Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo – Cộng hưởng cảm xúc và đam mê sáng tạo

Khi tiếng nhạc “Happy New Year” cất lên trong không gian rất đặc biệt của Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, đúng vào khoảnh khắc kết thúc show diễn ấn tượng “Video Concert Đại tượng”, sự kiện cuối cùng của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo thì chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm 2021. Những người trong khán phòng, đặc biệt là Ban tổ chức đã lặng người trong một cảm xúc khó phai: Chúng ta đã cùng nhau trải qua và làm nên một Tuần lễ kỳ diệu!

Năm 2021 đã kết thúc rất đẹp với một chương trình như thế – Dù vô vàn khó khăn nhưng chúng ta đã góp phần thổi một luồng gió mới cho một Di sản văn hoá – kiến trúc, đưa những tìm tòi đơn lẻ hoà vào nhịp đập sáng tạo chung của Thành phố. Và Tạp chí Kiến trúc – Tạp chí chuyên ngành của Hội KTS Việt Nam đã cùng các nghệ sĩ gõ mở cánh cửa của Ngôi đền Nghệ thuật và sáng tạo, gợi mở và kết nối – Để Kiến trúc giao hoà trong dòng chảy nghệ thuật, văn hoá và âm nhạc…

Gợi mở những hướng đi sáng tạo

Ý tưởng thực hiện Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo được bắt đầu khi Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội kết thúc. Từ tháng 10/2020, với sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam, Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp quốc (UNESCO), UBND quận Hoàn Kiếm, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE) phối hợp tổ chức cuộc thi nhằm phát huy ý tưởng sáng tạo của giới KTS, khai thác những tiềm năng của TP sáng tạo.

Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Văn hoá Thể thao thành phố Hà Nội, ông Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc, ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cùng đại diện các nhóm nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Ban tổ chức mong muốn tổ chức trao giải tại một không gian sáng tạo cụ thể, từ đó truyền cảm hứng cho giới trẻ trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo. Rất nhiều địa điểm được lựa chọn, đề xuất địa điểm 22 Hàng Buồm chính là KTS Đoàn Kỳ Thanh và KTS Nguyễn Hoàng Phương, người chủ trì việc cải tạo và bảo tồn di sản kiến trúc 22 Hàng Buồm.

Khi chúng tôi tới khảo sát đã ngay lập tức bị chinh phục bởi vẻ đẹp đến siêu thực của nơi này – Đó là một quần thể kiến trúc độc đáo mang tên Việt Đông Hội quán đã tồn tại cả trăm năm. Với diện tích lên tới 1800m2 , hơn 40 năm qua, không gian này chỉ được biết đến là trường Mẫu giáo Tuổi thơ, nay mới được trùng tu, trở về nguyên dạng với sự giao thoa của nhiều phong cách kiến trúc Hoa – Việt – Pháp… được ví như một “viên ngọc” mới được đánh thức giữa lòng phố cổ Hà Nội.

Lựa chọn được địa điểm mới chỉ là bước đầu tiên. Chương trình đã thực sự thành hình khi chúng tôi gặp Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn và mời được anh tham gia. Tôi vẫn nhớ, chúng tôi hẹn gặp anh Sơn tại quán cà phê nhỏ ở Hội KTS Việt Nam vào một ngày mưa tầm tã. Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn đã biết đến giá trị di sản văn hoá kiến trúc 22 Hàng Buồm từ trước đó. Vì thế, câu chuyện của chúng tôi đầy hào hứng với những chia sẻ về việc tổ chức một chương trình có sự phối hợp giữa Kiến trúc với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, tạo nên một hoạt động điểm nhấn của TP, một ví dụ sống động về sự hình thành, chuyển đổi và phát triển của không gian sáng tạo, tôn vinh sáng kiến của cộng đồng sáng tạo.

Phải nói rằng chúng tôi đã rất may mắn khi gặp được Nghệ sĩ Thế Sơn, vị Giám tuyển nghệ thuật tràn đầy nhiệt huyết đã giới thiệu chúng tôi với những nghệ sĩ cũng nhiệt tình không kém: Bà Laura Fontan, người vợ đã đồng hành và hoàn thiện bộ sưu tập cuối cùng của KTS, Nhà thiết kế Diego Cortiza – Thương hiệu thời trang Chu La; nhà thiết kế Vũ Thảo – Kilomet109; các hoạ sĩ: Nguyễn Đức Phương, Vũ Xuân Đông, Trần Hậu Yên Thế; nhà báo độc lập Trương Uyên Ly và các cộng sự của Hanoi Grapevine; các nhóm nghệ sĩ trẻ: Ngô Quốc Hoàng Anh, Triệu Minh Hải, Ngô Thu Hương… Bên cạnh đó, giới KTS cũng nhập cuộc không kém say mê, các KTS: Đoàn Kỳ Thanh, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Hà, Trần Thị Thanh Thuỷ, Vương Hải Long, Nguyễn Xuân Khôi… liên tục cập nhật chương trình. Các nhóm sinh viên kiến trúc cũng từng ngày mê mải với những đồ án, mô hình kiến trúc của Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội và những workshop tiếp nối.

Điều may mắn nữa là kế hoạch tổ chức Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo nhận được sự ủng hộ và đồng hành của lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, Hội KTS Việt Nam, Unesco, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, UN-Habitat, Sovico… và nhiều đối tác quan trọng khác. Xin được cảm ơn những nghệ sĩ, những mối duyên lành đã dẫn dắt chúng ta cùng nhau đến Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo với sự gợi mở, với nhiều dòng chảy đam mê và nhiệt tình như thế!

Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo nhận được sự ủng hộ và đồng hành của lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, Hội KTS Việt Nam, Unesco, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, UN – Habitat, Sovico… và nhiều đối tác quan trọng khác

Sắc màu văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại

Triển lãm "Xem đêm" - Sắp đặt Dãi thẻ - KTS Nguyễn Hà, Hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương
Triển lãm “Xem đêm” – Sắp đặt Dãi thẻ – KTS Nguyễn Hà, Hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương

Ngay khi bước qua hàng rào gỗ thanh lịch của Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, mọi người sẽ đến với tác phẩm sắp đặt đầu tiên – Biển phố Hàng Buồm, tác phẩm được giới báo chí ưu ái gọi là: “Một chỉ dẫn lịch sử thơ mộng và xác quyết”. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại, Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế kỳ vọng biển phố Hàng Buồm có thể ngay lập tức kết nối những người đến đây với lịch sử của phố phường, của Hà Nội.

Triển lãm "Phiêu diêu" - Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Quang Thắng
Triển lãm “Phiêu diêu” – Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Quang Thắng

Không gian triển lãm chính trưng bày các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội được nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn – Nguyễn Đức Phương đề xuất dựa trên quan điểm tôn trọng tối đa không gian kiến trúc, sử dụng các vật liệu tự nhiên, truyền tải thông điệp về sự sáng tạo trên cơ sở phát huy các giá trị truyền thống. Khác với những cuộc triển lãm kiến trúc thông thường, ở đây, các phương án được bồi trên giấy lụa, cuốn trục chỉ như những bức tranh thuỷ mặc trên nền vải ta nhuộm màu đất, vừa tôn thêm vẻ đẹp của các phương án kiến trúc, vừa tạo ra sự “đối thoại”, tương tác với không gian hội quán.

Không gian trưng bày hiện vật: Ký ức - 22 Hàng Buồm
Không gian trưng bày hiện vật: Ký ức – 22 Hàng Buồm

Điểm nhấn trong không gian chính là sân khấu được đắp đất với tỷ lệ hài hoà, dường như thuộc về chính nơi này. Trên sân khấu chỉ treo duy nhất logo của chương trình (logo tạo hình chữ S trên nền chỉ mảnh, như đang dệt từng sợi, khơi nguồn mạch chảy sáng tạo do nhóm thiết kế của Nguyễn Huyền Châu – Công ty Sáng tạo Vạn Hoa cùng các nghệ sĩ cùng thực hiện), được lồng trong khuôn hình mặt trăng luôn phát sáng, lại có một không gian sắp đặt “Dãi thẻ – Xem đêm” làm nền phía sau, tạo thành một sân khấu ấn tượng và huyền ảo đến không ngờ. Sự sắp đặt ấy đem đến những cảm xúc đặc biệt cho người xem, dường như sự sáng tạo dù luôn phát sáng để ta ngưỡng mộ, nhưng lại đến từ những điều nhỏ nhặt quanh ta – Từ sợi chỉ mảnh như tiếng tơ, đến màu đất trầm ấm, đến vầng trăng treo phía xa, và đâu đó đều có bóng dáng những người nghệ sĩ trầm mặc mà cần mẫn…

Triển lãm thư pháp chữ nôm “Phiêu diêu” của các nghệ sĩ, cũng là những nhà nghiên cứu Hán Nôm: Thiền Phong – Phạm Văn Tuấn và Ân Xuyên – Nguyễn Đức Thắng trưng bày những bức thư pháp được viết trên giấy xuyến chỉ, đắp bồi những lớp màu đất thuần Việt. Màn trình diễn thư pháp “Rồng rắn lên mây” của hai nghệ sĩ viết hoàn toàn bằng chữ Nôm, ngôn ngữ sáng tạo của người Việt, thể hiện lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Câu đồng dao xưa dường như được mang một ý nghĩa mới về sự đoàn kết và tương trợ, lại ẩn hiện tư thế kiêu hãnh tựa rồng bay lên của truyền thuyết về Thăng Long – Hà Nội.

Không gian tranh kí hoạ lãng mạn về Hà Nội của nhóm Urban Sketcher Hà Nội, và những bức vẽ trên công nghệ 3D của Cuộc thi “Hà Nội Là…” đã trở thành nơi dừng chân thu hút biết bao bạn trẻ. Những nhận xét thú vị, và sự hưởng ứng nồng nhiệt của các bạn trẻ khi tới 22 Hàng Buồm thật khiến cho chúng tôi xúc động!

Một trong những không gian được thu hút sự chú ý của các bạn trẻ và đông đảo người dân Hà Nội là Phòng trưng bày Ký ức và hiện vật số 22 Hàng Buồm – được thực hiện bởi nhóm nghệ sỹ: Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông và KTS Nguyễn Hoàng Phương. Người KTS đã nhặt nhạnh ký ức và hiện vật, với sự sắp đặt lớp lang đầy dụng ý của các nghệ sĩ, những mảnh vụn của lịch sử cũng trở nên lấp lánh, vẻ đẹp dưới lớp trầm tích thời gian tưởng như tình cờ mà đầy ngụ ý, dung dị mà sâu lắng.

Phòng trưng bày và trải nghiệm thực tế ảo Holomia lại mang tới một cảm nhận hoàn toàn khác: Vượt qua dịch bệnh covid và sự xa cách địa lý, Holomia với công nghệ Metaverse sẽ mở ra một không gian ảo trưng bày các sản phẩm văn hoá, kiến trúc, sáng tạo đổi mới. Mọi người không chỉ ngắm nhìn mà còn có thể bước đi, cầm nắm vật thể ảo và có những cảm xúc đặc biệt với những trải nghiệm của tương lai: Virtual Expo, triển lãm 16 phương án đạt giải cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội; tham quan phố cổ Hội An, tham quan di sản kiến trúc và tham gia những trò chơi công nghệ ảo. Với triển lãm lần này, công nghệ không chỉ là điểm nhấn mà thực sự trở thành một chủ thể quan trọng trong hành trình sáng tạo.

Nhìn lại cả một quãng thời gian bận rộn chuẩn bị, gặp gỡ các nhóm nghệ thuật, các nhóm tác giả, chúng tôi như thấy mình đã trải qua một giấc mơ. Và điều hạnh phúc nhất là giấc mơ đã trở thành sự thật. Với sự đồng hành của bao người, từ những nghệ sĩ tâm huyết đến đội ngũ hỗ trợ truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật nhiệt tâm của Dương Gia Media, đến những cô lễ tân thanh lịch của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội… Tất cả đã cùng nhau làm nên một Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, một cuộc đối thoại đa chiều hấp dẫn giữa các ngành nghệ thuật sáng tạo với một nơi chốn, một không gian thấm đẫm tính giao thoa văn hoá, kiến trúc và nghệ thuật.

Hành trình “Tìm” và “Thấy”

Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ đã có hơn 20 sự kiện, không gian triển lãm và trình diễn. Với sự kết nối và giới thiệu của Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, chúng tôi đã tìm tới những nhóm nghệ sỹ trẻ, đam mê tìm hiểu và khai thác, thử nghiệm các giá trị truyền thống trên một phông nền mới, công nghệ và cách nhìn mới. Màn trình diễn thời trang Nhị Hà Flow của 2 nhà thiết kế Chu la và Vũ Thảo đã giới thiệu những bộ trang phục đậm nét Hà Nội được làm từ những chất liệu độc đáo, với các kỹ nghệ tạo tác thủ công đa dạng, đến từ nhiều vùng miền khác nhau.

Trình diễn thư pháp Rồng Rắn lên mây
Trình diễn thư pháp Rồng Rắn lên mây

Nhóm Nghệ thuật Đàn đó kết hợp nhiều dòng nhạc: Tiếng saxophone của Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, tiếng guitar bass, beatbox và loopstation của hai nghệ sĩ nhóm nhạc Limebocx.. hoà nhịp với âm thanh mộc mạc, tự nhiên của Đàn Đó đã làm nên một màn biểu diễn “Được Đó” tràn đầy năng lượng tích cực, mang lại cho khán giả một trải nghiệm âm nhạc mới mẻ, kết nối quá khứ – hiện tại và tương lai, tương tác giữa âm hưởng dân gian và nhạc cụ hiện đại…

Hoà nhạc Đàn Đó
Hoà nhạc Đàn Đó

Tiếp đó, vở diễn Cõi Thinh Không, thông qua sự phối hợp nhuần nhuyễn của thế hệ nghệ sĩ già và giới trẻ, cùng nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới, truyền tải những ý tưởng sáng tạo, khai thác giá trị truyền thống của nghệ thuật tuồng trong ứng dụng nhạc cụ và nghệ thuật trình diễn hiện đại.

Và cuối cùng, bạn đã từng nghe Chầu văn được thể hiện trên nhạc cụ Piano và Violin?- Màn trình diễn đầy ngẫu hứng của các Nghệ sỹ trong show diễn Hoà nhạc – Video art Đại tượng đã tạo ra những cảm xúc khó quên đối với khán giả khi họ được tham gia vào cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nền văn hoá Đông – Tây.

Hoà nhạc -Video Art Đại Tượng
Hoà nhạc -Video Art Đại Tượng

Các nhóm nghệ sĩ đã say mê luyện tập suốt 2 tháng trời, những màn trình diễn đều được xây dựng riêng cho chương trình. Trong thời gian ngắn, vừa luyện tập, vừa lên kịch bản, vừa tìm tòi những cách thể hiện mới… vất vả là thế nhưng các nghệ sĩ luôn tràn đầy hứng khởi và đam mê. Nghệ sỹ Nguyễn Đức Minh – nhóm Đàn đó cho biết: “Đến với Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, chúng tôi muốn lan toả những giá trị nhóm đã Tìm và Thấy trong 10 năm thực hành nghệ thuật: “Tìm” một hướng đi, một con đường, một cách tư duy mới; đồng thời, qua đó, chúng tôi “Thấy” di sản cha ông để lại, chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm và tìm cách lưu giữ chúng”.

Có lẽ đó cũng là những thông điệp chung mà các nhóm nghệ thuật gửi gắm qua các chương trình của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021.

Những thông điệp khơi nguồn sáng tạo…

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh trong số 246 TP tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu. Các TP tham gia Mạng lưới đều cam kết đặt sáng tạo văn hoá, phát triển nguồn lực văn hoá làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững. Có thể nói Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo đã tạo ra nền tảng, kết nối những nguồn lực văn hoá, tạo đà cho những bước tiến của Hà Nội trên lộ trình trở thành trung tâm văn hoá sáng tạo của Khu vực và thế giới.

Là người tâm huyết với dự án xây dựng TP Sáng tạo từ những ngày đầu tiên, bà Phạm Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hoá VP UNESCO Hà Nội chia sẻ: “Với những chương trình ấn tượng của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, chúng ta được biết những nhóm nghệ thuật có thể nói là tiềm ẩn -“underground”, tiếp cận các sáng kiến mới của giới trẻ và những người làm nghệ thuật. Đây chính là nguồn lực lớn đóng góp vào việc hình thành Hà Nội – TP Sáng tạo”.

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng Ban Văn hoá Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng viện Khoa học Công nghệ VINA SA, Thạc sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh – Phó Giám đốc văn phòng 1 + 1 > 2, Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà thiết kế Vũ Thảo – Giám đốc sáng tạo Kilomet 109. và điều phối tọa đàm: TS.KTS Nguyễn Quang.

Những toạ đàm cởi mở với nội dung thiết thực, sự chia sẻ thẳng thắn của các diễn giả đã đem lại những góc nhìn đa chiều, thú vị về kinh tế sáng tạo, thể hiện những quan điểm mới từ các cấp quản lý, các doanh nghiệp đến các nghệ sỹ và cộng đồng. Tại Toạ đàm mở màn “Khơi nguồn sáng tạo 2021”, Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Di sản Sở VHTT Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, NTK Vũ Thảo – Giám đốc nghệ thuật Kilomet 109, KTS Nguyễn Duy Thanh – VP Kiến trúc 1+1 >2 là những diễn giả đầu tiên đã đưa ra những quan điểm mới về tiếp cận kinh tế sáng tạo – Từ khoá được đề xuất ở đây chính là “Kết nối”: Sự hỗ trợ của công nghệ sẽ tạo ra cơ hội nhiều hơn cho văn hoá, nghệ thuật khởi sắc. Quan trọng hơn cả, việc kết nối và đổi mới phải đến từ nhiều phía, đặc biệt là từ những nhà quản lý, để Hà Nội có thể chủ động tạo ra môi trường thể chế/ chính sách thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo, tạo ra giá trị văn hoá mới…

Tọa đàm: “Di sản đô thị – Duy trì và phát triển tiếp nối” với sự tham gia của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính; ThS.KTS Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương – Ban quản lý Phố cổ Hà Nội (Từ phải sang trái)

GS. KTS Hoàng Đạo Kính trong Toạ đàm “Di sản đô thị – Duy trì và phát triển tiếp nối” đã truyền cảm hứng cho những người làm công tác bảo tồn, trùng tu di sản. Rất cần sự chung tay của những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, những KTS tiên phong và sự tham gia từ cộng đồng – Đó cũng chính là điều TS. KTS Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm tâm đắc và hướng tới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn Quận trong tương lai…

Toạ đàm “Đầu tư vào Không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế?”

Tại toạ đàm “Đầu tư vào Không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế?”, Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch VNDirect (nhà đầu tư dự án Toà nhà 19 Trúc Khê, phương án đạt giải Nhất Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội) đã chia sẻ những quan điểm rất mới của nhà đầu tư: “Một chủ đầu tư không nhìn vào dự án bằng công thức tính giá trị vật lý hiện hữu mà bằng công thức kinh tế giá trị, mỗi bước đi đều phải tạo ra một giá trị kinh tế mới. Cách tư duy như thế khiến cho toà nhà rất thực tế chứ không phải viển vông.” Điều này đã được khẳng định từ góc nhìn của các KTS thiết kế – KTS Nguyễn Hà, KTS Đoàn Kỳ Thanh và các cộng sự không chỉ thiết kế một toà nhà mà còn đồng thời thúc đẩy sự hình thành của một hệ sinh thái sáng tạo với sự tương tác hiệu quả của các ngành nghề và lĩnh vực, vượt ra khỏi khuôn mẫu thông thường của một dự án kiến trúc. Cùng với dự án này, việc hiện thực hoá ý tưởng thiết kế trong thực tế đã đưa Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc thi kiến trúc thông thường, trở thành điểm sáng cần được nhân rộng trong quá trình phát triển bền vững và sáng tạo của Hà Nội.

Và những ngày tiếp sau, 22 Hàng Buồm đã trở thành Diễn đàn của nhiều giới, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nơi sinh viên kiến trúc, thanh niên Hà Nội, giới sáng tạo trẻ tự hào chia sẻ những sáng kiến của mình. Anh Lê Quốc Vinh – Giám đốc Công ty truyền thông Le Bros còn có cảm giác như được trẻ lại khi chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình trên Diễn đàn đặc biệt này: “Tôi cảm thấy tự hào khi được nói chuyện trên sân khấu này, như một TED TALK của Việt Nam vậy”.

Trình diễn thời trang Nhị Hà Flow
Trình diễn thời trang Nhị Hà Flow

Với nội dung phong phú, những cuộc toạ đàm trong khuôn khổ chương trình đã cùng bàn luận về những điều giản dị, sáng tạo như thể cuộc sống vốn vậy, chính là vậy. Toạ đàm “Thư pháp trong cuộc sống đương đại” đem đến những nội dung gần gũi: Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại, thư pháp không phải điều quá xa vời, nghệ thuật chính là cuộc sống quanh ta. Chữ Nôm cũng không quá khó, bạn có thể ứng dụng đơn giản như việc đặt tên con, thể hiện quan điểm cuộc sống…

Một trong những thông điệp quan trọng của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo được đông đảo công chúng đón nhận chính là: Văn hoá kiến tạo tương lai. Toạ đàm “Đa dạng văn hoá – Nền tảng cho sự sáng tạo nghệ thuật”, Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, TS Phạm Long và Nhà văn – KTS Nguyễn Trương Quý đã giới thiệu tác phẩm “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía phác”, bàn luận và thống nhất quan điểm: Sự tiếp nhận những giá trị văn hoá khác nhau, tôn trọng sự khác biệt, sẽ góp phần phát huy và tôn vinh những giá trị sáng tạo. Đây cũng là ý nghĩa của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo: Giới thiệu và tôn vinh những sáng tạo mới trong sự đa dạng văn hoá, từ đó khơi nguồn, hướng công chúng tới cách tiếp cận văn hoá truyền thống một cách cởi mở, sáng tạo và nhân văn.

… Và dư âm của “Tuần lễ kỳ diệu”

Những người trẻ đã gọi Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo như thế. Những người già cũng tìm thấy ký ức của mình ở đây. Chúng tôi đã thật cảm động khi gặp những thế hệ cô giáo và học sinh của trường Mẫu giáo Tuổi thơ về thăm trường cũ, nay đã trở thành một không gian sáng tạo mới. Một thế hệ những “mầm non” của Cung Thiếu nhi Hà Nội xưa đã đến tham quan và chia sẻ ý tưởng ra đời một cuốn sách đặc biệt, kể những câu chuyện đặc biệt của thế hệ mình…

Workdshop: Sinh viên sáng tạo "Sức sống mới cho không gian xưa cũ" - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Workdshop: Sinh viên sáng tạo “Sức sống mới cho không gian xưa cũ” – Trường ĐH Kiến
trúc Hà Nội

Tuần lễ kỳ diệu đã khép lại nhưng Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm vẫn đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của công chúng, trở thành điểm check in thú vị, cuốn hút giới trẻ đến tham quan các không gian triển lãm và sắp đặt nghệ thuật.

Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Văn hoá Thể thao thành phố Hà Nội

Tại Lễ Khai mạc, Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội đã khẳng định: “Đây sẽ là sự kiện được tổ chức thường niên, tạo thành chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật nhằm tạo ra cơ hội trao đổi, thúc đẩy hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế để phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng Thành phố sáng tạo”.

Ông Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc

TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tại chương trình bế mạc Tuần lễ đã chia sẻ: “Chúng ta đã tạo nên sự kết nối, lan toả tinh thần sáng tạo và tác phẩm mới đến với công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô. Điều này không chỉ mang lại sức sống mới cho di sản kiến trúc mà còn cho chính cuộc sống của chúng ta. Đó sẽ là những hình ảnh đẹp, những điều thú vị mà chúng ta mang đến với thế giới, hình ảnh của một đất nước Việt Nam giàu truyền thống và hiện đại

Khi được hỏi: “Điều gì ấn tượng nhất trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo?” – Chắc hẳn mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình. Đối với chúng tôi, những người làm chương trình – Đó chính là niềm hạnh phúc từ sự Kết nối, giao lưu và lan toả những giá trị sáng tạo trong nhiều lĩnh vực: Bảo tồn Di sản – Nghệ thuật và Kiến trúc, Đam mê – Khởi nghiệp và Phát triển.

Còn với các bạn thì sao? – Có lẽ câu trả lời sẽ rõ ràng hơn ở Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2022. Xin được hẹn gặp lại và chào đón năm 2022 với những trải nghiệm Không – bao – giờ – quên!

Bùi Thanh Hương – Lê Bích Vượng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)