Việt Nam trên con đường hội nhập ASEAN trong hành nghề KTS

Năm 1992 đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam sau khi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), và trở thành Quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hàng năm. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các hoạt động của một số Ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN.

Tháng 7/1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này.

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.

Nhằm đảm bảo sự tự do của thương mại dịch vụ trong khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành ký kết Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) vào ngày 15/12/1995. AFAS đã trở thành cơ sở pháp lý nên tảng cho việc thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ của ASEAN trong đó có quy định về công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Điều 5 Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ quy định “Mỗi quốc gia thành viên có thể công nhận trình độ giáo dục hoặc kinh nghiệm nhận được, các yêu cầu đã được thỏa mãn, hoặc các giấy chứng nhận hoặc giấy phép đã được cấp tại một quốc gia thành viên khác, để sử dụng cho mục đích cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận nhà cung cấp dịch vụ…trên cơ sở một hiệp định hoặc thỏa thuận với quốc gia thành viên có liên quan hoặc có thể đơn phương công nhận”.

Trên cơ sở Hiệp định khung ASEAN, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 7/2001, các nhà lãnh đạo ASEAN đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN (CCS) khởi động vòng đàm phán Hiệp định về công nhận lẫn nhau (MRA). Ủy ban điều phối dịch vụ đã thành lập một nhóm chuyên gia đặc biệt về MRA để bắt đầu đàm phán về các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong dịch vụ. Hiện nay đã có 7 thỏa thuận công nhận lẫn nhau được ký kết, bao gồm: Thỏa thuận khung ASEAN về công nhận lẫn nhau trong dịch vụ kế toán 2009, Thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với hành nghề y tế 2009, Thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với những người hành nghề nha sỹ 2009, Thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ xây dựng 2009, Thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ y tá 2005, Thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kiến trúc 2007 và Thỏa thuận khung ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với chứng chỉ đo đạc 2007. Ngoài ra còn có các thỏa thuận đa phương, song phương giữa các quốc gia hay sự đơn phương công nhận từ phía quốc gia tiếp nhận.

Cơ chế công nhận lẫn nhau của ASEAN có ưu điểm đó là nó hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các quốc gia, không bắt buộc bất kỳ một quốc gia thành viên ASEAN nào phải chấp nhận hoặc phải tham gia các hiệp định và thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Thông qua các hiệp định, thỏa thuận giữa các quốc gia hoặc hành vi đơn phương công nhận sẽ tạo cơ sở pháp lý để các nhà cung cấp dịch vụ có thể tiến hành cung cấp dịch vụ tại một quốc gia khác. Đặc biệt hành vi đơn phương công nhận từ phía quốc gia tiếp nhận mà không cần trải qua các vòng đàm phán, kí kết thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia có ngành dịch vụ kém phát triển có thể nhanh chóng, dễ dàng tiếp nhận dịch vụ từ các nhà cung cấp đến từ các quốc gia có ngành dịch vụ phát triển.
Tuy nhiên bên cạnh đó, cơ chế này cũng còn tồn tại những hạn chế như: Do hoàn toàn dựa trên sự tự do, thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên cho nên việc kí kết các hiệp định, thỏa thuận công nhận lẫn nhau phụ thuộc rất lớn vào thiện chí, quan hệ hợp tác của các nước. Mặt khác, các thỏa thuận công nhận lẫn nhau phải được ký kết trong từng lĩnh vực cụ thể của AFAS mà hiện tại có 12 phân ngành dịch vụ chính thuộc phạm vi điều chỉnh của AFAS, mỗi phân ngành chính lại bao gồm nhiều phân ngành dịch vụ nhỏ. Như vậy để ký kết được tất cả các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực của ngành dịch vụ là một khó khăn rất lớn đối với các quốc gia ASEAN. Và thực tế đến nay mới chỉ có 7 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 7 lĩnh vực được ký kết.

Bộ Xây dựng đã tham gia các Phiên họp của Uỷ ban Điều phối về hợp tác dịch vụ ASEAN (CCS) thực hiện Hiệp định khung về Hợp tác dịch vụ ASEAN (AFAS) từ năm 1996 dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện đang tiến hành vòng đàm phán thứ 8 với gói cam kết thứ 9).

Đến nay, ngành Xây dựng đã cam kết mở cửa thị trường và đối xử quốc gia tại ASEAN cho 6 ngành/phân ngành dịch vụ gồm:

  • Dịch vụ Kiến trúc (CPC 8671)
  • Dịch vụ Tư vấn kỹ thuật (CPC 8672)
  • Dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ (CPC 8673)
  • Dịch vụ Quy hoạch và Kiến trúc cảnh quan đô thị (CPC 8674)
  • Dịch vụ Xây dựng (CPC 511-518).z

Nội dung cam kết của các ngành/phân ngành dịch vụ trên đã được áp dụng chuyển từ nội dung cam kết tại WTO với mức độ cam kết cao hơn và rất thông thoáng không những so với các cam kết của các ngành dịch vụ khác của Việt Nam mà còn cao hơn rất nhiều so với các cam kết tương ứng của nhiều nước thành viên ASEAN khác.

Từ năm 2003, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tham gia cùng các nước thành viên ASEAN xúc tiến đàm phán xây dựng các Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về các dịch vụ nghề nghiệp gồm: MRA về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) và MRA về Dịch vụ kiến trúc. Thoả thuận MRA về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) đã được các Chính phủ 10 nước ASEAN ký kết vào 9/12/2005 và Thoả thuận MRA về Dịch vụ kiến trúc đã được ký kết vào 9/11/2007. Bộ Ngoại giao đã có Thư thông báo gửi Tổng Thư ký ASEAN về việc Việt Nam chính thức tham gia thực hiện Thoả thuận MRA về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) và Thoả thuận MRA về Dịch vụ kiến trúc. Bộ Xây dựng được sự uỷ thác của Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập các Uỷ ban Giám sát (MC) của Việt Nam để thực hiện các Thoả thuận.
Uỷ ban giám sát (MC) về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) đã trình Quy chế đánh giá Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN của MC Việt Nam lên Uỷ ban Điều phối Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPECC) xem xét và đã được Uỷ ban cho phép thành lập Đăng bạ Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPER). Hiện tại Uỷ ban giám sát (MC) của Việt Nam đang triển khai thủ tục để đăng ký cho các kỹ sư Việt Nam xin đăng ký danh hiệu Kỹ sư Chuyên nghiệp Tiêu chuẩn ASEAN theo Thoả thuận và đã có 113 Kỹ sư được công nhận là Kỹ sư chuyên nghiệp Tiêu chuẩn ASEAN.
Uỷ ban Giám sát (MC) về Dịch vụ kiến trúc cũng đã trình Quy chế đánh giá KTS ASEAN của Việt Nam lên Hội đồng KTS ASEAN (AAC) xem xét và đã được Hội đồng cho phép thành lập Đăng bạ KTS ASEAN (AA). Uỷ ban giám sát (MC) của Việt Nam cũng đã xúc tiến triển khai thủ tục đăng ký cho các KTS Việt Nam xin đăng ký danh hiệu KTS ASEAN theo Thoả thuận và đã có 07 KTS được công nhận là KTS ASEAN, tại Phiên họp CCS79, tổ chức từ ngày 22-27/9/2014 tại Bali, Indonesia, đó là các KTS: Đặng Kim Khôi, Nguyễn Tiến Thuận, Hồ Thiệu Trị, Khương Văn Mười, Nguyễn Trường Lưu, Nguyễn Văn Tất và Thái Ngọc Hùng. Việc công nhận này là điều kiện tiên quyết để các KTS này có thể đăng ký hành nghề độc lập tại 10 quốc gia ASEAN.

Điều kiện để được đăng ký là KTS ASEAN là:

  • Đã hành nghề liên tục không dưới 10 năm kể từ khi tốt nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 năm hành nghề kể từ ngày được ấp chứng chỉ/đăng ký hành nghề;
  • Đã có ít nhất 2 năm đảm nhận trách nhiệm chủ trì công việc kiến trúc quan trọng;
  • Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng theo quy định tại nước xin đăng ký;
  • Đáp ứng và bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành về đạo đức hành nghề tại nước xin đăng ký.

Việc cấp và thu hồi danh hiệu KTS ASEAN thuộc thẩm quyền của Hội đồng KTS ASEAN (ASEAN Architect Council – AAC), thông qua đệ trình của các Ủy ban Giám sát (Monitoring Committee – MC) được ủy quyền ở mỗi nước thành viên ASEAN.

Cho đến nay, tổng số KTS của các quốc gia ASEAN được đăng ký danh hiệu KTS ASEAN là 203 bao gồm: Indonesia: 51; Malaysia: 32; Myanmar: 12; Philippines: 40; Singapore: 58; Thái Lan: 03; và Việt Nam: 07. Có 03 nước chưa đăng ký KTS ASEAN là: Lào, Cambodia và Brunei.

Có thể nói 07 KTS Việt Nam được công nhận là KTS ASEAN là của KTS đầu tiên được quốc tế công nhận. Ủy ban Giám sát Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận các hồ sơ đăng ký KTS ASEAN để xem xét và báo cáo lên Hội đồng KTS ASEAN phê duyệt công nhận trong các phiên họp của Uỷ ban Điều phối về hợp tác dịch vụ ASEAN (CCS) hàng năm.

Các KTS, hãy hội nhập mạnh hơn nữa!

 Th.KTS Phạm Khánh Toàn
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2015)

—————————————————————————————————————————————————————–

Chuyên mục Việt Nam trên con đường Hội Nhập Asean:

Việt Nam trên con đường hội nhập ASEAN trong hành nghề KTS: […] Điều kiện để được đăng ký là KTS ASEAN là :Đã hành nghề liên tục không dưới 10 năm kể từ khi tốt nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 năm hành nghề kể từ ngày được ấp chứng chỉ/đăng ký hành nghề;Đã có ít nhất 2 năm đảm nhận trách nhiệm chủ trì công việc kiến trúc quan trọng;Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng theo quy định tại nước xin đăng ký;Đáp ứng và bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành về đạo đức hành nghề tại nước xin đăng ký.[…].

f9490-helix-bridge-and-marina-bay-sands-hotel-casino-singaporeNghề kiến trúc chuẩn bị gì cho hội nhập tích cực vào ASEAN và thế giới?: […] Ta đã chuẩn bị được gì cho các cam kết hội nhập kinh tế tích cực vào khối ASEAN vào năm 2015?…Cái lo lắng nhất là nhìn thấy anh em cùng ngành nghề trong nước cứ “bình chân như vại”, không thấy mấy ai quan tâm! Vậy mà vào mốc thời gian 2015, theo như cam kết thì Việt Nam chúng ta phải để chuyên gia đồng nghiệp các nước vào hoạt động tự do ở nước ta.

Kinh nghiệm làm việc cùng KTS Jean François Milou tại StudioMilou Singapore: […]Với  hy vọng có thể sử dụng những kinh nghiệm và tư duy thiết kế mà mình thu nhận được để góp một phần nào đó cho các công trình kiến trúc tại Việt Nam,KTS Jean François Milou chia sẻ:  Một công trình đúng công năng mới chỉ là 30% công việc đương nhiên một KTS phải làm, phần lớn còn lại đó là giá trị thẩm mỹ và thông điệp mà công trình truyền tải tới công chúng. Để làm tốt phần việc còn lại này đòi hỏi KTS phải làm việc rất chăm chỉ và nghiêm túc. KTS yêu nghề có thể nói là những người may mắn vì chúng ta được hằng ngày làm việc với niềm đam mê, nhờ đó mà chúng ta có thể đối mặt với các thách thức trong công việc đôi khi khiến mình nản lòng hoặc tự thỏa hiệp.

Các KTS trẻ đang làm việc tại Singapore: Tích lũy kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau. […] Đối với những KTS trẻ Việt Nam, cơ hội được làm việc ở Singapore không phải là dễ. Tuy nhiên, để phát triển cơ hội đã có, để tạo cho chính bản thân chỗ đứng trong nghề, trong xã hội lại là một trong những trở ngại mà họ phải vượt qua. Những trở ngại đó có thể là ngôn ngữ, là những kĩ năng cao cấp, hay những tư duy mới mà họ phải trang bị từ ngay những bước đầu lập nghiệp…