THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Trường THCS Cầu Giấy
- Tác giả: KTS. Trần Nguyễn Quảng, Lương Văn Thành, Trịnh Trung Hiếu và cộng sự – Công ty liên doanh Sunjin Việt Nam
- Địa điểm: Số 108 Cầu Giấy, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội
- Chức năng: Công trình trường học
- Diện tích đất: 8,467 m2
- Diện tích xây dựng: 3,387 m2
- Tổng diện tích sàn: 21,123 m2
- Năm thiết kế: 2017
- Năm hoàn thành: 2021
Công trình đạt Giải Bạc Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2021, Thể loại Kiến trúc công cộng – hạng mục công trình trường học/bệnh viện
Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/cong-bo-ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2021.html
Kiến trúc Trường học nội đô – Kinh nghiệm thiết kế Trường THCS Cầu Giấy
Kiến trúc trường học có vai trò rất lớn đối với chất lượng đào tạo. Việc đổi mới cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đã nhiều năm được các cơ quan quản lý ngành giáo dục xem là một trong 3 nền tảng cùng với Đổi mới con người và Đổi mới phương pháp giảng dạy. Dù bước đầu có nhiều đổi mới, đóng góp lớn cho sự phát triển công tác đào tạo, nhưng kiến trúc trường học phổ thông khu vực nội đô đang tồn tại nhiều nội dung, cần có sự điểu chỉnh kịp thời trong thời gian tới. Thiết kế công trình Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa được trao Giải Bạc – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021 vừa qua có thể xem là một kinh nghiệm tốt với thiết kế trường học bậc phổ thông khu vực nội đô.
THỰC TRẠNG THIẾT KẾ KIẾN TRÚC TRƯỜNG HỌC HIỆN NAY
Trên thực tế hiện nay, thiết kế trường học bậc phổ thông khu vực nội đô nói chung đã có những thay đổi đáng kể về cách tổ chức hình khối kiến trúc, hợp khối các khu vực chức năng để tận dụng tối đa diện tích đất trên cơ sở đảm bảo mật độ xây dựng theo quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện hiện trạng cảnh quan khu vực (không theo hình thức lối mòn về hình thức các khối nhà thấp tầng xếp hình chữ U ôm lấy sân trường). Tuy nhiên, vẫn có những nhược điểm còn tồn tại, xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, cụ thể:
- Về quy hoạch tổng mặt bằng, do diện tích đất nội đô vô cùng hạn hẹp nên không gian khuôn viên trường học thường thiếu sự kết nối giữa các khu vực chức năng. Trong giải pháp quy hoạch chưa thể hiện rõ tính chất đặc thù của các cấp học, chưa có tính nhận diện theo khu vực vùng miền – Đó là chưa đáp ứng được yếu tố “văn hóa”. Tổ chức hệ thống đường giao thông nội bộ, khu vực đỗ xe của giáo viên, học sinh kết hợp với hệ thống cổng ra vào còn chưa giải quyết triệt để được vấn đề an toàn trong nội bộ khuôn viên trường – Đó là chưa đáp ứng được yếu tố “nhân văn”.
- Về tổ chức không gian và công năng sử dụng, hiện nay chủ yếu theo các nguyên lý truyền thống, bố cục không gian kiến trúc theo mô hình thụ động, học trong nhà, thiếu sự kết nối với không gian mở, các không gian cộng đồng trải nghiệm thực hành các môn học, các khối chức năng bố trí phân tán/ dàn trải, tầng cao thấp, thiếu tối ưu về liên kết giao thông. Một số trường học cũ không gian phòng học chưa đảm bảo về chiếu sáng tự nhiên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu học bán trú đang rất phổ biến tại các đô thị hiện nay. Các không gian sân chơi, các không gian hoạt động ngoài giờ vẫn được bố cục tập trung hỗn tạp, ồn ào mà không tạo nên được các không gian riêng tư phù hợp cho từng đối tượng, lứa tuổi, sở thích cũng như tâm sinh lý của học sinh cấp bậc phổ thông. Các không gian hiệu bộ thường được bố trí cố hữu ở trung tâm, dẫn đến giao cắt các mạch chức năng liên hoàn của các khối phục vụ học tập, thể chất, vui chơi của học sinh, vô hình tạo nên một bố cục kiến trúc lặp lại và nhàm chán. Một số chức năng sử dụng chưa đảm bảo vệ sinh, tiện nghi sử dụng trong bối cảnh dịch bệnh và mất an toàn/ vệ sinh đang xảy ra phổ biến cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một cao của giáo viên/ học sinh.
- Kiến trúc trường học nội đô đã có đủ các không gian chức năng nhưng chưa hướng đến các yêu cầu về đổi mới giáo dục, cũng như các xu hướng giáo dục mới của khu vực và thế giới mà Việt Nam chắc chắn phải tiếp thu và triển khai đại trà như: Lấy học sinh làm trung tâm, học mà chơi – chơi mà học, học tập đi đôi với thực hành…
- Về hình thức trang trí, kiến trúc trường học khu vực nội đô dù có được đầu tư tốt hơn so với khu vực nông thôn nhưng cũng còn thiếu sự đầu tư thiết kế để phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Trang trí phức tạp, thiếu nghiên cứu kết hợp giữa nét ngôn ngữ hiện đại với truyền thống, mầu sắc lòe loẹt, rườm rà… dẫn đến hiệu quả thẩm mỹ và sử dụng không cao. Việc sử dụng các vật liệu thiếu tính bền vững dẫn đến công trình nhanh chóng xuống cấp ngay sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, dù đã được đầu tư ban đầu nhưng kiến trúc nhiều công trình trường học nội đô cũng chưa tiệm cận với các xu thế kiến trúc mới như Kiến trúc xanh – kiến trúc sinh thái, Trường học 4.0, Thích ứng với biến đổi khí hậu…
THIẾT KẾ HỢP LÝ TẠO NÊN HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐỒNG BỘ
Cần hiểu rõ khái niệm đổi mới căn bản và toàn diện trong chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông. Đổi mới căn bản là đổi mới những vấn đề cốt lõi, cấp thiết về giáo dục con người, tạo chuyển biến sâu sắc về chất lượng giáo dục nhằm phát triển và phát huy tốt nhất tiềm năng người học, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân từ nhân cách đến trình độ, từ lý thuyết đến thực tiễn. Đổi mới toàn diện là phát triển năng lực và phẩm chất người học về mọi mặt đáp ứng các yêu cầu ngày càng mở của thời đại – Học phải đi đôi với hành; lý luận phải gắn liền với thực tiễn; giáo dục nhà trường phải kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.
Kiến trúc trường học ngày nay đòi hỏi sự đa dạng của các bộ phận cấu thành không gian học tập, với các giải pháp kiến trúc linh hoạt và các không gian đa chức năng, có khả năng tạo sự biến đổi môi trường của lớp học tùy theo môn học, với các kiểu ghép nhóm, ghép lớp, đảm bảo chuẩn không gian lớp học và phục vụ học tập.Việc đổi mới kiến trúc trường học gắn liền với các xu hướng kiến trúc hiện đại, trong đó tiết kiệm năng lượng, xu hướng kiến trúc xanh cần được nghiên cứu ứng dụng hơn nữa trong các giải pháp thiết kế kiến trúc, đồng thời thể hiện rõ bản sắc địa phương.
Kiến trúc trường học phải đảm bảo thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên, tận dụng các hình khối kiến trúc của công trình lân cận để che chắn, tận dụng ngôn ngữ , bản sắc kiến trúc khu vực, tận dụng hiện trạng các điều kiện tự nhiên, vi khí hậu khu vực để lấy cơ sở tổ chức hình khối, không gian hài hòa, phù hợp.
GS.TS KTS Doãn Minh Khôi – Chủ nhiệm đề tài KHCN cấp Quốc gia “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” cho biết: “Yếu tố khó khăn nhất mà các trường học khu vực nội đô phải đối mặt chính là sự chật hẹp của khu đất xây dựng, trong khi đổi mới giáo dục phổ thông đòi hỏi không gian học tập phải đa dạng, học cả ở bên ngoài và bên trong lớp học. Vì vậy, việc tạo ra một giải pháp Quy hoạch Kiến trúc tích hợp công năng, hợp lý hóa phân khu và tổ chức không gian đa dạng hấp dẫn cho học sinh… là bài toán khó nhưng cần phải giải quyết đối với trường học khu vực nội đô”.
Với công trình trường THCS Cầu Giấy – giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021, các giải pháp thiết kế có thể được xem là ví dụ điển hình cho thiết kế kiến trúc trường học khu vực nội đô. Trên diện tích khu trường cũ rộng khoảng 8.467m2 thuộc quận Cầu Giấy, công trình trường THCS Cầu Giấy mới có quy mô 5 tầng nổi và 01 tầng hầm – 43 lớp học đạt chuẩn và cùng hệ thống các công trình phụ trợ đồng bộ tiện ích.
Dựa trên các phân tích hướng công trình tối ưu tổ chức vi khí hậu, ưu tiên đảm bảo chiếu sáng học đường cho các khối lớp, giảm thiểu mức độ tiêu thụ năng lượng, giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng tổ hợp khối công trình để tận dụng hướng gió và ánh sáng tốt nhất, trong đó 02 khối lớp học chạy dài ở góc bên trái khu đất, hướng cửa sổ chính của các lớp học ra hướng Đông Nam, quây xung quanh một sân trong nhỏ. Khối đa năng và phục vụ đồng thời được bố trí ở góc bên phải khu đất, vừa tiện nghi nhưng cũng đồng thời được kết nối đồng bộ với khối lớp học thông qua các hành lang tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa phô diễn vẻ bề thế dàn trải tương xứng với diện tích khu đất. Các khối lớp học đều quay đầu hồi ra phía đường giao thông để hạn chế ảnh hưởng của tiếng ồn. Quy hoạch tổng mặt bằng kết hợp với các không gian sân chơi khác nhau được bố trí đan xen với các khối chức năng và khéo léo đặt ở các cao độ từ mặt đất lên các tầng bậc và mái các khối nhà để có được các không gian vui chơi hoàn toàn khác biệt, mà vẫn tạo được những khoảng sân riêng biệt cho các chức năng khác nhau của nhà trường. Phía mặt tiền công trình giải phóng tối đa không gian tầng 1 nhằm đón gió và không khí trong lành từ công viên và hồ điều hòa phía trước, mặt bên hông phía giáp khối nhà cao tầng ưu tiên bố trí phần cạnh ngắn khối nhà đa năng và các công năng phụ trợ như bể bơi để tận dụng sự che chắn của khối công trình lân cận về nắng mà vẫn đảm bảo 100% ánh sáng tự nhiên cho các khối lớp học phía đối diện.
Hướng đến kiến trúc tiên tiến và bản sắc, kiến trúc công trình đạt được các giá trị của một công trình trường học điểm nhấn, trong đó nêu bật các giá trị nhân văn và đổi mới giáo dục, đảm bảo các chuẩn tiện nghi cho an toàn và sử dụng, các định hướng đổi mới giáo dục, với các không gian động, linh hoạt, tạo thành các dây chuyền không gian học tập, không gian hoạt động ngoài giờ thuận tiện, đảm bảo tính riêng biệt mà vẫn có sự kết nối hợp lý.
Thiết kế được tính toán kỹ lưỡng hướng gió, hướng nắng, tính chất bao che của các công trình lân cận để tổ hợp nên các hình khối kiến trúc có nhiều khoảng trống đón được gió từ phía công viên trước mặt lưu thông trong không gian thông tầng của công trình bằng các luồng gió mát đối lưu, tạo bầu không khí trong lành cho các hoạt động học tập của học sinh.
Với ngôn ngữ kiến trúc tối giản và tổ chức các không gian sử dụng theo mô hình hành lang bên, để phù hợp với hình khối vuông chữ nhật, kiến trúc mặt đứng công trình được thiết kế với mầu sắc tươi sáng – sống động, các đường phân vị đứng khỏe khoắn, kết hợp các mảng đặc bằng các vật liệu bao che bền vững, thẩm mỹ có tính cách âm, cách nhiệt cao như tấm ốp hợp kim nhôm chống cháy, gạch gốm cao cấp.
Bên cạnh hệ thống lớp học, công trình có đầy đủ các tiện ích của công trình trường THCS đạt chuẩn như: Khối hiệu bộ, khu bếp + ăn, thư viện, nhà đa năng, bể bơi trong nhà, sân tập trung và sân chơi có mái che/ ngoài trời… Các khối chức năng được bố trí tích hợp tối ưu về mật độ và tầng cao để bố trí các công năng sử dụng có tính tầng bậc, nhưng kết nối liên hoàn, liền lạc và tiện ích.
Nội thất trong các phòng học được thiết kế sát nhất với nhu cầu sử dụng thực tế trong môi trường dạy học hiện hành bằng hệ thống tủ âm tường chứa chăn đệm của học sinh bán trú tạo thêm điểm nhấn trong nội thất cũng như giảm bức xạ nhiệt tác động tới cửa sổ mà vẫn giữ được 100% ánh sáng tự nhiên.
Hướng đến ý nghĩa văn hóa, xã hội và tính nhân văn, kiến trúc công trình thông qua nhiều giải pháp thiết kế đã nêu bật được các triết lý mới trong giáo dục, tính nhân văn trong kiến trúc, tiệm cận với các xu hướng – chuẩn giáo dục mới của khu vực và thế giới như:
- Triết lý “Lấy học sinh làm trung tâm” đã được truyền tải khi bố trí không gian học của học sinh trong một khu riêng biệt có giếng thông tầng tạo không khí thoáng mát, che chắn các hướng bất lợi bởi khối nhà học bộ môn, hiệu bộ. Nội thất các khu học tập, thực hành cũng được đầu tư đồng bộ với hệ thống thiết bị giảng dạy hiện đại, nước uống lọc Ro tại vòi được bố trí ở mỗi lớp, hệ thống tủ âm tường đựng chăn chiếu nghỉ trưa. Ngoài ra khu học sinh đợi phụ huynh đón cũng được thiết kế độc đáo với một triền dốc cỏ nhân tạo dưới khoảng trống tầng 1 khối nhà học bộ môn và hiệu bộ, che nắng mưa, đón gió mát từ phía công viên đồng thời ngăn cách với đường giao thông nội bộ nơi bố mẹ học sinh dừng đỗ đón con đảm bảo phân luồng giao thông rõ ràng, an toàn.
- Triết lý “Học tập thông qua giao lưu học hỏi” đã được truyền tải khi tổ chức các không gian sân chơi riêng tư, phù hợp từng hoạt động theo lứa tuổi, giới tính, tính cách cá nhân của học sinh cụ thể là không gian sân chơi khối lớp học, không gian sân chơi chính tại sân chung của trường, nơi bố trí một sân bóng rổ ngoài trời đạt chuẩn, sân thể thao bóng đá, sân thư giãn, đọc sách sát phòng thư viện, không gian thể thao trong nhà, bể bơi… Ngoài việc có trang trí bắt mắt, các không gian này còn được bố trí thêm cây xanh tiểu cảnh, giúp gia tăng sự trải nghiệm, khám phá cho học sinh.
- Triết lý “Đẩy mạnh sự gia tăng vui chơi vận động hoạt động thể chất – chơi mà học – học mà chơi” đã được truyền tải thông qua giải pháp tổ chức các khu sân chơi thể thao đa dạng, trong nhà, ngoài trời gồm các môn bóng rổ, bóng đá, bơi lội tại các không gian có cao độ khác nhau.
Bên cạnh một thiết kế kiến trúc tối ưu, việc sử dụng các chủng loại vật liệu mới cũng đem đến nhiều ưu điểm nổi bật về thẩm mỹ, độ bền, cũng như vận hành sử dụng công trình. Vật liệu sử dụng cho công trình là các loại vật liệu có tính bền vững cao, đảm bảo giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng sạch đẹp trong nhiều năm, hệ kết cấu bê tông cốt thép liền khối được tính toán bước nhịp, tiết diện cấu kiện hợp lý, góp phần vào thẩm mỹ kiến trúc chung của công trình.
Hướng đến các giá trị kiến trúc xanh, công trình đã đạt được sự tối ưu về thông gió, chiếu sáng tự nhiên, hạn chế tiêu thụ nhiều năng lượng thông qua giải pháp tổ chức vi khí hậu từ việc nghiên cứu và nhận diện chính xác các điều kiện về tự nhiên, bố trí các khối công trình chính ở các vị trí thuận lợi nhất, được che khuất bức xạ mặt trời bởi chính các khối chung cư, công trình cao tầng xung quanh, phân chia các khoảng trống tầng ở các hướng hợp lý đón không khí lưu thông. Đồng thời bố trí bể bơi âm một phần xuống dưới hầm, sử dụng nhiều giải pháp thiết kế như giải pháp hệ thống hành lang bên tối ưu thông gió xuyên phòng, hệ thống lam chắn nắng bê tông bền vững, kinh tế,… giảm thiểu bức xạ nhiệt tại các vị trí và thời điểm bất lợi bất khả kháng.
Ý kiến của Hội đồng Giám khảo
Đồ án được nhìn nhận dưới góc độ của những trường học xen trong khu đô thị, với quỹ đất hạn chế và điều kiện vốn ngân sách đầu tư eo hẹp. tuy nhiên về tổng thể, đã tạo được một cấu trúc khá hoàn chỉnh. Ơ mức độ nào đó là sự “khéo léo” bố trí các thành phần chức năng, vẫn tạo được một số không gian sinh động, thông thoáng, có tầm nhìn thị giác ổn thỏa. Tất cả được kết nối với nhau khá hợp lý trong vận hành sử dụng đáp ứng theo yêu cầu.
Hình ảnh thống nhất trong đa dạng về xử lý chi tiết để chống đơn điệu cũng tạo được thiện cảm từ khuôn viên khu trường. với những điều kiện không ít khó khăn như đã nói ở trên, có thể xem như đồ án đã đạt một mức độ thành công đáng kể.
Tố Uyên – TCKT.VN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)