Diễn đàn: Một số ý kiến về thiết kế kiến trúc trường học hiện nay

Ở Việt Nam, nhiều năm qua, kiến trúc trường học được xem là cứng nhắc có phần đơn điệu. Chương trình đổi mới giáo dục nhiều năm qua đã đem tới cho giới KTS những thách thức không nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu – thiết kế kiến trúc trường học. Trong số Chuyên đề này, với mong muốn đi tìm lời giải cho những câu hỏi khó cho thiết kế trường học, PV TCKT đã làm một cuộc khảo sát nhỏ, tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo và các chuyên gia về kiến trúc – quy hoạch ở nhiều địa phương về thực trạng các trường học hiện nay. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Thầy giáo Đỗ Hữu Trí – Nguyên Hiệu trưởng trường THCS Phương Mai

Một số vấn đề cần nghiên cứu trong kiến trúc trường học hiện nay

Tôi từng nhiều năm làm công tác đào tạo, ở đây, từ kinh nghiệm của tôi ở trường THCS Phương Mai – Hà Nội, xin được trao đổi một số vấn đề đối với không gian trường học như sau:

  • Trong môi trường giáo dục, yếu tố an toàn cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, tầng cao lớp học chỉ nên tối đa 4 tầng. Điều đó cho phép đảm bảo khoảng cách và thời gian thoát nạn trong các trường hợp cháy nổ, sự cố.
  • Về vấn đề diện tích lớp học, đối với các lớp học được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, diện tích lớp thường khá rộng, trần cao, mặc dù ánh sáng điện hạn chế nhưng học sinh ít bị cận vì tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Mẫu các trường học xây dựng những năm 70 không mới như bây giờ nhưng đó là những khuôn mẫu với các phòng học có cửa sổ cao, trần cao. Mẫu các trường học những năm 80-85 thường trát đá rửa ngoài tường, diện tích phòng học bị thu hẹp lại, gây ra nhiều hạn chế. Phòng học có 2 cửa, nhưng hầu như cửa sau không sử dụng được, vì khoảng cách kê các dãy bàn ghế quá sát cửa, sát tường, ảnh hưởng đến khả năng thoát nạn khi có sự cố. Khoảng cách lối đi trong lớp không đủ rộng để giáo viên có thể xuống bàn học sinh hoặc học sinh lên bảng trả bài thuận tiện nhất. Trong lớp thường kê 2 dãy bàn, mỗi dãy 12 bàn, các dãy kê sát tường tạo lối đi ở giữa. Để đảm bảo thuận lợi trong việc di chuyển trong lớp học thì bàn học không được kê sát tường, chính vì vậy, cần nghiên cứu kích thước chiều rộng lớp học, để có đủ chiều rộng cho phép tạo lối đi cạnh tường.

  • Trong quá trình đổi mới giáo dục, các lớp học được trang bị các thiết bị giảng dạy hiện đại như màn chiếu, máy chiếu. Nếu bàn học sinh quá gần màn hình chiếu thì gây bất lợi cho học sinh, mỏi mắt hoặc mỏi cổ. Theo tiêu chuẩn yêu cầu mỗi lớp 35 học sinh/ 1 lớp. Tuy nhiên, trong thực tế số học sinh 1 lớp thường lớn hơn con số này. Số lượng học sinh thường đông hơn tiêu chuẩn ở các vùng đô thị lớn, TP lớn, mật độ dân cư cao. Đặc biệt, vào những năm “đẹp” theo quan niệm dân gian thì số lượng trẻ được sinh ra cũng nhiều hơn các năm khác, dẫn đến số lượng học sinh tăng hơn dẫn đến sự quá tải. Do đó, ấn định số học sinh 1 lớp chỉ 35 học sinh là chưa phù hợp.
  • Ngoài ra, theo chương trình đổi mới giáo dục, một số tiết học có thể kê lại bàn ghế để học nhóm. Vậy nếu diện tích lớp quá hạn hẹp thì làm sao học sinh có thể vận động trong các giờ nghỉ giữa các tiết. Các em cũng sẽ rất khó kê bàn ghế linh hoạt trong các giờ học nhóm. Ngoài ra các tiêu chuẩn về sân bãi, diện tích để xe rất khó đảm bảo đối với các trường xây dựng trong đô thị.

“Nên loại bỏ các mẫu lớp học được thiết kế sẵn”

KTS Nguyễn Thanh Hà
Chủ tịch Hội KTS Daklak

Qua khảo sát ý kiến hàng chục giáo viên trực tiếp đứng lớp ở địa bàn tỉnh Đăk Lăk, phần lớn các ý kiến đều giống nhau:

  • Với diện tích lớp học đã có từ trước đến nay, nếu dạy theo theo phương pháp cũ, tiêu chuẩn bàn ghế và sĩ số 40-45 HS/ lớp, các giáo viên cho rằng hợp lý và họ khá hài lòng với không gian đó, không quá thoải mái nhưng cũng vừa vặn, không gian ấm cúng, không bị loãng. Nhưng nếu với không gian đó, số HS như vậy mà bố trí bàn ghế tiêu chuẩn mới, áp dụng hình thức đào tạo mới ngồi theo nhóm thì rất chật, chiếm hết các lối đi lại trong lớp. Ý kiến đề xuất của các giáo viên là giữ nguyên diện tích lớp học, nhưng sĩ số mỗi lớp từ 30-35 HS/lớp là vừa, giáo viên đủ thời gian để quan tâm đến từng học sinh. Nếu tăng diện tích phòng học thì không gian quá lớn, số lượng học sinh quá nhiều, giáo viên không đủ thời gian để quan tâm đến học sinh.
  • Về hình thức kiến trúc bên ngoài: Trong 1 thời gian dài chúng ta áp dụng mẫu thiết kế trường học của viện thiết kế trường học đưa ra, nó ăn sâu trong tiềm thức của chủ đầu tư, cơ quan quyết định đầu tư và các cơ quan thẩm định phê duyệt. Khi các trường xin chủ trương đầu tư cũng dựa vào các mẫu lớp học, chứ không dựa trên nhu cầu thực tế của trường. Các cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng duyệt theo các mẫu đã được đưa ra như 6 phòng, 8 phòng, 12 phòng… Việc này có rất nhiều bất cập, nhiều trường có diện tích, kích thước hoặc khoảng trống còn lại (đối với trường cải tạo) vẫn phải xếp các mẫu vào làm cho các lớp học bị ảnh hưởng bởi hướng nắng. Vì áp dụng mẫu nên tiền thiết kế phí cũng tính theo mẫu, dẫn đến các đơn vị tư vấn không có sự sáng tạo trong thiết kế trường học suốt một thời gian dài. Việc này đã “giết chết” sự sáng tạo của KTS trong lĩnh vực thiết kế trường học, trở thành một loại hình kiến trúc được đầu tư nhiều trong giai đoạn vừa qua nhưng được “đồng phục hoá” từ TP đến thôn quê, từ thành thị đến nông thôn. Bây giờ, khi nhắc đến trường học là mọi người có thể hình dung ngay ra hình thức kiến trúc của nó, các ngôi trường giống nhau đến mức nhàm chán, buồn tẻ. Vì vậy, nên loại bỏ tất cả các mẫu lớp học được thiết kế sẵn, chỉ đưa ra các diện tích, kích thước chuẩn của lớp học.

“Cần có quy định riêng, phù hợp với văn hoá vùng, miền cho từng địa phương”

KTS Huỳnh Thanh Phong
Chủ tịch Hội KTS Sóc Trăng

Tại Sóc Trăng, sau khi thực hiện Đề án Chương trình kiên cố hóa trường học của Chính phủ tại Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2020, dựa trên tập thiết kế mẫu được ban hành kèm theo Quyết định số 355/QĐ-BXD ngày 28/3/2003 của Bộ Xây dựng về việc Ban hành thiết kế mẫu nhà lớp học, trường học phục vụ Chương trình kiên cố hóa trường học của Chính phủ; năm 2008 Tỉnh đã giao Sở Xây dựng Sóc Trăng nghiên cứu, tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu: Nhà lớp học trường Mẫu giáo, trường Tiểu học và Trung học cơ sở áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh.

Bước đầu áp dụng thiết kế mẫu thiết kế trường học do tỉnh ban hành có nhiều thuận lợi:

  • Thiết kế mẫu đưa ra nhiều phương án về quy mô lớp học để áp dụng thuận lợi, linh hoạt tại những khu đất khác nhau;
  • Đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn lúc bấy giờ;
  • Việc lập dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật và bản vẽ thiết kế thi công được nhanh chóng;
  • Tiết kiệm được 01 phần vốn ngân sách đối với chi phí tư vấn lập vự án và thiết kế bản vẽ thi công… Khối lượng chính của thiết kế mẫu được kiểm soát chặt, thuận lợi trong việc thẩm định, thẩm tra…

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều hạn chế và khó khăn:

  • Về hình khối kiến trúc; Thiết kế các mẫu cho nhiều quy mô lớp học có hình thức kiến trúc giống nhau (chỉ có 01 phương án kiến trúc), chưa nghiên cứu sâu về tính đặc thù của kiến trúc vùng miền, địa phương;
  • Với quy mô, phương án kiến trúc và hạn mức đầu tư được ban hành kèm theo làm cho các chủ đầu tư khó khăn trong việc thay đổi hình thức kiến trúc của mẫu được ban hành, điều này dẫn đến đa phần các trường xây dựng mới trên địa bàn khá giống nhau.
    Sóc Trăng đã áp dụng thiết kế mẫu nêu trên tới thời điểm hiện nay. Trên thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng về chuyên ngành giáo dục… đa phần được ban hành sau này, do đó các mẫu thiết kế không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, không đáp ứng được chuẩn mới về dạy và học. Từ góc độ của địa phương, cần sớm nghiên cứu chuẩn bị ban hành lại thiết kế mẫu: Trường Mẫu giáo, trường Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm đáp ứng trong tình hình mới.

Theo tôi, để thực hiện việc này cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi nghiên cứu thiết kế mẫu, cần ban hành nhiều hình thức kiến trúc cho 01 quy mô mẫu, đáp ứng được việc lựa chọn của chủ đầu tư;
  • Lấy ý kiến về phương án kiến trúc đối với với các mẫu thông qua các cơ quan chuyên môn, tham vấn ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Nếu có thể tổ chức thi tuyển lựa chọn phương án kiến trúc là phù hợp nhất;
  • Phần khối lượng dự toán ban hành kèm theo mẫu nên quy định áp dụng có thể chênh lệch trong khoảng cho phép 10% , để chủ đầu tư có thể thay đổi phương án kiến trúc (như hình thức mái, cột, hệ thống cửa, lam, lan can… và một số vật liệu áp dụng);
  • Tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn, khảo sát, thống kê và đánh giá các trường hiện trạng có giá trị về kiến trúc để báo cáo và có đề xuất kế hoạch bảo vệ, cải tạo, đảm bảo không mất đi nét kiến trúc đặt thù của thiết kế trường học;
  • Các trường có quy mô lớn nên tổ chức thi tuyển kiến trúc theo quy định về thi tuyển nhằm có được công trình có giá trị kiến trúc của địa phương;
  • Căn cứ các Điều lệ của trường ban hành và các tiêu chuẩn thiết kế, khi quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn cần tính toán diện tích các trường (có dự trữ phát triển) để đảm bảo khi khai triển các trường có đủ diện tích bố trí và có đất dự trữ phát triển nhằm chủ động trong việc xây dựng trường lớp đạt chuẩn mới theo quy định;
  • Do tính chất văn hóa đặc thù vùng sông nước, dân cư sống phân tán chủ yếu dọc theo các tuyến sông, rạch kết hợp giao thông nông thôn. Bộ chuyên ngành cần có quy định riêng cho vùng (01 trong những vùng có trình độ dân trí thấp nhất nước) về điểm lẻ của các trường nhằm tạo điều kiện cho con em ở địa phương trong độ tuổi được đến trường.

Một vài suy nghĩ về thiết kế trường học ở Long An

KTS Lưu Đình Khẩn
Chủ tịch Hội KTS Long An

Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt, là địa bàn chuyển tiếp từ vùng TP HCM đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các tuyến giao thông thủy bộ nối 2 vùng này đều qua Long An. Nhiều địa phương của Long An giáp ranh với các quận, huyện của TP HCM như Cần Giuộc, Bến Lức và Đức Hòa.

Đến cuối năm 2019, Long An có 224 cơ sở giáo dục mầm non (MN) (192 công lập, 32 ngoài công lập); 207 trường tiểu học (TH) công lập; 138 trường trung học cơ sở công lập (THCS) (bao gồm 18 trường liên cấp (tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS)); 43 trường trung học phổ thông (THPT) (38 công lập, 5 ngoài công lập). Số trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới là 301/612 (49,18%), trong đó cấp mầm non đạt 97/224 (43,3%), tiểu học đạt 116/207 (56,04%), trung học cơ sở đạt 78/138 (56,52%), trung học phổ thông đạt 10/43 (23,26%). Tổng số phòng học của các cấp học là 8.736 (2019), với số trẻ và học sinh đến trường là 338.658 (#20% tổng số dân).

Dự kiến trong những năm sắp tới, số trẻ đến nhà trẻ và trẻ đến lớp mẫu giáo tăng, số học sinh tiểu học có khuynh hướng giảm, hoặc tăng không nhiều, nhưng số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ tăng. Số phòng học kiên cố ở các cấp học cũng chênh lệch nhiều: Mầm non ≈43% số phòng học là kiên cố, tiểu học ≈74%, trung học cơ sở và trung học phổ thông ≈94%.

Trường Mẫu giáo Sao Mai – Bình Tâm – TP Tân An (KTS Nguyễn Quang Quốc Dũng – Hội KTS LA).

Từ năm 2015 đến nay, theo số liệu và tài tiệu thu thập được, hầu hết tất cả trường học các cấp khi đầu tư xây dựng đều có dự án riêng, các thiết kế mẫu chỉ sử dụng để tham khảo. Chúng tôi tổng hợp một số nội dung về thiết kế các trường học như sau:

  • Vị trí khu đất và bố trí tổng mặt bằng: Hầu hết các trường đều tuân thủ quy hoạch xác định vị trí khu đất, mỗi xã có ít nhất một trường tiểu học, tối thiểu 2 xã có 1 trường THCS, bình quân mỗi huyện, thị xã có ít nhất 2 trường THPT. Tổng mặt bằng bố trí các hạng mục trong khu đất thường chủ yếu bố trí phân tán, theo hình chữ L (2 dãy vuông góc nhau), I (một dãy) hoặc chữ U (3 dãy), một số khép kín thành chữ nhật khép kín, ưu tiên chọn mặt bằng theo chiều dài các phòng học, phòng sinh hoạt chung theo hướng Nam, Đông Nam, trong trường hợp gặp hướng Đông hoặc Tây, sẽ có hành lang che nắng. Các trường MN tư thục chủ yếu xây dựng 1 tầng, các trường công lập hoặc có hỗ trợ từ doanh nghiệp thường xây dựng 2-3 tầng. Các trường phổ thông thường có tầng cao 2-3 tầng, vẫn bố trí phân tán, khu hành chính, ban giám hiệu thường kết hợp ở các tầng lầu của khối phòng học chuyên môn.

Về bố trí mặt bằng các hạng mục và giải pháp kiến trúc: Hầu hết phòng học của các cấp học đều chọn theo tiêu chuẩn: TCVN 8794: 2011

Với qui định khá chặt chẽ theo tiêu chuẩn và sự kiểm tra của các cơ quan quản lý, thiết kế các trường học, mặc dù ở các địa phương khác nhau, vị trí khác nhau, nhưng diện tích các phòng học, phòng bộ môn, khu hành chánh, phục vụ sinh hoạt thường ít có sự chênh lệch, các đơn vị thiết kế sẽ thay đổi ít nhiều ở kích thước bước cột, chiều cao tầng nhà, kết cấu mái, bao che, chi tiết trang trí mặt đứng, kết cấu che nắng, vật liệu hoàn thiện,… nhằm tạo dáng vẻ riêng cho công trình thiết kế của địa phương nơi xây dựng.

Các công trình thuộc cấp học mầm non có xu hướng trang trí mặt đứng với màu sắc, hình dáng cửa sổ, lam, kết cấu che nắng đa dạng hơn, tạo hình ảnh bắt mắt, hấp dẫn cho trẻ mới lần đầu đến trường. Mặt khác, các công trình này có phần đóng góp của tư nhân, hoặc các nguồn vốn từ doanh nghiệp tài trợ, nên thiết kế có phần chú trọng hơn về mặt thẩm mỹ.

Các trường tiểu học và trung học thường có mặt đứng ít hấp dẫn, một số đơn vị thiết kế có tìm tòi hình dáng, màu sắc, kết cấu che nắng để tạo mặt đứng có hình ảnh đặc sắc hơn, nhưng không nhiều. Một phần do nguồn vốn ngân sách, các cơ quan quản lý và đơn vị thiết kế không muốn tốn nhiều thời gian nghiên cứu, giải trình (nếu có sự khác biệt, tăng vốn, hoặc vật liệu, kết cấu khác với thông thường,..).

  • Hệ thống kỹ thuật: Giải pháp cấp nước chủ yếu vẫn phải có bồn nước trên mái (ngay cả tại các đô thị) hệ thống điện, chiếu sáng thông tin tương đối đơn giản. Giải pháp cách âm cho các phòng học, phòng bộ môn chủ yếu là tường 200, sàn gạch bộng.
Trường Trung học cơ sở Phước Hậu – Cần Đước – Long An
(KTS Huỳnh Phúc Long – Hội KTS LA).

Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của BCH TW Khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có nêu mục tiêu cụ thể “Giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1…, giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh” và nêu nhiều định hướng về giải pháp, nhiệm vụ cụ thể khác. Do vậy, theo chúng tôi nghĩ, trước hết, các tiêu chuẩn, qui chuẩn liên quan đến công trình giáo dục đã ban hành trước nghị quyết này, cần phải được rà soát, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Nội dung các tiêu chuẩn TCVN 3907:2011 (Trường mầm non), TCVN 8793:2011 (Trường tiểu học), TCVN 8794:2011 (Trường trung học), đặc biệt là tiêu chuẩn TCVN 7491-2005 (Egonomi, Bố trí bàn ghế học sinh trong trường học) rất cần được điều chỉnh và bổ sung chi tiết hơn về vị trí, cách tiếp cận công trình, số học sinh /1000 dân, số trẻ trong nhóm, số học sinh trong 1 lớp, diện tích mặt bằng (cứng (xây dựng) và mềm (tự nhiên, đất, cây xanh, sân bãi không cứng hóa)) cho học sinh, diện tích các phòng học chuẩn, phòng bộ môn chuẩn, cách bố trí bàn ghế, trang thiết bị trong phòng học, phòng bộ môn, diện tích và bố trí trong các phòng thuộc khối quản lý, hệ thống kỹ thuật, đường ống, đường dây, cảnh quan kiến trúc, yêu cầu về thiết kế tích hợp, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu bền vững, … Các tiêu chuẩn mới cần tích hợp đầy đủ tất cả các lĩnh vực liên quan trong thiết kế và có gợi ý hướng dẫn chi tiết như các “guidelines” của các nước tiên tiến đã thực hiện. Ví dụ như bố trí các phòng học mẫu, các hạng mục mẫu của công trình, hướng dẫn chi tiết về hệ thống nước, điện, HVAC, cảnh quan kiến trúc, ….

Đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo rất cần bắt đầu từ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất cho giáo dục, trong đó kiến trúc là một phần rất quan trọng. Từ những thay đổi căn bản ấy, hy vọng sẽ truyền cảm hứng nhiều hơn nữa cho sự sáng tạo của giới nghề nghiệp chuyên môn, tạo điều kiện hình thành cơ sở vật chất cho ngành giáo dục đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

“Các công trình trường học, các phương án thiết kế mẫu rất cần được “thi tuyển” một cách công bằng, khách quan”

KTS Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh nằm về phía Đông Bắc Việt Nam. Với dân số khoảng 1,3 triệu người, Thái Nguyên ngoài hệ thống giáo dục phổ thông phủ khắp trên địa bàn với hơn 1000 trường từ mầm non đến trường PTTH thì tại Thái Nguyên còn là nơi đặt địa điểm của Đại học Thái Nguyên với 9 đơn vị thành viên; cùng với đó là hệ thống giáo dục chuyên nghiệp với trên 10 trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng của các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các trường này tập trung chủ yếu ở TP Thái Nguyên và TP Sông Công, lượng sinh viên học viên học chuyên nghiệp tại Thái Nguyên luôn ở ngưỡng trên 10 vạn người. Do đặc điểm đó, kiến trúc trường học ở Thái Nguyên tồn tại 2 loại hình: Trường chuyên nghiệp và trường phổ thông.

Cơ sở vật chất trường học ở Thái Nguyên theo đánh giá chung trong những năm qua đã được đầu tư cơ bản đủ điều kiện đáp ứng điều kiện học, giảng dạy và học tập ở mức trung bình theo yêu cầu. Nguồn đầu tư khu vực này chủ yếu là nguồn ngân sách, một số ít được đầu tư xây dựng do các doanh nghiệp và tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Nhìn chung, kiến trúc trường học Thái Nguyên mới ở dạng sản phẩm tư vấn, hướng tới sự tuân thủ về quy chuẩn, quy phạm, tiêu chuẩn, rất ít các công trình có dấu ấn của các KTS nghiên cứu, tìm tòi tạo ra tác phẩm, trừ một số trường hợp nhỏ lẻ, tập trung ở một vài dự án, chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân. Không khó gì bắt gặp một ngôi trường giống nhau, giống ngôi trường đâu đó ở các địa phương khác được biểu hiện với một kiến trúc giảm thiểu, nặng về kỹ thuật, ít khi khai thác điểm mạnh về không gian địa hình là thế mạnh của địa phương, kiến trúc mất đi những cơ hội mà không phải khi nào cũng có.

Nguyên nhân căn bản của hiện tượng trên xuất phát từ nhận thức và hình thức lựa chọn phương án kiến trúc đầu tư khi công trình được xây dựng. Việc lập mẫu kiến trúc cho trường học chủ đầu tư không chú trọng đến hình thức kiến trúc mà lựa chọn chủ yếu theo các tiêu chí “kỹ thuật”; mẫu trường học PT ở Thái Nguyên thực tế đã được lựa chọn theo tiêu chí “kế hoạch – kỹ thuật”; đơn vị tư vấn lập “mẫu” thậm chí không có “KTS trường học”; các trường chuyên nghiệp thì chưa bao giờ được đầu tư tổng thể. Các hạng mục công trình thường được đầu tư theo “nhiệm kỳ” và chủ đầu tư thông thường là hiệu trưởng, người không có chuyên môn về kiến trúc là người có quyết định cao nhất đưa ra quyết định phương án kiến trúc, vai trò của KTS bị mờ nhạt. Vì vậy, kiến trúc các trường học ở Thái Nguyên được xây dựng phong phú và đa dạng, nhưng rất ít những công trình có sáng tác kiến trúc tốt.

Một nguyên nhân cũng rất quan trọng đó là vai trò của KTS khi thực hiện tác phẩm. Việc chạy theo ý thích của chủ đầu tư, chạy theo tiến độ và “lười” tìm tòi cũng không là cá biệt; một không gian địa hình có cao độ tự nhiên rất đẹp bị hạ thấp để đặt một công trình, có thể ví dụ điển hình như Nhà điều hành của Đại học Thái Nguyên. Công trình có ngôn ngữ “Viện thiết kế trường học” cũng không khó bắt gặp với trường chuyên nghiệp trên địa bàn. Hình ảnh nhà mẫu nhà 2÷3 tầng đơn điệu với mái tôn được xây cho trường phổ thông trên địa bàn sau khi san phẳng địa hình cũng là hình ảnh thường thấy. Thực tế cho thấy chúng ta xây nhiều nhưng nghèo về kiến trúc. Trừ những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là chúng ta cũng thiếu những KTS có năng lực, có trách nhiệm.

Chúng ta không còn nhiều cơ hội trong khu vực này, các KTS khi có cơ hội cần khẳng định mình tạo ra tác phẩm cho mình và cống hiến cho kiến trúc trường học tại địa phương. Trường hợp “Hoa rừng” của KTS Hoàng Thúc Hào làm ở Lũng Luông – Thái Nguyên,Trường liên cấp IRIS ở thành phố Thái Nguyên… là những ví dụ tốt, cần trân trọng và khích lệ.

Luật Kiến trúc sắp ra đời, rất cần các KTS và chủ đầu tư nhận thức về vai trò, về giới hạn của mình trong việc quyết định một phương án kiến trúc khi được thực hiện. Các công trình trường học, các phương án thiết kế mẫu rất cần được “thi tuyển” một cách công bằng, khách quan và cần lắm một hội đồng phải thật “Kiến trúc” để chọn ra những kiến trúc hiện đại và đậm sắc vùng miền.

Nhóm PV TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)