch vụ phong phú, đạt chuẩn, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tích cực hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, chỉnh trang đô thị2 , mở rộng sân bay3 , xây nhà hội nghị4 , công viên APEC5 , triển khai công tác tuyên truyền quảng bá, các kế hoạch đào tạo nguồn lực con người và bảo đảm an ninh, y tế, lễ tân, hậu cần đã đồng loạt triển khai…

Với quy mô và tầm quan trọng của Tuần lễ Hội nghị Cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn APEC, sự kiện kinh tế lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thể nói Đà Nẵng đang chạm tới một cơ hội chiến lược để khẳng định vai trò và vị thế của mình trong nước và quốc tế. Có một điều chắc chắn rằng, cơ hội này không phải lẽ đương nhiên, mà chính là thành quả từ những chính sách bứt phá của thành phố trong hơn hai thập kỷ qua. Đây là dịp để Thành phố rà soát, tôn tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng đô thị. Đồng thời, đây là động lực để các chủ đầu tư tập trung triển khai dự án góp phần hoàn thiện cấu trúc không gian đô thị.

Quy hoạch chung TPĐN 2002
Quy hoạch chung TPĐN 2002
Quy hoạch chung TPĐN 2013
Quy hoạch chung TPĐN 2013

Chú thích
1. Cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý
2. Cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường giao thông quan trọng phục vụ APEC 2017
3. Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc và xây dựng mới đường lăn E7 – Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng có giá trị xây lắp 164 tỉ đồng; nâng công suất sân bay Đà Nẵng lên tới 13 triệu lượt khách/năm
4. Khu du lịch Intercontinental Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017; Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ariyana tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp các nước thành viên APEC; 5. Công trình khách sạn Sheraton tổ chức Gala Dinner; Cải tạo, sửa chữa Cung Thể thao Tiên Sơn làm địa điểm dự phòng tổ chức Gala Dinner; Cải tạo Trung tâm Hội chợ triển lãm thành Trung tâm Báo chí.
Công trình vườn tượng 21 nền kinh tế thành viên APEC 2017

ThS. KTS. Lê Tự Gia Thạnh
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc số 3 – 2017)