Tấm gương về làm kiến trúc, vì kiến trúc

KTS. NGUYỄN TẤN VẠN
Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Người bất chợt gặp KTS Nguyễn Tấn Vạn, sẽ được đối diện với nụ cười hiền hậu, lối nói chuyện bình dị có pha cả chất dân dã,  rất cô đọng và dễ hiểu, kể cả đối với những vấn đề chuyên sâu, quan trọng. Người Anh cao cả của giới KTS Việt Nam là vậy! Gặp Anh rồi không bao giờ quên về tình người thấm đẫm chân thành, thẳng thắn và nồng hậu. Nếu ai có những “xung đột, ngược ý” về chuyên môn, cũng vẫn cảm thấy ở Anh một điều còn mãi, đó là vì nghề nghiệp không thể khoan nhượng khi cần bảo vệ cái đúng, nhưng về tinh thần luôn là sự tôn trọng và chia sẻ sâu sắc, chan hòa.

Con đường Anh đi suốt cuộc đời luôn như vậy! Sinh ra từ mảnh đất “dằng dặc khúc ruột miền Trung” giàu nắng lửa, mưa dông, bão tố Quãng Ngãi. Anh cũng như bao người trai miền đó, vì có ba tham gia hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa đến tận thời chống Mỹ, nên con khăn gói lên đường ra Bắc tập kết, mong có những bồ kiến thức, để khi hòa bình thống nhất trở về xây dựng quê hương.

Học xong phổ thông, Anh được cử đi Cuba đào tạo trong môi trường quốc tế. Thời bấy giờ chắc là nghề chọn người thôi, Anh được “phân công” học ngành KTS công trình. Thế mà, khi tốt nghiệp đại học Kiến trúc La Habana, thuộc trường ĐH Bách khoa mang tên Jose Antonio Echeveria (CUJAE), Anh được nhận bằng với kỷ niệm chương Sinh viên xuất sắc, do Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa tặng. Trong thời gian sinh viên, ngay từ thời kỳ đầu học tập, Anh đã được chọn về nước tham gia thiết kế một công trình đặc sắc, đột phá sáng tạo về kiến trúc với Việt Nam thời bấy giờ do Cuba tặng, cùng KTS Quintana: Khách sạn Thắng Lợi, tác phẩm này hiện vẫn còn lung linh, giàu xúc cảm vị nhân nơi sóng nước Hồ Tây. Môi trường đào tạo kiến trúc độc đáo của Cuba dường như là duyên trời định với KTS Nguyễn Tấn Vạn, vì hình như sự cộng hưởng từ cách dạy và khả năng học ở đó đã làm nên một KTS năng lực cao, mà đầy can trường sau này.

KTS Nguyễn Tấn Vạn cùng cố Tổng Bí Thư Đỗ Mười và cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt

 

Tốt nghiệp về nước vào năm 1970, anh gia nhập đơn vị tư vấn công trình dân dụng hàng đầu Việt Nam thời bây giờ: Viện thiết kế nhà ở và công trình công cộng (NO & CTCC) thuộc Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Cánh chim không mỏi cùng bầu trời kiến trúc Anh sải bắt đầu từ đây. Làm nghề thiết kế kiến trúc như một bản năng trời phú, anh gặt hái được không ít thành công. Một trong số đó là, cùng tham gia với chuyên gia Liên xô thiết kế lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (công trình quan trọng bậc nhất Quốc gia lúc đó). Sự đóng góp thiết kế phần trang trí bên trong và bên ngoài công trình này của Anh đã được ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Những năm 1975-1978, Anh trở thành phó phòng quy hoạch thiết kế nông thôn thuộc Viện Quy hoạch BXD. Với vai trò là trưởng đoàn quy hoạch 5 huyện thí điểm xây dựng nông thôn kiểu mẫu mới của Nhà nước tại 5 tỉnh: Thái Bình, Nghệ An, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Hòa Bình. Anh cùng đồng nghiệp đã dành tâm trí triển khai chương trình, mang đến những luồng gió mới cho Quy hoạch và Kiến trúc bản địa phát huy đúng hướng và hiệu quả, làm bài học cho nhiều địa phương khác góp gió, thành những bức tranh sinh động, sinh thái, giàu nhân ái.

Từ những năm 1980 cho đến 1995, Anh trở lại “mái nhà xưa” Viện thiết kế nhà ở và công trình công cộng (nay là Tổng Công ty tư vấn Xây dựng dân dụng Việt Nam VNCC). Tại đây Anh tiếp tục cầm bút làm nghề, với nhiều công trình thăng hoa trên mọi miền đất nước, nhất là tham gia chủ trì thiết kế hệ thống trụ sở, với phong cách đổi mới, gắn kết tính truyền thống và hiện đại ở các tỉnh, thành. Nhiều nơi công trình đứng vững đến hôm hay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tạo được cảm xúc ngạc nhiên bền vững. Các loại công trình công cộng khác và nhà ở, có bàn tay và khối óc của Anh, với cách suy tư văn hóa cội nguồn thâm sâu, khát khao hiện đại cháy bỏng, đã không ít thành công trên mỗi giai đoạn đường đời.

Đặc biệt, trong giai đoạn làm nghề thiết kế, năm 1976 đồ án quy hoạch – xây dựng làng Nông nghiệp, do anh và KTS Cao Sĩ Quế là đồng tác giả, được chọn tham gia triển lãm tại Matxcova đã được tặng Huy chương Vàng. Năm 1983 tại cuộc thi quốc tế nhà ở nông thôn, cũng tổ chức tại Matxcova do anh chủ trì của xưởng 5 Viện NO & CTCC đã được trao giải Vàng.

Một phần từ năng lực sáng tạo, một phần từ khả năng lãnh đạo chuyên môn được bộc lộ, với những kết quả, thành tựu rõ ràng. Tại Viện NO & CTCC anh được bổ nhiệm dần từ Xưởng trưởng lên đến Phó giám đốc công ty (khi Viện chuyển thành Công ty). Rồi đến năm 1995, anh được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Suốt 10 năm làm Thứ trưởng (1995 – 2005),  với các mảng được giao: Quy hoạch – Kiến trúc;  Phát triển nhà ở; Hạ tầng đô thị; Tư vấn xây dựng… Với sở trường và năng lực dồi dào, cùng với kinh nghiệm dày dặn tích lũy từ thời gian lăn lộn nơi xưởng thiết kế, công trường xây dựng, Anh đã để lại nhiều thành quả tốt đẹp, có dấu ấn đậm sâu về chuyên môn, của một người được đào tạo nghề từ môi trường quốc tế chuẩn mực và độc đáo, làm nghề một cách tâm huyết, trực diện và thấu đáo.

Thú vị và đáng trân trọng trong thời kỳ này có thể kể đến: Vai trò tổng chỉ huy chương trình tôn nền vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (cho 7 tỉnh) từ 1996-2005. Chương trình đã giải quyết được nhiều vấn đề, cải thiện môi trường ở, giảm bớt gian khó cho đồng bào trong vùng thời bấy giờ. Cũng là thực hiện tốt ý tưởng xuất phát của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đưa đến giải pháp: nương vào thiên nhiên để tồn tại, thay vì chống lũ thì cần sống chung với lũ; Rồi cả vai trò trưởng ban quản lý khu kinh tế Dung Quất thời bắt đầu mở đường mà tiến 1996-2001…

Những chương trình, mảng phụ trách mang tính chỉ đạo, kết dẫn cho đường hướng triển khai, với vai trò của cơ quan tư lệnh ngành trong lĩnh vực phát triển Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng quốc gia, Anh đã hoàn thành rất tốt, để lại nhiều dư âm ghi nhận và những sản phảm cụ thể ở từng nơi. Thời gian làm Thứ trưởng, Anh còn là sáng lập viên và đảm nhận chức Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (2004-2005); đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (1996-2005). Sự công tâm, công bằng và dung hòa trong điều hành của Anh cũng đã mang đến nhiều thành công cho sự phát triển của các Hội này.

Rồi, từ năm 2005 -2020! sau khi rời công tác quản lý Nhà nước. Anh được 3 kỳ Đại hội đại biểu Hội KTS Việt Nam, một Hội có tầm vóc Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp, thuộc loại hình Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, một hội đã được chính Bác Hồ chỉ đạo thành lập từ những năm đầu đất nước độc lập 1948, bầu vào vị trí Chủ tịch Hội. Một vị Chủ tịch vừa Khả kính về tầm cỡ chuyên môn, vừa khả kính về đạo đức tác phong, vừa khả kính vì tâm huyết với lĩnh vực.

Cánh chim về tổ ấm! Phải chăng KTS Nguyễn Tấn Vạn với Hội KTS Việt Nam là như vậy. Bởi vì với 3 nhiệm kỳ của mình, Anh đã góp phần sắc sảo và lớn lao, cùng Ban Chấp hành,  Ban Thường vụ, Lãnh đạo Hội và sự đồng tâm đoàn kết của giới KTS nước nhà gặt được nhiều bông hoa, kết nên những vườn hoa thành công trên chặng đường gập ghềnh gian khó vạn dặm. Đó là nhiều công trình sáng tạo tốt của KTS Việt Nam được kịp thời ra đời trên đất nước xanh tươi, nhờ sự phản biện, chấm chọn từ nòng cốt là Hội KTS mà Anh thường là người chủ trì cầm cân nảy mực; rồi những công trình đi ngược dòng tiến bộ lịch sử kịp dừng lại không ra đời, góp cho vùng miền xứ sở thêm những lần tránh được nhân tai. Hay sự thăng hoa của KTS Việt Nam trên bản đồ giải thưởng quốc tế, mà xuất phát điểm từ sự phát hiện, giới thiệu, cổ vũ từ cá nhân Anh và Hội KTS Việt Nam.

Và nữa, ở vai trò tham gia ý kiến cho các chương trình quy hoạch đô thị, chương trình kiến trúc trọng điểm quốc gia và vùng miền của Chính phủ, Bộ Xây dựng luôn được đánh giá nghiêm túc, có chất lượng; chương trình kết nối đào tạo, phát triển KTS; Các kỳ giải thưởng Kiến trúc quốc gia, Kiến trúc xanh… kịp thời, tôn vinh những tài năng không giới hạn tuổi tác; Chương trình KTS trẻ toàn quốc kết nối, đoàn kết và sáng tạo; Các chương trình hợp tác quốc tế, sâu rộng và hiệu quả, tạo được vị thế Kiến trúc Việt Nam với năm châu… đều có hiện diện của Anh.

Việc ra đời được Luật Kiến trúc, do Quốc hội ban hành 2019, cùng Định hướng phát triển kiến trúc đến 2045 do Thủ tướng phê duyệt, đều có vai trò chủ động phát hiện, đề xuất, và tổ chức tham gia từ Hội KTS Việt Nam, mà Anh là người lãnh đạo cao nhất. Những điều đó càng thể hiện năng lực và tư duy nhạy bén của Anh trước tình thế hiện tại và hướng tới điều cần thiết cho tương lai.

KTS Nguyễn Tấn Vạn nhận Bằng cống hiến cho KTS tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Hội KTS Việt Nam

Sự đoàn kết của Hội KTS Việt Nam từ trên xuống dưới, từ miền ngược tới miền xuôi, từ Nam ra Bắc Nhân ái – Chan hòa – Sẻ chia, chính là điều cần ghi nhận bắt nguồn từ sự sâu sắc ở người Chủ tịch Hội khóa VII, VIII, IX Nguyễn Tấn Vạn. Sự đoàn kết đạt được bền vững đó là một tài sản vô cùng quý giá, mà chúng ta những người hậu thế được thừa hưởng và đang cố gắng gìn giữ, phát huy để Hội KTS Việt Nam mãi mãi là “Mái nhà chung” ấm áp, nghĩa tình, nhân văn của giới nghề và những người bạn.

Mùa xuân này Anh đã ra đi! Chúng ta không còn Anh ở nơi trần thế này nữa. Có lẽ Anh cũng không còn nhìn thấy ánh mặt trời, để hồn nhiên chịu nắng, mưa mỗi ngày, với tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, bình dị và thiết tha. Lời viết này xin thay cho một nén hương của người KTS hậu thế nhớ về Anh, Trân trọng mãi một người Anh đã để lại cho người làm nghề kiến trúc triết lý Sang trọng – Lịch lãm – Dung dị về: Làm kiến trúc, Vì kiến trúc.

TS KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
© Tạp chí kiến trúc