Không gian công cộng: Kết nối truyền thống và tinh thần đương đại

Đó cũng là chủ đề của Toạ đàm đầu tiên trong chuỗi tọa đàm, tập huấn về “Nghệ thuật công cộng – Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội”, nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022 diễn ra vào sáng 4/10/2022 tại Trụ sở Hội KTS Việt Nam, số 40 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sự kiện do Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, UN-Habitat phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam tổ chức với kỳ vọng thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong lộ trình xây dựng Hà Nội – TP sáng tạo. 

Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các kiến trúc sư, các nhóm nghệ sĩ và các nhà thiết kế trẻ và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tham dự tại buổi toạ đàm, Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hoá Thể Thao Hà Nội chia sẻ: “Toạ đàm là chuỗi các hoạt động kết nối sáng tạo hết sức quan trọng trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022 và Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng. Hoạt động toạ đàm ngày hôm nay là lời nhắn nhủ, giữa việc xây dựng các không gian công cộng không chỉ tiếp nối giữa quá khứ với hiện tại, mà còn tiếp nối hiện đại với tương lai, để Hà Nội trở thành một không gian “thực sự” đáng sống. Với cách tiếp cận mới, toạ đàm sẽ là lời mời gọi cho các nhà quản lý, nhà sáng tạo tổ chức các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo – và cộng đồng sẽ là người được thụ hưởng những giá trị sáng tạo.”

Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hoá Thể Thao Hà Nội

Cũng tại toạ đàm, Ông Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc chia sẻ thêm, không gian sáng tạo là cốt lõi của sự phát triển bền vững, đó cũng là định hướng phát triển của Việt Nam trong những năm qua. Sáng tạo vừa là nền tảng, vừa là động lực để phát triển. Vậy nên việc gắn kết Hà Nội – Một thành phố ngàn năm văn hiến với thành phố sáng tạo là việc hết sức đúng đắn. Tuy nhiên hiện nay, các vấn đề về văn hoá và các không gian công cộng tại Hà Nội vẫn còn vướng vận nhiều suy tư bởi sự đơn sơ của các không gian này. Sự kiện Lễ hội sáng tạo lần này vừa là dịp để đóng góp giá trị vào các không gian cộng cộng, vừa là dịp để chúng ta nhìn nhận lại về giá trị cốt lõi của Thủ đô. Đồng thời, Ông nhấn mạnh: “Với sự thúc đẩy nhiệt huyết của Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, cùng sự phối kết của UN-Habitat và Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam cùng các bên tham gia, các nhà tài trợ, chúng ta hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ trở thành một không gian xúc động trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.”

Ông Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc
Ông Jonghyo Nam- Quyền trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam

Ông Jonghyo Nam- Quyền trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam, tham dự trực tuyến tại sự kiện cũng bày tỏ: “Không gian công cộng và sự sáng tạo đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích đa chiều đối với cuộc sống đô thị. Các không gian công cộng bao trùm, an toàn và dễ tiếp cận có thể thúc đẩy sự gắn kết giữa con người với không gian, nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, và bản sắc công dân và văn hóa, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp ứng phó với các khủng hoảng môi trường. Tại UN-Habitat, chúng tôi tin rằng Tái tạo đô thị cần được ưu tiên ở các quy mô khác nhau và trở thành công cụ trọng yếu để thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững.” 

Là dịp để các nhà quản lý, cán bộ văn hóa nghệ thuật cũng như giới sáng tạo trẻ của TP Hà Nội trao đổi về nghệ thuật công cộng, không gian văn hóa sáng tạo công cộng đô thị, khám phá mối liên hệ giữa các đặc tính và tư duy truyền thống, với sự dẫn dắt và trao đổi giữa các chuyên gia và các nhóm nghệ sĩ, Toạ đàm Không gian công cộng: Kết nối truyền thống và tinh thần đương đại đã mang tới nhiều hướng tiếp cận, từ vấn đề xây dựng, vận hành và quản lý nghệ thuật công cộng tại các không gian công cộng-Hướng tới phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội.

TS.KTS Lê Phước Anh – Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại tham luận đề dẫn.

Theo TS.KTS Lê Phước Anh – Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), quảng trường là định nghĩa phổ biến nhất cho không gian công cộng trên thế giới, dù ở Phương Đông hay phương Tây, và đó là nơi hội tụ những hoạt động giao lưu văn hóa xã hội, mang bản sắc địa điểm và tinh thần nơi chốn. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, hầu hết quảng trường có vai trò giống như một đảo giao thông. Nhưng cũng theo ông, Quảng trường dù ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào thì luôn cần có sự tương thích với đương đại và nơi chốn.

Với kinh nghiệm nghiên cứu về các không gian Công cộng tại Pháp và Việt Nam, cũng như nhiều nước trên thế giới, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cũng khẳng định Hà Nội đang bước vào thời kỳ nở rộ trào lưu sáng tác nghệ thuật cho không gian công cộng, với các dự án, công trình công cộng nổi bật, như: Con đường gốm sứ, tủ điện nở hoa, nhà gương gắn gốm, nghĩ về sân chơi trong phố…; sự hình thành của một loạt nhà ga tàu điện ngầm hay các công viên, vườn hoa đang nằm trong diện cải tạo, quy hoạch… cũng là gợi ý đầy tiềm năng cho các sáng tạo nghệ thuật thể nghiệm. Tuy nhiên, ông lưu ý, cần chú trọng đến tính bền vững cho các công trình, do không gian công cộng mang đặc thù là ở ngoài trời, chịu nhiều tác động về thời gian, khí hậu.

ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam chia sẻ tại Toạ đàm

Cùng với đó, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng”.

Toạ đàm Nghệ thuật công cộng và không gian công cộng hướng đến đô thị bền vững với sự tham gia của TS.KTS Lê Phước Anh – Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương – Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS.Emmanuel Cerise – Đại diện Vùng Ile-de-France đồng Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), Ông Trương Quốc Toàn (Viện PRX Vietnam). (Theo thứ tự từ trái qua phải)

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – Ông Nguyễn Quốc Hoàn cũng chia sẻ một số kinh nghiệm kiến tạo các không gian sáng tạo hiệu quả trên địa bàn, như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân…; đồng thời khẳng định, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của các dự án.

Ngoài ra, toạ đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ từ khách mời về việc gắn kết các không gian với nơi chốn. Chuỗi tọa đàm, tập huấn về “Nghệ thuật công cộng – Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội” sẽ kéo dài đến hết ngày 5/10/2022, với chủ đề tính đặc thù của địa điểm trong sáng tạo nghệ thuật công cộng; tập huấn về thiết kế, thực thi, duy trì và quản lý các tác phẩm nghệ thuật công cộng cho các đối tượng là tài năng thiết kế nghệ thuật trẻ tại Hà Nội. Chi tiết xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/chuoi-toa-dam-tap-huan-ve-nghe-thuat-cong-cong-khong-gian-van-hoa-sang-tao-cong-cong.html

Thuỵ AnTCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc