Bảo tồn cảnh quan kiến trúc hiện đại – Bài học từ Incheon, Hàn Quốc

Incheon nằm cách Seoul 28 km, khởi nguồn là thành phố cảng đa văn hóa từ năm 1883. Jung-gu là trung tâm chính trị và ngoại giao của thành phố, nơi đầu tiên được áp dụng quy hoạch đô thị, bao gồm các khu định cư cho người Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, và Nga. Cho đến nay, nhà ở, các lô đất, các ngõ hẻm vẫn được giữ nguyên vẹn. Đây cũng là nơi xây dựng Công viên Tự do, công viên hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc. Các tài nguyên văn hoá và nghệ thuật đặc trưng cho khu vực Jung-gu được kết nối như các nguồn lực chính để phát triển thành phố. Tuy nhiên, do việc di chuyển các trụ sở vào năm 1986, khu vực này mất dần vị trí trung tâm, dẫn đến tình trạng ảm đạm, suy thoái. Nhiều di tích lịch sử và di sản văn hoá hiện đại bị hư hỏng, hoặc bị phá hủy. Hơn 30% các công trình kiến trúc hiện đại của Jung-gu bị bỏ hoang, dẫn đến việc hình thành những khu nhà ổ chuột.

CÁC CHÍNH SÁCH VÀ KẾ HOẠCH BẢO TỒN

1. Những thay đổi trong các chính sách phát triển Jung-gu

Kế hoạch tổng thể và các chính sách về bảo tồn Jung-gu, sử dụng môi trường lịch sử hiện đại được bắt đầu vào năm 2001. Ban đầu, kế hoạch này tập trung vào việc sử dụng các công trình cho mục đích du lịch (Quy hoạch phân khu du lịch). Sau này, quy hoạch phân khu cho khu vực kiến trúc hiện đại đặc trưng (Tháng 10/2001), và quy hoạch khu vực Cảng mở đã được thực hiện (tháng 5 năm 2003) bao gồm các quy hoạch chi tiết cho lô đất, công năng, kích thước, hình dạng và diện mạo của tòa nhà, bảo tồn điểm, tuyến và khu vực, kiểm soát phát triển, bảo tồn cấu trúc đô thị.

Bản đồ Incheon và vị trí các khu vực dành cho người nước ngoài

2. Phát triển chính sách phục hồi của địa phương

Vị trí của một số dự án chính

Năm 2006, để phát triển khu phố Chinatown – Incheon thành điểm thu hút du khách, “Chỉ định phát triển Jung-gu Chinatown như một Khu kinh tế đặc biệt” được thực hiện. Chương trình bao gồm việc tu sửa các công trình kiến trúc Trung Quốc hiện đại (xác định tiêu chuẩn lựa chọn, cơ chế bảo tồn, kế hoạch tài chính, cách thức tổ chức), xây dựng các bãi đỗ xe công, sử dụng môi trường văn hoá của ngôi làng Trung Quốc, và mở rộng khu vực ăn uống truyền thống. Khu vực này đã được chỉ định là một quận văn hoá. Thông qua các cơ sở văn hoá và các dự án có liên quan, khu vực này đã phát triển và giới thiệu được nền văn hóa và nghệ thuật của Incheon. Theo đó, chính quyền thành phố Incheon và chính quyền địa phương Jung-gu đang thực hiện các dự án tái sinh tại cảng mở và các khu vực xung quanh. Chính phủ cũng đang có chế độ ưu đãi thu hút đầu tư, đồng thời hạn chế sự phát triển quá mức của các khu vực xung quanh. Kế hoạch quản lý cho khu văn hoá cảng mở Incheon tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ và lựa chọn các thủ tục cho các dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Ngoài ra, chính quyền địa phương khuyến khích sự tham gia của người dân vào dự án. Nhiều chính sách ưu đãi đã được áp dụng để đảm bảo rằng nguồn tài nguyên lịch sử và văn hoá hiện đại được duy trì như là việc khấu trừ thuế, chi trả phí sửa chữa và cung cấp các gói vay cho việc sử dụng kiến trúc hiện đại.

Sử dụng kiến trúc hiện đại (Chi nhánh Incheon của Ngân hàng Nhật Bản số 18, Câu lạc bộ Jemulpo, Chi nhánh Incheon của Ngân hàng Nhật Bản số 1)

CÁC DỰ ÁN CHÍNH

1. Sử dụng kiến trúc hiện đại:

Dự án bảo tồn kiến trúc hiện đại được xem là dự án cốt lõi để đẩy mạnh giá trị lịch sử và danh tính của khu văn hoá cảng mở Incheon và đã mang lại kết quả tích cực. Số lượng các dự án mua lại và chuyển đổi đang gia tăng. Những nỗ lực này đảm bảo việc bảo tồn cảnh quan văn hoá của thành phố Incheon và làm nổi bật những giá trị riêng của khu vực. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tập trung vào việc duy trì các cơ sở hạ tầng đô thị cũ, bổ sung thêm các cơ sở hướng dẫn du lịch (trung tâm thông tin) và các cửa hàng lưu niệm, triển lãm cho khách du lịch.

Ví dụ, thông qua dự án tu sửa, Chi nhánh Incheon của Ngân hàng Nhật Bản số 18 đang được sử dụng thành Triển lãm Kiến trúc hiện đại Incheon, nơi trưng bày đồ hoạ và mô hình thu nhỏ của kiến trúc hiện đại. Nhiều chuyên gia và du khách nhận thấy những nỗ lực này là một cách hiệu quả để khai thác và sử dụng không gian. Câu lạc bộ Jemulpo được sửa thành quán cà phê văn hoá, nơi các cuộc triển lãm và các sự kiện văn hoá khác nhau được tổ chức. Chi nhánh Incheon của Ngân hàng Nhật Bản số 1 đã được cải tạo thành “Bảo tàng Cảng Mở Incheon”, nhằm quảng bá và cung cấp kiến thức cho những người quan tâm đến đặc điểm lịch sử của cảng mở.

2. Biến Chinatown thành điểm đến hấp dẫn

Incheon Chinatown, được thành lập vào năm 1883 sau khi bến cảng mở ra, đã từng phát triển với dân số 20.000 người trong thời gian cao điểm. Vào những năm 1970, do các vấn đề liên quan đến chính sách sở hữu đất đai, và số lượng cư dân giảm xuống còn 500. Ngày nay, khu vực này đang trở thành một trong những điểm đến thu hút của Incheon. Kể từ khi ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được bình thường hóa vào năm 1992, và Chinatown được chỉ định là một khu du lịch chuyên biệt vào năm 2001, khu phố đã thu hút được cả du khách trong nước và quốc tế. Ở đây, không gian sống của Trung Quốc được chỉnh trang: Một trường học Trung Quốc, Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc, một ngôi đền truyền thống, nhà hàng Trung Quốc, và các cửa hàng… Từ năm 2002 đến năm 2006, giai đoạn đầu của dự án đưa khu phố Chinatown của Incheon trở thành điểm đến hấp dẫn bằng cách sử dụng môi trường vật thể của khu vực (Hình 4-7). Đầu tiên, chính quyền địa phương Jung-gu đã cải tạo kiến trúc, trang trí đường phố với đèn đường và đồ trang trí Trung Quốc. Hơn nữa, cảnh quan thị giác mới được tạo ra thông qua sự nỗ lực của chính quyền địa phương Incheon và Jung – gu. Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc -Trung Quốc bao gồm một tầng hầm và năm tầng nổi được xây dựng như là một cơ sở tổ chức nghệ thuật. Hanjoongwon được tạo ra theo một phong cách vườn Trung Quốc nhằm thiết lập hạ tầng cho nền văn hoá Trung Quốc. Vào năm 2012, “Bảo tàng Mỳ đen “ được xây dựng trên địa điểm nơi nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng đã từng đặt ở đó (Hình 8). Khu phố Chinatown của Incheon đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng, thu hút số lượng khách đông đảo hàng năm.

KẾT LUẬN

Từ kinh nghiệm của Incheon, bài học kinh nghiệm được rút ra như sau:

a. Bảo tồn các đặc tính lịch sử hiện đại và mở rộng kế hoạch sử dụng. Bắt nguồn từ việc nhận diện kiến trúc hiện đại là tài nguyên lịch sử của đô thị. Các khu vực lịch sử hiện đại cần được bảo tồn và sử dụng bằng cách mở rộng các mục tiêu và sử dụng linh hoạt.

b. Thúc đẩy sự tham gia của người dân

Mặc dù hỗ trợ hành chính là cần thiết, để thực hiện việc bảo tồn thành công, tuy nhiên điều quan trọng nhất lại là thúc đẩy sự tham gia của người dân và các nhóm xã hội. Một hội thảo về thiết kế hay diễn đàn là cần thiết để tạo ra cơ hội giao tiếp và thiết lập một hệ thống hợp tác giữa công dân, chính phủ và giới học thuật. Song song với nó, một hệ thống kết nối các nhóm dân cư của khu vực với chính quyền cần được thiết lập để tạo điều kiện cho việc thảo luận và hợp tác về phát triển khu vực.

TS. KTS Lê Quỳnh Chi – ThS. KTS Nguyễn Thu Hương

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017)

–––––––––––––––––––––––––––––––––

  • Tài liệu tham khảo
  • Thành phố Incheon (2001). Kế hoạch phát triển cho khu vực Kiến trúc cận đại. Thành phố thủ đô Incheon.
  • Thành phố Thủ đô Incheon (2011). Kế hoạch quản lý văn hoá huyện. Thành phố thủ đô Incheon.
  • Thị trấn Incheon Trung Quốc.Korean. Http://www.ichinatown.or.kr.
  • Thành phố Incheon city.Korean. Http://www.icheon.go.kr.