Khu Phật tích Lâm Tỳ Ni – Nepal: Từ huyền thoại đến hiện thực

“Tứ động tâm” là tên gọi chung cho bốn địa danh, đánh dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, gồm: khu Lumbini (Lâm Tỳ Ni) – nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) – nơi đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) – nơi đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho nhóm bạn đồng tu khổ hạnh với Kiều Trần Như và Kushinagar (Câu Thi Na) – nơi đức Phật nhập Niết bàn. Bốn khu Phật tích này (trong đó, Lâm Tỳ Ni thuộc nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Nepal, ba khu vực còn lại trên lãnh địa nước Cộng hòa ấn Độ) không chỉ là những thánh địa linh thiêng nhất trong lịch sử Phật giáo và là ước nguyện chính đáng nhất của bất kỳ Phật tử, tăng ni trên thế giới, luôn mong muốn ít nhất một lần trong đời được đến chiêm bái. Sở dĩ có cụm từ “động tâm” – mang ý nghĩa là “làm lay động trái tim” – vì khi mọi người đến đây hành hương lễ Phật đều nhận được những cảm xúc chân thực từ trái tim mình, như một nguồn trợ lực vô hình giúp vững tin hơn khi hướng về chân lý và đạo pháp của đức Thế Tôn.

1. Lịch sử huyền thoại Lâm Tỳ Ni

Chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh vào nước Nepal bằng đường bộ từ đêm trước, sau một cuộc hành trình dài suốt một ngày đường trên đất Ấn và phải dừng chân lưu lại tại một khách sạn nhỏ trong thành phố Bhairahawa, cách cổng biên giới Ấn – Nepal hơn 20km, để chờ sáng hôm sau lên đường đi Lâm Tỳ Ni. Từ khách sạn đi tiếp khoảng 16km, chúng tôi đến cổng vào khu Phật tích “Vườn Lâm Tỳ Ni” (thuộc quận Rupandehi) từ rất sớm, khi những ngọn đèn đường chưa kịp tắt và cảnh vật ban mai đang chìm ẩn trong một lớp sương mù dày đặc giữa tiết trời cuối năm se lạnh (Ảnh 1&2). Tại điểm đón tiếp, tôi tranh thủ chụp nhanh những bảng thông tin và hình ảnh được công bố trước khi vào nơi tham quan, nhờ vậy tôi biết được khái quát những thông tin chính thống của toàn khu vực. Đồng thời, qua những câu chuyện kể từ hướng dẫn viên và một vài du khách trong đoàn đã đến đây đôi ba lần, kết hợp những tư liệu trên các trang mạng (đã được kiểm chứng), dần dần tôi hiểu hơn về một điểm đến du lịch tâm linh đặc sắc mà mình có duyên may đến viếng.

Ảnh 1
Ảnh 1
Ảnh 2
Ảnh 2

Chuyện kể lại theo truyền thuyết Phật giáo: Vào năm 624 trước công nguyên (TCN), Hoàng hậu Mahamaya – còn gọi là Maya Devi – sắp đến thời kỳ sinh nở nên đã tâu với Quốc vương Suddhodana đang trị vì tiểu quốc Shakya (Thích Ca), có thủ phủ đặt tại Kapilavastu (Ca Tì La Vệ), để xin được về quê nhà tại Devadha sinh con đầu lòng theo tục lệ thời bấy giờ. Trên đường đi, ngang qua Lâm Tỳ Ni – dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách kinh thành Ca Tì La Vệ khoảng 25km về hướng Đông và cách thành Devadha khoảng 38km về phía Tây – bà thấy có nhiều cây Vô ưu (tên khoa học: Saraca indica) đang nở hoa xinh đẹp, nên ra hiệu cho đoàn tùy tùng dừng lại để nghỉ chân. Bà xuống tắm gội trong một dòng nước xanh mát, sau đó đi dạo trong vườn hoa Vô ưu và giơ tay nắm lấy một nhành cây đang rủ xuống ven hồ, chợt thấy trong người như muốn chuyển dạ. Các tỳ nữ vội vã quây màn bao quanh hoàng hậu để tiện bề chăm sóc khi bà sinh nở, nhưng ngay lúc đó bà đã hạ sinh một hoàng nam khi còn đang đứng vịn nhành cây Vô ưu. Vì vậy, chuyến về quê của bà không thành, đoàn tùy tùng nhanh chóng thu xếp quay về kinh thành Ca Tì La Vệ. Hoàng tử được vua cha đặt tên là Siddhartha (Tất Đạt Đa) – có nghĩa là “người mang đến mọi điều tốt lành”. Tất Đạt Đa lớn lên tại kinh thành đến năm 19 tuổi xuất gia (tức năm 605 TCN) để sống đời hành đạo. Sau này khi đắc đạo, mọi người gọi Ngài là Shakya Muni (Thích Ca Mâu Ni) nghĩa là “vị đạo sư minh triết của tiểu quốc Thích Ca”, hay một tên khác là Tathagata (Như Lai) là “người nắm được chân lý”.

Câu chuyện thứ hai: Tại nước Ấn Độ xưa, có vị vua tên là Asoka (A Dục) là vị vua thứ ba của vương triều Mauryan (Ma Ta Ga). Ông lên ngôi từ năm 35 tuổi – tức năm 269 TCN, trị vì được khoảng 38 năm, với một lãnh địa rộng lớn thời bấy giờ (gồm nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Afganistan và Iran ngày nay); ông mất năm 232 TCN, thọ 73 tuổi… Khi làm vua, ông có tâm nguyện đi hành hương qua các vùng Phật tích. Đến Lâm Tỳ Ni vào năm 249 TCN, khi đó còn là một khu làng trù phú, ông cho xây dựng bốn trụ bằng đá để đánh dấu nơi sinh của đức Phật từ 375 năm trước (từ 624 TCN-249 TCN). Một trong bốn trụ đá được ông cho khắc năm dòng chữ bằng chữ Brahmi và ngôn ngữ Pali, được dịch như sau: “Ta là vua A Dục, là niềm tin tưởng của chư thiên, trong 20 năm trị vì này, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây. Vùng Lâm Tỳ Ni được giảm một phần tám thuế – được xem như sắc lệnh của vua ban ra từ một chuyến hành hương của hoàng gia.

Vào năm 636 sau công nguyên, một trong các vị cao tăng danh tiếng người Trung Hoa lần đầu tiên đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni, có ngài Huyền Trang (Hsuan Tsang, năm 602-664). Qua các tác phẩm để đời sau này, Huyền Trang mô tả sơ lược cảnh vật Lâm Tỳ Ni và cho rằng đã nhìn thấy một trụ đá của vua A Dục nhưng bị gãy đổ hoàn toàn, trên thân trụ có năm dòng chữ được khắc ghi (như trên). Đến năm oa1312, vua Ripu Malla – một vị vua theo đạo Hindu, thuộc miền Tây Nepal – cũng đến đây và thấy trụ đá của vua A Dục, ông cho khắc dòng chữ “Om Mani Padme Hum” liền với tên ông là “Ripu Malla Chiran Jayatu” nhằm tỏ lòng tôn kính nơi đức Phật đản sinh (đọc theo âm Hán-Việt là Úm ma ni bát ni hồng, một câu chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng, với nghĩa là “ngọc quý trong hoa sen”).

Từ đó về sau, toàn bộ bí mật về khu Lâm Tỳ Ni chìm vào quên lãng qua nhiều thế kỷ, bởi thiên tai (do thời tiết khắc nghiệt) đến nhân tai (do sự tàn phá bởi những kẻ cuồng tín Hồi giáo từ cuối thế kỷ 11). Câu chuyện về “đức Phật đản sinh” sẽ mãi mãi là huyền thoại, nếu như không có sự khởi nguồn ngược dòng thời gian của hai nhà khảo cổ người Đức là Tiến sĩ Alois Fusher và Khadga Samsher vào ngày 01/12/1886, phát hiện nơi đây có một trụ đá ghi “sắc lệnh” của vua A Dục. Từ vị trí trụ đá, toàn bộ khu Phật tích Lâm Tỳ Ni bắt đầu được giới chức các thời kỳ quan tâm, mở rộng phạm vi nghiên cứu, viết lên một câu chuyện đời thực – từ góc nhìn khác của những nhà khảo cổ – qua kết quả khai quật di tích và được trùng tu cho đến ngày nay.

2. Lâm Tỳ Ni hiện thực hồi sinh

Trở lại với thực tại, qua sơ đồ tổng thể toàn khu Lâm Tỳ Ni (Ảnh 3), tôi biết khu vực này rất rộng, có chín cổng ra vào, với ba phân khu chính: Khu vực “Tu viện” (Monestic Zone), gồm phía Đông (đại diện Phật giáo nguyên thủy) và phía Tây (đại diện Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa), hiện có khoảng 32 công trình chính được xây dựng từ nhiều nước, gồm: Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Tại khu vực “Làng Lâm Tỳ Ni mới” (New Lumbini Village) bố trí các công năng mang tính chất xã hội, gồm: Khách sạn, Trung tâm văn hóa, khu ở khách hành hương, khu nhân viên địa phương, tháp nước, Viện nghiên cứu quốc tế Lumbini (LIRI), trung tâm hành chính, trường học, v.v… Nhưng tâm điểm chính lại là khu “Vườn thiêng” (Sacred Garden), rộng khoảng 2,56km2, với những thánh tích quan trọng là: Đền thờ Hoàng hậu Maya Devi, hồ Puskarni và đặc biệt là trụ đá của vua A Dục, cùng các di tích khảo cổ đã được khai quật. Hầu hết các tour du lịch thường chỉ đưa khách đến khu “Vườn thiêng” để thưởng ngoạn hoặc chiêm bái, do không bố trí đủ thời gian cho chuyến hành hương dài ngày đi qua các miền đất Phật từ Nepal đến Ấn Độ.

Ảnh 4
Ảnh 4
Ảnh 5
Ảnh 5
Ảnh 6
Ảnh 6

Chúng tôi bắt đầu vào khu vực tham quan khi mặt trời vừa lên cao, tạo một chấm sáng tròn màu hồng nhạt trên toàn bộ cảnh vật đang ẩn hiện trong lớp sương mù (Ảnh 4). Nổi bật là đền Maya Devi với một khối kiến trúc màu trắng; bên phải lối vào có một trụ đá thân tròn, đường kính 0,5m, nhô cao trên nền sân khoảng 6m, trông như một ống khói lộ thiên còn sót lại từ một nhà máy gạch nào đó đã bị san bằng. Tòa nhà Maya Devi được xây dựng từ năm 2002, với thiết kế đơn giản, chủ yếu như một lớp vỏ bao che cho phần di tích khảo cổ từ bên trong khỏi bị mưa nắng phá hủy theo thời gian. Chúng tôi lần lượt xếp hàng vào trong, theo lối đi riêng được làm nổi trên lớp không gian của phế tích ở bên dưới. Tôi thấy toàn bộ hệ móng tường bằng gạch và đá, cùng những hố móng xếp thành năm hàng theo hướng Đông-Tây và ba hàng theo hướng Bắc-Nam (Ảnh 5&6). Giữa khối phế tích, có một phiến đá (khắc nổi hình một phụ nữ đang giơ tay, hai người đứng cạnh và một em bé đang đứng thẳng) được gắn trang trọng trên một mảng tường gạch, cách nền khoảng 3m; một phiến đá khác (khắc lõm hình một bàn chân nhỏ) đặt âm trong lòng nền gạch như khi nó được phát hiện và đang trưng bày trong một lồng kính chống đạn (Ảnh 7&8).Từ hình ảnh được công bố bên ngoài (do du khách không được chụp ảnh bên trong đền), tôi hiểu cấu trúc của đền Maya Devi xưa đã phát lộ các tầng lớp di tích khác nhau qua từng thời kỳ xây dựng (từ thế kỷ thứ 6 TCN đến thế kỷ 15 sau công nguyên). Kiến trúc cổ của ngôi đền được xác định xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, tại vị trí của một ngồi đền trước đó có diện tích lớn hơn. Các viên gạch xây nền có kích thước 49x36x7cm, nặng khoảng 20kg. Riêng hai phiến đá có khắc hình, tuy được phát hiện vào năm 1996 (có vị trí trong sơ đồ), nhưng các nhà khảo cổ chưa công nhận là chứng tích của lịch sử. Mặc dù, theo nghiên cứu của các nhà Phật học Ấn Độ và Nepal cho rằng cả hai bức phù điêu này được thực hiện bởi vua Ripu Malla (vào thế kỷ thứ 4), vì ông theo đạo Hindu và tin rằng hoàng hậu Maya Devi là hóa thân của nữ thần Hindu, nên hoàn toàn có giá trị về sử học. Hình ảnh được khắc ghi trên hai phiến đá khái quát được truyền thuyết của lịch sử Phật giáo, tương truyền rằng: đức Phật – qua hình ảnh của hoàng tử Tất Đạt Đa – được sinh ra từ nách hoàng hậu Maya Devi khi bà đang đứng vịn nhành cây Vô ưu, và ngay sau đó Ngài đứng lên bằng hai chân, bước đi bảy bước về phía Bắc, trên những tòa sen nâng đỡ từng bước chân Ngài…

Ảnh 7
Ảnh 7
Ảnh 8
Ảnh 8

Bước ra khỏi đền Maya Devi từ mặt sau công trình, đi về phía Nam khoảng 50m là một hồ nước đang soi bóng cảnh vật lung linh trên mặt hồ phẳng lặng (Ảnh 9). Đây là hồ nước thiêng Puskarni được xây dựng từ năm 1933 – nhằm tái hiện vị trí dòng nước xưa nơi hoàng hậu và hoàng tử đã tắm (như một nghi lễ “tẩy trần”) trước khi cùng đoàn tùy tùng hồi cung về kinh thành Ca Tì La Vệ. Hồ có hình vuông, âm sâu trong nền đất tự nhiên, bao quanh là các tường chắn màu đỏ, xây theo dạng bậc cấp, cao 30-40cm mỗi cấp, chừa hai lối lên xuống ở hai cạnh đối diện. Cạnh hồ hiện có một cây Bồ đề được trồng tại vị trí cây Vô ưu xưa, đánh dấu nơi hoàng hậu hạ sinh hoàng tử Tất Đạt Đa (Ảnh 10).

Ảnh 9
Ảnh 9
Ảnh 10
Ảnh 10

Tôi đi tiếp đến khu vực trụ đá được đặt tên vua A Dục (Asoka Pillar), có rào sắt bảo vệ bao quanh. Gần đó, có các vị sư và nhiều tăng ni, Phật tử đến từ các nước châu Á đang ngồi thiền và cầu nguyện (Ảnh 11). Mọi người đến đây đều thấy dòng chữ của vua A Dục vẫn còn nguyên vẹn trên thân trụ đá (Ảnh 12&13). Từ các dòng chữ này mà các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật được di tích đền thờ bà Maya Devi và các thánh tích lân cận. Họ cho dựng lại trụ đá ngay vị trí nguyên thủy bên cạnh đền. Chính nội dung của dòng chữ trên thân trụ đá và nguồn gốc hình thành của nó, được xem là bằng chứng có giá trị quan trọng nhất, xác nhận đức Phật Thích Ca là một con người có thật – được sinh ra như bao người bình thường khác, nhưng tu đắc đạo thành Phật và Lâm Tỳ Ni trở thành một trong những thánh tích gắn liền với cuộc đời đức Phật. Điều này xóa bỏ được những giả thuyết trước đây từ những nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây, cho rằng đức Phật là một nhân vật huyền thoại và giáo pháp của Ngài là sự tổng hợp tư tưởng của nhiều nhân vật truyền đạo khác nhau của lịch sử văn hóa Ấn Độ thời bấy giờ.

Ảnh 11
Ảnh 11
Ảnh 12
Ảnh 12
Ảnh 13
Ảnh 13

Bên cạnh hồ Puskarni còn có một dãy tường móng gạch đỏ, nhô cao khoảng 0,6m-1m, xếp thành hàng trong một khuôn viên hình chữ nhật. Cấu trúc các khối gạch được trùng tu cẩn thận, với những đường nét và hoa văn lạ, được xác nhận hình thành từ thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 TCN – đó là vết tích còn lại của Tu viện Lâm Tỳ Ni sau khi khai quật (Ảnh 14&15). Đây cũng là điểm cuối cùng của chương trình tham quan tại khu “Vườn thiêng”, trước khi chúng tôi vòng ra cổng, để đi tiếp cuộc hành trình về các miền đất Phật.

Ảnh 14
Ảnh 14
Ảnh 15
Ảnh 15

3. Hành trình từ di tích đến di sản

Với những chứng tích của vua A Dục được phát hiện từ năm 1886 và kết quả quá trình khảo sát, khai quật các thánh tích trong khu vực trải qua hàng trăm năm – nhất là sau khi phát hiện ra hai phiến đá có khắc hình “dấu chân đức Phật” và “đức Phật đản sinh” vào năm 1996 (tức sau 110 năm kể từ lần khảo sát đầu tiên); đến năm 1967, UNESCO chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni trở thành một di sản văn hóa của nhân loại (Ảnh 16) – trong khoảng hơn 200 di sản văn hóa thế giới tại Nepal. Điều đáng nói, trước đó, Lâm Tỳ Ni vẫn không thể hồi sinh nếu như không có chuyến viếng thăm của Ngài U Thant vào năm 1967. Ông là người Myanmar, giữ cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ, đã phát động “Chương trình phát triển Lâm Tỳ Ni” và kêu gọi được 13 quốc gia đóng góp tài chính cho đề án quy hoạch tổng thể do Kiến trúc sư danh tiếng người Nhật là Kenzo Tange thiết kế từ năm 1972 đến 1978.

Ảnh 16
Ảnh 16

Theo Kenzo Tange, ông đã dành ra 60% diện tích đất để tái hiện không gian cảnh quan nguyên sinh như thời đức Phật được sinh ra tại đây; nhưng việc quy hoạch xây dựng tổng thể Lâm Tỳ Ni cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như: Có giả thuyết cho rằng hồ Puskarni xưa kia có hình chữ nhật hay hình tròn (?). Đối chiếu sơ đồ tổng mặt bằng với truy cập “Google map”, tôi suy đoán dòng nước mà hoàng hậu Maya Devi tắm khi xưa có thể bắt nguồn từ dòng sông Harhewa hiện đang đi ngang qua khu đất. Theo tôi, khi Kenzo Tange quy hoạch tổng thể đã dẫn nguồn nước tự nhiên từ dòng sông này cho việc tái hiện hồ thiêng Puskarni, cũng như hình thành trục cảnh quan nước bằng một “Kênh đào trung tâm” (Central Canal) nối liền hai khu “Vườn thiêng” và “Lâm Tỳ Ni mới”. Thông qua quá trình kiến tạo di tích, việc làm mới hình dáng hồ (hình vuông) cũng như việc trồng cây Bồ đề (thay cây Vô ưu) sẽ không còn quan trọng, nếu như sự sáng tạo không phá vỡ bản chất của lịch sử di tích (đã được các nhà khảo cổ xác định đúng vị trí nơi hoàng hậu Maya Devi hạ sinh hoàng tử Tất Đạt Đa). Hay như trụ đá của vua A Dục – nghe nói – khi được dựng lần đầu có chiều dài nguyên thủy khoảng 12,19m, gồm ba phần: thân trụ còn nguyên khối, chân trụ có hình hoa sen và đầu trụ có hình vương miện (hay hình một con ngựa); đến lần thứ hai trùng tu, trụ đá được dựng lại có chiều dài khoảng 9,41m và hiện nay phần thân trụ nhô lên khỏi mặt đất còn khoảng hơn 6m (cả ba lần lắp dựng đều không rõ thời gian). Sự khác biệt về chiều dài trụ đá cũng sẽ không còn quan trọng, khi mà năm dòng chữ của vua A Dục được khắc trên thân trụ đá có giá trị nổi bật nhất của di tích khi nó vẫn còn giữ được nguyên vẹn như xưa.

Nhưng điều mà các nhà chuyên môn lo ngại nhất, chính là việc bố trí quá nhiều công trình bê tông của các quốc gia xin phép xây dựng, cũng như việc quá tải trước lượng du khách hành hương đến các công trình di sản và Phật tích tại Nepal, sẽ đe dọa đến nguyên bản gốc của các di tích (nhất là sau khi thành phố Bhairahawa có sân bay hoạt động từ năm 2019, góp phần đưa lượng khách trên toàn thế giới đến Lâm Tỳ Ni tăng lên khoảng hai triệu lượt khách/năm và dự kiến 3,5 triệu khách vào năm 2025). Mặc dù, hiện nay, việc xây dựng thêm các công trình mới tại Lâm Tỳ Ni đã được những nhà quản lý hạn chế và kiểm soát gắt gao. Tuy nhiên, công việc phát triển Lâm Tỳ Ni cũng không thể dừng lại, bởi đó cũng là nhu cầu của cuộc sống và quy luật của sự phát triển, trước những yêu cầu chính đáng của đại đa số người dân địa phương, du khách và cả chính quyền các cấp nơi sở tại cũng cần được cân nhắc.

Được biết, ngày 26/6/2014, cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã đưa ra đề án quy hoạch tổng thể khu Lâm Tỳ Ni, với kinh phí dự kiến tài trợ khoảng hai triệu USD. Giáo sư Kwak Yong Hum là người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu đề án, cho biết: Việc xây dựng Lâm Tỳ Ni trở thành một “Thành phố hòa bình”, rộng khoảng 16.000ha, sẽ phát triển cùng với vùng lõi là khu Phật tích, góp phần phát triển du lịch Nepal và cải thiện tích cực đời sống cư dân quanh vùng Phật tích trong tương lai. Họ kỳ vọng, Lâm Tỳ Ni sẽ trở thành trung tâm tín ngưỡng Phật giáo của Thế giới – giống như thành phố di sản Mecca của người Hồi Giáo tại vùng đồng bằng Tihamah thuộc Ả Rập Xê Út, hay thành phố Vatican của người Thiên Chúa giáo trong lòng thành phố Roma, nước Ý.

Không biết đề án và ý tưởng phát triển mở rộng thành phố Lâm Tỳ Ni của tổ chức KOICA đến nay tiến triển ra sao? Nhưng qua câu chuyện chuyển hóa từ lịch sử huyền thoại “Đức Phật đản sinh” đến hình thành “Khu Phật tích Lâm Tỳ Ni” và trở thành “Di sản văn hóa thế giới”, thì chuỗi công việc: Từ phát hiện, bảo tồn, trùng tu, xây dựng và phát triển… luôn có nhiều quan điểm khác nhau – không chỉ trong giới khảo cổ, những nhà nghiên cứu văn hóa, đến các nhà quy hoạch xây dựng và chính quyền quản lý. Bài học kinh nghiệm của Lâm Tỳ Ni – Nepal kết hợp giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế gắn với du lịch luôn gần gũi và cần thiết cho các chuyên gia Việt Nam để tâm nghiên cứu.

Kỷ niệm chuyến đi tháng 12/2018.
Viết xong tháng 3/2020 (PL. 2564)
Bài và ảnh: ThS.KTS. Trần Đức Lộc (Đà Lạt)
© Tạp chí kiến trúc


Tài liệu tham khảo:

  • Lâm Tỳ Ni (vi.wikipedia.org)
  • Lâm Tỳ Ni, nơi sinh đức Phật (whc.unesco.org)
  • Ấn Độ công bố kế hoạch xây dựng Lâm Tỳ Ni (phatgiao.org.vn)
  • Cách tính Phật lịch (thuvienhoasen.org)…