Một kiến trúc sư hẳn sẽ phải dành rất nhiều thời gian ngồi trước bàn làm việc, dù vẽ tay hay sử dụng máy vi tính. Làm sao để tối ưu hoá khoảng thời gian này? Làm cách nào để công việc hiệu quả, năng suất hơn, và nhất là thoải mái khi ngồi làm việc? Tạp chí Kiến trúc xin được chia sẻ cùng bạn đọc bài viết “13 mẹo nhỏ cải thiện không gian làm việc” được biên dịch từ trang tin Archdaily với hy vọng sẽ giúp các KTS có một không gian tuyệt vời hơn, giảm bớt áp lực khi làm việc.
1. Điều chỉnh ghế ngồi
Trong thực tế, không phải tất cả những chiếc ghế đều phù hợp với tất cả mọi người. Vì vậy, bạn nên tìm mua những loại ghế có thể điều chỉnh linh hoạt hoặc đặt mua một chiếc ghế hoàn toàn phù hợp với số đo của bản thân. Có một lời khuyên cụ thể dành cho các KTS: Hãy lựa chọn những ghế có tay vịn mà có thể điều chỉnh được để nâng đỡ cánh tay, tránh bị mỏi sau cả một ngày gõ phím và click chuột. Một yếu tố quan trọng khác cần lưu ý là chiều cao ghế đảm bảo cho mắt nhìn thoải mái trước màn hình. Thông thường, viền phía trên màn hình máy tính nên cao hơn tầm mắt khoảng 5-8 centimet để tránh việc khom lưng khi ngồi. Chiếc ghế ngồi cũng nên có tựa lưng linh hoạt, có thể tuỳ chỉnh theo cả chiều dọc và chiều ngang.
2. Giảm thiểu căng thẳng cho mắt
Khi làm việc liên tục, bức xạ từ màn hình máy tính làm đảo lộn chu kì sinh học khiến cho cơ thể ngày càng uể oải. Có hai nguyên nhân chính: Độ sáng của màn hình và nhiệt độ màu hiển thị. Độ sáng màn hình nên hài hoà với cảnh vật xung quanh, nếu bạn thấy màn hình quá sáng, hãy điều chỉnh nó xuống sao cho hợp với mắt nhìn.Ngoài ra, ánh sáng xanh của các loại màn hình cũng là yếu tố chính gây nên nhức mỏi mắt, sử dụng những ánh sáng có bước sóng dài như màu đỏ, màu cam sẽ giảm thiểu được điều này. Tuy nhiên, các loại màn hình máy tính thường phát ra ánh sáng xanh khiến cho mắt mệt mỏi vào buổi tối, thậm chí dẫn tới mất ngủ. Hãy thử sử dụng ứng dụng F.lux để điều chỉnh màu sắc màn hình phù hợp với môi trường làm việc. Tuy nhiên, điểm hạn chế của ứng dụng này là điều chỉnh tất cả các màu trong máy tính nên cần thận trọng khi làm việc với bản vẽ.
3. Sử dụng bàn phím một cách thoải mái
Nếu bạn đang sử dụng laptop, một giá đỡ sẽ giúp cải thiện tầm cao của màn hình. Khác với quan niệm thông thường, giá đỡ không nghiêng về phía trước sẽ tốt hơn, bởi nó giảm thiểu sự đau mỏi không cần thiết cho cổ tay. Bàn phím thì cần đặt vừa vặn với cánh tay và cân đối giữa hai vai. Bạn cũng có thể thử sử dụng bàn phím và chuột gắn ngoài, giúp cho thao tác thêm phần linh hoạt và thoải mái.
4. Sử dụng ánh sáng ấm trong chiếu sáng
Hầu hết các văn phòng ngày nay đều sử dụng ánh đèn tuýp quá sáng với cảm giác lạnh lẽo. Tuy nhiên, ánh sáng vừa đủ sẽ mang lại cảm giác ấm cúng và thân thiện hơn với mắt người sử dụng. Tuy ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo không tạo nên sự khác biệt quá lớn, nhưng đôi khi ánh sáng mặt trời có thể trở nên khắc nghiệt đối với mắt. Lắp rèm cửa để điều chỉnh ánh sáng nếu phải làm việc cạnh cửa sổ hoặc tránh để ánh sáng chiếu thẳng vào màn hình, điều này giúp giảm cường độ sáng và phản xạ gây chói.
5. Yếu tố phong thuỷ
Bản thân vị trí ngồi làm việc cũng đóng vai trò quan trọng. Thường thì bàn làm việc sẽ do sắp xếp của công ty, nhưng nếu may mắn được lựa chọn, hãy lưu ý những điều sau:
- Các KTS hoạt động sáng tạo thường xuyên phải trao đổi và bàn bạc những ý tưởng với đồng nghiệp; vì thế hãy ngồi cạnh hoặc đối diện với những người thường xuyên trao đổi, điều này giúp ích rất nhiều trong việc hoàn thiện concept.
- Những nơi tĩnh lặng sẽ tốt hơn cho sự tập trung và hiệu suất làm việc Nếu phải ngồi tại những nơi ồn ào (gần hành lang, cửa ra vào), hãy thử sử dụng tai nghe headphone để giảm thiểu sự xao nhãng. Nghe nhạc không lời cũng là cách hiệu quả để tăng cường sự tập trung.
6. Những bữa ăn vặt hợp lí
Ăn vặt thường xuyên khiến công việc bị chậm trễ. Nhưng nếu ăn đúng cách, bữa ăn vặt sẽ trở thành chìa khoá giúp duy trì sự sáng tạo và vui vẻ. Vì vậy, dự trữ sẵn những thức ăn tốt cho sức khoẻ như hạnh nhân hay hoa quả ở gần bàn làm việc giúp bạn tránh được việc đứng lên và tìm kiếm những đồ ăn kém bổ dưỡng. Hơn nữa, nhờ việc ăn vặt, bạn có thể chia khẩu phần làm nhiều bữa trong ngày nhằm duy trì lượng đường trong máu, tránh việc tăng hay giảm đường huyết đột ngột dẫn tới những thay đổi cảm xúc bất thường trong công việc.
7. Bừa bộn một cách sáng tạo
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự bừa bộn đôi khi nuôi dưỡng sáng tạo, trái ngược với quan điểm tối giản mà nhiều văn phòng Kiến trúc đang hướng tới. Trong một cuộc thi, hai đội có năng suất ngang bằng nhau nhưng nhóm bừa bộn có sự sáng tạo được đánh giá cao hơn tới 28% so với nhóm gọn gàng. Hiển nhiên mọi quy luật đề có ngoại lệ, nhưng khi cần thiết, hãy cứ bừa bộn nhé.
8. Sắp xếp và lưu trữ tài liệu
Mặc dù có những lợi ích của việc bừa bộn vừa nêu ở trên, nhưng rõ ràng vẫn có những thứ luôn cần phải tổ chức một cách nghiêm túc, cụ thể là những tài liệu công việc được lưu trữ trên máy tính. Nếu không có tên chính xác, việc tìm kiếm những tệp dữ liệu có thể trở nên vô cùng khó khăn. Bỏ ra một chút thời gian để hệ thống hoá dữ liệu, bao gồm việc thêm những yếu tố về ngày tháng hay đặc điểm phân biệt có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian về sau. Lưu trữ tất cả dữ liệu trên một ổ cứng gắn ngoài cũng là một cách hay giúp chúng ta thoát khỏi những “cơn đau tim” không đáng có khi xảy ra sự cố.
9. Kệ và tủ để đồ
Lưu trữ không chỉ gói gọn trong máy tính, chúng ta vẫn thường phân loại và cất tài liệu trong kệ hay tủ đồ. Mặc dù cả hai đều có ưu điểm nhưng những chiếc kệ có tính mở sẽ tiện lợi hơn trong việc định vị và tìm kiếm tài liệu. Rõ ràng những tín hiệu thị giác dễ nhận biết sẽ tốt hơn cho một công việc đòi hỏi sự sáng tạo như kiến trúc.
10. Sự tương tác giữa ảo và thật
Là một KTS, việc nắm bắt sự tương tác giữa hai yếu tố ảo và thật là điều bắt buộc. Vì vậy, sử dụng những công cụ đơn giản như bảng đính, nơi những bản vẽ và diễn hoạ trên máy thường được treo lên và hiệu chỉnh bằng bút có thể tăng cường hiệu quả công việc. Các nhà sản xuất thậm chí đã làm ra các sản phẩm hỗ trợ việc chuyển đổi giữa ảo và thật, giúp những nét vẽ tay “mềm mại” được thể hiện rõ nét trên máy tính.
11. Sử dụng hai màn hình
Sử dụng song song hai màn hình là một lợi thế giúp hiển thị đồng thời những bản vẽ ở một bên và những thông số kĩ thuật liên quan ở bên còn lại. Tuy nhiên, việc này có thể gây mất tập trung khi làm việc. Giải pháp tối ưu hơn cả là sử dụng một máy tính bảng nhỏ gọn trong trường hợp cần thiết. Thiết bị thông minh này có thể được khoá lại khi hoàn thành nhiệm vụ, tránh gây xao nhãng.
12. Kiểm soát thông báo
Hãy tìm cách chọn lọc, sắp xếp những thông báo của mình theo thứ tự “quan trọng”, “không quá quan trọng” và “không quan trọng”. Điều này sẽ giúp cho bạn tập trung vào những việc đang làm, trong khi vẫn có thể “update” những thông tin cần thiết. Những thông báo này cần gắn những tín hiệu riêng dễ dàng phân biệt và có thể cài đặt, chỉnh sửa trong máy tính cũng như các thiết bị thông minh khác.
13. Đồng bộ hoá lịch làm việc
Thiết lập hệ thống lịch làm việc trên tất cả các thiết bị của bạn, bao gồm những cuộc họp, những hoạt động quan trọng … sẽ giúp bạn tiết kiệm vô số thời gian và xoá bỏ nỗi lo về tật hay quên. Tạo thói quen đánh dấu tất cả những sự kiện, hạn nộp… trong cùng một cuốn lịch cũng sẽ giúp bạn tổ chức thời gian, mục tiêu công việc rõ ràng hơn.
Đức Thành – tckt.vn (Biên dịch)
© Tạp chí Kiến trúc