Vì sao thành phố lớn dễ tổn thương trước dịch bệnh

Trong nghiên cứu ảnh hưởng của đô thị hóa đến dịch tễ học của các bệnh truyền nhiễm mới nổi đăng trên thư viện y khoa Mỹ năm 2015, bác sĩ Carl-Johan Neiderud cho rằng sự gia tăng của các thành phố mới hiện đại tạo ra những rủi ro và thách thức tiềm ẩn đối với các bệnh lây truyền mới.

Các đô thị có thể là chất xúc tác cho sự lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm. Về cơ bản, một nhóm dân số đông trong một khu vực hạn chế là điều kiện hoàn hảo cho các dịch bệnh khác nhau phát tán.

Với quy hoạch nhà cửa san sát, người dân thành phố chỉ đơn giản là không thể tự bảo vệ sức khỏe của mình một cách độc lập với hàng xóm. (Ảnh: BBC)

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có nhiều ví dụ minh họa cho ảnh hưởng của đô thị hóa lên dịch bệnh. Tại Cộng hòa dân chủ Congo, 83% người mắc lao phổi sống ở thành thị. Năm 2009, thủ đô Mexico City của Mexico phải đóng cửa trường học, thư viện, bảo tàng để ngăn sự lây lan của cúm H1N1.

Cũng trong năm 2009, dịch tả ở Zimbabwe ảnh hưởng nặng nề đến thủ đô Harare và hai thị trấn Chitungwiza và Kadoma. WEF cho rằng các ví dụ ở Zimbabwe cho thấy sự ảnh hưởng của các khu ổ chuột và việc thiếu hạ tầng đô thị có thể góp phần lây lan và làm dịch bệnh trầm trọng hơn thế nào.

Những câu chuyện từ đô thị

Trong dịch SARS năm 2003, một khu nhà trong số 19 tòa của tòa nhà chung cư Amoy Garden ở Hong Kong, nơi sinh sống của 19.000 người (bằng nhiều làng ở nông thôn gộp lại) có một ổ dịch với 321 người nhiễm khiến cư dân nơi đây phải sơ tán và toàn bộ khu vực phải bị khử trùng.

Sự việc là một cú sốc cho dân thành thị, những người tưởng rằng bệnh truyền nhiễm là cái gì đó xa xôi hoặc chỉ có ở những nơi nghèo khó. Họ không tin rằng đô thị có thể là “lò ấp” cho các mầm bệnh.

Trên thực tế, từ bệnh dịch hạch ở thời Trung cổ đến bệnh cúm gia cầm hay Sars ở thế kỷ 21, các bệnh truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng ở các thành phố, nơi mọi người sống gần nhau với mật độ đông đúc.

Khẩu trang đã trở thành phụ kiện phổ biến ở châu Á, nhưng với quy hoạch nhà cửa san sát, người dân thành phố chỉ đơn giản là không thể tự bảo vệ sức khỏe của mình một cách độc lập với hàng xóm.

Tại Brazil, sự bùng phát của virus Zika năm 2015-2016 gây quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Bệnh lây từ muỗi sang người và giữa người với người. Căn bệnh này đã chứng minh: dân số đông đúc ở các thành phố lớn là môi trường tuyệt hảo cho dịch bệnh lây lan.

Trong thời đại ngày nay, nhờ sự thuận tiện trong giao thông vận tải, các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan có thể xuất hiện ở một môi trường hoàn toàn khác so với khi nó mới bùng phát.

Nếu không được xem xét nghiêm túc, cùng với dân số và mật độ dân cư, đô thị có thể góp phần vào sự xuất hiện của một dịch bệnh mới mang tính khẩn cấp về y tế cộng đồng.

Giáo sư David Heymann, người đứng đầu đơn vị bệnh truyền nhiễm của WHO, nhận xét từ thời bệnh SARS bùng phát: các thành phố lớn dễ tổn thương trước các bệnh truyền nhiễm không chỉ vì dân số đông đúc mà vì nó có các sân bay lớn.

Sốt xuất huyết cũng lây theo sự di chuyển của con người, đặc biệt là trong nhóm du khách đến các nước có dịch rồi trở về nước và phát tán bệnh ở quê nhà. Tương tự, tần suất lưu thông quốc tế đã khiến các đô thị lớn trên thế giới dễ bị lây lan các bệnh truyền nhiễm, như bệnh sốt vàng, vốn xuất phát từ châu Phi.

Vai trò của thiết kế đô thị

Sara Jensen Carr – giáo sư ngành kiến trúc của Đại học North Eastern, Mỹ – đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của quy hoạch đô thị đến sức khỏe con người qua những khủng hoảng lớn về sức khỏe và cả xã hội ở Mỹ trong cuốn sách xuất bản năm 2019 của bà. Bà kết luận: Thành phố được tổ chức quy hoạch theo kiểu mạng lưới (như New York) không chỉ thuận tiện mà còn tốt cho sức khỏe.

Ngược dòng lịch sử, người Mỹ đã học bài học đắt giá từ những năm 1800 khi dịch tả bùng phát. Nước bẩn mang mầm bệnh chảy thành vũng vào những con đường quanh co, không trải nhựa trong thành phố. Và đã từng có thời gian New York phồn hoa đô hội là một ổ dịch bệnh.

Việc quy hoạch thành phố New York theo mạng lưới, đều đặn thành những hình chữ nhật vuông vức đều nhau mà chúng ta thấy ở New York hiện nay rất thực tiễn. Nó vừa giúp việc đi lại thuận tiện vừa dễ dàng vệ sinh đường phố nhằm tránh để xảy ra dịch bệnh.

Rác thải, chất thải được đưa khỏi đường phố và việc đưa nước sạch vào nhà rất dễ dàng khi những con đường được vẽ ngang dọc thẳng tắp, bên dưới là những đường ống dẫn nước và chất thải rất an toàn.

Đến thời cách mạng công nghiệp (lần thứ hai ở Mỹ từ năm 1871 – 1914), các thành phố trở nên chật chội vì đông đúc, người dân bắt đầu lo lắng họ có thể bị bệnh do hít phải không khí “độc hại”. Kết quả là, đến cuối thế kỷ 19, sức ép từ thị dân ngày càng lớn đối với nhu cầu thiết kế các tòa nhà và không gian ngoài trời thông thoáng, mang lại không khí trong lành với ánh sáng mặt trời.

Chính trong thời gian này, kiến trúc sư về cảnh quan và nhân viên y tế công cộng Frederick Law Olmsted đã bắt tay thiết kế các công viên công cộng, như công viên Emerald Necklace ở Boston và công viên Trung tâm ở New York. Dù không có nhiều kiến thức khoa học để biện luận sự quan trọng của công viên vào thời điểm đó, Olmsted đã biết một cách bản năng rằng con người cần không gian để thở.

Các công viên thậm chí còn phổ biến hơn khi bệnh lao bùng phát ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Điều thú vị về bệnh lao là không khí và ánh sáng mặt trời thực sự có tác dụng chữa bệnh. Hình ảnh lưu lại từ đầu những năm 1900 cho thấy các bệnh viện lao đã cho bệnh nhân nằm phơi nắng trên giường như một cách điều trị.

Những thiết kế xuất phát từ nhu cầu hạn chế dịch bệnh này tiếp tục trong thế kỷ 20. Cụ thể như bệnh lao đã ảnh hưởng rất nhiều đến kiến trúc và quy hoạch đô thị cho đến khoảng những năm 1960, nhất là với các trụ sở công cộng hiện đại.

Thành phố có rất nhiều bộ mặt, có khu sang nhưng cũng có nhiều khu dân cư nhếch nhác, tạo ra những thách thức với sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, khoảng 55% dân số thế giới sống ở đô thị. Trong số đó, khoảng 1/3 người dân đô thị sống ở các khu ổ chuột. Những khu dân cư nhà cửa nhếch nhác, thiếu nước sạch, vệ sinh kém tiềm ẩn sự đe dọa đến sức khỏe người dân và dễ trở thành các ổ phát sinh bệnh truyền nhiễm. Một số bệnh truyền nhiễm đã được ghi nhận là dễ phát tán trong môi trường nhà ổ chuột như dịch tả. Năm 2010, một ổ dịch tả đã xuất phát từ khu ổ chuột ở Dar es Salaam, Tanzania. Ở một số nước khác, các ca dịch tả cũng xảy ra nhiều nhất ở những khu vực có mật độ dân cư đông.

Theo Hồng Vân/Tuổi trẻ