Đôi điều qua giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam 2020

Năm 2020 quả là một năm đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành trong đó có cả giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam. Đại dịch đã tác động ít nhiều đến lĩnh vực xây dựng mà KTS là người chịu ảnh hưởng trực tiếp, có lẽ vì vậy mà số lượng đồ án tham dự giải thưởng kiến trúc xanh do Hội KTS Việt Nam tổ chức năm nay đã không có nhiều. Ba mươi lăm dự án của 24 tác giả là con số khá khiêm tốn so với các năm trước. Tuy nhiên, nhìn chung, cuộc thi Kiến trúc xanh Việt Nam 2020 đã có một kết quả tương đối khả quan, chất lượng các đồ án đoạt giải ngày một tốt hơn so với trước.

Hội đồng chấm giải Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam 2019 – 2020

Có lẽ ở các năm trước đây nhiều giải thưởng cao đều ít nhiều gắn liền với cây xanh khiến năm nay khá nhiều KTS chọn yếu tố cây xanh là giải pháp chính cho các tác phẩm dự thi, lướt qua một số đồ án dự thi cũng thấy được vẫn còn một số KTS chưa thực sự hiểu rõ về kiến trúc xanh bởi yếu tố cây xanh chỉ là một trong rất nhiều giải pháp thân thiện môi trường trong 1 công trình xanh. Ban giám khảo đã thống nhất định hướng chung của giải thưởng năm nay là sẽ ưu tiên cho các đồ án không chọn cây xanh là yếu tố quan trọng cho các giải pháp xanh.

Số lượng các đồ án dự thi là nhà ở trong năm nay chiếm số đông – đến 50%, (và giành đến 70% giải thưởng của BTC), số còn lại đa số đều là các công trình công cộng có quy mô nhỏ. Điều này cho thấy: Để KTS thực hiện được các giải pháp xanh cho các công trình quy mô lớn tại Việt Nam vẫn còn khó khăn. Có lẽ do chủ đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam vẫn phải cân nhắc vốn đầu tư ban đầu nhiều hơn so với hiệu quả lâu dài mà công trình xanh mang lại.

Có đến 90% các đồ án đều có các giải pháp thông gió tự nhiên, tận dụng ánh sáng tự nhiên, che chắn nắng, cách nhiệt cho công trình. Các giải pháp này gần như là những giải pháp truyền thống xưa nay đối với công trình kiến trúc tại vùng khí hậu nhiệt đới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh nhiều đồ án nghiêm túc vẫn còn đó một số tác giả không nắm rõ các quy định của BTC khi tham gia dự thi:

  • Hơn 10% đồ án chỉ là hồ sơ thiết kế trên giấy, chưa được xây dựng hoặc xây dựng chưa xong. Cần hiểu rằng để đánh giá một đồ án xanh thì đòi hỏi đồ án đó phải được hoàn thành, đưa vào sử dụng, bởi các giải pháp xanh vì lý do nào đó có thể trên thực tế không được chủ đầu tư thực hiện dù hình thức kiến trúc vẫn tuân thủ theo thiết kế;
  • Có hơn 20% đồ án có thuyết minh để tham dự Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia chứ không phải dự giải thưởng kiến trúc xanh vì nội dung thuyết minh không nhắc gì đến các giải pháp xanh của đồ án cả. BGK đã phải dành thêm thời gian tự nhận xét, đánh giá các giải pháp xanh (nếu có) của đồ án dựa trên các tài liệu nhận được;
  • Ngoài ra, hơn 10% đồ án với hồ sơ dự thi có vẻ như để đánh đố ban giám khảo, muốn hiểu sao thì hiểu bởi chỉ nộp bản vẽ và hình ảnh mà không có lời thuyết minh nào!

Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn có nhiều đồ án xuất sắc. Một số tác giả tuy không có đầy đủ các giải pháp xanh nhưng cũng thể hiện được vài ý tưởng xanh khá ấn tượng trong thiết kế của mình để dành được các giải thưởng Chuyên đề:


SKY HOUSE – TP. HCM: Là một công trình nhà ở có hình khối kiến trúc đơn giản, hiện đại. Bố cục mặt bằng và phân chia không gian rất hợp lý, theo phong cách hướng nội, mọi sinh hoạt, tầm nhìn của các phòng đều hướng vào các sân trong được bố trí đan xen, kết hợp các giếng trời, khoảng thông tầng tạo nên các không gian sinh động. Các khoảng thông tầng này cũng giúp gia tăng sự kết nối của các thành viên trong gia đình. Đây là đồ án đã có chứng nhận Bạc của Lotus (hệ thống đánh giá công trình xanh của Việt Nam). Tuy nhiên, tác giả lại không thể hiện rõ trong thuyết minh các tiêu chí xanh của Lotus mà đồ án đã đạt được là gì.

NHÀ TƯỜNG VÀNG – ĐÀ NẴNG: Công trình nhà ở có kiến trúc tương đối hiện đại nhưng mang một chút âm hưởng của kiến trúc truyền thống Hội An với mái ngói, tường vàng. Không gian nhà khá phong phú với các khoảng thông tầng, khoảng hở mái hài hòa với sân vườn phía trước. Điểm cộng mà BGK dành cho đồ án này chính là yếu tố hòa nhập với truyền thống văn hóa địa phương. Các yếu tố xanh còn lại ngoài các giải pháp che chắn nắng, thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên không có điểm nào đặc biệt hơn.

NHÀ MÁI ĐỎ – QUẢNG NGÃI: Công trình dạng nhà phố có mái dật cấp thấp dần từ sau ra trước. Vật liệu sử dụng là vật liệu địa phương như đá Bazan, gạch nung,… Mái nhà được lát gạch đỏ và tạo ra nhiều liếp rau giật cấp vừa giúp cách nhiệt cho mái vừa gia tăng nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Diện tích xanh trên mái chuyển dần xuống dưới thông qua các giếng trời đem ánh sáng tự nhiên vào nhà đồng thời giúp các không gian trệt, lửng, mái giao thoa nhau khá sinh động. Ngoài ra, các tường ngoài nhà được xây 2 lớp giúp cách nhiệt tốt.

ĐỘNG NHIỆT ĐỚI – HÀ NỘI: Tương tự Skyhouse, đồ án Động nhiệt đới cũng là một nhà ở có bố cục mặt bằng rất sinh động, các không gian thông tầng đan xen nhau tạo sự thay đổi cảm xúc cho người sử dụng trên mỗi tầng. Các lam chắn nắng, hệ thống cửa xoay lá sách giúp công trình có thông thoáng và che chắn nắng tốt giúp giảm bức xạ nhiệt của bầu trời. Các mảng cây xanh thêm thắt vào làm tăng sự kết nối con người và thiên nhiên. Tuy nhiên, vật liệu gạch nung để trần sử dụng trong công trình là 1 nhược điểm bởi bề mặt gạch nung để trần mang ý nghĩa khuyến khích phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển (từ hoạt động nung gạch), điều mà các tổ chức môi trường trên thế giới đang lên án.

NAM LONG RESTAURANT – HÀ NỘI: Công trình nhà hàng nhiều tầng được tác giả tạo thêm các vườn trên cao đan xen nhau giúp cho không gian ăn uống vừa đa dạng vừa có cảm giác tươi mát. Ngoài các yếu tố thông gió, che chắn nắng, công trình cũng có thêm hệ thống thu nước mưa để tưới cây, giúp tiết kiệm lượng nước đáng kể.

THỤY KHUÊ HOUSE – HÀ NỘI: Sở hữu một khu đất không vuông vức với nhiều diện tích trồi ra thụt vào và nằm chen chúc trong 1 khu phố khá lộn xộn, tuy nhiên tác giả đã khéo léo bố trí các không gian ở vừa vặn với mặt bằng phức tạp này: Vẫn có các khoảng sân, vườn trước sau, khoảng thông tầng vừa lấy được sự thông thoáng và ánh sáng tự nhiên ít ỏi từ các cạnh biên vừa tạo sự giao thoa, kết nối giữa các tầng – kết nối giữa các thành viên trong gia đình, và cũng giúp cho không gian nội thất thật duyên dáng.

MY MONTESORRI GARDEN – HẠ LONG: Đây là một nhà giữ trẻ kết cấu bán kiên cố trên khu đất có diện tích nhỏ hẹp, không đủ cho sân chơi cho trẻ em. Tác giả giải quyết chỗ chơi cho các cháu trên cao, ngay bên trên diện tích lối đi và vườn ngoài nhà nhỏ hẹp nhưng vẫn đảm bảo kết hợp được cây xanh, thông gió và ánh sáng tự nhiên.

NHỮNG MẢNH VƯỜN TRONG ĐÔ THỊ – ĐÀ NẴNG: Đây là một homestay dạng nhà phố nằm trên lô đất có chiều sâu dài gấp nhiều lần so với chiều ngang. Tác giả sử dụng giải pháp truyền thống theo kiểu nhà phố cổ Hội An với nhiều sân trong theo chiều sâu của dải đất hẹp, tuy nhiên các sân trong này có vị trí và kích thước biến đổi theo từng tầng tạo ra các không gian đa dạng chen lẫn các mảng cây xanh giúp cải thiện vi khí hậu của công trình. Mặt trước công trình được giật cấp dần về phía sau khi lên cao nhưng không đều theo chiều ngang tạo ra các khoảng sân cho từng căn hộ lệch nhau giúp gia tăng sự giao tiếp của người sử dụng, nhờ vậy tính kết nối cộng đồng của đồ án là rất tốt.


Vượt lên trên các giải thưởng Chuyên đề, BGK chọn được 2 tác phẩm trao giải Bạc và 1 tác phẩm trao giải Vàng – giải cao nhất:


CÁI HANG GẠCH – HÀ NỘI (giải Bạc): Đây là một công trình nhà ở có 2 lớp vỏ bằng gạch nung. Lớp vỏ ngoài được tạo độ rỗng một cách khéo léo để thông thoáng, đồng thời ngăn bớt bức xạ nhiệt giúp tiết kiệm năng lượng cho công trình. Lớp vỏ bên trong không nằm sát hoặc song song lớp vỏ ngoài mà có chỗ sát, chỗ lùi vào, chỗ thẳng đứng, chỗ nghiêng tạo thành các ngóc ngách lớn nhỏ khác nhau một cách ngẫu nhiên như… “Hang động”. Giải pháp này giúp không gian trong nhà khá phong phú và đa dạng. Nhưng giống như một số đồ án tham dự giải thưởng khác, lớp vỏ gạch nung để trần của công trình đã trở thành điểm trừ khiến đồ án không thể có giải thưởng cao hơn.


LÀNG MÍT – HÀ NỘI (giải Bạc): Đây là đồ án đáp ứng hầu hết các tiêu chí xanh của Hội KTS Việt Nam. Tác giả trình bày đồ án rất nghiêm túc, có phân tích chi tiết các giải pháp để đáp ứng từng tiêu chí xanh. Giải pháp kiến trúc của đồ án không phá vỡ cảnh quan hiện trạng: Nhà xây dựng né tránh vị trí hơn 70 cây Mít và các cây lâu năm hiện hữu khác. Một phần công trình khu vực gần bờ hồ là nhà sàn để không ảnh hưởng nền đất dốc thoát nước tự nhiên. Ngoài việc tận dụng cây xanh hiện hữu, công trình cũng có bố cục để tận dụng các tầm nhìn rất đẹp ra mặt hồ ở 3 mặt khu đất. Đây cũng là 1 trong 2 đồ án dự thi sử dụng gạch không nung và các vật liệu tái tạo nhanh như mái tranh, trần tre – là những vật liệu mà kiến trúc xanh luôn khuyến khích sử dụng. Công trình là nhà ở của 1 đại gia đình kết hợp với homestay, tạo sự kết nối không chỉ giữa những người cùng dòng họ với nhau mà còn giữa gia chủ và khách trọ thông qua không gian chung như nhà thờ chung, sân giao lưu, nhà hàng, cafe… Hình thức kiến trúc của công trình đậm chất địa phương, gần gũi với kiến trúc làng truyền thống Việt Nam.Đồ án này nếu tham dự giải thưởng KTX ở các năm trước có thể sẽ dễ dàng dành giải cao nhất. Tuy nhiên, không may là năm nay trong cuộc thi lại xuất hiện một đồ án khác được BGK đánh giá cao hơn.


NGÔI NHÀ ĐỨC (German house) – TP. HCM: Được xem là tòa nhà đại diện cho nước Đức tại TPHCM, đã có môt sự vượt trội về quy mô so với các đồ án dự thi khác. Đó là một cao ốc văn phòng 27 tầng + 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn >50.000 m2. Công trình nằm ngay khu trung tâm TPHCM nơi từng mét vuông đất đều rất quý giá, chính vì vậy công trình gần như không dành không gian nào cho cây xanh ngoài một diện tích rất khiêm tốn trên mái tầng 18. Dù chức năng chính của tòa nhà là văn phòng cho thuê đơn thuần nhưng tác giả đã tạo nhiều không gian kết nối cộng đồng như không gian trưng bày nghệ thuật ở sảnh tầng 1 và 2, không gian hội nghị và khu tập gyms ở tầng 3-4, không gian nhà hàng và sân giao lưu tại tầng 18. Các không gian này giúp những người làm việc tại các văn phòng trong tòa nhà có nhiều cơ hội gặp gỡ, kết nối, giao tiếp với nhau cũng như với những người đến từ bên ngoài công trình, đó là một tiêu chí khá quan trọng đối với kiến trúc xanh.

Vào ban đêm, công trình có vẻ đẹp lung linh khác biệt so với nhiều công trình khác tại TPHCM nhờ hệ thống chiếu sáng mặt đứng khá đặc biệt, sử dụng hơn 4.000 đèn LED công suất thấp rải đều trên từng ô cửa sổ, các đèn này được thiết kế riêng bộ chắn sáng để sao cho ánh sáng chỉ tập trung vào khung cửa sổ mà không hắt vào trong nhà cũng như không hắt ra ngoài bầu trời. Giải pháp này vừa tiết kiệm năng lượng vừa giúp giảm bớt lượng ô nhiễm ánh sáng cho thành phố, hạn chế tác động đến môi trường sống của nhiều loài động vật, côn trùng sống về đêm, đóng góp cho việc duy trì sự đa dạng sinh học của môi trường sống. Đây là một tiêu chí xanh giúp bảo vệ hệ sinh thái mà rất ít các công trình ở Việt Nam chú ý đến.

Công trình cũng đã sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng như sử dụng tấm pin mặt trời trên mái, sử dụng toàn bộ đèn LED hiệu suất cao cho chiếu sáng trong nhà. Hệ thống điều hòa không khí trung tâm hiệu suất cao kết hợp hệ thống thu hồi nhiệt từ gió thải để tận dụng năng lượng thừa. Toàn bộ thiết bị trong công trình được kiểm soát tự động bởi hệ thống BMS (Building Management System) giúp nâng cao thêm hiệu quả năng lượng cho công trình. Mặt đứng công trình dù là toàn kính, nhưng là hệ thống cửa sổ kính rất đặc biệt gồm 2 khung kính độc lập: Khung bên trong là kính hộp 2 lớp, bên ngoài có thêm khung kính phản quang để tăng khả năng cách nhiệt, cách âm cao. Ở giữa có thêm lớp màn sáo ngang chắn nắng có thể điều khiển từ bên trong nhà. Khung kính ngoài có khe hở bên dưới và bên trên để đối lưu không khí giúp không khí nóng giữa 2 khung kính này có thể thoát ra ngoài dễ dàng làm tăng thêm khả năng cách nhiệt. Với giải pháp mặt đứng đặc biệt này kết hợp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, công trình đã tiết kiệm được đến 40% năng lượng so với công trình chuẩn (baseline building) một tỷ lệ rất cao mà ít có công trình nào ở Việt Nam đạt được.

Về vật liệu, công trình đã sử dụng 100% gạch không nung (giúp giảm một lượng phát thải đáng kể vào môi trường từ việc nung gạch) cùng nhiều vật liệu phát thải thấp khác. Các loại gỗ sử dụng trong công trình đều có chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council – Hội đồng quản lý rừng) chứng nhận gỗ được khai thác từ rừng trồng, không phải từ rừng tự nhiên. Đặc biệt bên trong nội thất đều sử dụng vật liệu cho bề mặt hoàn thiện (sơn nước, vernis…) có lượng VOC rất thấp (VOC: Volatile Organic Compound – Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thường có chứa chất độc hại), kết hợp hệ thống lọc không khí trung tâm, hệ thống kiểm soát tự động lượng CO2 giúp cho chất lượng không khí trong nhà rất tốt cho sức khỏe người sử dụng, đạt tiêu chuẩn rất cao về chất lượng không khí của Đức (được kiểm định thực tế bởi cty kiểm định TUV-SUD – Đức). Một điểm đặc biệt nữa là công trình có hệ thống lọc nước tiêu chuẩn cao nhất Đông Nam Á để đáp ứng toàn bộ nước sử dụng trong công trình có thể uống được trực tiếp từ các vòi nước. Hệ thống cấp nước này đã giúp loại bỏ hoàn toàn các chai nhựa đựng nước uống cho khu vực văn phòng trong công trình – chai nhựa là sản phẩm đang bị lên án vì làm tăng lượng rác thải không phân hủy ảnh hưởng môi trường hiện nay.

Ngoài ra, quá trình thi công công trình đã được kiểm soát rất chặt chẽ. Lượng rác thải tại công trường được tổ chức thu gom, phân loại, vận chuyển đến các bãi rác một cách nghiêm ngặt. Công trường cũng áp dụng nhiều biện pháp (được giám sát, ghi nhận và báo cáo định kỳ hàng tuần) hạn chế các phát thải bụi, khí thải ra môi trường xung quanh cũng như duy trì độ sạch của không khí bên trong công trường, bảo vệ sức khỏe cho công nhân xây dựng. Tiêu chí này thực tế tại Việt Nam cũng ít được chú ý.

Với nhiều giải pháp kiến trúc và kỹ thuật tiên tiến kể trên, từ giai đoạn thiết kế đến thi công và cả giai đoạn vận hành, công trình đã đạt được chứng nhận LEED-Platinum (chứng nhận xanh cao nhất của Mỹ) và DGNB- Gold (chứng nhận xanh của Đức, được đánh giá có yêu cầu cao hơn LEED).

Bên cạnh đó, xét về tiêu chí “Kiến trúc tiên tiến bản sắc”, Ngôi nhà Đức cũng được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao qua hình thức kiến trúc đã thể hiện khá rõ nét các đặc trưng, bản sắc của kiến trúc hiện đại Đức: Đơn giản, mạnh mẽ và đậm chất kỹ thuật.

Với những đặc điểm như vậy, Ngôi nhà Đức đã xứng đáng dành được giải cao nhất Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam năm 2020, và đặc biệt đồ án đã giúp BGK truyền đi thông điệp: Kiến trúc Xanh không nhất thiết phải có nhiều cây xanh.


Thay lời kết

Với những những nhận xét và chia sẻ kể trên, người viết mong muốn các tác giả dự thi sẽ hiểu được phần nào lý do vì sao đồ án của mình được giải hay không được giải. Cũng muốn nhắn gởi đến các KTS trẻ có dự tính tham dự giải thưởng lần sau là hãy tìm hiểu thật kỹ và hiểu đúng về kiến trúc xanh để có thêm nhiều giải pháp thiết kế xanh hay, độc đáo cho đồ án của mình. Đồng thời cũng để giải thích các giải pháp xanh của mình một cách đúng đắn trong thuyết minh. Các KTS cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn đồ án dự thi của mình với đầy đủ bản vẽ, hình ảnh và đặc biệt nội dung thuyết minh phải khác với thuyết minh dự thi giải thưởng kiến trúc quốc gia, phải thể hiện sự đáp ứng của đồ án với các tiêu chí xanh của Hội KTS Việt Nam. Ngoài ra các KTS cũng đừng nóng vội tham gia dự thi khi công trình chưa xây dựng hoàn tất. Một lưu ý khác, bên cạnh các giải pháp xanh độc đáo của các đồ án dự thi luôn được ưu tiên thì tính thẩm mỹ của đồ án cũng là một tiêu chí mà BGK luôn cân nhắc khi xét chọn.

KTS Trần Khánh Trung
Chủ nhiệm CLB Kiến trúc Xanh TPHCM
Thành viên Hội đồng giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam 2020
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)