Túp House: Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2024 – 2025

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Túp House
  • Tư vấn thiết kế: Hà Đức Cương
  • Địa điểm: Thanh Hóa
  • Chức năng: Kiến trúc nhà ở
  • Diện tích đất: 100 m2
  • Năm hoàn thành: 2024

Công trình đạt Giải Bạc Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2024 – 2025, hạng mục Kiến trúc nhà ở.

Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2024-2025.html

Căn nhà được xây dựng ngay tại trung tâm bản làng của người Thái. Người Thái cư trú ở miền tây Thanh Hóa có sự giao thoa văn hóa đáng kể với các nhóm dân tộc địa phương khác như người Mường và người Kinh,người Dao, Mông, Khơ Mú… Mặc dù vậy họ vẫn giữ được những nét độc đáo riêng về ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán và nét sinh hoạt thường ngày trong những nếp nhà sàn.Xung quanh vị trí xây dựng căn nhà nằm ngay bên cạnh nếp nhà sàn của ông bà chủ nhà. Và có cả những căn nhà sàn khác nằm xung quanh, những căn nhà này không có tường rào ngăn chia, không có chuyện gần nhà xa ngõ như ở trên thị trấn hay thành thị, có chăng chỉ là hàng cây bụi, luống rau hay những cây tre cây luồng để trâu bò không đi vào phá hoại vườn tược. Mọi người hàng ngày đi làm nông thường để cửa nhà mở, không khóa, lúc nghỉ ngơi hay nhàn rỗi, họ hay sang nhà nhau ngồi dưới sàn nhà để hàn thuyên.

Vì vậy, căn nhà mới không nên đóng kín về lối sống mà cần cởi mở, kết nối với bối cảnh làng xóm xung quanh.

Mặc dù nguyện vọng của người chủ nhà là xây một căn nhà đất thay vì nhà sàn do họ điều kiện và bối cảnh không thuận lợi để dựng nhà sàn ( chủ yếu do gỗ ngày càng khan hiếm và ở trên nhà sàn ngày càng nóng do người dân dần chuyển từ mái tranh, ngói sang các vật liệu khác kinh tế hơn như tôn, hay fibro xi măng). Tuy nhiên đơn vị tư vấn thiết kế vẫn tin rằng căn nhà mới cần thiết phải học hỏi những khía cạnh tích cực từ căn nhà sàn truyền thống, từ kiến trúc cho tới hành vi của con người, đó vẫn luôn là một lựa chọn đúng đắn với mục tiêu làm kiến trúc hiện đại nhưng tôn trọng tính địa phương, bản địa. Khi tìm hiểu, chúng tôi thấy nhà sàn có một số đặc điểm nổi bật:

  1. Mặt bằng không ngăn chia, mọi sinh hoạt diễn ra trên một không gian linh hoạt, nổi bật lên là gian bếp nằm chính giữa, là nơi tiếp khách, cũng là nơi sinh hoạt chung của gia đình.
  2. Mái nhà cao, tính từ mặt sàn nhà lên tới nóc vào khoảng 6m. mái hạ thấp xuống tạo nhiều bóng râm. Nó phản ánh một kiến trúc phù hợp với khí hậu nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều.
  3. Hai bên đầu hồi có khe hở trên đỉnh mái, mang ánh sáng và thông gió vào bên trong căn nhà.Với hệ cửa sổ xung quanh, căn nhà được thông gió rất tốt không chỉ theo chiều ngang và chiều đứng, có lẽ một phần do cần giải phóng khói lửa từ bếp củi hoạt động ở gian giữa căn nhà.

Căn nhà được xây dựng từ những vật liệu cơ bản có sẵn tại địa phương. Do điều kiện kinh tế hạn chế, việc lựa chọn vật liệu để hoàn thiện căn nhà có những ưu tiên nhất định:

  • Tường: Nhằm giảm đáng kể chi phí hoàn thiện, kiến trúc sư và chủ nhà thống nhất không sơn bả, chỉ trát vữa xi măng hoàn thiện, lấy màu xám làm màu cho nội thất.
  • Gỗ: Gỗ làm sàn mái hiên được tận dụng từ những cây cột nhà sàn của ông bà do dư thừa trong quá trình tu sửa. Gỗ xoan làm vách phía trên mái hiên, một loại gỗ phổ biến, giá thành bình dân quen thuộc trong truyền thống làm nhà sàn để đóng bếp, kệ, đồ đạc được lấy trong bản. Vì vậy, mặc dù là căn nhà mới, nhưng vẫn có sự kế thừa, kết nối với những căn nhà cũ, vật liệu cũ, mang không khí của lối kiến trúc giản dị, tiết kiệm.
  • Mái: Sử dụng vật liệu tôn xốp 3 lớp (tôn, xốp, tôn) để tăng hiệu quả cách âm, cách nhiệt. Mái nhà và tường xi măng là các màu trung tính giúp căn nhà hài hòa với bối cảnh nhiều cây xanh và khiêm nhường như nếp nhà sàn xuống mài theo thời gian. Ngoài ra, màu trắng của tôn có hệ số phản xạ ánh sáng cao nhất, góp phần bức xạ nhiệt trở lại môi trường, qua đó tăng cường cách nhiệt cho ngôi nhà.

Đinh Hằng – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc