Phong cách Kiến trúc Đông Dương – Phần 2: Di sản đồ sộ tại Hà Nội

Trước khi nói đến di sản kiến trúc Đông Dương tại Hà Nội nên nhắc lại một thực tế: Nhà cầm quyền Bảo hộ Pháp phiên chế hành chính Lào, Campuchia chỉ tương đương một “kỳ” của Việt Nam. Tại điều trần Paul Doumer trình Bộ trưởng bộ Thuộc địa tháng 3/1887 có 2 điều khoản ghi rõ: Điều 5: Thiết lập những căn cứ hải quân, đồng thời tổ chức quân đội và hạm đội cho thật vững mạnh để đảm bảo phòng thủ Đông Dương; và Điều 6: Hoàn thành công cuộc bình định, bảo đảm an ninh vùng biên giới xứ Bắc kỳ. Điều trần của Paul Doumer cho thấy người Pháp sớm nhận ra sự sống còn của Đông Dương lệ thuộc vào Bắc Bộ. Hàng loạt đơn vị hành chính cấp tỉnh ở miền Bắc đã được thành lập, lực lượng quân đội viễn chinh Pháp điều động ra Bắc bộ ngày càng nhiều. Ý tưởng chọn Hà Nội làm thủ phủ Đông Dương được theo đuổi từng bước chắc chắn. Nhiều dự án lớn phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp ở Hà Nội và miền Bắc là phụ họa cho ý tưởng đó. Từ cuối TK 19 đến trước năm 1925 tại Hà Nội đã xuất hiện nhiều công trình kiến trúc đầu não Đông Dương: Viễn Đông Bác cổ, Bảo tàng Địa chất, Sở Hỏa xa Đông Dương, Bệnh viện Phủ Doãn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Radium (tức bệnh viện K)… Các nhà trường trung cao đầu ngành hành chính, y tế lần lượt được xây dựng tại Hà Nội. Người Pháp coi Đông Dương là thuộc địa ”quan trọng nhất và giàu có nhất”, chương trình khai thác thuộc địa 1919 – 1939 được đầu tư lớn. Đặt Sở Kiến trúc Quy họach đô thị Trung ương tại Hà Nội, chứng tỏ toàn quyền Maurice Long và chính phủ Pháp mặc nhiên thừa nhận vị thế chính trị, quân sự, văn hóa hàng đầu Đông Dương của TP này. Tại Hà Nội, những công trình kiến trúc Á Đông hiện diện vừa rất chung lại vừa rất riêng; mặt khác đòi hỏi đối sách thích hợp, có sáng kiến tại chỗ của giới cai trị và chuyên môn. Hà Nội có thể được xem là cái nôi của phong cách Đông Dương, nơi dồn tụ nhiều mâu thuẫn của một đô thị thuộc địa đang đòi hỏi đổi mới, với tư cách một TP hiện đại ngay sát cung thành Thăng Long cổ kính. Sự dàn trải các công trình đều khắp TP này: ĐH Đông Dương (phố Lê Thánh Tông, P. Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội, 1925 – 1926, KTS Ernest Hebrard); Sở Tài chính Bắc Bộ (nay là trụ sở Bộ Ngoại Giao – số 1 phố Tôn Thất Đàm, P. Điện Biên Phủ, Q. Ba Đình – Hà Nội, 1925 – 1926, KTS Ernest Hebrard); Trường Viễn đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – số 1 Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, 1926 – 1932, KTS Charles Batteur, có sự cộng tác với Ernest Hebrard); Viện Pasteur Hà Nội (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – số 01 phố Yersin, Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội, 1925 – 1927, KTS Roger Gaston); Nhà thờ Cửa Bắc (số 56 phố Phan Đình Phùng, P. Quan Thánh, Q. Ba Đình – Hà Nội, 1925 – 1931. Linh mục Dopolit thiết kế ý tưởng và có phần chỉnh sửa của KTS E. Hebrard)…Trong khi ấy, vẫn có một số công trình tiếp nối cổ điển nhưng khéo chuyển hóa sang Art – Nouveau, Modern tiền kỳ như Nhà băng Đông Dương (phố Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay, 1923 – 1928, KTS Felix Dumail); Rạp chiếu phim Eden (1934 – 1935, phố Tràng Tiền – Hà Nội); Tòa báo Hà Nội Mới (44 Lê Thái Tổ, P. Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội)… Hệ thống công trình kiến trúc quan trọng hàng đầu Đông Dương tại Hà Nội khác nào sự “phân công nghệ thuật” chu đáo, khiến cho kiến trúc đô thị Hà Nội thêm liền mạch, đẹp những cái mới.

  • Trường Viễn đông Bác cổ, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – Địa điểm: Số 1 Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. 1926 – 1932. Thiết kế: KTS Ernest Hebrard và KTS Charles Batteur.
Viện Viễn đông Bác cổ ngày nay

Trước khi nói tới trường Viễn đông Bác cổ, cần trở lại với tòa nhà ở 26 phố Lý Thường Kiệt thuộc Hiệp hội người Pháp (thành lập 20/1/1900) mà tiền thân là Phái đoàn khảo cổ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, do Toàn quyền Paul Doumer thành lập năm 1898. Tên gọi Trường Viễn đông Bác cổ chưa hẳn đúng với nghĩa tiếng Pháp của nó (Ecole Francaise Ed’Extreme – Orient, gọi tắt là E.F.E.O) nhưng lại gắn nhiều với nội dung “Bác cổ” của trường này. Đó là các thành tựu khoa học rất có giá trị trong việc nghiên cứu và khôi phục những nền văn minh, văn hóa lâu đời của các dân tộc Đông Dương và Viễn Đông (Nhật Bản, Trung Hoa, Indonesia, Mã Lai, Miến Điện, Ấn Độ). Gọi là trường nhưng Viễn đông Bác cổ không có chức năng đào tạo mà chủ yếu là thực hiện các công trình nghiên cứu, kèm theo trưng bày hiện vật. Từ ngày thành lập, Viễn đông Bác cổ đóng trụ sở chính tại Hà Nội. Ban đầu mang tên Bảo tàng Viễn đông Bác cổ hay Blancherd de la Brosse. Công trình gây ấn tượng tốt về một kiểu dáng phù hợp với Hà Nội. Xưa kia, tại đây có tòa lãnh sự Pháp (xây năm 1875 – 1876). Về sau, tòa nhà lãnh sự được chuyển giao cho trường Viễn đông Bác cổ làm bảo tàng thay cho bảo tàng cũ (xây dựng từ năm 1898, tại 26 Lý Thường Kiệt) thì trên nền đất ấy Viễn đông Bác cổ được xây mới. Cạnh đó vẫn giữ lại nguyên vẹn hai công trình kiểu dáng cổ điển Pháp là bệnh viện Đồn Thủy xây dựng 1876 – 1878 (mặt quay ra phố Trần Quang Khải) và Tổng hành dinh quân đội viễn chinh Pháp tại Bắc Bộ xây dựng từ năm 1886 (mặt quay ra phố Phạm Ngũ Lão). Có lẽ, do khả năng tiềm ẩn nhiều “va đập” thẩm mỹ của Trường Viễn đông Bác cổ mà Ernest Hebrard và Charles Batteur chủ trương thông qua đó thể nghiệm phong cách Đông Dương một cách toàn diện. Bố cục và hình khối dàn trải, ngay ngắn theo nề nếp phương Tây. Mặt bằng nhà bảo tàng gồm 2 phần chính, một là khu sảnh lớn, kiêm phòng trưng bày ở phía trước có hình bát giác, mỗi cạnh lớn dài 11m. Nhịp vượt trên hai cạnh đối nhau là 18,64m. Tiếp đó là phần thứ hai thông với phòng trưng bày chính là một gian lớn hình chữ nhật dài 13,40m, rộng 11,00m. Bản vẽ thiết kế phải chịu sự xét nét chưa từng thấy, đích thân Toàn quyền Merlin duyệt chi tiết từ tháng 2/1925, nhưng mãi tới tháng 11 năm ấy thì người kế nhiệm ông là Monguillo mới chính thức thông qua. Phía trên nhà bảo tàng dựng nhiều tầng mái ngói, có nhiều ô văng và cửa hãm để chống nắng xiên, mưa tạt. Một số hình thức truyền thống Việt, mà người thiết kế cho là phù hợp được bộc lộ như dùng tầng hầm giả đài cơ, tránh được tổn hại về tỉ lệ, kích thước Á Đông.

Việc Âu hóa mặt tiền và các hành lang bao quanh nhà bằng các hàng cột cặp đôi (xây bằng gạch hay đúc bê tông) nhưng vẫn giữ lại dáng dấp cột đình chùa Bắc Bộ để hợp thức hóa hình khối kiểu Âu tây và tìm ra tiếng nói chung với các mặt tiền kiểu dáng Việt. Ốc đính được thể hiện khá thận trọng, bờ nóc, bờ mái suy xét kỹ tính. Cái duy lý châu Âu có điều kiện bộc lộ bên trong bảo tàng: Thoáng rộng, trang trí giản lược so với mặt tiền nhiều mảng miếng Việt Nam. Sau ngày khánh thành (17/3/1932) công trình được giao cho Viễn đông Bác cổ làm nơi trưng bày các hiện vật cổ Việt Nam và toàn Đông Dương. Sau đó, cải theo tên một trong những giám đốc xuất sắc của EFEO, nhà Đông phương học Louis Finot. Từ 1955 – 2011, mang tên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ngày 26/9/2011 Chính phủ Việt Nam ra Quyết định thành lập Bảo tàng lịch sử Quốc gia trên cơ sở sát nhập Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng (216 Trần Quang Khải) với tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam National Museum of History. Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ và trưng bày trên 100.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh và nhiều bộ sưu tập thuộc nhiều thời đại của lịch sử Việt Nam (tính cả số vừa chuyển giao từ bảo tàng Cách mạng cùng 29 phòng trưng bày của bảo tàng này). Đặc biệt Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sở hữu bộ sưu tập 84 trống đồng cổ với đầy đủ 4 loại hình (loại I- 28 chiếc, loại II- 21 chiếc; loại III- 27 chiếc và loại IV- 8 chiếc) là một trong những sưu tập rất quý hiếm của Lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam (Nguồn tài liệu: Nguyễn Văn Trường, bài viết đăng trên TC Xưa và Nay) và nguồn khác.

  • Đại học Đông Dương – Địa điểm: 19 phố Lê Thánh Tông, P. Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội. Xây dựng năm 1925 – 1926. KTS E. Hebrarad.
Đại học Đông Dương (Ảnh: Triệu Chiến)

Nếu xem lại bản vẽ 1924 sẽ thấy ban đầu Hebrarad thiên về ý tưởng châu Âu với các khối nhà dàn trải, giảng đường lớn và dãy thư viện, phòng thí nghiệm hai bên. Thực ra ở đó lộ rõ cảm hứng Phục hưng, thậm chí có phần lặp lại thủ pháp của Donato Bramante. Để có được hình ảnh ĐH Đông Dương như ngày nay KTS Hebrard đã phải chỉnh sửa rất nhiều. Trong đó, quyết định nhất là thay thế toàn bộ khối vòm La Mã của tòa nhà chính bằng khối vuông hình tháp vát bốn góc cao vượt lên. Trên cùng của tháp dựng tầng lầu hệt như tòa phương đình hai tầng tám mái cổ diêm. Ở chân tháp trổ cửa vòm cao tương đương hai tầng nhà. Bên trong ĐH Đông Dương cái đẹp muôn mặt gần xa. Nhìn quanh người quan sát tưởng như mình đang ở giữa một basilica lộng lẫy. Các hướng đều dẫn đến kết thúc có hậu của dãy dọc hay hút theo các lồng cầu thang một vế. Từ trong nhìn ra, đập vào mắt là khuôn hình cửa lớn phủ kính màu để cho các hoa sắt Art – Nouveau thả sức khoe hình quyến rũ. Có thể đọc được ở đó sự đan xen rất tinh tế ý tứ cửa sổ hoa hồng gothic hay những lồng ghép cổ điển thời Charlemagne đại đế (Evidence of Charlemagnés classicism), thành thử khá ăn ý với nội thất Bizantine. Nhà kiến trúc bậc thầy đã đúng khi ông hướng về nghệ thuật trung cổ để thu hẹp ranh giới giữa cái hàn lâm với Chủ nghĩa nhân đạo. Hebrard vẫn không xa rời nghệ thuật La Mã khi ông tổ chức thềm nhà và lối lên như một khán đài ở trước sảnh lớn sau nhà. Đó là “phông sân khấu” không thể thay thế của ĐH Đông Dương, ấy là mỗi khi nhà trường tổ chức khánh tiết có hàng nghìn người tham dự. Tiếp theo Hebrard thoải mái xử lý hàng loạt bộ phận, mảng miếng chi tiết trong ngoài nhà – những hệ quả Đông Tây từ bộ ba: Khối trung tâm hình bát giác (thực ra là hình vuông vát góc) cao nổi bật, không gian Bizantin của sảnh chính và “sân khấu La Mã” ở sân trong. Chính các nhân tố ấy đã giải tỏa sức biểu hiện của tất cả các hàng cột với đầu cột cổ điển, các vòm bán nguyệt, các cửa nhỏ trang trí hình triện hồi văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái giả đấu củng. Chưa kể những bộ mái bên trên các dãy nhà đều được thiết kế thụt sâu vào antablement, hoàn trả lại đường nét và hình khối quần thể – khúc dạo đầu tuyệt vời của kiến trúc ĐH Đông Dương. Bên trên các khuôn cửa sổ lại cấu tạo ô văng chéo lợp ngói. Mảng miếng bản địa thì dồn cả vào bộ mái đằng trước và đằng sau nhà chính, làm cho chúng được Việt hóa trở lại. Để nghệ thuật của mình kín kẽ, Hebrard mời riêng họa sĩ Victor Tardieu Orliénas (1870 – 1937) – Giám đốc Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trực tiếp thể hiện bức tranh tường rộng 77m² tại giảng đường lớn của ĐH Đông Dương. Ý nghĩa đặc biệt của bức tranh không hẳn là ở kích cỡ chưa từng thấy mà chủ yếu là lần đầu tiên xuất hiện một mẫu mực tranh tường kiến trúc thể loại. Họa sĩ Tardieu đã đưa vào tranh nhiều họat cảnh với gần 200 nhân vật. Từ đại diện chính giới, trí thức, thày trò trường Đông Dương đến thường dân khắp chợ cùng quê. Trong đó nổi bật gương mặt 4 vị Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, Jean Baptiste, Paul Beau, Albert Sarraut và Maurice Long. Lại có cả chân dung một số giáo sư từng lãnh đạo và giảng dạy tại trường từ khóa học 1906. Kể cả anh chàng Jean Tardieu – con trai họa sĩ, cũng góp mặt. Ở vị trí trung tâm tác phẩm là một cổng tam quan kiểu cổng làng ở thôn quê Việt Nam núp bóng cổ thụ. Trên cổng tam quan bốn chữ nho: Thăng đường nhập thất (hiểu theo ý thóat là vào lớp nghe giảng bài). Trên hai trụ chính có đôi câu đối cũng bằng chữ nho: Nhân tài quốc gia chi nguyên khí / ĐH giáo hóa chi bản nguyên (Nhân tài là nguyên khí quốc gia / ĐH là gốc của giáo hóa). Ẩn hiện giữa tam quan là một nhân vật tay bưng pho sách tượng trưng cho tiến hóa và trí tuệ. Phần tiền cảnh hiện diện cả người Âu lẫn Việt Nam; mỗi người một gương mặt, bộc lộ cảm xúc khác nhau. Có thể coi ĐH Đông Dương đầy trí tuệ của KTS Hebrarad, là công trình phát quang phong cách Đông Dương. Tại Hà Nội, người ta còn bắt gặp cảm hứng Phục hưng Florance của Hebrard ít nhất một lần nữa, nơi tháp chuông Nhà thờ Cửa Bắc (1925 – 1931). Và thật lý thú, khi tháp chuông ấy được những đồng nghiệp của Hebrard hóa thân thành “tháp chuông kiểu Nam” rất êm thấm và dễ chịu bên cạnh các hình diện, đường nét mảng miếng hình học Âu tây ở các công trình cả tôn giáo lẫn thế tục khác như nhà thờ Tin lành, viện Pasteur ở Hà Nội hay Trường Petrus Ký, chợ Tân Bình, chợ Hòa Bình ở Sài Gòn.

  • Sở Tài chính Bắc Bộ – Địa điểm: Số 1 phố Tôn Thất Đàm, P. Điện Biên Phủ, Q. Ba Đình – Hà Nội. Xây dựng năm 1925 – 1926. KTS Ernest Hebrard.
Sở Tài chính Bắc Bộ, nay là trụ sở Bộ ngoại giao

Nhà thiết kế đã tổ chức, trang trí mặt đứng hình khối bằng các thủ pháp bậc thầy để đạt tới cảm xúc Á Đông. Đó là hai vọng gác hình lầu bát giác hai tầng 16 mái chồng diêm đăng đối bên cổng vào; hình ảnh cửa võng được bắt gặp ngay ở sảnh chính. Lại làm thật nhiều con sơn (dạng kẻ – rường) cả trong lẫn ngoài nhà và nhấn mạnh sự kết thúc hai khối nhà hai bên bằng hình thức mái thu hồi (trong khi tất cả các đá mái nhỏ đều làm dốc sang hai phía và không thu hồi)… Tất cả như cùng tôn vinh cái “nhà bia” hai tầng tám mái ngự trị trên cao khối trung tâm. Rồi Hebrard khai phóng toàn nhà chạy suốt đoạn cuối phố Cột Cờ. Theo lối ấy, sớm tiếp cận toàn cảnh vườn hoa Puginier với khải hoàn môn chững chạc. Tiếp nữa, từ xa tới gần người ta còn được chiêm ngưỡng hình ảnh cổ điển của trường Albert Sarrau. Lại thêm chếch đằng trước phía tay trái, cách dinh Toàn quyền một quãng khá xa là tượng đài La France ngoạn mục. Sau cùng, tới dinh Toàn quyền (Xây dựng năm 1906, cổ điển ý) chỗ cuối góc phải vườn hoa Puginier. Sau năm 1954 tòa nhà này được sử dụng làm Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

  •  Trường Albert Sarraut (nay là Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) – Địa điểm: Phố Hoàng Văn Thụ, Q. Ba Đình – Hà Nội. Xây dựng năm 1919. KTS A. Bussy.
Trường Petit Lyce’e

Tên ban đầu là Trung học Đông Dương. Cơ sở này thu nạp con em quan chức cai trị người Âu và bản xứ tầng lớp trên. Đến năm 1923, cải tên thành trường Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ, về sau là Bộ trưởng Thuộc địa). Trường Albert Sarraut tọa lạc trên một khu đất lớn, giới hạn bởi 4 phố Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Cảnh Chân, Phan Đình Phùng và Hùng Vương ngày nay, vốn là gò núi đất nằm kề cửa Tây thành Thăng Long (gò Khán Sơn). Sử sách chép rằng: Vua Lê Thánh Tông xưa từng ngự duyệt binh ở đấy, rồi về sau ở đó mọc lên một ngôi chùa… Tọa lạc xế ngay phủ Toàn quyền cho thấy vị thế quan trọng của trường Albert Sarraut. Đường phố chạy ngang trước cổng trường được đặt tên là đường Cộng hòa (La Respublique) nay là đường Hoàng Văn Thụ. Trường được thiết kế nghiêm chỉnh theo khuôn mẫu Trung học bên chính quốc. Có hẳn một sân vận động rộng rãi. Ngay trước sân trường có tượng đài La France mà hình người đàn bà trên đó biểu trưng cho nền Cộng hòa Pháp. Tác phẩm này đã bị phá bỏ trong lần quy họach lại vườn hoa Puiginier hồi 1943 (Nguồn tài liệu: Dương Trung Quốc, báo điện tử Kiến thức).

  • Trường Petit Lyce’e (nay là Trường THPT Trần Phú) – Địa điểm: Số 8 phố Hai Bà Trưng, P. Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm.
Trường THPT Trần Phú

Năm 1919, ngoài trường Grand Lycée, nhà cầm quyền Hà Nội cho thành lập trường Petit Lycée. Trường Petit Lycée đào tạo các lớp dưới, lứa tuổi 11-15, chính là trường Trần Phú ngày nay. Năm 1954, trường được đổi tên thành Trần Phú và nhận thêm tất cả các khối lớp từ trường Grand Lycée (Albert Sarraut) chuyển về Petit Lycée. Từ năm 1960, trường này tách làm hai: Trường buổi sáng là cấp III Hoàn Kiếm, còn trường chiều là cấp III Trần Phú. Năm 1995, sát nhập lại dưới tên chung là THPT Trần Phú. Đến tháng 2/2009, lại thay bằng tên ghép Trần Phú – Hoàn Kiếm.

  • Nhà băng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) – Địa điểm: Phố Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm.

Xây dựng lần đầu vào cuối TK 19, xây dựng lại 1923 – 1928. Thiết kế: KTS Felix Dumail. Công trình có kích thước lớn hơn hẳn các tòa nhà khác trong TP hồi bấy giờ, có hơi hướng đền đài cổ châu Âu nhưng lại vượt qua các thủ pháp cổ điển. Đường nét hình học khúc triết thêm nhiều nhờ việc đồng nhất các chất liệu mặt nhà, nhờ đó ngôn ngữ điêu khắc đậm đà hơn. Nội thất pha trộn lãng mạn, Art-Nouveau và Modern. Trong nhà, vẫn là sự tiếp nối hoành tráng: Đại sảnh và các sảnh tác nghiệp đều rộng rãi và thông tầng, cửa ra vào lớn, cầu thang bề thế, vòm trần cao, các hàng cột mạnh mẽ… Tất cả cùng chung hưởng ánh sáng chiếu rọi chan hòa từ các cửa sổ của 9 vòm trên cao. Nhà băng Đông Dương là một ví dụ khoa trương chuyện làm ăn tiền bạc. Đến nay, trong số các công trình ngân hàng – tài chính, xây dựng ở Việt Nam, Nhà băng Đông Dương vẫn là công trình chiếm được nhiều cảm tình nhất.

  • Viện Pasteur – Địa điểm: Số 01 phố Yersin, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội. Xây dựng năm 1925 – 1927. KTS Roger Gaston.
Bản vẽ mặt chính Viện Pasteur Hà Nội do KTS Roger Gaston
thiết kế năm 1926. Nguồn hình vẽ báo Khoa học & Đời sống
Viện Pasteur

Viện Pasteur Hà Nội là một trong bốn viện nghiên cứu vi trùng học ở Đông Dương thuộc viện Pasteur Paris. Công trình nằm trên một khu đất rộng 3 ha, được án ngữ bởi các phố Yersin, Lò Đúc và phố Nguyễn Cao ngày nay. Tòa nhà chính 3 tầng, sảnh lớn nằm ở chính giữa các tầng, các phòng làm việc bám theo hành lang bên rộng tới 2,5m. Hai đầu hồi bố trí các phòng làm việc nhỏ. Khối trung tâm nhô ra đằng trước, được nhấn mạnh bởi bộ mái ngói hai lớp. Mái lớn từng mảng, ngoài ra còn có các mái che nắng cho hai hàng cửa phía dưới và một ban công ở tầng hai tạo ra mái hiên che tiền sảnh tầng một, được đỡ bởi 6 cột. Ngoài ra còn có các mái che nắng cho hai hàng cửa phía dưới và một ban công ở tầng hai tạo ra mái hiên che tiền sảnh tầng một, được đỡ bởi 6 cột. Trên cùng khối trung tâm là một gác chuông nhỏ hình ngũ giác. Trang trí chi tiết chỉ chú trọng ở phần gác chuông trên mái, ứng đối với sảnh chính ở dưới. Trên các cửa sổ làm mái hắt lợp ngói ta. Phía trước là một vườn hoa nhỏ mang tên Pasteur. Ngoài tòa nhà chính dành cho việc nghiên cứu còn các hạng mục khác như chòi gác, nhà tiêm, chuồng gia súc lớn, gia súc nhỏ. Trong khuôn viên của viện còn có biệt thự riêng của giám đốc và nhà ở cho nhân viên quản lý công trình. Roger Gaston cho thấy ông cùng quan điểm với Ernest Hebrard, Charles Batteur nhưng nghệ thuật của ông cho thấy nó hoàn toàn thuộc về… Roger Gaston.

  • Nhà thờ Cửa Bắc – Địa điểm: 56 phố Phan Đình Phùng, P. Quan Thánh, Q. Ba Đình – Hà Nội. Xây dựng năm 1927-1931. Thiết kế: Linh mục Dopolit (có sự chỉnh sửa của KTS E. Hebrard).
Nhà thờ Cửa Bắc, 56 Phan Đình Phùng, Q. Ba Đình – Hà Nội
Thiết kế: Lm Dopolit – Kiến trúc sư E. Hebrard chỉnh sửa
Xây dựng 1927-1931. Ảnh sách nhà thơ CG & VN, Kiến trúc – LS (Nxb TH Tp HM – 2004) và vtv.vn

Thư tịch của Tổng giáo phận Hà Nội có đoạn nói về nhà thờ Cửa Bắc như sau: “Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng từ 1925 – 1930… Nhà thờ được tọa lạc trên khoảnh đất trải dài theo phố Phan Đình Phùng và góc phố Nguyễn Biểu, cạnh cửa Bắc thành Thăng Long nên dân gian cũng quen gọi là nhà thờ Cửa Bắc. Thuở ban đầu nhà thờ Cửa Bắc dự định được mang thánh hiệu là Giáo đường Kính các Thánh tử đạo Việt Nam…Về mặt kiến trúc, nhà thờ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một không gian đón tiếp nhỏ và một không gian long trọng dành cho việc cử hành thánh lễ, quen gọi là cung thánh. Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm, bên phải có một không gian lớn đặt các bàn thờ kính Chúa và các thánh, bên trái là phòng thánh, quen gọi là nhà áo. Không gian nội thất được cấu tạo và trang trí hoàn toàn theo thiết kế nhà thờ châu Âu. KTS Hébrard đã tạo ra một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm cẩn mà người Pháp thường đã xây dựng ở Việt Nam. Có người cho rằng đây là sáng tạo đặc biệt của Hébrard nhằm tạo sự phù hợp với cảnh quan khu vực, nhưng thực chất điều này chỉ là sự khai thác một cách khéo léo nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục Hưng. Chính vì vậy, nhà thờ Cửa Bắc ngoài tháp chuông như một điểm nhấn, còn có một mái vòm ở khu vực trung tâm. Hệ thống mái ngói được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ khiến cho ta thấy một cảnh quan quen thuộc như đã từng bắt gặp ở đâu đó trong những ngôi đình, ngôi chùa truyền thống ở các làng quê Việt Nam. Hệ thống cửa sổ, cửa lấy ánh sáng và thông gió đều được xử lý che nắng và chống mưa hắt bằng mái Thái, ngoại trừ các cửa trang trí và lấy ánh sáng lớn được lắp kính cản quang… Sự kết hợp các yếu tố phương Đông với những hình thức trang trí nhà thờ Công giáo truyền thống cùng với sự hài hòa của cảnh quan thiên nhiên xung quanh đã tạo nên ấn tượng đẹp về một công trình Thiên Chúa Giáo. Chính vì vậy mà nhà thờ Cửa Bắc vẫn luôn được đánh giá là điển hình cho phong cách kiến trúc kết hợp châu Âu và Việt Nam”. Đại thể, là kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo, nhưng nhà thờ Cửa Bắc được thiết kế xây dựng với nhiệt thành nghệ thuật Đông Dương. Thành công của nó khiến cho những người quan tâm luôn muốn xếp nhà thờ này vào số kiến trúc phong cách Đông Dương xuất sắc nhất. Có tài liệu nói Dopolit chỉ là người khởi xướng kiểu dáng sơ bộ còn hoàn thiện thiết kế là KTS Ernest Hebrard. Thuyết này tỏ ra có lý vì kiểu dáng nhà thờ Cửa Bắc khá phù hợp với bút pháp của Hebrard. Hoặc giả cũng phải là KTS nào đó của Sở Kiến trúc Đông Dương bấy giờ – người mong muốn thể hiện trên đất thuộc địa một phong cách vừa Tân cổ điển vừa Chiết trung Việt – Đông Nam Á – Âu. Nhà thờ Cửa Bắc hoàn thành ngày 1/2/1931, dáng vẻ trang nghiêm, lại cách không xa Bắc môn và Đoan môn của thành Hà Nội và lọt giữa vô số dinh thự kiểu dáng miền Bắc Pháp ở mấy phố chung quanh. Hình thức nhà thờ này như một kết nối ngoạn mục các công trình tiêu biểu của khu vực. Nhà thờ mặt bằng basilica, loại ba dãy dọc điển hình. Cửa sổ trên cao rót ánh sáng cho thánh đường. Tầng mái thấp được phân nhỏ bởi các bờ nóc và bờ quyết giả (như vẫn thấy ở bờ tường bít đốc truyền thống) để cộng hưởng với những khối tháp có mặt bằng hình bát giác hay khối vuông ở đầu tòa ngang (được lợp mái dốc về 4 phía). Lại thêm các mái hắt lợp ngói ở tầm thấp quanh nhà, làm công trình vui mắt, ấm áp hơn. Đặc biệt “cửa phối cảnh” vượt hẳn lên phía trên mái hắt đầu hồi tòa ngang, khẳng định rõ hình ảnh kiến trúc nhà thờ trung cổ Châu Âu. Tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc lệch về một bên với khối hình đậm chắc, vươn thẳng, chế ngự. Tuy nó gần gũi kiểu tháp chuông của Florance – Italia, nhưng cũng không thiếu vắng mảng miếng Á Đông. Vậy nên, tòa tháp đủ tư cách thay mặt nhà thờ Cửa Bắc điểm lại suy ngẫm của cả tín đồ lẫn người ngoại đạo về vẻ đẹp của chính nhà thờ này và về chính thành tựu của phong cách Đông Dương.

  • Câu lạc bộ Thủy quân – Địa điểm: 36 Trần Phú, Q. Ba Đình – Hà Nội; Xây dựng đầu thập kỷ 1930. KTS Arthur Cruize.
Câu lạc bộ thuỷ quân

Là một kiến trúc hòa trộn Việt – Âu xuất sắc. Công trình gồm hai khối nhà hai tầng đứng song lập, ở giữa là ngôi nhà một tầng dành cho sinh họat chung, khiêu vũ, tiệc tùng. Phía sau là khu phục vụ gồm cầu thang, bếp và nơi ở của nhân viên phục vụ. Tuy mang tên là Câu lạc bộ Hải quân nhưng trong hai tòa nhà hai tầng thấy bố trí một số phòng ngủ. Có lẽ, đây đồng thời là một nhà khách của Bộ chỉ huy Pháp ở Bắc bộ và cùng nằm trong hệ thống nhà ở cho các sĩ quan quân đội Liên hiệp Pháp liền mạch từ phố Lý Nam Đế quành sang phố Trần Phú, và tất cả đều xây lưng vào thành Hà Nội. Sở dĩ cấu trúc Âu Tây của công trình không hề làm cứng nhắc hình khối của nó chính là do KTS Arthur Cruize đã dứt khóat dành cho nó cách tiếp cận tập quán làm nhà lắm cửa của người Việt. Ông làm nhà mà người ta có cảm tưởng như họa sĩ vẽ tranh. Người ta không hề bị bất kỳ sức ép Âu hóa nào khi thưởng thức kiến trúc đẹp. Đó là cả ba khối nhà đều được lợp ngói ống, các góc mái uốn cong, đầu đao vừa phải, đủ nhẹ nhõm và không phô trương. Các bờ nóc bờ mái chạy đều như viền đậm cho các khối nhà cao thấp cân xứng. Các ô văng cấu tạo dốc và cũng được lợp ngói. Còn lại người ta bắt gặp nhiều hình ảnh mô phỏng các chi tiết ở đình làng Việt và ngôi nhà gỗ đại khoa, kể cả việc đưa ẩn dụ nội thất ra ngoài nhà. Những thủ pháp bậc thầy của Cruize cho thấy ông rất am hiểu và có cảm tình với nghệ thuật Việt Nam và muốn khẳng định tinh thần Việt – Âu ở câu lạc bộ Hải quân chứ không phải để làm cho nó “nặng căn” Trung Hoa như có người lầm tưởng. Kể theo khuynh hướng này Cruize đã tiến xa hơn các nghệ sĩ người Pháp khác cùng theo đuổi phong cách Đông Dương. Ông từng nhiều năm kiêm nhiệm giáo sư cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thành thử việc ông sắc sảo trong nghệ thuật Việt – Âu là dễ hiểu.

  • Tòa nhà số 4 Lý Nam Đế (từ 1956 đến nay là Tòa soạn Văn nghệ Quân đội) – Q. Ba Đình, Hà Nội. Xây dựng đầu thập kỷ 1930. KTS Arthur Cruize.
Tòa soạn Văn nghệ Quân đội

Ban đầu là nơi ở của sỹ quan cao cấp Pháp (trước năm 1954, người sống tại đây là vợ chồng ông quan năm tàu bay). Nhà 2 tầng, bố cục đối xứng. Sảnh và khối cầu thang đặt ở giữa, tạo điều kiện dàn dựng hình khối cho toàn nhà, đồng thời liên kết tất cả các phòng (mỗi tầng một bên nhà có 4 phòng, tổng cộng được 16 phòng). Các phòng ngủ đều có lò sưởi và buồng vệ sinh riêng, riêng sàn các phòng tầng 2 lát toàn gỗ lim. Hành lang giữa làm lệch; lòng nhà các phòng phía đông sâu gấp hai lần các phòng phía tây. Cửa vào phòng chỉ mở một cánh to bằng gỗ, cao và dày dặn, cửa sổ thì trong kính ngoài chớp sang trọng. Các trụ, tay vịn, chấn song, bản mặt cầu thang đều bằng gỗ lim, chỗ ra vào, lên xuống rộng rãi và đẹp. Bộ mái dốc nhà số 4 Lý Nam Đế lợp ngói ống chữ “thọ” với những đầu đao cong dừng lại ở mức đủ đáng quý, dẫn dắt nhịp nhàng hệ thống mái sảnh, mái hiên vu hồi, làm thành nhất thể hài hòa của toàn nhà. Chưa kể hàng loạt công xon bê tông đỡ mái kiểu đấu củng gỗ cách điệu, hoa văn chữ “vạn”… Ngay trên mặt tiền, những cửa chớp hình tròn khéo được tổ chức thành những bộ phận phân vị, điểm xuyết sáng giá cho kiến trúc kết nối Đông Tây.

  • Nhà thờ Hàm Long – Địa điểm: 21 phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội. Xây dựng năm 1934. Thiết kế: KTS Đốc Thân.
Nhà thờ Hàm Long

Công trình cao 17m, tọa lạc trên một khu đất rộng, chỗ giao nhau giữa phố Hàm Long (Boulevard Doudart de Lagro cũ) và phố Ngô Thì Nhậm (Rue Jacquin cũ). Kiến trúc nhà thờ Hàm Long nổi bật bởi tháp chuông nằm ở trung tâm mặt đứng với trang trí giản dị. Hệ thống lấy ánh sáng qua các ụ cửa hình quả trám, đặt bên cạnh các họa tiết trang trí hình tròn tỏ ra gần gũi với tạo hình bản địa. Các cột và bàn thờ được trang trí bằng những họa tiết dây thừng như kiểu dây áo của thánh Francesco. Về sau, nhà thờ còn được bổ sung thêm nhiều tượng thánh là những điêu khắc sinh động, tả thực, lại có độ lớn vừa phải với tầm vóc tín đồ người Việt. Đáng chú ý, ở nhà thờ Hàm Long người ta dùng nhiều chất liệu xây dựng là rơm hồ vôi, nứa dập, giấy bản…để tạo các vòm cuốn. Vừa bền nhẹ lại vừa đạt hiệu quả âm thanh khi hành lễ, mà không cần đến thiết bị điện hiện đại.

  • Trụ sở hãng AVIAT (Từ 2002 là trụ sở Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) – Địa điểm: 39 Trần Hưng Đạo, Q. Hoàn Kiếm – HN. Xây dựng năm 1938. KTS F. A. Walker.

Tòa nhà nằm tại góc giao lộ hai phố là Trần Hưng Đạo (đại lộ Gambetta) và Ngô Quyền (phố Henri Rivière). Công trình cao 4 tầng, mặt bằng hình gần vuông, có để khoảng trống sân trong. Ở cánh nhà trông ra các phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Vọng Đức thì bố trí các phòng làm việc, còn cánh nhà thứ tư thì chỉ bố trí cầu thang, công trình phụ. Nổi bật các mặt đứng là những hàng cột trụ đậm và chắc chắn, nối liền mạch từ tầng 2 đến hết tầng 3. Thành thử, nhìn từ bên ngoài thấy rõ “bệ đế” (tầng 1), “hàng cột ngoài nhà” (tầng 2 và 3) và “antablement + mái đua” (tầng 4 và mái). Ở cánh nhà trông ra phố Trần Hưng Đạo, tầng 1 bố trí sảnh chính, phòng khách, phòng làm việc; các tầng trên bố trí phòng làm việc ở hai bên hành lang giữa. Tại các cánh nhà khác tầng 1 liên thông nhau, tầng trên bố trí dãy phòng làm việc và khu phụ về một phía hành lang bao quanh sân trong.

  • Nhà Thủy Tạ Bờ Hồ – Địa điểm: Số 1 phố Lê Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội. Xây dựng năm 1947 – 1948. KTS Võ Đức Diên và KTS Nguyễn Xuân Tùng.
Nhà Thủy Tạ Bờ Hồ

Đây là thành công của hai nghệ sĩ, thuộc thế hệ KTS chính quy đầu tiên của Việt Nam. Thiết kế nên công trình này, hẳn hai ông đạt sở nguyện: Đệ trình một phần cốt cách Thăng Long – Hà Nội bên Hồ Gươm lịch sử. Hành trình theo tuyến Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng sở hữu các điểm nhìn tốt nhất hướng về nhà Thủy Tạ với mặt tranh là mặt nước Lục Thủy, đã sẵn tháp Rùa, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút dẫn chuyện tiền cảnh. Tất cả càng làm du khách hướng về kiến trúc nơi xa nhất – nhà Thủy Tạ, mà đầu tiên là tầng 3 với hàng cột đỡ giàn hoa trên sân thượng của nó. Lại gần hơn, rõ ra đó là hai hàng cột cặp đôi kiểu La Mã, nâng bổng hai dải cong architrave (epistyle) một cách ngoạn mục. Cái hay ở chỗ, nhịp điệu đầy hồi quang Âu Tây của các hàng cột ấy không lấn át hình khối và kiểu dáng Việt của nhà Thủy Tạ. Rồi chợt thấy Thủy Tạ Bờ Hồ giống như một con rồng vẫy vùng trên mặt nước xanh thẳm. Cần nói gì thêm thì chính là cái “đầu rồng” – Tòa phương đình hai tầng tám mái đầy hào khí, tỉ lệ không chê vào đâu được. Chỉ riêng đôi dải bờ quyết mái xế bên trái nhà Thủy Tạ hơi uốn hình “hạ long” đủ cho thấy trong số những nhà chuyên môn theo đuổi nghệ thuật Đông Dương, đạt tới cùng tinh tế kiểu dáng kiến trúc Việt – Âu như vậy chỉ có thể là KTS người Việt. Khi vòng ra mặt trước nhà Thủy Tạ còn có thể biết được những suy tính tô thật đậm truyền thống Việt. Kiểu dáng ấy hài hòa duyên dáng trên toàn mặt đứng Thủy Tạ Bờ Hồ trông ra phố Lê Thái Tổ, trong hoàn cảnh phố này bị thu hẹp nhiều. Thành thử nhà Thủy Tạ phải lấn đất bờ hồ và ăn ra gần hết vỉa hè trước mặt nó. Có thể nói nhà Thủy Tạ Bờ Hồ, cùng với hàng cột Thị sảnh Hà Nội, dãy kiot bán hoa tươi hình vòng cung (đối diện với nhà hàng Godard) và nhiều công trình Việt – Âu nền nã xây dựng từ trước ở ven hồ Hoàn Kiếm đã làm cho kiến trúc cảnh quan toàn khu vực trở nên tròn vành rõ nghĩa.

KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2024)