Gạch ngói đã mềm?

Vì sao nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch ngói sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới?

Chia cổ tức ở mức 30%, nhưng Công ty cổ phần gạch ngói cao cấp (MCC) lại giảm kế hoạch phát triển năm 2015. Thực tế, dù muốn hay không, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn sẽ thấp hơn so với năm 2014.

gachngoi

Bám theo thị trường

Tiền thân của MCC là một cơ sở sản xuất gạch tư nhân với quy trình và máy móc thiết bị sản xuất lạc hậu. Năm 2000, cơ sở này được Công ty Vật liệu và Xây dựng Bình Dương mua lại, nâng cấp dây chuyền sản xuất theo công nghệ nung đốt lò Tuynel. Cũng phải nói thêm, thời điểm đó, doanh nghiệp nào đầu tư công nghệ Tuynel đã được coi là hiện đại. Vì thế, các sản phẩm gạch trang trí, gạch bánh ú, gạch ngói của MCC rất được ưa chuộng.

Năm 2008, nhờ sự phát triển của thị trường bất động sản mà MCC đạt mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, Công ty đạt gần 32 tỉ đồng doanh thu, 14,9 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 185% kế hoạch. Giai đoạn này, tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu là 44,96%. Trước nhu cầu rất lớn của thị trường, MCC quyết định cổ phần hóa và niêm yết nhằm tăng vốn đầu tư nhà máy mới.

Lúc này, thị trường chính của MCC vẫn là Bình Dương và TP.HCM, chiếm 10% doanh thu Công ty. Ngoài ra, thị trường của MCC ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng cũng đều phát triển khá tốt. Sản phẩm Công ty còn cung cấp cho các nhà thầu lớn như Công ty Địa ốc Hòa Bình (Khu Dân cư cao cấp Phú Mỹ Hưng, Trung tâm Thương mại Sài Gòn) hay Công ty Đầu tư Nam Khang (các dự án của Khu Dân cư Khang Ðiền).

Thế nhưng, vài năm gần đây, do việc sử dụng đất sét làm gạch không còn được Nhà nước ủng hộ nên MCC chuyển sang công nghệ chế biến gạch không nung, giúp bảo vệ nguồn đất nông nghiệp cũng như môi trường.

Trước mắt, MCC vẫn tiếp tục sản xuất gạch nung và kinh doanh đất sét. Công ty đồng thời tìm hiểu và sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, việc các mỏ đất sét càng khan hiếm khiến giá thành sản xuất tăng cao; lợi nhuận của MCC vì thế cũng sụt giảm. Không chỉ vậy, cạnh tranh ở thị trường gạch ngói vẫn tiếp tục khó khăn khi nhiều doanh nghiệp ồ ạt sản xuất. Ví dụ, chỉ trong khu vực Tân Uyên (Bình Dương) đã có đến 60 công ty gạch ngói.

Trong bối cảnh đó, tại Đại hội Cổ đông vừa diễn ra, đại diện MCC cho biết Công ty sẽ mở rộng thị trường về các tỉnh miền Tây. “Ðây là thị trường tiềm năng và cũng sẽ là thị trường chính của Công ty trong thời gian tới”, vị này cho hay.

Thực tế, hiện có không ít lò gạch ở miền Tây sẽ ngưng hoạt động trong thời gian tới, do không được phép sử dụng đất nông nghiệp để nung gạch. Vì vậy, MCC đang tìm mua lại một nhà máy gạch ngói Tuynel, hoặc đầu tư một nhà máy gạch ngói mới có công suất 30 triệu viên/năm ở đây nhằm mở rộng sản xuất.

Vẫn thuộc diện doanh nghiệp được phép sản xuất gạch nung, MCC tỏ ra khá tự tin rằng nhờ nắm trong tay mỏ đất sét 32,2 ha, trữ lượng 6 triệu m3 và thời gian khai thác đến 30 năm, Công ty sẽ ổn định được nguồn nguyên liệu.

Dù vậy, cũng phải chú ý đến việc doanh thu MCC giảm và thành tích vượt kế hoạch gần 50% vào năm 2014 là nhờ may mắn. Năm ngoái, do nhiều nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman đã phải phá bỏ nên giá gạch MCC tăng. Hiện nay, lợi nhuận của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ kinh doanh đất sét tươi, chứ không phải từ gạch.

Thử thách trước mắt

Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 20-22 tỉ viên gạch mỗi năm, 80% trong số đó là gạch nung thủ công. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng đất sét tiêu thụ vào khoảng 600 triệu m3, tương đương với 30.000 ha đất canh tác. Ðiều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp trong nước.

Theo nhận định của ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), năm 2015, Bộ sẽ đẩy mạnh việc sử dụng gạch không nung ở các địa phương. “Nhìn chung trong năm 2014, sản lượng tiêu thụ gạch không nung đã tăng đáng kể, trong đó gạch xi măng cốt liệu tăng khoảng 25%”, ông cho hay.

Gạch không nung giúp an toàn vệ sinh môi trường và bảo vệ nguồn đất cho nông nghiệp, nên các nước phát triển đã sản xuất vật liệu không nung chiếm trên 70% sản lượng hằng năm. Còn lại gần 30% vật liệu nung được chuyển sang sản xuất chủ yếu cho lĩnh vực trang trí cao cấp.

Còn ở Việt Nam, vật liệu nung đang chiếm 70-80% trong tổng sản lượng gạch ngói xây dựng. MCC tuy đã tham gia vào lĩnh vực gạch không nung nhưng thực tế, sản phẩm này vẫn chưa phát triển tốt. Một phần là vì ứng dụng thực tế của gạch không nung vẫn chưa hiệu quả như mong muốn.

Trong số 5 công trình dùng gạch không nung ở Bến Tre, có đến 4 công trình sử dụng gạch bê tông bọt gặp phải sự cố nứt tường. Lo ngại trước vấn đề an toàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ngừng sử dụng gạch không nung.

Tại TP.HCM, chỉ có vài công trình xây dựng theo tiêu chí Công trình xanh mới sử dụng gạch không nung, còn hầu hết vẫn sử dụng gạch nung.

Một số chuyên gia khi nhìn nhận về thị trường gạch ngói đều cho rằng kinh doanh ngành này không còn tiềm năng. Một phần đến từ việc thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc, một phần là do có quá nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất gạch ồ ạt ra đời dẫn đến tình trạng cạnh tranh quá gay gắt.

Vì lẽ đó, đã có những doanh nghiệp làm ăn không mấy khả quan như Công ty Gạch ngói Kiên Giang hay Công ty Cổ phần Gạch men Chang Yih. Còn nhớ, Công ty Gạch ngói Nhị Hiệp ở Bình Dương cũng đã đóng cửa sau 30 năm hoạt động vì quy định mới về việc sử dụng gạch không nung. Có thể nói, lĩnh vực sản xuất gạch ngói sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận như trước và cũng khó tiếp tục là một ngành tiềm năng trong tương lai.

Thanh Hương
(Nhịp cầu Đầu tư)