Mô hình xây dựng điểm dân cư nông thôn mới tỉnh Long An trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu

Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh hiện có 166 xã thuộc 15 huyện, thị, dân số năm 2011 khoảng 1.449.600 người, mật độ dân số bình quân 323 người/km2 (theo số liệu của Tổng cục thống kê). Trong đó, dân số đô thị khoảng 258.000 người (chiếm17,8%), dân số nông thôn khoảng 1.191.600 người (chiếm 82,2%) [2].

Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Tuyến tính
Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Tuyến tính

 

Giải pháp, tổ hợp cấu trúc dạng Nhóm
Giải pháp, tổ hợp cấu trúc dạng Nhóm

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông thôn mới và đã thu được nhiều kết quả, cụ thể: Tính đến hết năm 2013 toàn tỉnh đã hoàn thành 100% xã được lập và phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) [4]. Các đề án xây dựng NTM đã được quy hoạch từ trung tâm hành chính xã đến các điểm dãn dân, điểm dân cư nông thôn mới (ĐDCNTM). Trong đó tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng các công trình trụ sở hành chính xã, trường học, nhà thi đấu, sân tập thể thao, chợ, nhà văn hóa, trạm bưu cục… đồng thời xây dựng mở rộng, cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc lập quy hoạch xây dựng các ĐDCNTM tại Long An còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân về ăn ở, sinh hoạt và sản xuất kinh tế hộ gia đình cũng như chưa thực sự quan tâm đến đặc điểm văn hóa, truyền thống, điều kiện tự nhiên và điều kiện khí hậu của tỉnh Long An.

Ngoài ra, hiện nay vấn đề về nước biển dâng và ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL nói chung và tại tỉnh Long An nói riêng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch, xây dựng phát triển NTM. Do đó, việc nghiên cứu đề xuất mô hình ĐDCNTM phục vụ cho công tác xây dựng phát triển nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Long An là cần thiết và cấp bách.

Tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến quy hoạch, xây dựng ĐDCNTM

Biến đổi khí hậu dẫn tới nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 – 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Tại vùng ĐBSCL, địa hình thấp và tương đối bằng phẳng, phần lớn có cao độ trung bình từ 0,7-1,2 m so với mực nước biển và là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng trực tiếp thủy triều xâm nhập mặn [6]. Theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy, nước biển dâng đến năm 2100 có thể lên đến 100cm. Từ đó, khả năng ngập lụt và xâm nhập mặn ở ĐBSCL nơi có hơn 700 km bờ biển và các cửa sông mở thông với biển là rất cao. Tại tỉnh Long An, do địa hình thấp và có nhiều cửa sông cũng như có vùng trũng ngập nước Đồng Tháp Mười nên cũng chịu nhiều tác động của nước biển dâng, triều cường và thường xuyên ngập lũ.

Quá trình biến đổi khí hậu như nước biển dâng, triều cường, ngập lũ, ngập mặn… sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng ĐDCNTM tại Long An như sau:

  • Khó khăn trong việc lựa chọn các khu đất xây dựng ĐDCNTM phù hợp với hướng phát triển của các thôn, ấp cũ;
  • Khó khăn cho việc quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông đi lại, nhất là giao thông đường bộ;
  • Ảnh hưởng đến việc tạo dựng không gian nhà ở cũng như các không gian sản xuất kinh tế hộ gia đình;
  • Ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Mạng
Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Mạng

Mô hình xây dựng ĐDCNTM tại tỉnh Long An ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Lựa chọn địa điểm xây dựng ĐDCNTM

Khu đất được lựa chọn quy hoạch xây dựng ĐDCNTM phải là khu đất có địa thế cao ráo, bằng phẳng, có khả năng kết nối giao thông đường bộ hoặc đường thủy thuận lợi đối với các thôn, ấp cũ trước đây. Căn cứ vào địa hình, vào giao thông đi lại và cấu trúc quần cư truyền thống của người dân tại tỉnh Long An, có thể lựa chọn địa điểm xây dựng ĐDCNTM theo các giải pháp sau:

  • Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Tuyến tính: Là giải pháp bố trí ĐDCNTM kết nối một hoặc hai thôn, ấp cũ theo tuyến bằng cách tận dụng hệ thống giao thông đường bộ và ven kênh rạch, ven sông. Giải pháp này có nhiều ưu điểm, đó là: Tiết kiệm kinh phí đầu tư cho hệ thống giao thông; phù hợp với điều kiện địa hình và văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của cư dân quen sống vùng kênh rạch và đi lại chủ yếu bằng ghe, thuyền.
  • Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Nhóm: Là giải pháp bố trí ĐDCNTM kết nối với hai hay ba thôn, ấp cũ tạo nên một tổ hợp nhóm, do yếu tố địa hình nhiều kênh rạch nên sử dụng cầu bắc qua để đi lại kết hợp với đi lại bằng ghe, thuyền.
  • Giải pháp tổ hợp cấu trúc dạng Mạng: Là giải pháp đào thêm kênh rạch, lấy đất đắp cao nền đường tạo nên hệ thống kênh rạch dạng mạng. Giải pháp này rất thích hợp với vùng đất trũng, đất thấp, vùng đất thường xuyên ngập lũ như vùng Đồng Tháp Mười. Giải pháp này có khá nhiều ưu điểm, phù hợp với giao thông đi lại trên kênh rạch của dân cư; ĐDCNTM và các thôn, ấp gần gũi, thuận lợi cho hướng phát triển dân cư lâu dài.

2. Mô hình xây dựng ĐDCNTM trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu

  • Mô hình ĐDCNTM dạng Tuyến: Là mô hình xây dựng ĐDCNTM theo tuyến bám vào hệ thống đường giao thông và kênh rạch, ven sông sẵn có. Mô hình này bố trí các công trình nhà ở kết hợp với làm dịch vụ, buôn bán thương mại hai bên khu đất (một bên theo đường giao thông, một bên bám theo ven kênh, rạch, ven sông) để tận dụng hệ thống giao thông đường bộ và đường sông phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông thổ sản. Trục giữa của khu đất tổ chức trục sinh thái, bố trí các công trình nhà ở làm nông nghiệp nuôi trồng thủy hải sản… kết hợp với các công trình nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa cụm dân cư, sân chơi thể thao, công viện, cây xanh, hệ thống hồ điều hòa, hồ tiêu nước kết hợp với cảnh quan mặt nước. Đặc biệt các công trình nhà ở tại trục sinh thái được kết hợp với hệ thống ao, hồ (đào ao, hồ lấy đất đắp nền nhà theo kinh nghiệm dân gian vùng đất trũng, thấp, vùng ngập lụt). Kết hợp với làm kinh tế hộ gia đình, người dân có thể sử dụng hệ thống ao, hồ để nuôi thủy sản như tôm, cua, cá… Khoảng cách giữa trục lõi sinh thái và khu nhà ở kết hợp với buôn bán và làm dịch vụ được ngăn chia bởi hai trục giao thông đường bộ và đường thủy thông qua hệ thống kênh hai bên và hệ thống hồ nuôi thủy sản. Mô hình này phù hợp với các điểm dân cư có số dân nhỏ, tương đương một thôn, ấp.
  • Mô hình ĐDCNTM dạng Điểm: Là mô hình xây dựng ĐDCNTM bố trí hệ thống kênh, rạch xung quanh và trung tâm bố trí lõi sinh thái. Các công trình nhà ở kết hợp với làm dịch vụ, thương mại bố trí vòng ngoài ĐDCNTM bám theo trục đường giao thông và kênh, rạch. Lõi sinh thái ở trung tâm kết hợp với nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, hồ chứa nước ngọt, đồng thời làm mô hình nhà ở nông nghiệp nuôi trồng thủy sản theo hệ sinh thái khép kín. Mô hình này cũng phù hợp với các điểm dân cư có số dân nhỏ.
  • Mô hình ĐDCNTM dạng Mạng: Là mô hình xây dựng ĐDCNTM dựa theo hệ thống kênh, rạch tổ chức kiểu mạng lưới, bên cạnh kênh đào lấy đất đắp nền đường đi bộ, hệ thống kênh đào bố trí kiểu mạng giúp thoát nước nhanh khi ngập lụt (dựa theo kinh nghiệm dân gian thời cụ Nguyễn Công Trứ khai khẩn các vùng đất lấn biển như huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũng như kinh nghiệm dân gian của vùng ĐBSCL). Mô hình này bố trí trên cơ sở tổ chức nhiều mô hình ĐDCNTM dạng tuyến kết hợp mà thành. Mô hình này phù hợp với các điểm đông dân cư.
Mô hình ĐDCNTM dạng Tuyến
Mô hình ĐDCNTM dạng Tuyến

 

Mô hình ĐDCNTM dạng Điểm
Mô hình ĐDCNTM dạng Điểm

 

Mô hình ĐDCNTM dạng Điểm
Mô hình ĐDCNTM dạng Điểm

Các mô hình nêu trên đạt một số ý nghĩa thực tiễn sau:

  • Nhờ có hệ thống kênh rạch, ao, hồ dày đặc đã tạo nên hệ sinh thái khép kín tuần hoàn giữa con người và tự nhiên. Hệ sinh thái này không ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên mà ngược lại đang nương nhờ vào tự nhiên để tồn tại nên giúp cho giảm thiểu biến đổi khí hậu;
  • Khai thác được quỹ đất đào kênh, rạch, ao, hồ để đắp tôn nền cao lên cho toàn bộ ĐDCNTM tránh ngập lũ;
  • Hệ thống kênh, rạch bố trí xung quanh và bên trong ĐDCNTM giúp cho tiêu thoát nước nhanh chóng khi ngập lũ đồng thời giúp cho đi lại bằng phương tiện ghe, thuyền hiệu quả và thuận lợi;
  • Hệ thống ao, hồ trong các khuôn viên nhà ở và tại trung tâm ĐDCNTM giúp nuôi trồng thủy sản làm kinh tế hộ gia đình, làm hồ điều hòa, tăng cường cảnh quan mặt nước, kết hợp với cây xanh thành nơi nghỉ ngơi, giải trí, giao tiếp cộng đồng trong khu dân cư;
  • Hệ thống giao thông cũng như hệ thống hạ tầng trong ĐDCNTM chính là hệ thống hạ tầng xanh, thân thiện với môi trường tự nhiên.

Kết luận

  • Vùng đất ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng có một nền văn hóa, lối sống, phong tục tập quán đậm đà bản sắc. Là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD.
  • Quá trình biến đổi khí hậu như nước biển dâng, ngập mặn, ngập lũ là những tác động ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất nhiều tiềm năng và ảnh hưởng đến việc tạo lập nhà ở cũng như tạo lập các ĐDCNTM, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
  • Muốn tạo lập các ĐDCNTM nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải học tập kinh nghiệm dân gian về xây dựng thôn, làng, nhà ở tại các vùng đất trũng, đất thấp, đất ngập lũ, đất lấn biển… của cha ông ta từ xa xưa để kế thừa các giá trị về cấu trúc quần cư nhằm xây dựng các ĐDCNTM tại tỉnh Long An đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, phát triển kinh tế hộ gia đình và nhất là thân thiện với môi trường tự nhiên, nương nhờ vào môi trường tự nhiên để sinh tồn.

 Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê, năm 2014
2. UBND tỉnh Long An, Quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. UBND tỉnh Long An, Báo cáo tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 06 xã điểm, năm 2013.
4. UBND tỉnh Long An, Sơ kết 03 năm xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An, năm 2013.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, năm 2009.
6. Đoàn Thu Hà, Đánh giá mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu tới cấp nước nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường số 46, tháng 9/2014.

PGS.TS KTS Nguyễn Đình Thi
Trường Đại học Xây dựng

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06 -2015 )