Nhằm tham vấn ý kiến của người dân trước khi báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt kết quả phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông về việc tổ chức trưng bày, triển lãm các phương án đạt giải tại Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo từ ngày 1/3 – 31/3/2022, tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thông tin triển lãm:
- Thời gian: Triển lãm được diễn ra từ ngày 1/3/2022 đến 31/3/2022. Triển lãm được mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Buổi sáng từ 8:30-11:30 và buổi chiều từ 13:30-16:30.
- Địa điểm: Nhà Triển lãm – số 93 Đinh Tiên Hoàng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
- Nội dung: Trưng bày, triển lãm mô hình của 03 phương án được Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc Thành phố lựa chọn đạt giải Nhất, giải Nhì và giải Ba và 01 phương án theo hình thức tuyển chọn phương án kiến trúc để tham vấn ý kiến cộng đồng làm cơ sở để UNBD Thành phố xem xét, quyết định.
Trước đó, hồi tháng 8/2021, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án kiến trúc cầu do TEDI nghiên cứu. Tuy nhiên, 3 phương án này đã gây ý kiến trái chiều, một số chuyên gia đề nghị tổ chức thi tuyển phương án thiết kế theo Luật Kiến trúc. Ngày 11/10/2021, UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Công trình cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía Nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía Bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận. Chiều dài tuyến (gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Công trình vĩnh cửu, quy mô tối thiểu từ 4 đến 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng. Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo nhằm tìm kiếm phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với cảnh quan, đáp ứng cao nhất các điều kiện cho việc thiết kế và lập Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Trần Hưng Đạo, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức thi tuyển.
Theo Ban QLDA đầu tư hạ tầng giao thông TP Hà Nội cho biết, sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển và chấm chọn, đơn vị tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP. Hà Nội, từ 20 phương án thi tuyển của 12 đơn vị tư vấn, thiết kế trong nước và quốc tế đủ điều kiện.
3 phương án kiến trúc vừa được Hội đồng thi tuyển và Ban tổ chức lựa chọn để đề xuất UBND TP Hà Nội trao giải bao gồm:
- Giải Nhất – Phương án THĐ-12(DD1188)
- Giải Nhì – Phương án THĐ-18 (VT0002)
- Giải Ba – Phương án THĐ-07 (TT1228)
Đồng thời, BTC cũng lấy ý kiến cho phương án kiến trúc theo hình thức tuyển chọn (phương án 3 – “Xứ Đông Dương).
Các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng trong một tháng, bắt đầu từ 1/3. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của cộng đồng, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội
Sau khi triển lãm, trưng bày kết quả thi tuyển, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc sẽ tổng hợp ý kiến cộng đồng và báo cáo thành phố xem xét, quyết định phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Chi tiết các phương án lấy ý kiến cộng đồng:
Phương án Giải Nhất – THĐ12 (DD1188)
Chia sẻ của nhóm tác giả: “Cây cầu mang biểu tượng bất tận về không gian và thời gian của Hà Nội. Một biểu tượng mới của Hà Nội bắt nguồn từ không gian, thể hiện tính hiện đại và thẩm mỹ. “Bất tận” được lấy cảm hứng từ ấn tượng về không gian mênh mông trải rộng trên dòng sông Hồng, một dòng sông có cả chiều dài về lịch sử, chiều rộng về không gian.”
Cầu chính dạng cầu vòm thép, sơ đồ nhịp chính là: 150mx6; L = 900m; Mặt cắt ngang cầu chính tại giữa nhịp: B = 40.66m, tại trụ cầu: 47.76m; Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cánh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu; Số làn giao thông: 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, 2 làn xe đạp và vỉa hè người đi bộ.
Chi tiết phương án xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/giai-nhat-ma-so-dd1188-binh-chon-phuong-an-kien-truc-cau-tran-hung-dao.html
Phương án Giải Nhì – THĐ18 (VT0002)
Chia sẻ của Nhóm tác giả: “Nhóm tác giả đề xuất 2 phương án dáng vòm bằng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, tạo những hiệu ứng thị giác và cảm giác rất khác biệt khi đi dưới 5 nhịp vòm mở ra liên tiếp, toả rộng trên đầu rất hào hùng. Nên Nhóm tác giả gọi tên phương án là: Hào khí Đông A – Hào khí Rồng Thiêng! Hào khí Đông A là câu chỉ chí khí mạnh mẽ oai hùng hào sảng của thời trần mà điển hình là của Đức Trần Hưng Đạo, Hào khí này thường được thể hiện qua hình ảnh con rồng nhà Trần.”
Cầu vòm thép, kết cấu Mố trụ BTCT Vĩnh cửu; Chiều dài cầu chính 05 nhịp: 110m+130m+130m+110m+110m=590m; Bề rộng mặt cầu B=33.0m
Chi tiết phương án xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/giai-nhi-ma-so-vt0002-binh-chon-phuong-an-kien-truc-cau-tran-hung-dao.html
Phương án Giải Ba – THĐ07 (TT1228)
Chia sẻ của nhóm tác giả: “Trong nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nghệ thuật điêu khắc thời Lý- Trần nổi bật lên như đỉnh cao về tính thẩm mỹ với sự chi tiết, tinh tế và ý nghĩa trìu tượng. Nổi bật trong số đó là hoa văn thủy ba. Hoa văn thủy ba thường xuất hiện với hệ thống các nét tạo hình hình sin hoặc parabol, xếp chồng lên nhau dày đặc lớp trên và lớp dưới tạo nên những lớp núi non trùng điệp và những con sóng bạc đầu. Phương án của nhóm tác giả tạo ra một hàng 5 cột tháp treo với chiều cao khoảng 55m so với cao độ gốc. Các hàng cột này được tạo thành bởi một chữ V với mặt trong là một hình parabol được hạ thấp xuống cao độ khoảng 2,5m so với mặt nước và chạy xuyên xuống phía dưới lòng đường.”
Cầu chính dạng dây văng với kết cầu dầm chủ dạng BTCT DƯL; sơ đồ nhịp: 06 nhịp: 102+4×160+102= 844m; Bề rộng mặt cầu chính qua sông đảm bảo 6 làn: B=38m
Chi tiết phương án xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/giai-ba-ma-so-tt1228-binh-chon-phuong-an-kien-truc-cau-tran-hung-dao.html
Phương án kiến trúc theo hình thức tuyển chọn
Phương án Xứ Đông Dương với ý tưởng kết nối hiện đại và tương lai từ cảnh quan đường Trần Hưng Đạo, xuất phát điểm của cây cầu từ bờ Nam sông Hồng. Đường Trần Hưng Đạo có tên Đại lộ Gambetta vào đầu thế kỷ 20, nổi bật với nhiều công trình kiến trúc quý – đặc trưng của thời kỳ này (kiến trúc Pháp và Đông Dương) sang bờ Bắc là nơi phát triển các khu đô thị mới. Phù hợp quy hoạch 2 bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố trung tâm gắn với trục Hồ Tây – Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc & sinh động mà Hà Nội là thủ phủ – xứ Đông Dương.
Chi tiết phương án xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/phuong-an-tuyen-chon-binh-chon-phuong-an-kien-truc-cau-tran-hung-dao.html
Theo dõi kết quả bình chọn:
Phiếu tham vấn ý kiến cộng đồng trực tuyến:
© Tạp chí kiến trúc