Thiết kế chương trình Đào tạo KTS: Ý tưởng – Mô hình “Siêu thị” kiến thức

Khi bàn về thiết kế chương trình đào tạo, hãy bắt đầu từ bối cảnh và những quan điểm về đào tạo kiến trúc. Tại thời điểm hiện nay (2016), Giáo dục Đại học (GDĐH) tại Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới “cơ bản và toàn diện”, là bối cảnh thuận lợi cho các cơ sở đào tạo tự hoàn thiện mình trong đó có việc hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng đạt chuẩn trong nước và Quốc tế.

Câu chuyện siêu thị gợi mở tính chuyên nghiệp và minh bạch.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết (NQ 14/2005/NQ-CP ngày 02 / 11/2005) của Chính phủ, đến nay GDĐH vẫn loay hoay với những bài học rút kinh nghiệm, thực sự là một khó khăn trong việc định hình con đường đi của các cơ sở đào tạo!

Hội thảo về đào tạo ngành kiến trúc tổ chức ngày 24/10/2016 tại trường Đại học Kiến trúc TP HCM cho thấy sự quan tâm của một đội ngũ cán bộ giảng dạy, các chuyên gia về đào tạo, người hành nghề kiến trúc và cả những người không am hiểu nhưng yêu mến kiến trúc. Thật đáng quý và trân trọng! Hội thảo có nhiều khác biệt về quan điểm đào tạo kiến trúc, song nhìn từ khía cạnh “không xuôi chiều” có thể xem đây là động lực mới cho sự phát triển, kiến trúc cũng như những vấn đề xã hội khác, cần phải hướng đến các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của môi trường Việt Nam.

Siêu thị – mua sắm trong không khí mát mẻ, hàng hóa bắt mắt, giá cả rõ ràng, tự do lựa chọn
Nguồn: quanlybanhang.com.vn

Thử diễn giải theo tư duy của kinh tế thị trường: Đi siêu thị, nhìn ngắm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp xếp ngay ngắn trên các kệ, máy lạnh mát rượi cùng cung cách phục vụ của nhân viên, trang phục đẹp, ăn nói lịch sự và nhã nhặn, hình ảnh khách hàng thoải mái lựa chọn hàng hoá!So với chợ dân dã ồn ào, khói bụi mịt mù ngày nào, siêu thị thực sự là môi trường giao tiếp hấp dẫn và hoàn hảo. Thế mới hiểu môi trường lao động đòi hỏi “trí thức và tư duy” cao như GDĐH rất khó khăn đổi mới và hội nhập. Giá như trên các kệ xinh đẹp kia là những học phần và các tài liệu học tập vừa nhiều vừa phong phú, vừa có chất lượng (sản phẩm đã KCS) và khách hàng là sinh viên (SV) có quyền được lựa chọn thoải mái những học phần cần thiết, thì thật tuyệt. Khi đó “Giáo dục mới là quốc sách hàng đầu”!!! Với giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng nếu được phát triển chuyên nghiệp và minh bạch như hoạt động kinh doanh như ở siêu thị theo tôi nghĩ, đó là đổi mới và chắc chắn sẽ thành công.

Chuyên nghiệp trong thiết kế chương trình đào tạo KTS

KTS chuyên nghiệp, giải quyết vấn đề ngay từ trong phòng làm việc. Nguồn: archdesign.vt.edu

Sự chuyên nghiệp của hoạt động giảng dạy kiến trúc tạo yếu tố cơ bản và hấp dẫn của quá trình dạy và học, quá trình trao đổi, phát triển tư duy từ người thầy sang SV. Dạy nghề kiến trúc đòi hỏi chuyên nghiệp, thể hiện ở kỹ năng thực hành thông thạo (tinh thông về kiến thức, thành thạo về hành động). KTS Susan Savage-Giảng viên trường Đại học Công nghệ Queensland, cho rằng: “Các KTS chuyên nghiệp có thể tháo gỡ các vướng mắc ngay trong phòng làm việc cùng các sơ đồ bảng vẽ, đó chính là những gì SV cần vươn tới”. Như vậy, bên cạnh việc thực hành như ta thường thấy, với tính chuyên nghiệp, KTS còn thực hành trên cơ sở trí tưởng tượng của mình để dự đoán các tình huống có thể xảy ra. Thực hành được coi là bản chất chuyên nghiệp của hoạt động giảng dạy kiến trúc. Thiết kế chương trình đào tạo cần mang lại nhiều cơ hội để dạy và học mang tính chuyên nghiệp cao.

Sinh viên thực hành trong xưởng mô hình kiến trúc ở đại học Michigan. Nguồn: taubmancollege.umich.edu

Theo kinh nghiệm, chương trình đào tạo kiến trúc chuyên nghiệp, trong đó đề cao giá trị nghệ thuật, văn hoá kiến trúc và tính nhân văn trong đào tạo sẽ quyết định chất lượng sản phẩm đầu ra. Do đó, việc lựa chọn một trong các mô hình hoặc kết hợp các mô hình (thường phổ biến ở các trường đào tạo kiến trúc trên thế giới) là lời giải cho bài toán xây dựng chương trình đối với các cơ sở đào tạo kiến trúc ở Việt Nam.

  1. Mô hình đề cao “Ý tưởng thiết kế”:  Mục tiêu là đào tạo các KTS với tư duy sáng tạo giữ vai trò chủ đạo. Tiêu biểu cho trường phái này là trường đại học Yale – Mỹ, một trong  những trường tư thục nổi tiếng về đào tạo KTS, với chương trình đào tạo đầy ắp tinh thần kiến trúc ở các học phần triết học, văn học và các nghệ thuật hỗ trợ khác.
  2. Mô hình xem trọng “Ý tưởng  – Thực tiễn”: Mục tiêu là đào tạo các KTS hội nhập nhanh vào môi trường hành nghề chuyên nghiệp có suy nghĩ thực tế. Tiêu biểu cho trường phái này là các trường đại học công của Mỹ như: University of California-Berkeley, University of Michigan. Trong chương trình đào tạo các trường này đưa ra nhiều học phần thuộc về công nghệ kiến trúc.  Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, lựa chọn mô hình này là phù hợp.
  3. Mô hình nhấn mạnh “yếu tố truyền nghề”: Thực tế hoạt động giảng dạy kiến trúc ở thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy mối quan hệ giữa Thầy và trò trong giảng dạy như người thợ cả và người học nghề. Kỹ năng thực hành chuyên nghiệp là một trong những cơ sở cho “tư duy sáng tạo” không viển vông mà gắn với thực tiễn cuộc sống. KTS Sulsan Savage (Đại học công nghệ Queenland) cho biết: “Khi những người thợ xây thời Phục hưng thoát khỏi công việc chân tay nặng nhọc, họ dần đi vào chỉ đạo người khác và dành được những danh tiếng cũng như địa vị xã hội”.

Minh bạch trong quy trình thực hiện xây dựng chương trình đào tạo.

Bên cạnh bài học chuyên nghiệp, “siêu thị” kiến thức chuyên ngành đảm bảo tính minh bạch, mang lại nhiều giá trị cho thực tiễn hoạt động cho tất cả các bên tham gia hoạt động đào tạo: Cơ sở đào tạo, người học và gia đình, xã hội. Tính minh bạch được thể hiện trong quy trình xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo.

Một giờ thảo luận học thuật ngay trong họa thất tại trường Kiến trúc Đại học Yale (YSOA)
Nguồn: tumblr.com

Cụ thể:

  • Minh bạch đánh giá nhu cầu đào tạo: Sát với nhu cầu thị trường lao động hiện tại cũng như trong tương lai.
  • Minh bạch xác định cấu trúc chương trình: Phù hợp với các mô hình đào tạo đảm bảo năng lực của người học đáp ứng nhu cầu của xã hội.
  • Minh bạch trong xây dựng các đề cương chi tiết học phần: Đề cao giá trị chuyên môn, có sự chọn lọc trong thực hiện và đề cao vai trò người thầy.

Bài học trong xây dựng chương trình đào tạo

Đối với quốc tế

Đối với trong nước

Nhận xét:

Chương trình đào tạo ở một số trường đại học quốc tế cho thấy: Số lượng tín chỉ trong khoá học cao, trong đó số lượng học phần ít, mỗi học phần trung bình 14,2 tín chỉ, tập trung ở khối lượng kiến thức đồ án và cơ sở ngành. Chương trình đào tạo quốc tế có nhiều cơ hội nghiên cứu chuyên sâu, những kiến thức cần thiết và bổ ích cho kiến trúc. Chương trình đào tạo của hai trường đại học công ở Việt Nam có số tín chỉ vừa phải, số học phần “vô cùng nhiều”, mỗi học phần trung bình chỉ có 2,17 tín chỉ. Do đó, công tác dạy và học bị mang tiếng là “cưỡi ngựa xem hoa”, khối lượng kiến thức dàn trải nên rất khó khăn di chuyên sâu trong lĩnh vực kiến trúc.

Lời Kết

Xây dựng chương trình đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, tạo “bản sắc” cho mỗi cơ sở đào tạo, ý tưởng về mô hình siêu thị kiến thức như một góp ý tham khảo. Với tinh thần đổi mới cơ bản và toàn diện, yếu tố chuyên nghiệp và minh bạch sẽ là nền tảng hoạt động đào tạo hướng đến những giá trị thời đại theo chuẩn mực quốc tế. Suy đến cùng, đổi mới chương trình đào tạo theo tư duy thị trường, hoàn toàn khác biệt với thương mại hoá giáo dục. Điều tôi muốn chia sẻ với các cơ sở đào tạo chuyên ngành chính là: Hãy bắt đầu hoạt động thiết kế chương trình đào tạo kiến trúc với ý tưởng mô hình siêu thị kiến thức.

Xem thêm: Hội thảo: “Đào tạo Kiến trúc và các ngành thiết kế, xây dựng trong xu hướng toàn cầu”

KTS Phạm Tứ

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2016)