Tiến tới xây dựng định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập quốc tế

Nghiên cứu nội dung đề cương, cấu trúc chuyên đề dự thảo về Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam. Phân tích đánh giá tình hình thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam theo Nghị định số 112/2002/NĐ – CP. Kết hợp tổng hợp bức tranh toàn cảnh, thực trạng tình hình kiến trúc Việt Nam hiện nay. Xin đề xuất một số nội dung nhằm xây dựng định hướng mới hiệu quả như sau:

I. Về tên gọi

Cần xác định rõ giai đoạn cần định hướng cho phát triển về kiến trúc Việt Nam, nên theo năm chẵn của đất nước. Có thể là: Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

II. Phương pháp tiếp cận triển khai chương trình

1) Bước 1: Phân tích đánh giá nhận định:

a) Thực hiện nội dung đánh giá hiện trạng làm nền tảng định hướng mới ở 5 khía cạnh: đó là: Thực tiễn phát triển kiến trúc Việt Nam trong quá trình vừa qua. Có thể lấy mốc từ 2002 đến nay là chính, đề cập đến giai đoạn trước từ khi thống nhất đất nước; Phân tích làm nổi bật kết quả và hiệu quả thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam có theo Nghị định số 112; Điều tra xã hội học về thực trạng số lượng, chất lượng hệ thống nhân lực làm nghề KTS và các lĩnh vực liên quan hiện tại; Đánh giá hiệu quả về mặt luật pháp cho mô hình quản lý vận hành lĩnh vực kiến trúc; Cập nhật môi trường và hiệu quả làm nghề kiến trúc trên thế giới để làm rõ bài toán ưu nhược điểm so với Việt Nam.

b) Nêu rõ, phân tích – nhận dạng các yếu tố chính trị – kinh tế – xã hội tác động. Dự báo thời kỳ xã hội 4.0. Đường lối từ các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII tác động đến phát triển khoa học và con người Việt Nam và lĩnh vực kiến trúc.

c) Dự báo trên cơ sở khoa học, hình ảnh đất nước – Thiên nhiên – Con người Việt Nam, sáng tạo kiến trúc trong những năm sẽ đến theo từng giai đoạn. Những tiềm năng tài nguyên (về con người, đất đai,văn hóa, di sản) cần gìn giữ và phát triển.

d) Dự báo những thách thức mà kiến trúc phải giải quyết bằng các giải pháp: vượt lên, sống chung hay chủ động né tránh (biến đổi khí hậu, hạn hán, bão, lũ quét, dịch bệnh…).

e) Dự báo những yêu cầu của con người ở mỗi giai đoạn phát triển gắn với môi trường sống đặt ra cho kiến trúc phải giải quyết.

2. Bước 2: Hoàn thiện lại đề cương và lập định hướng. Đổi mới trên nền tảng định hướng theo Nghị định 112/2020 (Sau khi đã phân tích làm rõ các nội dung và nguyên nhân chưa đạt được theo định hướng này. Trong đó cần tập trung trọng tâm và nên cấu trúc lại:

2.1 Mục tiêu (Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể)

2.2 Quan điểm và mục đích (hay gọi là chiến lược phát triển).

a. Xác định tiêu chí phát triển: Phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật và chiến lược phát triển chung của Nhà nước. – “Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, phát triển bền vững trên cơ sở thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.

b. Đề xuất mô hình quản lý phù hợp cho phát triển kiến trúc:

  • Mô hình quản lý toàn diện các khâu trong đó tập trung trọng tâm ở khâu hành nghề kiến trúc hiệu quả đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng chặt chẽ và thông thoáng phù hợp thông lệ quốc tế.
  • Đảm bảo sự tham gia hài hòa của cơ quan, tổ chức, cộng đồng cá nhân liên quan. Huy động được tối đa sự đồng thuận, đồng lòng và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các ngành, các cấp, giới nghề
  • cho đến người dân. Xã hội hóa công tác quản lý kiến trúc song hành với quản lý tổng quan của Nhà nước.
  • Vinh danh và khuyến khích các công trình kiến trúc khai thác đặc điểm địa phương phù hợp với từng vùng sinh thái (tự nhiên và nhân văn) đặc trưng để tạo bản sắc kiến trúc địa phương, trong đó có kiến trúc đô thị và nông thôn với vai trò quan trọng của tác giả là KTS bên cạnh các tác nhân khác.

c. Đầu tư cụ thể hiệu quả các lĩnh vực nghiên cứu:

  • Đúc kết, hệ thống các tư liệu kiến trúc truyền thống, cận đại.
  • Phát hiện các mặt giá trị bản sắc kiến trúc truyền thống và tiếp biến phù hợp Việt Nam.
  • Kịp thời đánh giá đúng và phát huy các công trình kiến trúc hiện đại mang dấu ấn truyền thống đặc sắc.
  • Khuyến khích khai thác hợp lý kết quả các nghiên cứu và công trình kiến trúc đã được công bố xây dựng ở Việt Nam.

d. Phát triển sáng tạo kiến trúc Việt Nam hướng hiện đại: Tương thích và xứng tầm với môi trường hội nhập quốc tế.

  • Tập trung xác định và làm rõ được tầng tiêu chí: Xu hướng Kiến trúc xanh Việt Nam, xu hướng kiến trúc cộng đồng là những xu hướng phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay của Việt Nam cũng như phù hợp với xu thế phát triển của kiến trúc thế giới.

e. Thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế:

  • Chủ động và tích cực tham gia thực hiện các nghĩa vụ và hoạt động trong các hiệp định công nhận lẫn nhau về dịch vụ kiên trúc, các tổ chức và hoạt động chuyên môn khu vực và quốc tế.
  • Phát triển kiến trúc Việt Nam nhất là sáng tác hành nghề ở nước ngoài.

g. Thực hiện nội dung lý luận và phê bình kiến trúc:

  • Đẩy mạnh lý luận và phê bình kiến trúc Việt Nam theo hướng thực tiễn, có cơ sở nền tảng.
  • Nâng cao hiệu quả của công tác phổ cập, khuyến khích đúng hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.

h. Công tác đào tạo:

  • Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kiến trúc thời kỳ đầu.
  • Đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục.
  • Đào tạo nâng cao hướng tới hội nhập, hợp tác bình đẳng.

2.3 Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung này cần phân rõ lộ trình phát triển có xác định thời gian theo từng giai đoạn.

a. Nhiệm vụ:

  • Hoàn thiện mô hình quản lý phát triển cụ thể cho từng mặt, chú trọng và có lộ trình cho việc thực hiện các bước “xã hội quá quản lý hành nghề kiến trúc”.
  • Hoạt động hành nghề và sáng tác kiến trúc.
  • Lý luận phê bình kiến trúc Việt Nam.
  • Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc dân tộc.
  • Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sáng tạo và làm nghề chuyên nghiệp. Các lĩnh vực cần có mặt KTS.
  • Tích cực và chủ động tham gia hoạt động trong khuôn khổ các điều ước và tổ chức quốc tế.
  • Đồng bộ hóa công tác truyền thông kiến trúc: Tuyên truyền, vận động, vinh danh, khen thưởng về sáng tạo và chất lượng đồng bộ của kiến trúc .
  • Nghiên cứu thiết lập phù hợp hệ thống quản lý.
  • Lấy yếu tố phấn khích của con người sáng tạo kiến trúc (KTS) và hệ thống nhân lực đồng bộ làm trung tâm.
  • Hoàn thiện môi trường hành nghề lành mạnh, năng động, cởi mở, thấu đáo làm động lực.
  • Chủ động và tích cực hội nhập các tổ chức và hoạt động kiến trúc quốc tế trong và ngoài lãnh thổ.

b. Giải pháp cụ thể:

  • Xác định rõ vai trò vị trí từng đối tượng liên quan đến định hướng phát triển kiến trúc để hình thành cơ chế phù hợp.
  • Thực hiện các công trình nghiên cứu căn bản như lịch sử kiến trúc Việt Nam giai đoạn hiện đại, cận đại. Hoàn chỉnh các bộ phận tư liệu nhiều mặt về bản sắc kiến trúc Việt Nam, các thành tựu về khám phá các giá trị kiến trúc Việt Nam truyền thống, quỹ kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ….
  • Hoàn chỉnh bổ sung Luật Kiến trúc và các văn bản hưỡng dẫn kỹ, rõ về hành nghề KTS theo xu hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế. Trong đó bao gồm các nội dung như: Chính sách phát triển kiến trúc và đội ngũ KTS Việt Nam; quản lý kiến trúc; quản lý hành nghề kiến trúc; chế độ đãi ngộ và bảo hộ quyền tác giả.
  • Có chính sách đầu tư tích cực nhằm phát triển công tác lý luận phê bình kiến trúc, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ lý luận phê bình kiến trúc, cơ sở lý luận phê bình kiến trúc Việt Nam.
  • Đào tạo KTS và chuyển giao thế hệ bền vững thông qua quy trình hành nghề và quản lý hành nghề KTS liên tục, nâng cao năng lực đội ngũ KTS và hệ thống nhân lực liên quan.
  • Có chính sách hiệu quả và bền vững xây dựng quỹ công trình kiến trúc truyền thống, di sản, đương đại Việt Nam, tiệm cận với khả năng góp mặt vào sự phát triển vững chắc của kiến trúc Việt Nam hòa đồng với kiến trúc của khu vực và thế giới.
  • Hội nhập quốc tế trong hoạt động kiến trúc, làm tốt nghĩa vụ thành viên trong tổ chức KTS Đông Nam Á (AA), Hội đồng KTS Châu Á (Arcasia), Liên hiệp Hội KTS Quốc tế (UIA) tiến tới tham gia tích cực các vai trò leader các ủy ban và lãnh đạo cấp cao.
  • Tích cực tham gia các trào lưu quốc tế UIA chủ trương như kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc ứng phó thiên tai, kiến trúc vì cộng đồng…
  • Có chính sách truyền thông kiến trúc đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề kiến trúc, tôn vinh con người và tác phẩm kiến trúc, xây dựng năng lượng lành mạnh và tích cực cho hoạt động kiến trúc Việt Nam đương đại.

2.4 Các dự án nhánh cho nghiên cứu chuyên sâu phục vụ mục tiêu phát triển kiến trúc dài hạn:

  • Các dự án đầu tư đồng bộ toàn chương trình.
  • Các dự án được đề xuất trong từng bước đi cụ thể từng giai đoạn.
  • Hướng các dự án cần chú trọng:
    • Nguồn nhân lực sáng tạo kiến trúc (KTS) và nguồn nhân lực chuyên nghiệp đồng bộ.
    • Phương thức đảm bảo hệ thống nhân lực về điều kiện sống và tổ chức làm nghề hợp lý, qua đó nâng cao phấn khích sáng tạo, vinh dự, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp.
    • Xác định được hiệu quả đạt được tương thích với sự kỳ vọng của chiến lược phát triển nền kiến trúc.
    • Đầu tư hợp lý, đúng mức và đồng bộ.
  • Đầu mối thực hiện triển khai các dự án: Bộ Xây dựng, Hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội.

2.5 Tổ chức thực hiện:

  • Vai trò Bộ Xây dựng.
  • Vai trò các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố, cấp trực thuộc.
  • Vai trò các tổ chức chính trị – xã hội. Các Hội nghề nghiệp.
  • Vai trò cộng đồng.

III. Một số đề xuất cụ thể khác cho định hướng:

1. Cần nghiên cứu cách xây dựng định hướng theo tư duy thay đổi, không dàn trải nhưng nổi bật ý đồ của Chính phủ về những hướng phát triển phải phấn đấu để có một nền kiến trúc tiên tiến.

a) Đến năm 2050, Việt Nam phát triển đến ngưỡng nào – Con người – Xã hội có những yêu cầu mới về cơ sở vật chất… Kiến trúc – Kiến trúc sư cần phát triển về lực lượng và năng lực cùng bản lĩnh.

b) Xác định rõ xu hướng kiến trúc nào sẽ chỉ đạo cho kiến trúc Việt Nam phát triển đến năm 2050:

  • Kiến trúc Xanh?
  • Kiến trúc thông minh?
  • Kiến trúc cộng đồng tương xứng với phát triển đô thị?
  • Đô thị thông minh?
  • Đô thị xanh bền vững?
  • Đô thị thích ứng biến đổi khí hậu?
  • Nông thôn theo hướng cân bằng sinh thái?

c) Vai trò xã hội của kiến trúc sư được thay đổi ra sao:

  • Trong sáng tác
  • Trong tham gia quản lý Nhà nước
  • Trong cuộc sống của động đồng. Vai trò giám sát?

d) Xác định xây dựng tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của kiến trúc sư Việt Nam là Hội KTSVN được đặt ra không? Hay tiếp tục bị động trong hoạt động, thụ động trong đóng góp từ định hướng cho đến các chương trình phát triển kiến trúc nước nhà.

e) Việt Nam là một trong 5 nước sẽ phủ sóng 5G bằng công nghệ Việt trong năm 2021, giá rẻ, truyền nhanh và chất lượng. Công nghệ thiết kế sẽ đổi mới, cách làm việc, sự sáng tạo sẽ khác biệt. Sự lệ thuộc hay sự sùng bái ngoại còn hay mất. Sự hợp tác, hòa nhập đưa kiến trúc Việt Nam đến đâu. Kiến trúc sư Việt sẽ còn cách biệt với kiến trúc sư ngoại bao xa, ở điềm nào? Cần làm rõ kiến trúc Việt Nam thời 4.0…

f) Định hướng là cho toàn xã hội nhưng chắc chắn trước hết là ngành xây dựng và giới kiến trúc sư. Làm sao định hướng thấm vào tim – óc của kiến trúc sư để có sức mạnh vươn lên, không phai nhạt ý chí như ngày nay và chưa rõ rệt về tác dụng như Định hướng vừa qua.

2. Định hướng nên nghiên cứu xem có cần phụ lục để đưa vào một số nội dung yêu cầu cần đạt được rõ rệt về định tính và định lượng.

a) Các đề tài nghiên cứu theo chuyên đề Quốc gia, Bộ, ngành có thể theo hướng như các chuyên đề đã nêu trong đề cương và kế hoạch được duyệt – đồng thời bổ sung thêm những đề tài thực tiễn.

b) Các mục tiêu nhiệm vụ sẽ đạt được theo từng giai đoạn có định lượng cụ thể.

c) Đề xuất lộ trình ban hành và điều chỉnh hệ thống văn bản pháp lý để phù hợp xu hướng và thực tế phát triển.

d) Phân rõ cụm vùng miền để định hướng sát thực, hiệu quả.

Trên đây là tổng hợp một số ý kiến ban đầu của một số thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Trong quá trình triển khai tiếp theo, Hội KTSVN sẽ tham gia phù hợp với vai trò và từng giai đoạn.

Bài viết tại Hội thảo “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới” do Bộ Xây dựng và Hội KTS Việt Nam tổ chức, tháng 3/2021

TS.KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS VN
KTS. Nguyễn Tấn Vạn – Nguyên Chủ tịch Hội KTS VN
KTS. Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội KTS Việt Nam
KTS. Nguyễn Văn Tất – Ủy viên ban thường vụ Hội KTS VN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021)