Điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm để làm đường ven sông Sài Gòn

Do một số khu vực thuộc dự án đường ven sông Sài Gòn bị vướng quy hoạch khu trung tâm hiện hữu (930 ha), UBND TP HCM cho phép điều chỉnh cục bộ đồ án.

UBND TP HCM vừa chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu thành phố (930 ha) tại các khu vực bị ảnh hưởng trong phạm vi ranh thực hiện dự án đường ven sông Sài Gòn (tổng vốn đầu tư dự kiến gần 700 tỷ đồng).

Theo UBND TP HCM, khi hoàn thành, đoạn đường ven sông Sài Gòn sẽ kết nối, hình thành trục giao thông ven sông song hành với trục đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: MT
Theo UBND TP HCM, khi hoàn thành, đoạn đường ven sông Sài Gòn sẽ kết nối, hình thành trục giao thông ven sông song hành với trục đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: MT

Sở Giao thông Vận tải được giao phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định phạm vi, ranh giới, phương án thiết kế kỹ thuật tuyến đường ven sông Sài Gòn (từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn), mép bờ cao sông Sài Gòn (từ công viên bến Bạch Đằng đến cầu Sài Gòn), để đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực và không ảnh hưởng đến tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Theo UBND thành phố, việc đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ giảm áp lực giao thông cho đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu, các chủ đầu tư có dự án tiếp giáp với tuyến đường này sẽ được hưởng lợi sau đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Do đó, việc đề nghị huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng tuyến đường này, là phù hợp với chủ trương của Thủ tướng về nhóm giải pháp về nguồn lực tài chính phát triển đô thị.

Khu trung tâm 930 ha được giới hạn bởi các tuyến đường: cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - sông Sài Gòn.
Khu trung tâm 930 ha được giới hạn bởi các tuyến đường: cầu Sài Gòn – Nguyễn Hữu Cảnh – Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu – Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – cầu Ông Lãnh – Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành – sông Sài Gòn.

Trên cơ sở đó, chính quyền thành phố chấp thuận đề nghị của chủ đầu tư tự bỏ vốn để xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn (đoạn tiếp giáp với 2 dự án khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son và khu phức hợp Tân Cảng – Sài Gòn. Phần còn lại của tuyến đường sẽ do ngân sách thành phố chi trả.

Để nhanh chóng hoàn chỉnh dự án và triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn được đồng bộ, UBND thành phố cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép một tập đoàn tư nhân làm chủ đầu tư xây dựng toàn tuyến đường này.

Theo quy hoạch 930 ha được UBND TP HCM phê duyệt năm 2013, trung tâm thành phố bao gồm một phần các quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh, khác với trước đây trung tâm chỉ gói gọn trong quận 1 và 3 và được phân chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng quy hoạch và cải tạo đô thị khác nhau với quy mô dân số dự kiến là 273.000.

Phân khu 1 là khu vực tập trung các công trình có chức năng thương mại – tài chính của thành phố, phát triển các chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1 rộng 92,3 ha. Phân khu 2 là tập trung các công trình có chức năng văn hóa – lịch sử, là trục trung tâm quanh trục đường Lê Duẩn, rộng 212,2 ha.

Phân khu 3 (khu bờ Tây sông Sài Gòn) là khu phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận có diện tích gần 275 ha. Phân khu 4 (khu thấp tầng) là khu dân cư hiện hữu, có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng có diện tích 232 ha. Cuối cùng là phân khu 5 (lân cận lõi trung tâm), nằm kế cận phân khu 1 về phía Nam được phát triển với chức năng kinh doanh thương mại có diện tích 117,5 ha.

Theo Hữu Công/VNexpress