Về kiến trúc và KTS trẻ hôm nay

LTS: Cuốn sách: “21 KTS xanh đương đại Việt Nam” do KTS Ngô Doãn Đức (chủ biên) cùng các KTS Nguyễn Trực Luyện, Đặng Thái Hoàng, Hoàng Đạo Kính thực hiện là một ấn phẩm kiến trúc giá trị, rất công phu và ấn tượng về nội dung và hình thức. Sách dày 500 trang khổ lớn, in song ngữ Việt-Anh, giới thiệu 33 công trình kiến trúc hiện đại và thân thiện môi trường của 21 gương mặt KTS đại diện cho lớp KTS trẻ đang song hành cùng thời cuộc, trong đó có người đã thành danh như Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa, Đoàn Thanh Hà …và một số gương mặt cũng rất trẻ trung cả tuổi đời, tuổi nghề như Nguyễn Tuấn Nghĩa, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Thành Nhân… Có thể thấy qua các công trình ấy, dù địa điểm xây dựng, quy mô và nhu cầu sử dụng khác nhau, đối tượng cải tạo, xây mới đủ loại… nhưng có 1 điểm chung là đều hướng đến kiến trúc xanh thông qua các giải pháp tổ chức không gian, tạo hình và sử dụng vật liệu… tinh tế và hấp dẫn, rất đáng ghi nhận và khích lệ.

Nhân dịp sách ra mắt bạn đọc ngày 10/5/2017 vừa qua, TCKT trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính “Về kiến trúc và KTS trẻ hôm nay” được trích ra từ cuốn sách này!

1.

Phải mất cả vạn năm cái lều mới định thân, định hình thành nếp nhà. Phải mất cả ngàn năm khúc gỗ, phiến đá và viên gạch mới cấu thành thánh đường, lâu đài và thành lũy. Mất bao nhiêu thời gian để công việc xây cất trở thành kiến trúc và nhà kiến trúc thay chân bác thợ cả chủ trì công trình.

Cho đến tận cuối thế kỷ 19, kiến trúc tất tật làm từ gỗ, đá và gạch. Các thế hệ KTS, vô danh và hữu danh, miệt mài mài giũa, chuẩn mực hóa những sản phẩm kiến tạo, họa hoằn là tác phẩm, là tuyệt tác. Nền kiến trúc vốn dĩ đồng nghĩa với sự bền vững. Môi trường bao quanh cũng ít biến đổi, trong sự hài hòa toàn cục giữa xây dựng và thiên nhiên. Xét theo hướng nhận thức này, nhân loại đã trải qua ba giai đoạn: (1)Ngàn vạn năm sống dựa dẫm vào thiên nhiên; (2)ngót hai trăm năm dốc trí và dốc sức chinh phục thiên nhiên; (3)nửa thế kỷ gần đây ngỡ ra phải sống chung với thiên nhiên.

Chinh phục thiên nhiên là sự cưỡng bức nó phụng sự mình – Một tư duy ngày càng bộc lộ rõ tính phản tự nhiên.

Chúng ta muộn mằn đến với nhận thức “sống chung với thiên nhiên” khi nó đã bị khai thác, bị biến thành tài nguyên đã – bị – dùng. Bởi vậy, gần đây mới định hình khái niệm “di sản thiên nhiên”. Ông trời làm sao có thể tạo nên di sản?

Kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường, chính là những khởi xướng nhằm đấu dịu những xung khắc tai họa giữa thiên nhiên và hành vi con người.

Nhà trẻ Farming Kindergarten - KTS Võ Trọng Nghĩa
Nhà trẻ Farming Kindergarten – KTS Võ Trọng Nghĩa

Chúng ta sống ở một chặng khúc thời gian mà sự tiến hóa tính bằng thập kỷ chứ không phải bằng thế kỷ nữa. Một nền công nghệ, một hệ nhận thức và một thế hệ biến đổi… chỉ qua một thập niên. Kiến trúc, vốn chuyển động chậm rãi, nay không còn quỹ thời gian cho sự định hình những chủ nghĩa, chủ thuyết và ngay cả trường phái. Sự vận động tăng tốc của phát triển chỉ kịp sản sinh những xu hướng, kịp cho sự xuất hiện những bản thể sáng tạo – KTS tác giả, những ai đứng cả hai chân trong các tọa độ của thời đại, “thính” với thời gian và đón lõng nó. Việc tập hợp 21 KTS – tác giả chính là sự nhận ra xu thế, – chỉ có thể thúc đẩy sự nảy nở của kiến trúc – Bởi việc nhận ra và cổ vũ những sáng tạo cùng cống hiến của những con người cụ thể.

Kiến trúc đang chịu sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa toàn diện, công nghệ cao hóa với kĩ thuật smart và robot hóa, đô thị hóa triệt để…. Những đại cuộc “hóa” đấy dĩ nhiên thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước và của nền kiến trúc. Tuy vậy, nảy sinh những mối lo nhãn tiền: Điều gì sẽ xảy ra với tài nguyên thiên nhiên – lãnh thổ, với chốn thôn quê – cái nôi và vườn ươm hệ gen Việt, với xã hội và đặc biệt với “being” của con người Việt mình?.

Thiết nghĩ, kiến trúc dù tân tiến đến thế nào chăng nữa, trước hết phải có địa chỉ – Địa chỉ ấy là người mình, xã hội mình và đất nước mình. Hễ chúng ta đến với, đáp ứng và đặc sắc hóa từ địa chỉ ấy, chúng ta chắc hẳn thành công và hiện diện trong nền kiến trúc thế giới. Một số KTS trẻ trong số 21, đã vươn xa ra quốc tế, – điều không thể cách nay hai ba mươi năm.

2.

Giới KTS quan tâm nhiều hơn đến các em KTS trẻ: Họ ngày càng đông đảo, không ít trong đó chưa được đào tạo đến nơi đến chốn, chỗ đứng nào cho họ trong thị trường hành nghề và làm thế nào mách bảo những con đường sáng tạo cho họ… Những mối lo lắng ấy vẫn không hề thuyên giảm. Ấy vậy, những đồ án tốt nghiệp không thiếu những ý tưởng mạnh bạo; những giải thưởng kiến trúc cấp toàn quốc và ở các cuộc thi lớn nhỏ áp đảo thuộc về anh chị em KTS trẻ tuổi; nhiều công trình bề thế do họ vẽ, và đáng hãnh diện hơn, không ít người trong họ được vinh danh ở các giải thưởng và cuộc thi quốc tế. Hai ba chục năm trước, ai đó nhận giải thưởng ở cuộc thi thiết kế quốc tế, báo chí đăng tải rầm rộ, lãnh đạo Nhà nước tiếp chuyện.

Những công trình giới thiệu ở tuyển tập này đều có quy mô nhỏ, song cũng đủ địa hạt để anh em trẻ huy động trí tuệ và năng lực của mình, cũng đủ để ta nhận ra và bị thuyết phục bởi sức mạnh bứt phá của họ, tài năng của họ.

Ngoại trừ nhà hàng Cheering, 2 nhà cộng đồng Nậm Đăm và Suối Rè, Nhà trẻ Farming Kindergarten, khu nghỉ dưỡng Suối Khoáng, còn lại là nhà ở trên đất chia lô, xây xen kẽ hoặc độc lập. Các công trình này gây sự ngạc nhiên thú vị: Hầu hết nhà ở đều có tên gọi: Nhà tổ mối, Nhà hộc kéo, Nhà caro, Garden house, Nhà vườn xếp, Chiếc hộp đồng quê, Vườn ngõ – Âm vang của đá, Ánh sáng tâm không – Tre… Nghe, mà phảng phất cái sự dứt khoát trong lời lẽ của Le Corbusier. Đọc, mà lai láng, lãng mạn. Và, nhận ra ngay các tác giả lồng thổi ý tưởng của mình vào những lời lẽ như tuyên ngôn. Đúng, phải cài ghép lực đẩy cho ý tưởng thì mới đi thẳng ngay vào lộ trình: Công năng Ý tưởng Tuyên ngôn Giải pháp xuyên suốt Hình hài công trình (như một hàm số).

Nhà cộng đồng Nậm Đăm - KTS Hoàng Thúc Hào
Nhà cộng đồng Nậm Đăm – KTS Hoàng Thúc Hào

Cái chuỗi logic và có lò xo ấy dẫn dắt giải pháp chung, thống nhất ở tất cả các đồ án nhà ở và các thể loại công trình khác – dây chuyền công năng liên hoàn, như một dòng chảy; chuyển hóa mềm, từ rộng sang hẹp; từ dưới lên trên; từ trong ra ngoài; ngăn cách cứng – mỏng – trong suốt; đảm bảo tính linh hoạt và đa năng trong sử dụng. Sự sạch và thoáng góp phần làm cho không gian ngôi nhà càng thống nhất.

Phong cách kiến trúc, ngoại thất – nội thất – hình khối – hình ảnh, mạnh mẽ, dứt khoát, rạch ròi, thanh thoát. Không có gì thừa. Không có sự sao chép hoặc nhại lại những thủ pháp kiến trúc và trang trí, vay mượn từ dĩ vãng. Mạnh dạn dùng các đường thẳng, các bố cục dạng hình học, các thanh lam dọc – ngang che nắng và các vách thủng ô hộc hóa. Đặc biệt nổi rõ xu hướng tạo sự tương phản, mạnh mẽ và bất ngờ, giữa các mảng to – nhỏ, nhẵn – sần, nặng chịch và nhẹ tâng, sắc đậm và sắc sáng… Bên cạnh giải pháp kiến trúc một phần theo hướng tối giản, bộc lộ rõ hơn xu hướng “lập thể hóa” hình khối không gian cùng hình thái kiến trúc, thiên về tính biểu đạt. Ở đây, có thể kỹ thuật vẽ bằng máy tính đã hỗ trợ đắc lực.

Cung cách sử dụng vật liệu góp phần làm nổi bật tính hiện đại, cá tính của bút pháp và cá tính của công trình. Điều này trước tiên thể hiện ở sự hiểu rõ đặc tính và khả năng phát huy của vật liệu ở việc dụng chúng: đúng việc, đúng chỗ, chừng mực, trong sự kết hợp và khuếch trương hiệu quả của thủ pháp tương phản. Việc quay trở lại với tre – đá tự nhiên – gỗ – đất nung, giúp cho nhà thiết kế mở rộng thênh thang thực đơn thẩm mỹ, kéo gần ngôn ngữ hiện đại tới người chủ và người dùng, mỹ cảm và tâm thức của họ. Có ý kiến phản bác việc sử dụng vật liệu tre trong kiến trúc ngày nay, do sự hạn chế về độ bền. Song, việc dùng tre trở lại vào kiến trúc đang mở ra nhiều cơ hội cho sáng tạo. Những hiệu quả của nó mang lại về nhiều phương diện thừa sức bênh vực cho độ bền có hạn.

Nhà hàng Cheering - H&P Architects
Nhà hàng Cheering – H&P Architects

Các công trình của 21 tác giả, tuy công khai hiện đại về ngôn ngữ kiến trúc, song đều được suy tính kỹ lưỡng theo chiều hướng thân thiện, sống chung với thiên nhiên, dù đôi khi thiên nhiên chỉ dành cho công trình mảnh trời và những vụn đất nhỏ hẹp.Tranh thủ tối đa để kéo nắng, kéo gió và màu xanh vào không gian nhà; hòa kết tối đa giữa trong và ngoài; cây cỏ hoa lá có chỗ mọi nơi có thể, thậm chí cả trên nóc nhà. Kiến trúc xanh có vẻ đang được thể nghiệm với ý nghĩa đầy đủ như nó hàm chứa.

Đọc và xem cuốn sách này, ta thêm vững tâm là nền kiến trúc nước nhà đang đi đúng đường để tiến tới hội nhập và hiện đại. Ta lạc quan là đã dần bỏ lại phía sau những công trình cồng kềnh và đồ sộ, mang bản chất và phong cách “cơ chế”, những dinh thự vay mượn sự phú quý của giới thượng lưu ở đâu đâu, từ quá khứ xa xăm.Ta không thể cứ bị lực quán tính níu kéo mãi.

Hy vọng, tuyển tập sáng tác kiến trúc đầu tiên dạng này sẽ giúp cho việc phát hiện, khẳng định và quảng bá những thành công trong sáng tác kiến trúc, công nhận và cổ vũ những KTS thành đạt đi tiên phong, tạo lập những điều kiện thuận lợi cho sự học hỏi lẫn nhau, cho lý luận và phê bình kiến trúc và, trên hết cả, góp phần cho sự hiện đại hóa nền kiến trúc Việt Nam.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5 – 2017)