Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập, đất nước thống nhất, giang sơn về một mối được đánh dấu vào ngày 30/4/1975 lịch sử. Cùng với toàn dân, những người làm công tác văn học nghệ thuật (VHNT) hồ hởi bước vào giai đoạn mới, giai đoạn kiến thiết đất nước. Các cuộc họp của Ban Thường vụ Đoàn KTS Việt Nam tại 23 Đinh Tiên Hoàng, bên bờ hồ Hoàn Kiếm thường dành nhiều thời gian để bàn đến sự thống nhất trong hoạt động của giới KTS và tổ chức của Đoàn KTS từ sau Đại hội KTS lần thứ II (1957), như: Phương hướng sáng tác, phát triển lực lượng và xúc tiến việc gia nhập Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam cũng như Hội Liên hiệp KTS Quốc tế UIA… Ngay sau ngày giải phóng, những thông tin về hoạt động của anh chị em KTS miền Nam được Ban Thường vụ rất quan tâm và mong sớm được tiếp xúc, giao lưu. Buổi đón tiếp trân trọng KTS Huỳnh Tấn Phát và Đoàn đại biểu giáo viên Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh do GS.KTS Nguyễn Quang Nhạc dẫn đầu ra thăm miền Bắc đã mang lại không khí đoàn kết, ấm áp tình đồng nghiệp của KTS hai miền Nam – Bắc.
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội KTS Việt Nam (1948 – 2008)
Như chúng ta đã biết, Hội nghị đầu tiên thành lập Đoàn KTS Việt Nam họp tại Thản Sơn (Vĩnh Phúc) vào tháng 4/1948. Hội nghị đã vui mừng được đón nhận thư động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Người căn dặn KTS sáng tác là để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến và kiến quốc sau khi kháng chiến thắng lợi. Tại Hội nghị này, KTS Hoàng Như Tiếp được bầu làm Tổng Thư ký, KTS Trần Hữu Tiềm là Phó Tổng Thư ký Đoàn KTS Việt Nam.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (4/1954), hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Hội nghị Đoàn KTS Việt Nam lần thứ II được tổ chức vào năm 1957, tại nhà Thư viện Trung ương trên đường Tràng Thi (Hà Nội). Ngoài một số ít KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương (những người sáng lập Đoàn KTS Việt Nam tại Việt Bắc) còn có các KTS, sinh viên Khóa I (ngành Kiến trúc) Trường đại học Bách Khoa. Khách mời đến dự với Đại hội có ông Trần Đăng Khoa – Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc; Nhà thơ Cù Huy Cận – Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Bác sỹ Trần Duy Hưng – Chủ tịch UBHC TP Hà Nội; Nhà văn Nguyễn Tuân – Tổng Thư ký Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam. Hội nghị đã đánh giá những đóng góp của KTS trong kháng chiến chống thực dân Pháp và những thành công trong những năm đầu của sự nghiệp kiến thiết miền Bắc XHCN. Thời gian này, các công trình kiến trúc được xây dựng còn chưa phức tạp, phương pháp thi công còn lạc hậu, giá thành xây dựng cao, tiện nghi phục vụ dân sinh và làm việc chưa đảm bảo. Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát biểu ý kiến đề nghị các KTS hãy sáng tác xây dựng nền kiến trúc dân tộc.
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận bức tranh lưu niệm do Ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng
Hội nghị Đoàn KTS Việt Nam lần thứ II đã bầu KTS Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Doanh trại (Bộ Quốc phòng) làm Tổng Thư ký, KTS Hoàng Như Tiếp và KTS Trần Hữu Tiềm là Phó Tổng Thư ký.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ngày càng diễn ra ác liệt. Đoàn KTS Việt Nam vận động các đoàn viên của mình sáng tác, xây dựng cầu, đường, nhà ở, hầm trú ẩn cho nhân dân và chính quyền các tỉnh – TP.
Mùa hè năm 1968, KTS Hoàng Linh đột ngột từ trần vì tai nạn giao thông. Ban Chấp hành Đoàn đã cử KTS Hoàng Như Tiếp làm Tổng Thư ký.
Từ hội nghị Đoàn lần thứ II đến Hội nghị lần thứ III Đoàn KTS Việt Nam (1983) là một khoảng thời gian dài 26 năm. Trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước vừa chiến tranh, vừa hòa bình, vừa bị bom đạn tàn phá, vừa xây dựng để phát triển và chi viện chiến trường, nên công tác kiến trúc quy hoạch các tỉnh – TP ở miền Bắc khi đó chủ yếu là nghiên cứu quy hoạch các trung tâm TP, thị xã, thị trấn nông thôn và xây dựng công trình phục vụ kinh tế và quốc phòng, như nhà máy, các khu nhà ở lắp ghép, hầm phòng không…còn các công trình lớn, hiện đại mang tính nghệ thuật cao thì rất ít ỏi.
Giai đoạn này, Đoàn KTS Việt Nam đã mở rộng quan hệ quốc tế với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Nhiều kinh nghiệm xây dựng và sáng tác thiết kế kiến trúc của bạn đã được áp dụng cho ngành xây dựng và sáng tác của các KTS Việt Nam.
Cuối năm 1981, KTS Hoàng Như Tiếp bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng trên gường bệnh ông vẫn tiếp tục viết báo, tham luận khoa học cho Tạp chí Kiến trúc Liên Xô và các Hội nghị KTS quốc tế, đưa ra những quan điểm sáng tác và lý luận thực tiễn về kiến trúc XHCN. Các bài viết và hoạt động quốc tế của ông được Hội Liên hiệp KTS Liên Xô đánh giá cao. Năm 1981, Hội Liên hiệp KTS Liên Xô đã tặng KTS Hoàng Như Tiếp danh hiệu cao quý “Hội viên Danh dự”. Khi Đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng đến thăm, nằm trên gường bệnh, ông đã báo cáo với đồng chí Tố Hữu về nguyện vọng của Đoàn KTS Việt Nam, mong Đảng và Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động của giới KTS, để nền kiến trúc Việt Nam XHCN non trẻ phát triển như các ngành VHNT khác. Ngày 28/3/1982, nhà kiến trúc, nhà lý luận, nhà quy hoạch tài danh Hoàng Như Tiếp trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt chúng ta!
Việc chuẩn bị cho Đại hội “Đoàn kết – Thống nhất” hai miền của Đoàn KTS Việt Nam đã được Ban Bí thư TW Đảng cho phép và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Tùng khi ấy là Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn TW – KTS Trần Hữu Tiềm được Thường vụ Đoàn KTS Việt Nam cử làm Q. Tổng Thư ký, chuẩn bị cho Đại hội KTS lần thứ III.
Ngay sau khi giữ trọng trách mới, KTS Trần Hữu Tiềm đã thay mặt Ban Thường vụ đề nghị với Ban Bí thư đưa Đoàn KTS chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn TW thay vì trực thuộc Đảng Đoàn Bộ Kiến trúc như trước đây. Đề nghị quan trọng này đã được Ban Bí thư chấp thuận, là bước ngoặt quan trọng tạo nên những bước phát triển mới của Đoàn KTS Việt Nam.
Cùng với chuẩn bị Đại hội, Ban Thường vụ cũng xúc tiến việc ra đời Tạp chí Kiến trúc – Cơ quan ngôn luận của giới KTS Việt Nam. Ngày 26/1/1983 Ban Tuyên huấn TW quyết định cho phép xuất bản Tạp chí Kiến trúc ra hàng Quý. KTS Ngô Huy Quỳnh được cử làm Tổng Biên tập. Tôi, khi ấy là Chánh Văn phòng kiêm Phó Tổng Biên tập. KTS Phạm Thanh Tùng (Chánh Văn phòng Hội hiện nay) làm phóng viên kiêm Biên tập viên đầu tiên của Tạp chí. Tạp chí Kiến trúc ra đời thay thế cho nội san Kiến trúc trước đây chỉ lưu hành nội bộ với nội dung và chất lượng còn sơ lược, được giới kiến trúc cả nước đón mừng. Sau khi ra số đầu tiên và đặc biệt là số chào mừng Đại hội, Tạp chí Kiến trúc đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới KTS và sự cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu, hội viên, KTS có tên tuổi trên cả nước. Sang thập niên 90, Tạp chí có thêm phụ trương (ấn phẩm phụ) là Kiến trúc Nhà đẹp. Đến nay, Tạp chí Kiến trúc và Kiến trúc Nhà đẹp là hai tạp chí có danh tiếng được xã hội đón nhận và đánh giá cao.
Báo cáo hoạt động của Đoàn KTS Việt Nam sau 26 năm kể từ Đại hội lần thứ II, đã được dày công chuẩn bị. Đồng chí Hoàng Tùng trực tiếp xem và cho ý kiến. KTS Trần Hữu Tiềm và tôi đã vài lần được sang gặp đồng chí Hoàng Tùng tại Tòa soạn Báo Nhân Dân. Và dưới gốc đa cổ thụ hàng trăm tuổi, nhìn ra hồ Gươm, đồng chí Hoàng Tùng đã rất thân mật, cởi mở bàn luận cùng chúng tôi về công tác chuẩn bị đại hội và hoạt động của giới KTS sau đại hội. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sự. Đồng chí chỉ rõ, người đứng đầu giới KTS phải là người có đức, có tài, có tâm, có trách nhiệm với hoạt động của KTS và nền kiến trúc dân tộc. Chỉ đạo của đồng chí Hoàng Tùng đã đặt ra cho Thường vụ Đoàn KTS Việt Nam một trách nhiệm nặng nề và nghiêm túc khi lựa chọn đề cử cho Đại hội người vào vị trí lãnh đạo cao nhất của giới KTS Việt Nam.
Đại hội lần thứ III (1983) của giới KTS đã thành công tốt đẹp trong không khí đoàn kết, ấm áp tình đồng nghiệp, Bắc – Nam chung một mái nhà. Đại hội đã đổi tên Đoàn KTS thành Hội KTS Việt Nam. KTS Huỳnh Tấn Phát, nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và nhân dân được bầu làm Chủ tịch Hội.
KTS Huỳnh Tấn Phát khi đó đang giữ trọng trách lớn là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù rất bận rộn với công tác Trung ương, nhưng ông vẫn dành thời gian và tâm huyết cho hoạt động của Hội. Tôi còn nhớ rất rõ, nhiều năm trước khi đại hội, tại ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nhìn sang Công viên Thống Nhất (nay là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam), nơi ở của KTS Huỳnh Tấn Phát, đã diễn ra nhiều cuộc làm việc trao đổi chuyên môn rất sôi nổi, thân mật giữa Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát với KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Trần Hữu Tiềm. Lúc đó tôi là UV BCH, Chánh Văn phòng nên cũng có may mắn được tham dự, để ghi nhớ những suy nghĩ có tầm lớn lao về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, về hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam của Nhà lãnh đạo, Nhà Kiến trúc đáng kính về nghề và nhân cách – KTS Huỳnh Tấn Phát.
Không ít hơn 3 lần, tại phòng khách của ngôi nhà này, KTS Huỳnh Tấn Phát đã cho ý kiến về các vấn đề lớn, có tính quyết định cho công tác kiến trúc quy hoạch và hoạt động của Hội KTS Việt Nam. Đó là:
– Cải tạo các trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn bị tàn phá trong chiến tranh.
– Cụ thể hóa đường lối sáng tác kiến trúc của Đảng vào thực tế cuộc sống phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân.
– Xây dựng lực lượng Hội, chi hội KTS vững mạnh trên cả nước.
Và cũng tại đây, KTS Huỳnh Tấn Phát đã nhận lời đề nghị của Ban Thường vụ Đoàn KTS Việt Nam mời ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch đầu tiên của Hội KTS Việt Nam thống nhất.
Đã hàng chục năm trôi qua, thời gian, tuổi tác không cho phép tôi nhớ được hết những kỷ niệm về những ngày được làm việc với Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát. Nhưng những sơ phác của nhà Kiến trúc tài danh về quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội với những hồ nước, cây xanh, công viên, lấy Hồ Tây là trung tâm nhìn sang Thành Cổ Loa, tạo nên một trục phát triển mới, cho đến ngày hôm nay vẫn còn rõ nét và còn nguyên giá trị.
Đại hội lần thứ IX của Hội KTS Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 4 này. Vậy là Hội chúng ta đã bước vào tuổi 67. Năm tháng trôi đi, sẽ có nhiều điều về Hội bị lãng quên, âu đó cũng là chuyện bình thường trong thời buổi kinh tế thị trường vất vả này. Nhớ lại được chút gì thì ghi lại để anh chị em KTS, nhất là những người trẻ hiểu thêm về quá trình xây dựng và phát triển Hội KTS chúng ta – Để từ đó rút ra được những điều tốt đẹp về những người đi trước, những người đã dày công vun đắp, xây dựng nền móng vững chắc cho ngôi nhà chung của giới KTS Việt Nam hôm nay.
KTS Cao Xuân Hưởng
Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (khóa IV, V, VI)
TCKT số 03/2015