Nhớ về những người thầy, người anh, và đồng nghiệp – Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTS Việt Nam

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tròn 65 tuổi. Mỗi chúng ta đều xúc động khi nhớ lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng và căn dặn mỗi người cần có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp kiến quốc! Một thứ tình cảm tự nhiên, chẳng phân biệt tuổi đời tuổi nghề. Những người tham dự đại hội lần thứ I ở Thản Sơn (năm 1948), nay gần như chẳng còn ai. Ở tuổi chúng tôi, chỉ có thể nhớ lại những ngày có mặt ở Đại hội lần thứ II (năm 1957), với tư cách là những sinh viên kiến trúc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phòng họp Thư viện Quốc gia Hà Nội. Đó là một cuộc họp trang trọng sau cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Tại Đại hội, đại diện lớp chúng tôi được đọc lời chào mừng, bạn Nguyễn Thị Ngọc Thanh còn được ngồi ở bàn thư ký.
 Các KTS: Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Tạ Mỹ Duật và các nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Xuân Sanh, trong ngày khánh thành Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội
Mới không lâu trước đó, tôi còn chẳng hiểu gì về kiến trúc, ngây thơ một cách khó tin – Tôi đã thi được vào Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp theo đã thi tốt môn vẽ, còn lại chỉ là đăng ký tên để vào lớp kiến trúc. Thế mà cứ chần chừ cân nhắc mặc cho thời hạn sắp hết. Không hiểu từ lúc nào và đọc từ đâu mà tôi cứ đinh ninh rằng kiến trúc sư là thầu khoán, là những người giàu có, nhà lầu xe hơi, vợ lớn vợ bé, và là một thành phần không tốt… Cứ u u mê mê như vậy, cho đến hôm được kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh giới thiệu kỹ về công việc của một kiến trúc sư, được xem một số đồ án thiết kế và tranh ông vẽ, tôi dần bị cuốn hút. Nhất là hôm sau, được ông dẫn đi thăm một số di tích kiến trúc nổi tiếng Xứ Đoài… Không còn nghĩ thêm về những ngành học khác, tôi quyết tâm bước vào nghề kiến trúc.
Trong khó khăn trăm bề của một trường học vừa thành lập, các thầy giáo như KTS. Nguyễn Cao Luyện, Ngô Huy Quỳnh, Tạ Mỹ Duật, Hoàng Linh, Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Hữu Thứt… đã dành nhiều tâm huyết truyền dạy cho anh chị em chúng tôi. Thiếu tài liệu học, một số họa viên giỏi của Đoàn Kiến trúc sư và của Bộ Kiến trúc phải can lại hình vẽ trong sách rồi in ra theo cách in hồ sơ thiết kế thời đó để phát tới từng sinh viên. Ngay với những người thầy, cũng là lần đầu tiên đứng ở bục giảng, từ giáo trình đến thuật ngữ khoa học đều không ít lúng túng, nhưng khát khao truyền thụ thì cháy bỏng. Không thể quên thầy Nguyễn Cao Luyện, bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Kiến trúc. Ông là người khá dí dỏm và cẩn thận trong sử dụng từ ngữ. Chúng tôi đã từng nghe ông kể về những từ tiếng Việt trước ông vẫn dùng, mà nay không còn ai nhắc đến nữa. Trong diễn đạt từ chuyên ngành kiến trúc, ông gắng giải thích với chúng tôi thật sự rõ ràng. Vậy mà khi mô tả sự “tao nhã”, sự “duyên dáng” và “tinh tế” trong công trình thì ông lúng túng thực sự, cứ như sợ chúng tôi không cảm nhận được đầy đủ. Và lần nào cũng kết thúc: “Nghĩa là nó élégance… nó rất distingé…” – như thể có vậy ông mới thật yên tâm, dù biết là chẳng nên dùng tiếng nước ngoài…
Giảng về ánh sáng và những phần tử kiến trúc, về nắng và bóng đổ, ông không dừng lại ở những quy tắc vật lý và hình học thông thường, mà muốn chúng tôi hình dung về một thứ ánh sáng êm dịu và lộng lẫy của vùng Địa trung hải, không chói chang, không chóe vàng như mùa hè ở ta. Ai đã đọc tác phẩm “Chùa Tây Phương” và “Từ những mái nhà tranh cổ truyền” của ông sẽ dễ dàng nhận thấy nét tinh tế kiểu như vậy. Một lần giảng về mô – đun, ông bảo từ này ông lúng túng từ lâu, hồi còn ở Chiến khu Việt Bắc đã có lần phải hỏi bác Phan Khôi, ông ta khuyên nên gọi là “tỷ chuẩn”, giờ thì cứ tạm gọi là Module đã vậy…
Nếu như KTS Ngô Huy Quỳnh là người đưa tôi vào nghề, thì KTS Nguyễn Cao Luyện chính là người nhen nhóm trong tôi những rung động đầu tiên trước kiến trúc. Dù sau này được học thêm về quy hoạch đô thị, về thiết kế công trình công cộng ở nước ngoài, tiếp xúc không ít với những kiến trúc sư tài ba, lĩnh hội từ họ biết bao điều bổ ích, tôi vẫn chẳng bao giờ quên được những bước đi ban đầu bên cạnh những người thầy ở Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam như thế.
Giữa những năm chiến tranh ác liệt, sau lần chúng tôi làm đơn tình nguyện ra mặt trận, tôi có giấy triệu tập đi khám sức khỏe từ Quân khu Thủ đô. Chủ nhật hôm đó, sau khi kiểm tra sức khỏe, một mình đi chơi phố và tình cờ gặp KTS. Tạ Mỹ Duật – thủ trưởng cơ quan lúc bấy giờ (anh vẫn muốn chúng tôi xưng hô là anh em cho thân mật). Anh hỏi sao không ở nơi sơ tán mà lại về Hà Nội, tôi thưa là về để kiểm tra sức khỏe cho việc nhập ngũ. Tôi chỉ nói có vậy, bỗng anh lặng người đi. Trông anh thảng thốt thật sự. Làm sao tôi có thể quên đôi mắt và khuôn mặt thân thương ấy của một người anh trong nghề! Rồi cũng chẳng có giấy triệu tập nào sau đó, tôi vẫn cùng anh trong nhiều công việc. Lúc đã nghỉ hưu, mà anh vẫn thỉnh thoảng tìm đến phòng làm việc của tôi như cách anh vẫn quan tâm tới mọi người khi còn công tác.
Năm 1968, tôi được sang Đức tu nghiệp. Mấy ngày trước lúc đi, KTS Trần Hữu Tiềm thường trực Hội còn nhờ Văn phòng mang tới cho tôi một thư giới thiệu của Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam gửi Hội Kiến trúc sư Cộng hòa Dân chủ Đức để giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và làm việc. Lá thư đó tôi vẫn giữ như một kỷ niệm, tôi đã không đưa cho bạn, vì sang đó theo gợi ý của cấp trên, chúng tôi không muốn bạn biết nhiều về mình, càng không muốn có sự khác biệt nào với những anh chị em khác. Tất cả chúng tôi đều không để bạn biết ai là đoàn viên, ai là đảng viên, mặc dầu các sinh hoạt đó vẫn rất chặt chẽ. Giữ bức thư, tôi thầm biết ơn sự chăm sóc của Ban thường vụ Đoàn Kiến trúc sư hồi đó.
Có thể kể một chút về sự quan tâm trước đây của Thành phố với kiến trúc và Kiến trúc sư. Hồi đó mỗi lần anh em chúng tôi về địa phương để khảo sát nghiên cứu dự án, các cuộc tiếp xúc thường khá trọng thị, đa phần được Bí thư hay lãnh đạo chính quyền tiếp và trao đổi. Sau giải phóng miền Nam, một đoàn công tác của Hà Nội do đồng chí Nguyễn Lam- Bí thư làm trưởng đoàn cùng với đồng chí Trần Vỹ – Chủ tịch Hà Nội vào trong đó thăm và nghiên cứu khảo sát. Đoàn tùy tùng, về cán bộ chuyên môn chỉ có một chuyên viên về công nghiệp và tôi về Kiến trúc, kiêm trách nhiệm phó đoàn. Chuyến đi cũng đã đáp ứng thông tin thiết thực cho những ý kiến của thành phố khi tham gia Đại hội Đảng lần thứ IV sau đó. Nghĩ lại, ấy cũng là một cách nhìn từ chính quyền, một sự tin cậy với Hội Kiến trúc sư chúng ta.
Đất nước thống nhất, cả nước sum họp, chuyện những người từng ở hai chiến tuyến gặp nhau, chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng, đơn giản. Nhưng lạ là ở đội ngũ kiến trúc thì thực sự là những ngày đầy hân hoan và chia sẻ. Các bác lớn tuổi tay bắt mặt mừng, họ sẵn cái vui thường tình của bạn đồng học, cả những anh chị em trẻ cũng rạo rực không kém dù họ chưa hề quen biết. Những kinh nghiệm có được ở trong Nam ngoài Bắc hầu như đều được cùng nhau trao đổi. Đây cũng là lúc, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam nắm bắt khá tốt những trăn trở chuyên môn của Hội viên. Bác Hoàng Như Tiếp, Chủ tịch Hội, một lần biết tôi đang thiết kế Cổng công viên Thống Nhất, đã vội vàng gửi cho tôi một viên ngói xinh xắn, dùng riêng cho Chùa Một Cột xây ở Sài Gòn trước giải phóng, do nhóm bạn của bác ở trong đó tặng, bác muốn tôi giữ để tham khảo. Viên ngói thật đẹp, gia công kỹ lưỡng như một món đồ mỹ nghệ, làm tôi thật sự xúc động.
Vâng, vẫn những tình tiết tản mạn như vậy, mà cứ làm tôi càng rõ  hơn: Sức mạnh có được của Hội ta là từ tính chất của thời đại, của dân tộc. Nhưng bên cạnh đó, quan trọng không kém – chính là sự quan tâm, vun trồng của những lớp đồng nghiệp đi trước và sự gắn bó trong gia đình lớn kiến trúc.
Giờ đây, sức ta đã mạnh, hội viên cũng nhiều lần đông hơn. Các thế hệ đàn anh chắc hẳn đang dõi theo chúng ta từng bước, mạnh mẽ hơn, bước vào thời kỳ hội nhập.
Tháng 3/2013
KTS. Lê Văn Lân
Thư của KTS Tạ Mỹ Duật viết cho tác giả
Ảnh 1: Thư giới thiệu của Đoàn KTS Việt Nam gửi Hội KTS Cộng hòa dân chủ Đức