Bạn thấy gì ở Sài Gòn?

Liên hoan Sinh viên (SV) kiến trúc toàn quốc lần thứ 11 chỉ kéo dài trong 4 ngày nhưng đó là những kỷ niệm và tình bạn sẽ theo ta mãi. Cách thức tổ chức mới lạ trong lần Festival này đã mang lại cho mỗi bạn sinh viên tham dự một gia đình mới – Một gia đình “nhỏ” với 26 thành viên và một gia đình lớn hơn với hơn 400 SV.

Lần gặp gỡ này là cơ hội để những KTS tương lai từ Bắc vào Nam giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Tôi là một SV đến từ trường ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP HCM, nơi chuyên ngành Kiến trúc chỉ mới được thành lập vài năm trở lại, đây thực sự là cơ hội lớn để thử sức mình cùng các bạn từ nhiều trường trên cả nước. Đến với liên hoan đều là những nhân tố nổi bật từ các trường đào tạo kiến trúc, mỗi bạn lại có những thế mạnh riêng nên điều khó khăn là làm sao để phát huy được tối đa năng lực thành viên mà vẫn đi theo định hướng chung của cả nhóm. Qua liên hoan lần này, một trong những bài học lớn nhất mà tôi và các bạn học được chính là kỹ năng làm việc nhóm. Hai điều giúp chúng tôi đạt được những thành tích cao trong kỳ Liên hoan 2018 chính là may mắn và sự đoàn kết. May mắn là khi chúng ta tìm thấy nhau, cùng nhau khám phá những điều đẹp đẽ của Sài Gòn. Đoàn kết là sức mạnh để mang chúng ta đến thành công. Và tất cả điều đó đã mang lại chiến thắng cho “Sài Gòn, bạn thấy gì?”

Sài Gòn, bạn thấy gì? Câu hỏi được đặt ra cho tất cả các thành viên trong nhóm trong buổi đầu gặp mặt, bạn ở Hà Nội thấy gì ở Sài Gòn, bạn ở Đà Nẵng thì thấy gì, còn bạn ở Huế thấy sao, à còn Miền Tây nữa chứ? Chúng tôi đã cùng nhau đi khảo sát hiện trạng và tìm kiếm câu trả lời? Ở Sài Gòn không chỉ có Nhà thờ Đức bà cổ kính, là chợ Bến Thành tấp nập hay Bitexco cao lớn… mà chính từ những con hẻm nhỏ, một “thành phố ẩn giấu” bên trong Sài Gòn, một sức sống tiềm tàng và mãnh liệt. Những con người đã sinh sống bao đời trong thành phố ấy, họ giao tiếp với nhau, họ trông nom lẫn nhau, họ sinh hoạt, buôn bán, làm việc ở đó. Không gian này lưu giữ lại những đặc trưng kiến trúc vật chất và cả những giá trị tinh thần về lối sống và văn hóa của người Sài Gòn. Mục tiêu thiết kế được đặt ra, một là gợi lại những hình ảnh thân quen về Sài Gòn mà có lẽ nhiều người đã dần quên lãng; thứ hai là thiết kế, cải tạo lại những không gian bên trong để lưu giữ được những thói quen sinh hoạt, những di sản kiến trúc của TP ẩn giấu trong đó nhưng vẫn đem lại chất lượng sống tốt hơn cũng như thu nhập về kinh tế. “Sài Gòn, bạn thấy gì?” chưa hẳn là những giải pháp tối tưu nhất, nhưng đó là toàn bộ tâm huyết và tấm lòng mà 26 con người gửi đến Sài Gòn.

Đêm cuối, đêm chia tay, những người lạ đã ở chung, chơi chung, làm việc chung trong bốn ngày mà sao trở nên thân thương đến lạ thường, đi vòng quanh nhóm, đi sang cả những nhóm khác, từ tầng trệt lên tới tầng 7. Thời điểm ấy chẳng cần biết bạn đến từ đâu, bạn thuộc nhóm nào, mọi người đều cười đùa, ôm chầm lấy nhau, trong khoảnh khắc ấy tất cả đều là “Gia đình Festival 11”. Hành trình Liên hoan SV kiến trúc lần thứ 11 đã mang lại cho mình nhiều tình bạn mới, những kỷ niệm đẹp và những bài học sâu sắc. Hy vọng rằng tinh thần ấy sẽ vẫn mãi tiếp tục và luôn giữ được nhiệt huyết ở những kỳ Liên hoan kế tiếp. Xin cảm ơn Hội KTS Việt Nam đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho các bạn SV Kiến trúc, cảm ơn trường ĐH Kiến trúc TP HCM đã xây dựng một chương trình mới lạ và nhiều điều thú vị cho lần liên hoan này. Và xin được cảm ơn đại gia đình Liên hoan SV kiến trúc toàn quốc lần thứ 11.

La Thị Xuân Vy
Sinh viên trường ĐH Bách Khoa TP HCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2018)