“Kiến trúc không còn là thế giới của đàn ông. Phụ nữ không thể tạo ra không gian ba chiều là một sự hoang đường.”
Người phụ nữ Iraq này đã chứng minh cho câu nói này bằng hơn 950 dự án kiến trúc trên 44 quốc gia [2]. Zaha Hadid thật sự rạng danh trên toàn thế giới với những thiết kế đầy biểu cảm của mình. Con đường bà lựa chọn hoàn toàn mới lạ, đầy thử thách. Bà phải phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những KTS cùng thời để trở thành một Zaha Hadid như ngày nay, người dành Giải Pritker năm 2004 và gần đây là Huy chương danh giá của Hiệp hội Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) [3].
Đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã khiến Zaha trở thành Zaha Hadid vĩ đại ngày hôm nay? Bà là người bình thường? Hiển nhiên là vậy! Nhưng bà vô cùng đặc biệt. Bà đã giải thích các bí quyết thành công của mình trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC vô cùng đơn giản “…
Tôi làm việc chăm chỉ [4]Tôi đã trải qua rất nhiều chặng đường thất bại và thành công như bất kỳ ai khác”.
Tôi xin mạn phép kể về cuộc đời của Zaha Hadid qua năm mốc thời gian quan trọng nhất.
Sinh ra tại Iraq năm 1950, đây là thời kì phát triển cực thịnh của đất nước này. Cha của bà học tại Anh là người đứng đầu Đảng dân chủ. Bà lớn lên trong sự dạy dỗ tân tiến. Cha mẹ luôn tôn trọng ý kiến của Zaha Hadid từ khi còn nhỏ. Đây chính là khởi nguồn tạo nên sự tự tin và kiên quyết cho cả chặng đường chông gai sau này của bà.
Giai đoạn thứ nhất: Quyết định
Mẹ của Zaha Hadid nhận thấy con gái mình luôn nung nấu ý định trở thành KTS. Vì vậy, bà đã tạo cơ hội thiết kế đầu tay cho đứa con gái ở tuổi thiếu niên, cải tạo nội thất phòng khách và thiết kế phòng ngủ của cô. Trong khi đó, một trong những người anh lại tỏ ý châm chọc “Zaha sẽ trở thành một nữ KTS lỗi lạc người Iraq ”. Mặc dù đam mê kiến trúc nhưng bà lại tốt nghiệp Toán học tại một trường Đại học ở Hoa Kì. Sau đó bà đến Anh và học kiến trúc tại tại AA năm 1972.
Giai đoạn thứ hai: Tốt nghiệp Đại học
Trong 3 năm đầu học kiến trúc, Zaha chưa tìm thấy con đường dành cho bản thân. Bà lạc lối, chán nản và thiết kế như những sinh viên khác. Năm thứ 4, bà quyết định tạo ra sự khác biệt hoàn toàn với những kiến trúc đương thời. Nếu sự ổn định là tính chất chung cho những thiết kế vào thời kì bấy giờ thì bà lại tạo ra sự dịch chuyển không ngừng trong những thiết kế của mình. Ý niệm này xuất phát từ đam mê các tác phẩm thuộc Chủ nghĩa Tuyệt đỉnh của họa sĩ người Nga Kazimir Malevich [5]. Bà đã sử dụng kĩ thuật trừu tượng và phân mảng từ một trong những tác phẩm của Malevich để thực hiện đồ án tốt nghiệp [6]. Ý tưởng này dựa trên việc giải tỏa cấu trúc hình học cơ bản sau đó sắp xếp lại những thành phần, tạo nên những hình khối mới. Sự khởi đầu thành công này đã mang lại cho Zaha công việc trợ giảng tại AA, đồng thời cộng tác làm việc tại Studio của các giáo sư. Hai năm sau đó, bà quyết định mở studio với cách tiếp cận kiến trúc của riêng mình.
Giai đoạn thứ ba: Dấu ấn đầu tiên
Sau khi ra trường, Zaha đã phải lao động miệt mài không ngừng; Bà đi dạy vào buổi sáng và dành trọn các buổi tối tại văn phòng kiến trúc. Năm năm sau ngày tốt nghiệp, bà giành chiến thắng trong cuộc thi phương án thiết kế khu giải trí tại Hong Kong “Peak” [7]. Chính cách thức trình bày theo Chủ nghĩa Tuyệt đỉnh của Zaha đã gây được sự chú ý cho ban giám khảo.
Mặc dầu những thiết kế này không được thi công, nhưng nó đã đưa tên tuổi của Zaha lên một tầm mới. Các sinh viên kiến trúc Anh Quốc đổ xô xin thực tập tại văn phòng của bà. Patrick Schumacher, là một trong số đó, và 2002 anh ấy trở thành trợ thủ đắc lực của bà.
Zaha cống hiến cả tuổi trẻ để tham gia các cuộc thi kiến trúc với niềm tin rằng đó là cách duy nhất để lây lan lí thuyết kiến trúc xu hướng mới mà bà là người tiên phong [8]. Giai đoạn này là khoảng thời gian gian nan nhất. Bà phải đối mặt với những luồng suy nghĩ trái chiều, sự chỉ trích và mỉa mai. Nhãn dán “KTS bàn giấy” thật sự được tháo gỡ vào năm 1988 khi trường phái của bà được công nhận với tên gọi là “Kiến trúc giải tỏa kết cấu”, và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MOMA) ở New York .[9]
Giai đoạn thứ tư: Chối bỏ
- Zaha Hadid và Patrik Schumacher
Sau 10 năm miệt mài đến thiếu ngủ, Zaha chiến thắng trong cuộc thi cải tạo Trạm cứu hỏa Vitra ở Đức năm 1990 [10]. Nó là một khối bê tông bay bổng. Các cạnh đều tụ về một điểm chung. Tiếp theo sau sự thành công của Trạm cứu hỏa Vitra là chiến thắng cuộc thi phương án nhà hát Opera vịnh Cardiff [11]. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên tranh cãi đáng kể; bà đã nhận những lời chỉ trích và đánh giá khắc nghiệt về thiết kế của mình với lý do nó không thể xây dựng! Zaha đã than phiền: “…Nhiều người nghĩ rằng, chúng tôi đã làm các bản vẽ quá mờ tối và rất khó hiểu. Nhưng chúng tôi đã làm bản vẽ của mỗi loại. Các phần plaza không giống như một tòa nhà bình thường, không phải là một tòa nhà hình vuông hoặc một hình chữ nhật, đó là những dự án được dễ dàng… ”. Chính thái độ này của chủ đầu tư đã khiến Zaha quyết định từ bỏ dự án. Cộng sự Patrick đã động viên và giúp đỡ bà vượt qua cuộc khủng hoảng do dự án này gây nên.
Giai đoạn thứ 5: Vinh quang
Năm 2004, bà vinh dự được trao Giải Pritzker (được xem như giải thưởng Nobel ngành kiến trúc). [12] Bà là KTS nữ đầu tiên giành được giải thưởng này. Tên Zaha Hadid đi vào lịch sử của kiến trúc kể từ đó.
Zaha Hadid ra đi và để lại đằng sau không chỉ một kho tàng thiết kế đồ sộ gồm các tòa nhà, đồ nội thất, giày dép và xe hơi mà hơn hết là cả một hệ tư duy độc lập mới mẻ về kiến trúc và bài học nghị lực phi thường dành cho những KTS yêu “cái mới” như bà đã từng.
Một số công trình tiêu biểu của Zaha Hadid:




Tài liệu tham khảo
[1] Hadid, Zaha. “Zaha Hadid: Who Dares Wins.” Phỏng vấn với Alan Yentob. BBC One, 30 – 4 – 2013. http://www.bbc.co.uk/programmes/b037yx1l
[2] Zaha Hadid Architects. http://www.zaha-hadid.com/
[3] RIBA. “Royal Gold Medal 2016 – Zaha Hadid.”https://www.architecture.com/Awards/RGM/RGM2016/ZahaHadid.aspx
[4] Hadid, Zaha. “Waraa Alwojooh.” Phỏng vấn với Ricardo Karam. Almostakbal TV, March 24, 2012. http://www.ricardokaram.com/GuestDetails.aspx?guestID=41#.VmAWoHYrL4Y
[5] Furman, Andrew. “The Walkability of Architecture: Conceptual Diagrams of Circulation in the work of Zaha Hadid.”Ryerson University, Ontario, Canada.
[6] “Malevich Tektonik.” Zaha Hadid Architects. http://www.zaha-hadid.com/architecture/malevichs-tektonik/
[7] “The Peak Leisure Club.” Zaha Hadid Architects. http://www.zaha-hadid.com/architecture/the-peak-leisure-club/
[8] Pritzker Architecture. The Hyatt Foundation, Los Angles, 2004.
[9] AbdUllah, AmatalRoaf, Ismail Bin Said, and DilshanRemaz Ossen. “Zaha Hadid’s Techniques of Architectural Form-Making.” Open Journal for Architectural Design, Sciknow Publications Ltd.2013.
[10] “Vitra Fire Station.” Zaha Hadid Architects. http://www.zaha-hadid.com/architecture/vitra-fire-station-2/
[11] “Cardiff Bay Opera House.” Zaha Hadid Architects. http://www.zaha-hadid.com/architecture/cardiff-bay-opera-house/
[12] “Zaha Hadid Laureate 2004.” The Pritzker Architecture Prize. http://www.pritzkerprize.com/laureates/2004
Sara Ben Lashihar
KTS Trần Thị Khánh Hòa (biên dịch)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2016)